2007-09-24 19:58:54

Cung cấp nước và thực phẩm cho bệnh nhân là một bổn phận luân lý


Phỏng vấn LM Anthony Di Noia, phó thư ký Bộ Giáo Lý Đức Tin về tài liệu do Bộ mới công bố, liên quan tới nhiệm vụ phải cung cấp nước và lương thực cho bệnh nhân hôn mê và ở trong tình trạng thực vật trường kỳ (Avvenire 15-9-2007)

Hôm 14 tháng 9 vừa qua Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố một văn kiện ngắn liên quan tới nghĩa vụ phải tiếp tục cung cấp nước và lương thực cho bệnh nhân hôn mê sống trong tình trạng thực vật trường kỳ. Văn kiện mang chữ ký của Đức Hồng Y Tổng Trưởng William Levada và vị Tổng thư ký là Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato, dòng Đon Bosco.

Vấn đề đã được Đức Giáo Hoàng Pio XII nhắc đến cách đây 50 năm, trong diễn văn nói với các tham dự viên hội nghị quốc tế hôn mê ngày 24 tháng 11 năm 1957. Đức Pio XII khẳng định hai nguyên tắc. Thứ nhất, lý trí tự nhiên và luân lý kitô dậy rằng trong trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân và những người săn sóc họ có quyền và có bổn phận dùng các phương tiện cần thiết để duy trì sức khỏe và sự sống. Thứ hai, bổn phận đó nói chung chỉ bao gồm việc dùng các phương thế bình thường, nghĩa là không qúa mắc mỏ đối với người bệnh hay các người khác. Một đòi buộc ngặt hơn sẽ qúa nặng nề đối với đa số các bệnh nhân và khiến cho khó có thể đạt các thiện ích quan trọng hơn. Sự sống, sức khỏe và tất cả các sinh hoạt trần thế khác đều phải tùy thuộc các mục đích thiêng liêng. Dĩ nhiên điều này không cấm làm hơn những gì tối thiểu đòi buộc để duy trì sự sống và sức khỏe, với điều kiện là không thiếu tôn trọng đối với các nhiệm vụ nặng nề hơn.

Ngoài ra cần ghi nhận là giáo huấn của Đức Pio XII liên quan tới việc sử dụng và ngưng các kỹ thuật hồi sinh. Nhưng trường hợp đang nghiên cứu ở đây không liên quan gì tới các kỹ thuật này. Các bệnh nhân ở trong tình trạng thực vật thở tự nhiên, tiêu hóa thực phẩm một cách tự nhiên, có các hoạt động chuyển hóa khác và ở trong một tình trạng ổn định. Họ chỉ không tự ăn uống một mình được. Do đó, nếu không được cung cấp thực phẩm và nước họ sẽ chết, và lý do cái chết của họ không phải là bệnh tật hay tình trạng thực vật, mà chỉ vì thiếu nước và thực phẩm. Ngoài ra việc cung cấp nước và thực phẩm không gây ra gánh nặng nào cho bệnh nhân cũng như cho thân nhân của họ. Nó cũng không mắc mỏ qúa đáng và ở tầm mức của mọi hệ thống y tế trung bình. Tự nó cũng không đòi buộc phải nằm nhà thương, nó tương xứng và có thể đạt được mục đích của nó là ngăn cản bệnh nhân chết vì thiếu thực phẩm và thiếu nước.
Thực ra đã có nhiều tài liệu cho thấy lập trường của Giáo Hội. Tuyên ngôn về việc làm cho chết êm dịu do Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố ngày mùng 5 tháng 5 năm 1980 trình bầy sự phân biệt giữa các phương tiện quân bình và không quân bình với các chữa trị thuốc men và săn sóc bình thường cho bệnh nhân. ”Đứng trước cái chết cận kề không thể tránh được, mặc dù có các phương tiện được sử dụng, lương tâm được phép quyết định từ chối các chữa trị chỉ kéo dài sự sống một cách bấp bênh và khó khăn, nhưng không ngưng các săn sóc bình thường cho bệnh nhân trong những trường hợp tương tự”.

Ngày 27 tháng 6 năm 1981 Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum Đồng Tâm công bố tài liệu tựa đề ”Các vấn đề luân lý đạo đức liên quan tới các người bệnh nặng và các người hấp hối”. Tài liệu khẳng định rằng ”phải theo đuổi bằng mọi giá việc áp dụng các phương tiện ”tối thiểu”, nghĩa là các phương tiện thường được dùng và trong những trường hợp bình thường được dùng để duy trì sự sống như cung cấp thực phẩm, chuyền máu, chích thuốc vv.... Ngưng việc cung cấp đó, trên thực tế có nghĩa là chấm dứt chuỗi ngày của người bệnh”.

