2007-10-30 16:52:44

Tình hình các Giáo Hội Kitô tại bán đảo A Rập


Một số nhận định của Đức Cha Bernardo Gremoli, Giảm Quản Tông Tòa bán đảo A rập về tình hình các Giáo Hội Kitô tại đây

Chiều ngày 23-10-2007, Trung Tâm Văn Hóa Milano bắc Italia, đã tổ chức buổi lễ giới thiệu cuốn sách tựa đề ”Các anh chị em bị lãng quên. Hành trình giữa các Kitô hữu vùng Trung Đông”. Trong số các người tham dự và phát biểu có cha Pierbattista Pizzaballa, Bề Trên Tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn Thánh Địa và cha Coordina Roberto Fontolan, Giám đốc nguyệt san ”Thánh Địa”, tác giả cuốn sách.

Công tác tông đồ mục vụ cho tín hữu công giáo sống tại bán đảo A Rập bao gồm nhiều quốc gia, do Tòa Giám Quản A Rập có trụ sở tại Eden, thủ đô Yemen, phối hợp.

Trước hết là A rập Sauđi, rộng 2 triệu 248 ngàn cây số vuông với hơn 22,7 triệu dân, 93,7% theo Hồi giáo. Các tín hữu Kitô chiếm 3,7%, còn lại 2,6% theo các tôn giáo khác. Các thống kê năm 2004 cho biết có 801.000 người công giáo.

Tiếp đến là các Tiểu Vương A Rập thống nhất rộng 83.600 cây số vuông với hơn 4,3 triệu dân, 75,6% theo Hồi giáo, 11,1% theo Kitô giáo, 7,6% theo Ấn giáo, và 5.7% thuộc các tôn giáo khác. Tín hữu công giáo được khoảng 356.000 người.

Thứ ba là nước Oman rộng 309.500 cây số vuông, với 2 triệu 400 ngàn dân, 87,4% theo Hồi giáo, 4,9% theo Kitô giáo, 5,7% theo Ấn giáo, 2% theo các tôn giáo khác. Có 11.000 tín hữu công giáo.

Thứ bốn là nước Qatar rộng 11.427 cây số vuông với 744 ngàn dân, 82,7% theo Hồi giáo, 10,4% theo Kitô giáo, 2,5% theo Ấn giáo, 4,4% theo các tôn giáo khác. Tín hữu công giáo đươc 50.000 người.

Thứ năm là nước Barhein rộng 684 cây số vuông có 744 ngàn dân, 82,4% theo Hồi giáo, 10,5% theo Kitô giáo, 6,3% theo Ấn giáo, 0,8% theo các tôn giáo khác. Tín hữu công giáo được 30.000 người.

Thứ sáu là nước Yemen rộng 472.000 cây số vuông, với hơn 19,7 triệu dân, 98,7% theo Hồi giáo, 0,2% theo Kitô giáo, 0,9% theo Ấn giáo, 0,2% theo các tôn giáo khác. Tín hữu công giáo được 4.000 người.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị một số nhận định của Đức Cha Bernardo Gremoli, dòng Capucino, nguyên Giám quản tông tòa bán đảo Arập về tình hình các Giáo Hội tại đây.

Đức Cha Gremoli đã trông coi tín hữu Kitô sống tại nhiều vùng trong bán đảo A Rập và là chứng nhân việc khai sinh ra Giáo Hội đa chủng tộc này. Đức Cha đã từng là Giám Quản vùng A Rập trong nhiều thập niên. Sinh trưởng tại Poppi, tỉnh Arezzo, trung Italia năm 1928, gia nhập dòng Capucino và thụ phong Linh Mục năm 1951, cha Gremoli đã tới làm việc tại bán đảo A rập năm 1976.

Trong 30 năm qua Đức Cha đã nắm giữ vai trò quan trọng, vì với sự nồng hậu và tính kiên nhẫn Đức Cha đã có các liên lạc với các giới chức A rập và hồi giáo, bảo đảm cho công tác tông đồ mục vụ của một Giáo Hội bao gồm các anh chị em di cư từ khắp nơi đến làm việc trong các vương quốc A Rập.

Hỏi: Thưa Đc Cha Gremoli, Đc Cha đã đến bán đảo A rập trong tình trạng như thế nào?

