2007-10-24 16:14:03

Thánh Ambrogio, vị Giám Mục rao giảng Tin Mừng bằng chứng tá cuộc sống


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần tại quảng trường thánh Phêrô, sáng thứ tư 24-10-2007. Trong số các đoàn hành hương cũng có một nhóm 42 tín hữu Việt Nam thuộc cộng đoàn Arlington, Virginia, và mấy tín hữu San Jose, California.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của thánh Ambrogio, Giám Mục Milano, bắc Italia. Thánh nhân qua đời tối ngày mùng 3 rạng ngày mùng 4 tháng 4 năm 397. Đó là sáng Thứ Bẩy Tuần Thánh. Hôm trước đó vào 5 giờ chiều người đã nằm trên giường, giang hai tay như hình thánh giá để cầu nguyện và tham dự vào Tam Nhật Tuần Thánh, cái chết và sự phục sinh của Chúa. Thầy sáu Paolino, người đã viết lại cuộc đời thánh nhân theo lời yêu cầu của thánh Agostino, cho biết mình trông thấy môi thánh Ambrogio mấp máy nhưng không biết người nói gì. Bất chợt tình hình trở nên nguy kịch. Onorato, Giám Mục Vercelli, ngủ ở lầu trên chợt nghe có tiếng lập đi lập lại: ”Hãy dậy mau, Ambrogio sắp chết...”. Giám Mục Onorato chạy xuống trao Mình Thánh Chúa cho người. Vừa nhận và nuốt Mình Thánh Chúa xong, thánh Ambrogio trút hơi thở cuối cùng đem theo của ăn đàng. Như thế linh hồn người được bồi dưỡng bởi sức mạnh của lương thực ấy giờ đây đang vui hưởng sự đồng hành của các thiên thần (Vita 47). Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 397 đôi cánh tay giang rộng của thánh Ambrogio diễn tả sự tham dự thần bí của người vào cái chết và sự sống lại của Chúa. Đó đã là bài giáo lý cuối cùng: trong thinh lặng, người còn nói với chứng tá sự sống của mình.

Đề cập đến tiểu sử thánh Ambrogio Đức Thánh Cha nói: Thánh Ambrogio chưa già khi qua đời. Ngài chưa đầy 60 tuổi, vì sinh năm 340 tại Treviri, nơi thân phụ là tổng trấn vùng Gallie. Gia đình người theo Kitô giáo. Khi cha qua đời, mẹ người đem người về Roma, khi đó người còn là một thiếu niên, và lo cho người có được nền giáo dục vững chắc về hùng biện và pháp luật để chuẩn bị sự nghiệp cho người. Vào năm 370 Ambrogio được gửi đến cai trị các tỉnh vùng Emilia và Liguria với trụ sở tại Milano. Đây là vùng tranh chấp giữa các kitô hữu chính thống và tín hữu theo bè phái Ario, đặc biệt sau khi Giám Mục theo bè phái Ario là Ausssenzio qua đời. Ambrogio can thiệp để giảng hòa hai phe chống đối nhau, và quyền uy của người lớn tới độ, tuy chỉ mới theo đạo, người được dân chúng tôn làm Giám Mục Milano.

Cho tới lúc đó Ambrogio đã là thẩm phán cao nhất của đế quốc Roma trong vùng bắc Italia. Được chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt văn hóa, nhưng lại ít hiểu biết Kinh Thánh, vị tân Giám Mục cấp tốc học hiểu và chú giải Kinh Thánh qua các tác phẫm của giáo phụ Origene, là vị thầy uy tín nhất của trường phái chú giải Alessandria. Qua đó thánh Ambrogio đưa việc suy gẫm Kinh Thánh do Origene khởi sự vào trong môi trường la tinh, và khởi sự thói quen dọc Kinh Thánh bên Tây Phương. Đây là phương pháp sẽ hướng dẫn tất cả việc giảng giải và các bút tích của thánh Ambrogio, nảy sinh từ việc lắng nghe Lời Chúa. Theo thánh nhân sau khi đã học nghệ thuật sống tốt lành các anh chị em tân tòng có thể được coi như được chuẩn bị cho các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Lời giảng dậy của thánh nhân khởi hành từ việc đọc các sách thánh - mà thánh nhân gọi là các ”Tổ Phụ”, nghĩa các các sách lịch sử và ”các Châm Ngôn” tức các sách khôn ngoan - để sống phù hợp với Mặc Khải của Chúa.

