2007-09-20 19:52:16

Tương lai Kitô giáo tại Âu châu


 Trong thời gian qua nhiều người tỏ ra bi quan đối với tương lai của Kitô giáo tại Âu châu. Trước trào lưu tục hóa cũng như khuynh hướng tương đối hóa luân lý ngày càng gia tăng và cảnh tín hữu kitô các nước tây âu xa rời lòng tin, họ tin chắc Kitô giáo sẽ tàn lụi tại đại lục có nền văn hóa kitô cổ kính này. Nhưng cũng có người không tin như vậy, điển hình là ông Philip Jenkins, tác giả cuốn sách mới xuất bản tựa đề ”Lục địa của Thiên Chúa: Kitô giáo, Hồi giáo và các cuộc khủng hoảng tôn giáo của Âu châu” (God's Continent: Christianity, Islam and Europe's Religious Crisis”. Sách do nhà in của đại học Oxford xuất bản. Đây là cuốn thứ ba trong bộ sách 3 cuốn của học giả Jenkins, trong đó ông trình bầy hiện tình tôn giáo tại Âu châu một cách ít thê thảm hơn. Hai cuốn đầu tựa đề ” ”Các nước kitô giáo sắp tới” (The next Christendom) và ”Các gương mặt mới của Kitô giáo” (The new faces of Christianity). Cả hai cuốn trình bầy sự lớn mạnh của Kitô giáo tại các nước miền nam bán cầu, tức các quốc gia đang trên đường phát triển. Cuốn thứ ba, trái lại, tập trung vào Âu châu, nơi có số tín hữu thực hành đạo giảm sút và có sự hiện diện của người hồi di cư gia tăng.

Học giả Jenkins đưa ra câu hỏi: Âu châu cũng sẽ phải sống kinh nghiệm của các nước Bắc Phi, nơi Kitô giáo đã bị Hồi giáo thay thế hay sao? Nhiều người nghĩ như vậy, nhưng ông Jenkins nghĩ rằng tuy mức thực hành đạo của các kitô hữu âu châu không ở độ lý tưởng, tình hình sống đạo tại Âu châu hiện nay không thê thảm như có người muốn chúng ta tin như thế.

Thật thế, tuy số sinh tại các nước âu châu giảm sút, nhưng bù lại có số người di cư đến từ các nước hồi giáo. Tại đa số các nước Âu châu số người hồi chiếm 4-5% tống số dân. Nếu so sánh với Hoa Kỳ người ta thấy tại Hoa Kỳ các nhóm dân gốc mỹ châu la tinh, á châu và các nhóm chủng tộc khác chiếm tới 30% tổng số dân.

Các chuyên viên Hoa Kỳ đã đưa ra các dự phóng cho tương lai được học giả Jenkins lấy lại, theo đó hiện nay Âu châu có khoảng 15 triệu người hồi, nhưng vào năm 2025 sẽ có thể tăng lên 28 triệu. Tuy nhiên mức gia tăng không đồng đều tại khắp nơi. Vào năm 2025 các nước Pháp, Đức và Hòa Lan sẽ có từ 10 đến 15% tổng số dân là người hồi. Ông Jenkins cho rằng nếu coi Âu châu một cách rộng rãi hơn, tức trải dài cho tới biên giới của cựu Liên Xô, thì khi đó số người Hồi vào năm 2025 sẽ lên tới 40 triệu, nghĩa là chỉ chiếm khoảng 8% tổng số dân. Ngoài ra ông Jenkins cũng cho rằng Kitô giáo cũng như Hồi giáo phải đương đầu với nhiều khó khăn, phát xuất từ khuynh hướng tục hóa của nền văn hóa âu châu. Và thật là điều sai lầm, khi nghĩ rằng Hồi giáo được miễn nhiễm khỏi khuynh hướng có khả năng thay đổi cả các yếu tố triệt để nhất. Ông cũng cảnh giác quan điểm hốt hoảng thái qúa đối với sự hiện diện của người hồi tại Âu châu. Và thật là sai lầm, khi coi toàn khối người hồi sống tại Âu châu đều là những người qúa khích hay cực đoan hết. Dĩ nhiên là có một số người hồi cực đoan nào đó, sống xa lạ với xã hội chung quanh, nhưng bên cạnh các người hồi qúa khích ấy không được quên rằng cũng có các người hồi hòa hoãn khoan nhượng và thích ứng với nếp sống âu châu.