Năm 1995 Hội Đồng Tòa Thánh Mục Vụ Y tế công bố ”Hiến chương của các nhân viên y tế”. Số 120 khẳng định rằng ”Việc cung cấp thực phẩm và và nước uống, cả khi một cách nhân tạo, thuộc các săn sóc bình thường luôn luôn phải có đối với các bệnh nhân, khi chúng không nặng nề đối với họ: ngưng các cung cấp đó có nghĩa là giết người êm dịu một cách đích thật”.
Trong buổi tiếp một nhóm các Giám Mục Mỹ về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh ngày mùng 2 tháng 10 năm 1998, Đức Gioan Phaolo II khẳng định rõ ràng là việc cung cấp thực phẩm và nước uống cho bệnh nhân là các săn sóc bình thường và các phương thế bình thường giúp duy trì sự sống. Quyết định ngưng cung cấp chúng khiến cho bệnh nhân chết là giết người êm dịu (s. 4).

Ngày 20 tháng 3 năm 2004, trong diễn văn nói với các tham dự viện hội nghị quốc tế về đề tài ”Các trị liệu yểm trợ sự sống và tình trạng thực vật. Tiến bộ khoa học và lưỡng nan luân lý”, Đức Gioan Phaolo II khẳng định rằng ”một người cho dù đau nặng, hay không thể sử dụng các nhiệm vụ cao hơn, vẫn là và sẽ luôn luôn là một người, chứ không bao giờ là một thực vật hay một súc vật” (s.3). Do đó có bổn phận luân lý phải cung cấp cho họ các săn sóc bình thường và tương xứng như thực phẩm, nước uống, cả khi qua ngã nhân tạo, vì đó là phương thế tự nhiên giúp duy trì sự sống (s. 4).

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Anthony Di Noia, phó thư ký Bộ Giáo Lý Đức Tin về nguồn gốc ý nghĩa và việc áp dụng tài liệu này của Bộ Giáo Lý Đức Tin.
H: Thưa cha Di Noia, với tài liệu này Giáo Hội có thay đổi giáo huấn của mình từ thời Đức Giáo Hoàng Pio XII tới nay hay không? Đ: Giáo huấn của Hội Thánh từ thời Đức Giáo Hoàng Pio XII tới nay liên quan tới vấn đề này vẫy y nguyên, chứ không có gì thay đổi. Một người ở trong tình trang thực vật, cho dù sẽ không thể hồi phục được và không tỉnh dậy nữa, vẫn có quyền được nuôi dưỡng.

H: Ai đã đưa ra các câu hỏi mà Bộ đã trả lời qua tài liệu vừa qua và nhất là đâu là nguồn gốc của nó thưa cha?

Đ: Lý do là vì có một số thần học gia tại Hoa Kỳ cũng như ở nơi khác, đặt vấn nan liên quan tới diễn văn Đức Gioan Phaolo II đọc trước các tham dự viên Hội nghị quốc tế ngày 20 tháng 3 năm 2004 về đề tài ”Các trị liệu nâng đỡ sự sống và tình trạng thực vật. Các tiến triển khoa học và các lưỡng nan luân lý đạo đức”. Theo các thần học gia ấy những gì Đức Gioan Phaolo II khẳng định trong môt nghĩa nào đó thay đổi giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Pio XII liên quan tới vấn đề này. Năm 2005 Ủy ban giáo thuyết của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa ra hai câu hỏi và gửi về Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Hai câu hỏi đó như sau. Thứ nhất: phải chăng việc cung cấp nước và lương thực, qua đường tự nhiên hoặc nhân tạo, cho bệnh nhân ở trong tình trạng thực vật là điều bó buộc về luân lý, trừ khi lương thực ấy không thể được cơ thể bệnh nhân hấp thụ hoặc chúng không thể được cung cấp cho bệnh nhân ấy mà không tạo nên nên một sự thiếu thốn trầm trọng về thể lý?

Thứ hai: Có thể ngưng cung cấp nước và lương thực qua đường nhân tạo cho một bệnh nhân ở trong tình trạng thực vật trường kỳ, khi bác sĩ có thẩm quyền phán đoán với sự chắc chắn luân lý rằng bệnh nhân sẽ không bao giờ hồi tỉnh lại hay không?

H: Đâu là nút thắt của cuộc tranh luận thưa cha?

Đ: Điểm nóng đó là: phải coi việc cung cấp nước và thực phẩm là những phương tiện ”ngoại thường” hay ”bình thường”, khi được thi hành cho một người ở trong trạng thái thực vật, nhưng duy trì được các sinh hoạt sự sống và không ở trong thời điểm sắp chết. Trong trường hợp này thì phải có bổn phận cung cấp nước và thực phẩm cho bệnh nhân. Dĩ nhiên, đó là việc can thiệp nhân tạo, nhưng đồng thời cũng là điều ”bình thường”, vì nếu không cung cấp nước và thực phẩm cho các người ở trong tình trạng đó, thì họ sẽ chết.

