2007-09-10 17:46:49

ĐỨC THÁNH CHA KẾT THÚC CUỘC VIẾNG THĂM TẠI ÁO


ROMA. Tối chúa nhật 9-9-2007, ĐTC Biển Đức 16 đã về đến Roma bằng an, kết thúc tốt đẹp cuộc viếng thăm mục vụ 3 ngày tại Áo, mặc dù thời tiết không thuận lợi, mưa liên lỷ trong 2 ngày đầu tiên.
Tổng cộng đã có hơn 110 ngàn người đến tham dự các buổi lễ và các cuộc gặp gỡ với ĐTC, không kể những người tham dự qua truyền hình.

VIẾNG THĂM ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH GIÁ

Chiều chúa nhật 9-9-2007, ĐTC đã đến viếng Đan viện Xitô Thánh Giá, cách thủ đô Vienne 25 cây số, một đan viện cổ kính được thánh Leopoldo III thành lập năm 1133 theo lời xin của con ngài là thánh Otto, đã gia nhập dòng Xitô vài năm trước đó tại Đan viện Morimond bên Pháp. Hơn nửa thế kỷ sau khi được thành lập, Đan viện này được Quận công Leopoldo V tặng thánh tích Thánh Giá thật của Chúa Giêsu và vẫn còn được kính viếng ngày nay.

Trong thời Đức quốc xã, từ 1938 đến 1945, Đan viện bị quốc hữu hóa và nhiều Đan sĩ bị giam cầm. Sau thế chiến thứ hai, Đan viện được phục hồi và canh tân dưới sự điều khiển của Viện phụ Karl Braunstorfer (1945-1968). Ngày nay, Đan viện Xitô Thánh Giá có hơn 80 đan sĩ, và là Đan viện đông nhất tại Âu Châu. Đặc biệt Phân khoa thần học tại đây đã được gọi làn Phân khoa Giáo Hoàng và mới đây được mang tên là Phân Khoa Biển Đức 16, với hơn 100 sinh viên thần học đến từ các giáo phận và dòng tu.

Khi đến đan viện lúc quá 4 giờ rưỡi chiều, ĐTC được Đức viện phụ Gregor Henckel Donnersmarck đón tiếp và hướng dẫn vào thánh đường đan viện, viếng Mình Thánh Chúa, thánh tích Thánh Giá. Gần 1 ngàn người đã ngồi chật nhà thờ.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC đặc biệt đề cao sứ mạng và ơn gọi của các Đan sĩ chiêm niệm, đồng thời cho biết sở dĩ ngài muốn đến đan viện có lịch sử phong phú này là để lưu ý về qui luật cơ bản của thánh Biển Đức cũng là tu luật của các Đan sĩ Xitô, đó là” ”Không coi sự gì cao trọng hơn kinh Thần Vụ”. ĐTC nói:
”Trong đời sống của các Đan sĩ, kinh nguyện có một tầm quan trọng đặc biệt: nó là trung tâm các nghĩa vụ chuyên nghiệp của họ. Thực vậy, họ thi hành nghề cầu nguyện. Vào thời các Giáo Phụ, đời sống đan tu được coi là một cuộc sống theo kiểu các thiên thần. Và vì đặc tính thiết yếu của các thiên thần chính là những người thờ lạy Chúa, nên các đan sĩ cũng phải như vậy. Họ cầu nguyện không phải để xin điều này điều kia, nhưng chỉ vì Thiên Chúa đáng được thờ lạy.”