Liên quan tới các vấn đề phát xuất từ sự hiện diện của người hồi tại Âu châu, ông Jenkins cho rằng cần phải phân biệt. Ngoài các căng thẳng do chính Hồi giáo gây ra, cần phải chú ý đến các yếu tố kinh tế, chủng tộc, xã hội và truyền thống văn hóa của các nước quê hương của người di cư, là những người không dính dáng gì đến Hồi giáo trong nghĩa hẹp và phong trào hồi giáo cuồng tín.

Cũng chính vì thế học giả Jenkins cho rằng Âu châu có thể đi theo con đường của Hoa Kỳ, thành công trong việc hội nhập các đám đông người di cư thuộc nhiều tôn giáo và chủng tộc khác nhau. Nhưng ông cũng chấp nhận là có một con đường khác: đó là con đường như kiểu Libăng, trong đó căn cước tôn giáo gắn liền với các điều kiện kinh tế và xã hội, dẫn đưa tới một tương lai đáng lo ngại hơn.

Cảnh tục hóa lan tràn tại Âu châu là một chướng ngại đối với các chính quyền, vì nó ngăn cản các chính quyền thanh thản duyệt xét và đương đầu với các yếu tố và các vấn đề tôn giáo. Khuynh hướng của các giới chức chính trị ngày càng khinh rẻ hay tấn kích và bài bác tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo, trở thành chướng ngại chính không có giải pháp.

Trong một chương của cuốn sách nói trên học giả Jenkins cũng phân tích ảnh hưởng của nạn tục hóa đối với các Giáo Hội Kitô. Cảnh Kitô giáo xuống dốc đặc biệt nghiêm trọng trong các vùng tin lành và trong các nước đã phải sống dưới ách thống trị của chế độ cộng sản vô thần Liên Xô. Giáo Hội Công Giáo đã duy trì được mức tham dự cao, nhưng lại phải đương đầu với nhiều thách đố khác. Các sức mạnh xã hội và văn hóa đã ảnh hưởng trên dân chúng sâu đậm tới độ các chiều kích gia đình tại các nước công giáo đã bị suy sụp tới mức thấp nhất tại Âu châu. Ngoài ra, tại các nước như Italia và Tây Ban Nha, việc lui tới nhà thờ liên tục giảm sút trong thập niên vừa qua. Ơn gọi linh mục và tu sĩ giảm nhiều và hiếm thấy các dấu chỉ cho thấy một hình thức đổi chiều nào đó. Tuy nhiên bên cạnh các yếu tố tiêu cực đó chúng ta phải duyệt xét các yếu tố tích cực. Mặc dù có hiên tượng tôn giáo suy đồi, tại Âu châu vần còn có dân kitô. Tại các nước như Ba Lan, Slovac, và Sloveni mức độ tham dự các buổi cử hành phụng vụ còn rất cao. Bên Anh quốc các người di cư Ba Lan và Croat đã khiến cho tôn giáo tái nở hoa trong nhiều vùng.

Học giả Jenkins ghi nhận một sự kiện khích lệ và trao ban hy vọng. Đó là sự kiện ĐGH Biển Đức XVI rất được dân chúng yêu thích và ngài thu hút tín hữu và du khách hành hương. Tín hữu tuốn đến để lắng nghe ĐTC với con số vượt kỷ lục gần 8 triệu người trong hai năm làm Giáo Hoàng.

Ngoài ra còn có một hiện tượng tích cực khác là phong trào hành hương tôn giáo lan tràn khắp nơi. Nó là dấu chỉ sức sống của Kitô giáo tại Âu châu. Trong thập niên 1950 số tín hữu hành hương Lộ Đức là 1 triệu mỗi năm. Hiện nay hàng năm có trên dưới 6 triệu người hành hương Lộ Đức. Đền thánh Đức Bà Czestochowa bên Ba Lan cũng thu hút mấy triệu người hành hương mỗi năm, trong đó có rất nhiều người trẻ.