Đáp: Khi tôi tới các vương quốc A Rập tình hình lúc đó khó khăn, vì vị Giám Quản Tông Tòa trước tôi đã bị trục xuất khỏi tòa Giám Quản tại thành phố Eden. Số linh mục chỉ được 11 vị. Các nhà thờ thì qúa ít không đủ. Lúc đó lại là thời gian kỹ nghệ khai thác dầu hỏa đang lên cao. Có hàng chục ngàn công nhân từ khắp nơi trên thế giới đến làm việc cho các hãng khai thác dầu hỏa và các hãng xưởng xây cất. Tôi đã lập tức kêu gọi các linh mục dòng capucino cũng như các dòng tu khác đến làm việc, kể cả trong một thời gian ngắn, tùy ý các vị.

Trong số các công nhân trẻ đến làm việc tại đây cũng có những người cảm thấy tiếng Chúa gọi. Tôi đã gửi 7 người đi học ở nước ngoài và cả 7 đều đã trở thành linh mục và trở về làm việc tại đây. Khi tôi tới bán đảo A rập năm 1976 số tín hữu công giáo chỉ được khoảng 200.000 người. Ngày nay tuy không có thống kê chính xác nhưng người ta nói có ít nhất 1,5 triệu người công giáo. Nhưng mà tôi tin chắc là số tín hữu công giáo ít nhất lên tới 3 triệu. Có một lần chúng tôi đã làm một cuộc thăm dò sau thánh lễ Chúa Nhật và nhận thấy tín hữu tham dự thánh lễ thuộc 93 quốc tịch khác nhau. Đa số là người ấn Độ và Phi Luật Tân.
 
Hỏi: Liên quan tới các nơi th phượng thì sao thưa Đức Cha?

Đáp: Đây là một vấn đề phức tạp. Đã cần phải có rất nhiều kiên nhẫn và một chút ngoại giao. Tôi đã thành công trong việc xin được giấy phép và đất để xây các nhà thờ và trường học. Đôi khi phải đợi chờ tới 4 hay 8 năm mới được trả lời. Nhưng sau cùng phải nói rằng các kết quả đạt được đã vượt qúa điều chúng tôi chờ đợi và mong ước. Phải ghi nhận sự kiện các tín hữu công giáo sống tại các Tiểu Vương Quốc A Rập đã luôn luôn dấn thân tuân giữ các luật lệ của việc chung sống và đã cho thấy lòng sùng đạo gây ấn tượng mạnh cho các giới chức địa phương. Vì thế sau 30 năm Tòa Giám Quản bán đảo A rập đã có thể xây 11 nhà thờ và nhà xứ, tất cả trên các vùng đất do chính quyền cấp phát một cách nhưng không. Đa số các nhà thờ là ở trong các Tiểu Vương Quốc A rập. Nhưng cũng có 4 nhà thờ được xây cất tại Oman, nơi trước đây không có một nhà thờ nào. Tại Barhein có một nhà thờ, nhưng hiện nay không còn đủ chỗ cho tín hữu nữa, vì qúa nhỏ. Hiện chúng tôi cũng đang xây một nhà thờ khác tại Qatar. Cũng giống như tại A rập Sauđi, tại Qatar tín hữu hồi theo phái ”wahabbit”, rất là chính thống.

Hỏi: Tình hình Giáo Hội tại A rập Sauđi thì ra sao thưa Đức Cha?

Đáp: Tương quan với chính quyền A Rập Sauđi có nhiều khó khăn và đau đớn, vì nước A Rập Sauđi hoàn toàn vô cảm trước bất cứ diễn văn nào liên quan tới tự do tôn giáo. Phân nửa tổng số tín hữu Kitô bán đảo A rập sống tại A Rập Sauđi, nhưng họ lại không thể công khai tuyên xưng và sống niềm tin của mình một cách hợp pháp. Có thể so sánh tình trạng sống của tín hữu tại A rập Sauđi với tình trạng của Giáo Hội hầm trú xưa kia. Chính quyền nước này không chính thức chấp nhận các linh mục, không cho phép công khai cử hành thánh lễ, ngoại trừ trong các tòa đại sứ. Các tín hữu công giáo chỉ có thể cầu nguyện tại nhà tư.