Rồi Đức Thánh Cha nhấn mạnh trên tầm quan trọng của chứng tá cá nhân trong việc giảng dậy như sau: Hiển nhiên là chứng tá cá nhân của người giảng và mức độ gương mẫu của cộng đoàn kitô điều kiện hóa sự hữu hiệu của việc giảng dậy. Có một đoạn trong cuốn ”Tự Thú” của thánh Agostino chứng minh cho điều này. Agostino tới Milano như là giáo sư hùng biện nghi hoặc và không kitô, như là người đang kiếm tìm, nhưng chưa tìm thấy sự thật kitô. Nhưng chính chứng tá của thánh Ambrogio và của giáo đoàn Milano, cầu nguyện ca hát và hiệp nhất như một thân thể, đã đẩy đưa vị giáo sư trẻ tuổi người phi châu, nghi hoạc, và tuyệt vọng, tới chỗ hoán cải, chứ không phải các bài giảng hay đẹp của thánh nhân. Đây là một Giáo Hội có khả năng chống cự lại các yêu sách của hoàng đế và hoàng thái hậu hồi năm 386 đòi tịch thu một nhà thờ để cho bè phái Ario cử hành các lễ nghi của họ. Tín hữu đã tụ tập nhau tại nhà thờ này canh thức cầu nguyện và sẵn sàng chết với Đức Giám Mục Ambrogio. Tuy nguội lạnh nhưng Agostino bỉ xúc động mạnh và cũng đồng ý với các tín hữu (Confessioni 9,7).

Từ cuộc sống và gương mẫu của Giám Mục Ambrogio, Agostino đã học tin và giảng dậy. Giáo huấn của Agostino đã được hiến chế Dei Verbum trích lại trong số 25 khi khẳng định rằng: ”Mọi giáo sĩ và tất cả các giáo lý viên có tác vụ rao giảng Lời Chúa, phải liên tục tiếp xúc với Kinh Thánh qua việc kiên trì đọc và học Kinh Thánh kỹ càng, ”để không trở thành người rao giảng lời Chúa vô ích bên ngoài và là người không lắng nghe lời Chúa bên trong”. Agostino đã học được thái độ ”lắng nghe bên trong”, kiên trì đọc Kinh Thánh trong thái độ cầu ngyện đến tiếp nhận và đồng hóa với Lời Chúa trong con tim mình.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Trong chương 6 của cuốn ”Tự thú” Agostino cũng kể lại cuộc găp gỡ của mình với thánh Ambrogio và cho biết thường xuyên thấy người lo lắng cho các nhu cầu của những người đầy tràn vấn đề nối đuôi nhau chờ nói chuyện với thánh nhân và nhận được sự ủi an và niềm hy vọng. Ít giờ còn lại thánh nhân ăn uống sơ sài hay đọc Kinh Thánh, ngậm miệng, chứ không đọc to tiếng như thói quen thời xưa. Trong kiểu đọc thinh lặng đó con tim thấm nhuần sự hiểu biết Lời Chúa, đồng hóa và gợi ý cho các nội dung loan báo giúp người khác hoán cải.

Như thế theo giáo huấn của thánh Ambrogio và thánh Agostino, giáo lý không thể tách rời khỏi chứng tá cuộc sống. Người giáo dục lòng tin phải giống như tông đồ Gioan, tựa đầu vào ngực Chúa để học suy tư, nói năng và hành xử như Chúa. Nói cho cùng, môn đệ đích thật là người loan báo Tin Mừng trong cách thế đáng tin cậy và hữu hiệu. Giống như thánh Gioan, thánh Ambrogio cũng luôn lặp lại rằng ”Chúa Kitô là tất cả cho chúng ta” và là chứng nhân trung thực của Chúa.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng hiều thứ tiếng khác nhau trước khi cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.