2007-10-10 16:54:47

Đức Thánh Cha kêu gọi hiệp nhất Công Giáo và Chính Thống


VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho sự hiệp nhất toàn vẹn giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống.

Ngỏ lời với hàng chục ngàn tín hữu hành hương trong buổi tiếp kiến chung sáng 10-10-2007, tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Trong những ngày này, khóa họp toàn thể thứ 10 của Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống đang tiến hành tại Ravenna, bàn về một đề tài thần học đặc biệt liên hệ tới đại kết: ”Những hậu quả của bản chất bí tích của Giáo Hội về phương diện Giáo Hội học và giáo luật - sự hiệp thông Giáo Hội, công đồng tính và quyền bính”. Tôi xin anh chị em hiệp ý cầu nguyện với tôi để cuộc gặp gỡ quan trọng này giúp tiến bước về sự hiệp thông trọn vẹn giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống, và sớm có thể chia sẻ cùng Chén thánh của Chúa”.

Tham dự khóa họp hiện nay từ mùng 8 đến 15-10-2007, về phía Công Giáo, có 30 đại diện, gồm 19 HY và GM, phần còn lại là 11 LM thần học gia; về phía Chính Thống, cũng có 30 vị đại diện cho 15 Giáo Hội Chính Thống: mỗi Giáo Hội có 1 GM và một thần học gia tham dự. Khóa họp được đặt dưới quyền chủ tọa của hai vị đồng chủ tịch là ĐHY Walter Kasper, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và Đức TGM Chính Thống Ioannis Zizioulas của giáo phận Pergamon, thuộc tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople.

Đây là khóa họp thứ hai từ sau khi mở lại cuộc đối thoại thần học chính thức giữa Công Giáo và Chính Thống hồi năm 2006, sau 6 năm bị bế tắc khiến Ủy ban phải ngưng hoạt động, tức là từ sau khóa họp năm 2000 tại Baltimore, Hoa Kỳ.

Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống được Đức Gioan Phaolô 2 và Đức Thượng Phụ Dimitrios I, Giáo chủ Chính Thống Constantinople thành lập ngày 30-11 năm 1979 và nhóm khóa họp đầu tiên hồi năm 1980 tại đảo Patmos-Rodi.

Sau nhiều cố gắng, Ủy ban đã tái nhóm toàn thể từ ngày 18 đến 25-9-2006 và là khách mời của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Serbi ở thủ đô Belgrade. Trong khóa họp đó, người ta thấy rõ những khó khăn đại kết không phải chỉ ở trong quan hệ giữa Chính Thống và Công Giáo nói chung mà thôi, nhưng còn ở trong quan hệ giữa các Giáo Hội Chính Thống với nhau nữa. Vì thế, 2 ngày sau khi chấm dứt khóa họp năm ngoái, ĐHY Walter Kasper đã kêu gọi các Giáo Hội Chính Thống hiệp nhất với nhau. Ngài khẳng định rằng để các tín hữu Công Giáo và Chính Thống có thể tiến bước hướng về sự hiệp nhất trọn vẹn thì điều cần thiết là các Giáo Hội Chính Thống phải hiệp nhất với nhau trước.

ĐHY Kasper muốn nói đến sự chia rẽ trong nội bộ các Giáo Hội Chính Thống, đặc biệt là sự xung khắc giữa Giáo Hội Chính Thống Constantinople và Giáo Hội Chính Thống Nga về vấn đề quyền tài phán. ĐHY nói: ”Chúng tôi cầu mong rằng các Giáo Hội Chính Thống sẽ đạt tới một giải pháp cho những bất đồng hiện nay. Nếu vấn đề này còn tiếp tục, thì sẽ tạo nên một khó khăn trường kỳ cho cuộc đối thoại quốc tế giữa Công Giáo và Chính Thống giáo”.

Trong hội nghị tại Belgrade, phái đoàn Chính Thống Nga đã phản đối Chính Thống Constantinople và tố giác điều gọi là toan tính của Tòa thượng Phụ Constantinople mở rộng quyền bính của mình trên các Giáo Hội Chính Thống khác trên thế giới: họ cho rằng vị Thượng Phụ Constantinople đòi một vai trò trong thế giới Chính Thống giống như ĐGH trong thế giới Công Giáo.

Những sự kiện như thế cho thấy rằng tiến trình hiệp nhất giữa Công Giáo với Chính Thống Giáo vẫn còn nhiều chông gai, do sự kiện Chính Thống giáo không có thẩm quyền trung ương, và có 15 đầu khác nhau. Ngoài ra các Giáo Hội này thường bị lệ thuộc nhiều vào tình hình chính trị tại mỗi quốc gia, như Giáo Hội Chính Thống Nga đang bị phê bình là quá gắn bó với nhà cầm quyền Nga hiện nay. (SD 10-10-2007)

G. Trần Đức Anh OP









All the contents on this site are copyrighted ©.