Chính quyền A rập Sauđi cũng cấm mọi việc tụ tập nhau để cầu nguyện. Giữa các năm 1979 đến 1885 một vài linh mục ở A rập Sauđi dưới dạng thức công nhân của một vài hãng xưởng đã bị khám phá ra, bị bắt giữ, bỏ tù và trục xuất. Các Kitô hữu bị bắt gặp đang cùng nhau cầu nguyện cũng chịu cùng số phận. Cảnh sát tôn giáo gọi là lực lượng ”mutawa” rất là hữu hiệu. Khi nghi ngờ một cuộc tụ tập nào đó không phải là hồi giáo, là họ can thiệp ngay. Tất cả mọi nỗ lực trên mọi bình diện từ các chính quyền, từ Tòa Thánh, và đặc biệt là từ DGH Gioan Phaolo II, đều đã không đem lại kết qủa tích cực nào.

Hỏi: Đức Cha có thể kể một thí dụ điển hình chứng minh cho sự chèn ép bách hại Kitô hữu tại A Rập Sauđi không?

Đáp: Điển hình như trường hợp anh Brian Savio O'Connor. Anh người gốc Karnataka bên Ấn Độ, di cư sang A rập Sauđi năm 2004. Anh đã bị cảnh sát tôn giáo bắt và tra tấn, vì tội mà họ gọi là chất chứa rượu mạnh và sách báo dâm ô. Thật ra anh có các sách Kinh Thánh và thận trọng trong hoạt động truyền giáo. Thân nhân của anh cho biết anh đã bị giam 6 tháng, bị trừng phạt và bị tra tấn, cột chân ngược lên đầu giộng xuống đất, bị tra tấn bằng điện, bị chế nhạo, đánh đập và buộc phải bỏ đạo. Trường hơp của anh đã trở thành chuyện quốc tế. Hội Đồng Giám Mục Ấn độ cũng như các phong trào và tổ chức giáo hội đã can thiệp xin trả tự do cho anh ta. Vụ này đã khiến cho chế độ quân chủ A Rập Sau đi phật lòng, vì nó cho thấy một A rập Sauđi tiêu cực: sự hiện diện của các Kitô hữu là một tội rồi. Đồng thời nó cũng đã khiến cho hoạt động mục vụ kín đáo cho biết bao nhiêu tín hữu sống lén lút tại đây gặp nguy hiểm.

A Rập Sauđi có một chế độ quân chủ tuyệt đối và cứng nhắc. Người dân A Rập Sauđi là người Sunnít theo hệ phái ”Wahabbit”. Người Sunít wahabblit tự coi họ là những người giữ gìn các nơi thánh La Mecca và Medina. Họ quan niệm toàn A rập Sauđi đều là đất thánh của Hồi giáo, vì thế không thể có một tôn giáo nào khác ngoài Hồi giáo. Tuy tình hình khó khăn như thế, nhưng cũng có một vài linh mục lén đến được với các cộng đoàn để ban các bí tích. Trong bối cảnh khó khăn đó nhiệm vụ của giáo lý viên rất là quan trọng. Họ dậy giáo lý và chủ sự các buổi cử hành Lời Chúa tại các tư gia, và tìm cách bảo toàn an ninh cho mọi người.
 
Hỏi: Đức Cha có thể tiên đoán tình hình tương lai của Giáo Hội tại bán đảo A Rập hay không?

Đáp: Khó mà có thể tiên đoán được tương lai của Giáo Hội tại đây. Cần phải thực tế. Chúng ta không thể yêu sách tương quan hai chiều liên quan tới các vấn đề nền tảng, và các quyền, mà chính các nhóm hồi thiểu số sống trong các nước A rập cũng không được hưởng. Điều nền tảng là có thể tự do sống đạo, có nơi thờ tự và được tôn trọng như là con cái Thiên Chúa. Nếu chính quyền cho phép tôi xây nhà thờ với điều kiện không được trưng bầy thánh giá trên nóc nhà thờ, thì tôi không thể yêu sách xây một tháp chuông cao với tượng Chúa trên đó. Bởi nếu không, tôi cũng sẽ khiến cho chính quyền địa phương gặp khó khăn, khi họ đã tỏ ra dễ dãi đối với chúng tôi. Gây thêm xung khắc giữa Tây Âu và thế giới hồi giáo là điều vô ích và nguy hiểm.

(Avvenire 21-10-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.