2007-10-11 17:54:37

Đức Thánh Cha tiếp kiến tân Đại Sứ Đại Hàn


VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 mạnh mẽ ủng hộ tiến trình hòa giải tại Bán đảo Triều Tiên và ngài kêu gọi bênh vực phẩm giá con người trong các cuộc nghiên cứu về kỹ thuật sinh học.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 11-10-2007 dành cho Tân Đại sứ Nam Hàn cạnh Tòa Thánh, Ông Kim Ji Young Francesco, đến trình quốc thư. Ông năm nay 56 tuổi (1951), đã từng là tổng lãnh sự Nam Hàn tại Việt Nam (2003-2006), rồi làm trưởng Văn khố của bộ ngoại giao với cấp bậc Đại Sứ.

Trong diễn văn chào mừng ông đại sứ mới, ĐTC khẳng định rằng: ”Nhân cơ hội này tôi tái khẳng định sự ủng hộ của Tòa Thánh đối với mọi sáng kiến nhắm tới một sự hòa giải chân thành và lâu bền, chấm dứt sự thù nghịch và những bất công đau thương. Tiến bộ chân thành được xây dựng trên thái độ lương thiện và tín nhiệm nhau...”

Nhắc đến cuộc thương thuyết hiện nay giữa 6 nước, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, hai nước Nam Bắc Hàn, về việc chấm dứt chương trình hạt nhân tại Bắc Hàn, ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Tôi nồng nhiệt hy vọng sự tham gia của nhiều nước vào tiến trình thương thuyết sẽ đưa tới sự chấm dứt các chương trình nhắm phát triển và sản xuất các loại võ khí với tiềm năng tàn phá khôn tả”.

Ám chỉ tới những sự kiện trong thời gian gần đây, đã xảy ra những toan tính phúc chế người tại Nam Hàn để lấy tế bào gốc dùng vào việc nghiên cứu trị bệnh, ĐTC ca ngợi những tiến bộ của Nam Hàn trong kỹ thuật sinh học, nhưng ngài khẳng định rằng ”Việc sử dụng mà xã hội hy vọng thực hiện đối với khoa sinh học y khoa phải luôn luôn được đo lường dựa trên các tiêu chuẩn luân lý đạo đức vững chắc. Điều quan trọng nhất trong các tiêu chuẩn này chính là phẩm giá sự sống con người; con người không thể bị lèo lái hoặc đối xử như những dụng cụ thí nghiệm trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Sự phá hủy phôi thai người, dù là để lấy tế bào gốc hay vì bất kỳ mục tiêu nào khác, đều là điều trái ngược với ý hướng mà các nhà nghiên cứu, các nhà lập pháp và các quan chức y tế công cộng vẫn tuyên bố như là để thăng tiến an sinh của con người”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Tôi cầu nguyện để sự nhạy cảm bẩm sinh của dân tộc Đại Hàn về luân lý, như được chứng tỏ qua sự loại bỏ việc phúc chế người và các phương thức liên hệ, sẽ giúp cộng đồng quốc tế tiến tới những hệ luận sâu xa về mặt luân lý và xã hội trong việc nghiên cứu và sử dụng khoa học”.

Sau cùng, ĐTC cũng nhắc đến bổn phận của các chính quyền là mang lại cho các phụ huynh cơ hội được gửi con em đến học tại các trường tôn giáo, bằng cách cho phép thiết lập dễ dàng và tài trợ cho các trường ấy. Sự tài trợ của chính quyền như thế sẽ giúp các phụ huynh đỡ phải chịu những gánh nặng không thích hợp về tài chánh, để họ có thể chọn lựa những phương thế giáo dục thích hợp nhất cho con em họ. Các trường của Công Giáo và các tôn giáo khác phải được tự do rộng rãi trong việc xác định và thi hành học trình để nuôi dưỡng đời sống tinh thần của các học sinh, và nếu thiếu điều đó, thì đời sống tâm trí sẽ bị thương tổn nặng nề”.

Trong diễn văn tại buổi trình quốc thư, Đại Sứ Nam Hàn đã ca ngợi sự tăng trưởng mạnh mẽ của Giáo Hội Công Giáo tại nước này, trong vòng 20 năm qua, nâng tổng số tín hữu Công giáo lên 5,3 triệu người, tương đương với 10% dân số toàn quốc (SD 11-10-2007)

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.