”Đồng thời, kinh thần vụ của những người thánh hiến cũng là một dịch vụ thánh thiêng dành cho con người và là một chứng tá cho họ. Dù ý thức hay vô tình, mỗi người mang trong thẳm sâu tâm hồn mình một sự nhớ nhung hạnh phúc tuyệt đối, và xét cho cùng đó là một sự khao khát Thiên Chúa. Đan viện, trong đó các đan sĩ tập hợp nhiều lần trong ngày để chúc tụng Thiên Chúa, làm chứng rằng ước muốn nguyên thủy ấy của con người không phải là điều trống rỗng: Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa không đặt để nhân loại chúng ta trong tối tăm kinh khủng, trong đó chúng ta phải mò mẫm tìm kiếm một ý nghĩa tối hậu của mình một cách tuyệt vọng (cf TĐCV 17,27); Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta trong một sa mạc hư vô, vô nghĩa, chỉ có chết chóc chờ đợi chúng ta! Không phải vậy, Thiên Chúa đã soi sáng những tăm tối của chúng ta bằng ánh sáng của Ngài, nhờ hoạt động của Con Ngài là Đức Giêsu Kitô. Trong Chúa Con, Thiên Chúa đi vào thế giới chúng ta với tất cả sự sung mãn của Ngài (cf Col 1,19)..

ĐTC nhắn nhủ các LM tu sĩ nam nữ hiện diện tại thánh đường Đan viện rằng: ”Tôi biết cần phải có kỷ luật để nhiều khi vượt thắng chính mình hầu trung thành đọc sách nguyện. Nhưng chính nhờ kinh thần vụ, chúng ta nhận được nhiều điều phong phú: bao nhiêu lần khi đọc kinh nguyện, những mệt mỏi và tình trạng xuống tinh thần tan biến. Nơi nào Thiên Chúa được trung thành chúc tụng và thờ lạy, thì sẽ không thiếu phúc lành của Ngài. Vì thế, tại Áo người ta thật có lý mà nói: ”Tất cả tùy thuộc phúc lành của Chúa”.

Sau cùng ĐTC nhắc đến Phân khoa thần học Giáo Hoàng tại Đan viện này, năm nay kỷ niệm 205 năm thành lập. Ngài nhắn nhủ rằng: Thiên Chúa không phải chỉ là đối tượng của khoa thần học, nhưng đồng thời Chúa cũng là Chủ thể sinh động của khoa này. Thần học Kitô giáo không bao giờ chỉ là một diễn văn của con người về Thiên Chúa, nhưng đồng thời nó vẫn luôn là Logos, là Lời, và lý lẽ qua đó Thiên Chúa tự mạc khải. Vì thế, trí thức khoa học và lòng sùng mộ sống thực, chính là 2 yếu tố của việc nghiên cứu học hành, không thể từ bỏ được, chúng bổ túc và lệ thuộc lẫn nhau.

Trước khi giã từ Đan viện, ĐTC còn lên bao lơn của Phân khoa thần học để chào thăm và ban phép lành cho hàng ngàn tín hữu tụ tập ở khuôn viên.

GẶP GIỚI THIỆN NGUYỆN

Hoạt động cuối cùng của ĐTC tại thủ đô Vienne chiều 9-9-2007 là cuộc gặp gỡ với gần 2 ngàn đại diện của các tổ chức thiện nguyện của Giáo Hội và xã hội dân sự Áo tại nhà hòa nhạc cách Đan viện Thánh Giá 27 cây số. Hiện diện tại đây cũng có tổng thống Áo Heinz Fischer và nhiều GM, cũng như các giới chức đạo đời.

Hai bạn trẻ thiện nguyện và Đức Cha Alois Kothgasser, TGM giáo phận Salzburg, cùng với tổng thống Fischer đã chào mừng ĐTC.

Trong diễn văn tại buổi gặp gỡ ĐTC nhắc đến nhiều động lực khác nhau thúc đẩy sự dấn thân của những người thiện nguyện, nhiều khi chỉ là ước muốn thực hiện một cái gì có ý nghĩa, hữu ích và mở ra những lãnh vực kinh nghiệm mới; nhiều khi những ý tưởng và sáng kiến cá nhân có liên hệ tới một tình thương tha nhân cụ thể... Chính nhờ sự dấn thân của những người thiện nguyện, việc giúp đỡ duy trì được một chiều kích nhân bản và không trở nên những công việc vô hồn. Chính vì thế, ĐTC nói, 'anh chị em thiện nguyện không phải là những người ”lấp đầy chỗ trống” trong hệ thống hoạt động xã hội của nhà nước, nhưng là những người góp phần mang lại bộ mặt xã hội và Kitô cho xã hội chúng ta'.