Đền thánh Đức Mẹ Fatima mỗi năm thu hút hơn 4 triệu tín hữu hành hương. Trong khi bên Tây Ban Nha số tín hữu viếng thăm đền thánh Giacôbê Tông Đồ tại Santiago de Compostela mỗi năm gia tăng nửa triệu. Italia cũng có nhiều trung tâm thánh mẫu, nổi tiếng nhất là Đền Thánh Đức Bà Loreto. Tất cả là bằng chứng cho thấy lòng tin của Kitô hữu Âu châu vẫn còn sinh động.
Ngoài ra ông Jenkins cũng ghi nhận mấy trăm vị thánh mới do ĐGH Gioan Phaolo II tôn phong. Sự kiện này cũng giúp gia tăng lòng đạo đức bình dân. Khi so sánh dấn thân của Đức Gioan Phaolo II với dấn thân của Đức Biển Đức XVI học giả cho thấy cả hai vị Giáo Hoàng đã góp phần canh tân lòng tin công giáo và lành mạnh hóa các gia tài của Giáo Hội sau một thời gian gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng.

Sự kiện có nhiều dòng tu và phong trào tôn giáo mới trong Giáo Hội Công Giáo cũng là một yếu tố khác nữa khiến cho học gia Jenkins xác tín rằng Kitô giáo Âu châu không muốn nghe nói đến cái chết của mình. Đại hội quốc tế các phong trào trong Giáo Hội tại Roma hồi năm 1998 và 2006 mạnh mẽ minh xác điều đó. Phong trào Canh Tân Đặc sủng Thánh Linh cũng tái nở hoa trong nhiều nước âu châu. Trong nghĩa này, tuy số linh mục tu sĩ có giảm sút nhưng sự tham gia của giáo dân vào cuộc sống Giáo Hội lại gia tăng mạnh mẽ. Họ là một tài nguyên qúy báu cho sự canh tân cuộc sống Giáo Hội. Con số đông đảo các bạn trẻ tham dự các sinh hoạt của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Koeln bên Đức năm 2005 cũng là một dấu chỉ khác chứng minh cho sức sống của kito hữu âu châu. Ngoài ra cũng nên nghi nhận sự kiện các nhóm tin lành và sặc sủng thánh linh cũng gia tăng trong các Giáo Hội Tin Lành.

Ngoài ra còn có một nguồn sức mạnh khác nữa cho Kitô giáo âu châu: đó là phong trào di cư. Bên cạnh các người hồi di cư cũng có một phần lớn các người di cư theo Kiô giáo. Số sinh tại Italia giảm sút, nhưng tại Roma chẳng hạn, người ta thấy sự hiện diện của hàng chục ngàn người di cư công giáo đến từ nhiều nước khác đặc biệt là từ Phi Luật Tân.

Thế rồi cũng còn có sự hiện diện gia tăng của các linh mục tu sĩ nam nữ đến từ các đại lục khác, giúp tái lập cán cân ơn gọi tại Âu châu. Học giả Jenkins cho biết Anh quốc hiện tiếp đón 1500 thừa sai thuộc 50 nước khác nhau, trong đó có nhiều vị gốc phi châu. Một thí dụ khác nữa là một giáo phận bên Pháp đã tiếp đón 30 linh mục từ các nước cựu thuộc địa phi châu.

Vậy tại sao người ta lại có cái nhìn bi quan tiêu cực đối với tương lai của Kitô giáo âu châu như thế? Học giả Jenkins tố cáo các phương tiện truyền thông âu châu duy đời cực đoan và thù nghịch tôn giáo, phóng đại xuyên tạc sự thật, và cố tình không biết đến các khuynh hướng tích cực của lòng tin. Ở điểm này họ thua Hoa Kỳ. Ngoài ra giới lãnh đạo âu châu có khuynh hướng rất duy đời và vô cảm trước áp lực của công chúng. Tình trạng này dẫn đưa họ tới một lập trường chống đối Kitô giáo và khinh thường các tâm tình của nhiều kitô hữu. Chính vì thế ông Jenkins cho rằng một đàng không thể phủ nhận rằng Kitô giáo tại Âu châu đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng, đàng khác sẽ là một sai lầm lớn, nếu giản lược thái qúa các vấn đề bằng cách không biết đến các khía cạnh tích cực có thực trong cuộc sống kitô tại Âu châu.

(LM John Flynn, L.C ZENIT 22-7-2007)

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.