2007-10-06 12:12:45

Phẩm giá và các quyền con người không qúy bằng dầu lửa và khí đốt


Trong gần hai tháng qua thế giới đã theo dõi các cuộc biểu tình bất bạo động của hàng chục ngàn người dân Myanmar. Họ cùng các tăng ni xuống đường phản đối chính quyền quân đội độc tài do tướng Than Shwe lãnh đạo.

Các cuộc biểu tình do các nhà sư Phật giáo khởi động đã bắt đầu ngày 19-8-2007 để phản đối chính quyền lên giá xăng nhớt, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi dân chủ và bầy tỏ sự bất đồng chính kiến với chính quyền quân đội độc tài cai trị quốc gia này từ năm 1962 đến nay. Ban đầu dân chúng còn đứng ngoài vỗ tay hoan hô yểm trợ tán đồng, nhưng dần dần họ nhập đoàn với các nhà sư và càng ngày càng có đông người tham gia: các sinh viên học sinh, công nhân, thường dân và cả các dân biểu đã trúng cử quốc hội trong cuôc đầu phiếu dân chủ hồi năm 1990, nhưng đã không đươc Ủy ban quân quản thừa nhận.

Làn sóng biểu tình ngày càng dâng cao, ban đầu chỉ có 30.000 người, dần dần lên tới 50.000 rồi 100.000, trong só có 15.000 tăng ni.

Các cuộc tuần hành biểu tình đã đạt cao điểm trong ngày 25-9-2007 với 300.000 người tham dự tại 25 thành phố trên toàn nước. Trong thủ đô Yangoon, một trong những đoàn biểu tình dài hơn một cây số chiếm hết cả 8 đường xe chạy của đại lộ lớn nhất thủ đô. Các tăng ni đã xin dân chúng đừng hô các khẩu hiệu chính trị, nhưng chỉ đọc kinh cầu nguyện cho hòa bình. Các cuộc tuần hành bắt đầu từ chùa Shwedagong và kết thúc tại chùa Sule. Đoàn biểu tình cũng đi ngang qua nhà của bà Aug San Suu Kyi, lãnh tụ đảng Liên Minh quốc gia dân chủ, giải thưởng Nobel Hòa Bình, thắng cử trong cuộc đầu phiếu năm 1990 nhưng đã bị chính quyền quân đội quản thúc từ đó tới nay.

Ngày 25-9-2007 Đức Cha Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Yangoon, đã kêu gọi tín hữu các giáo phận toàn nước cầu nguyện cho hòa bình, và làm tất cả những gì có thể để trợ giúp dân chúng và đất nước. Tin Mừng đã được rao giảng tại Myanmar vào tiền bán thế kỷ XVIII do các tín hữu tin lành Baptist Hoa Kỳ và sau đó do các thừa sai công giáo. Kitô hữu được khoảng 4 triệu, trong đó có 600 ngàn người công giáo trên tổng số 47 triệu dân đại đa số theo Phật giáo.

Mặc dù Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Âu châu đã kêu gọi tránh dùng bạo lực, chính quyền quân đội độc tài Myanmar đã không nương tay. Từ ngày 26-9-2007 binh sĩ đã bắn lưu đạn cay và tấn công các đoàn biểu tình, sau đó họ đã bắn vào các đoàn biểu tình khiến cho hàng chục người chết trong đó có nhiều nhà sư. Ít nhất đã có 200 người chết trên toàn nước, nhưng con số này có thể lên tới hàng ngàn, như đã xảy ra trong cuộc sinh viên học sinh nổi dậy đòi dân chủ hồi năm 1988, với 3000 người bị quân đội sát hại.
Theo tổ chức Tiếng Nói Dân Chủ Burma cho tới nay đã có khoảng 6000 người bị bắt, trong đó có 1400 nhà sư thuộc 7 chùa hiện nay trống rỗng không còn ai, và hàng trăm người ủng hộ đảng Liên Minh quốc gia dân chủ. Trong các ngày qua quân đội đã phong tỏa các chùa chiền và các vụ lùng bắt ban đêm vẫn tiếp diễn khắp nơi trong thủ đô Yangoon. Cảnh quân đội đánh đập thường dân và dồn họ lên xe để chở vào nhà tù được chiếu trên màn truyền hình toàn thế giới. Để vớt vát gương mặt sắt máu của mình, nhà nước Yangoon cho tổ chức các cuộc ”mít tinh chống biểu tình” và cho chiếu trên đài truyền hình quốc gia.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30-9-2007, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã bầy tỏ sự gần gũi tinh thần với dân nước Myanmar đang phải sống trong thử thách đau thương. Ngài mời gọi toàn thể Giáo Hội hiệp ý cầu nguyện và cầu mong cho Myanmar tìm ra một giải pháp hòa bình cho thiện ích quốc gia thân yêu này.

Chuyến viếng thăm của ông Ibrahim Gambari, đặc sứ của Liên Hiệp Quốc những ngày vừa qua cũng đã không đem lại kết qủa cụ thể nào. Tuy ông Javier Solana, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại chính trị và an ninh của Liên Hiệp Âu châu, khẳng định rằng các nước Âu châu không thụ động trước tình hình sôi động tại Myanmar, nhưng các lời Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu châu kêu gọi Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và các nước thành viên khối ASIAN can thiệp, đã không được hưởng ứng. Trung Quốc chỉ yêu cầu chính quyền Myanmar và các đoàn biểu tình hạ thấp giọng. Và lập trường chung là không ”can thiệp vào chuyện nội bộ” của Myanmar. Nhưng thực ra lý do chính là vì các nước nói trên sợ bị thiệt thòi trong các liên hệ thương mại với Myanmar và mất mối lợi khai thác dầu lửa và khí đốt. Hiện có 9 hãng dầu của các nước nói trên khai thác 16 địa điểm khoan dầu ngoài khơi Myanmar. Chín hãng khác trong đó có hãng Total của Pháp, Petronas của Malaysia, Pttep, Daewo International của Nam Hàn, C-nooc và Sinopec của Trung Quốc đang khai thác 29 vùng khác ở ngoài khơi Myanmar. Myanmar có mỏ khí đốt chứa tới 2500 tỷ mét khối, chiếm 1,4% tổng số lượng khí đốt trên thế giới. Đổi hàng hóa để lấy dầu lửa và khí đốt là dịch vụ thương mai qúa bở béo, mà không nước nào muốn từ chối. Điển hình là Thái Lan: các trao đổi buôn bán giữa Thái Lan và Myanmar hàng năm lên tới 2,3 tỷ Euros.

Vì các lợi lộc buôn bán đổi chác ấy, các chính quyền Tây Âu và Á châu đã chỉ đưa ra các lời tuyên bố vô thưởng vô phạt, chứ không dám can thiệp để bênh vực nhân dân Myanmar trong cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do. Thế mới biết phẩm giá và các quyền con người không qúy bằng dầu hỏa, khí đốt và các lợi nhuận thương mại!

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.