ĐTC ghi nhận rằng các công tác thiện nguyện thuộc về một nền văn hóa không muốn tính toán mọi sự và cái gì cũng phải trả tiền; nó tránh cho tương quan giữa con người với nhau không phải chỉ là tương quan quyền lợi và nghĩa vụ. Chính nhờ bao nhiêu người dấn thân một cách nhưng không mà cuộc sống trở thành một món quà nhưng không. Dù những động lực và con đường dấn thân có khác nhau thế nào đi nữa, xét cho cùng, tất cả chúng đều có một điểm xuất phát chung là sự ”nhưng không, miễn phí”. Chúng ta đã lãnh nhận sự sống một cách nhưng không từ Đấng Tạo Hóa, được giải thoát nhưng không từ con đường mù quáng của tội lỗi và sự ác, được ban Thánh Linh một cách nhưng không với các hồng ân đa dạng của Ngài... Chúng ta thông truyền một cách nhưng không những gì chúng ta đã nhận lãnh, qua sự dấn thân và công tác thiện nguyện của chúng ta”.

”Nếu không có sự dấn thân thiện nguyện thì công ích và xã hội đã, đang và sẽ không thể trường tồn.”

Sau cùng, ĐTC nhắc nhở các những người thiện nguyện về sức mạnh và tầm quan trọng của việc cầu nguyện, dấn thân trong công tác từ thiện. Ngài nói: ”Kinh nguyện dâng lên Thiên Chúa chính là con đường ra khỏi ý thức hệ hoặc thái độ cam chịu trước những nhu cầu vô biên. 'Các tín hữu kitô tiếp tục tin nơi lòng từ nhân và tình thương của Thiên Chúa đối với loài người, mặc dù bao nhiêu hiểu lầm hoặc hỗn độn trong thế giới xung quanh' (Tt 3,4). Tuy cũng chìm đắm như bao nhiêu người khác trong tình trạng phức tạp của những thăng trầm lịch sử, nhưng họ kiên vững trong xác tín Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta, cho dù chúng ta không hiểu sự im lặng của Chúa”.
Giã từ những người thiện nguyện Áo, ĐTC đã ra phi trường thủ đô Vienne. Tại đây đã diễn ra nghi thức từ biệt với sự hiện diện của Tổng thống, các vị lãnh đạo chính quyền, và hàng GM Áo cùng với một số tín hữu.

Máy bay của hãng hàng không Áo chở ĐTC, đoàn tùy tùng và các ký giả tháp tùng rời phi trường Vienne lúc 20 giờ 15. 68 ký giả tháp tùng ĐTC đã ngạc nhiên vì thấy máy bay lượn vòng vòng không chịu đi luôn, nhưng cha F. Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh kiêm Tổng giám đốc Đài Vatican, giải thích rằng: từ trên không trung ĐTC làm phép Tổng hành dinh mới của hãng hàng không Áo (Austrian Airlines).

Máy bay chở ĐTC đã về đến phi trường Ciampino của Roma lúc quá 10 giờ, trễ hơn nửa tiếng so với chương trình dự kiến. Liền đó, ĐTC đã dùng xe đi về dinh thự Castel Gandolfo cách đó 9 cây số. Ngài tiếp tục lưu lại đây cho đến cuối tháng 9 này.

LM Federico Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cũng là Tổng giám đốc Đài Vatican, thuộc đoàn tùy tùng của ĐTC, cho biết tổng kết cuộc viếng thăm của ĐTC rất tích cực vì tất cả các mục tiêu chính Giáo Hội tại Áo và ĐTC đề ra, đều đạt được.

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.