H: Giáo huấn này đã không bao giờ thay đổi có đúng thế không thưa cha?

Đ: Đúng vậy. Các văn bản được trích dẫn trong tài liệu, từ Đức Giáo Hoàng Pio XII trở đi chứng minh cho thấy một cách rõ ràng có sự thường hằng trong các khẳng định của huấn quyền liên quan tới vấn đề này.

Tài liệu trả lời cho câu hỏi thứ nhất rằng: ”Cung cấp nước uống và thực phẩm cho những người ở trong tình trạng thực vật đó là điều bó buộc. Việc cung cấp lương thực và nước, dù là qua con đường nhân tạo, theo luật chung, là phương thế bình thường và tương ứng để duy trì sự sống. Vì thế, nó là điều bắt buộc theo mức độ và cho đến lúc nó chứng tỏ đã đạt được mục tiêu của nó là cung cấp nước và nuôi sống bệnh nhân. Như thế, người ta tránh sự đau khổ và cái chết cho bệnh nhân vì kiệt sức và thiếu nước”.

Tiếp đến tài liệu trả lời cho câu hỏi thứ hai như sau: ”Không được ngưng cung cấp nước và lương thực cho một bệnh nhân ở trong tình trạng thực vật trường kỳ. Một bệnh nhân ở trong tình trạng thực vật trường kỳ là một người, với nhân phẩm cơ bản, vì thế phải cung cấp cho họ sự săn sóc bình thường và tương ứng, nói chung sự săn sóc này bao gồm việc cung cấp nước và lương thực, kể cả bằng con con đường nhân tạo”.

Tuy nhiên, điều mà tài liệu khẳng định trong đoạn cuối cùng không có nghĩa là chúng tôi khẳng định rằng đó là ”một bắt buộc làm chuyện không thể làm được”. Chúng tôi chỉ nói rằng có một bổn phận chính xác phải trợ giúp những người như thế ”trên nguyên tắc”. Nói cách khác, người ta không loại trừ là trong các trường hợp như nơi chốn xa xôi cách trở, thiếu nước uống, hay cả trong các trường hợp trong đó việc cung cấp thực phẩm và nước uống có thể tạo ra các vấn đề loại khác, việc cung cấp nước và thực phẩm có thể không làm được trên bình diện vật lý.

H: Cách đây hai năm rưỡi, vào tháng 3 năm 2005 người ta đã rút ống cung cấp nước và thực phẩm cho bà Terri Schiavo, người Mỹ, sống trong tình trạng thực vật vì thế bà đã chết. Trường hợp này đã gây ra nhiều tranh luận. Dựa trên các câu trả lời của Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày nay cha đọc hiểu biến cố đó như thế nào?

Đ: Dĩ nhiên là tôi cũng nhớ rất rõ trường hợp này. Trong trường hợp của bà Terri Schiavo các Giám Mục Hoa Kỳ đã nói là không được phép ngưng cung cấp nước và thực phẩm cho bà. Nhưng người ta đã không chiu nghe. Điều người ta đã làm đi ngược lại đường hướng tài liệu mà Bộ Giáo Lý Đức Tin mới công bố và là điều chúng ta đang tìm hiểu.

H: Thưa Cha Di Noia, nhiều người nói rằng Giáo Hội qúa cứng nhắc trong lãnh vực này. Khẳng định này có lẽ nằm trong cùng chiều hướng với sự sợ hãi kéo dài lúc chết đến vô tận. Cha nghĩ sao?

Đ: Có đúng là Giáo Hội thường bị tố cáo là ”tuyệt đối” bảo vệ sự sống con người, như thể là làm cho một người không thể chết an bình được. Thật ra không đúng như vậy. Nhưng mà không cung cấp nước uống và thực phẩm cho một người bệnh thì không ”tự nhiên”, cũng như không phải là điều ”qúa đáng” khi dưỡng nuôi họ. Giáo huấn không dậy là phải kéo dài sự sống chừng nào có thể và bằng mọi giá. Sự đòi buộc cung cấp thực phẩm và nước uống là một trường hợp khác, vì đây không phải là trường hợp một người sắp chết.

H: Như vậy làm thế nào để có thể chết bình an thưa cha?

Đ: Chúng ta đã thấy với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. Đó là mẫu gương của một người đang chết, mà không có khả thể nào giúp hồi phục được nữa và khi đó người nói: ”Giờ đây xin để cho tôi ra đi”. Đó là một ngọn đèn tắt đi.

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.