2007-09-05 15:19:10

Thanh tẩy chính mình và cầu nguyện để trở nên giống Chúa


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến chung hơn 20.000 tín hữu năm châu sáng thứ tư 5-9-2007 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu vài khía cạnh trong giáo lý của thánh Gregorio Nisseno. Thánh nhân nêu bật phẩm giá cao trọng của con người. Cứu cánh của con người là trở nên giống Thiên Chúa và con người đạt được điều này qua tình yêu thương, sự hiểu biết và việc thực hành các nhân đức. Nhưng để lên tới với Thiên Chúa, con người phải thanh tẩy chính mình và tiến bước trên con đường thiêng liêng theo mẫu gương của Chúa Giêsu là thầy, Đấng cho chúng ta trông thấy gương mặt xinh đẹp của Thiên Chúa. Thánh Gregrio cũng nhắc cho chúng ta biết rằng Chúa Kitô hiện diện trong các anh chị em nghèo khó, vì thế không bao giờ được phép xúc phạm đến họ. Trái lại cần phải quảng đại với họ là các nạn nhân của bất hạnh. Thánh Gregorio cũng nhấn mạnh trên lời cầu nguyện. Để tiến lên trên con đường hoàn thiện và tiếp nhận Thiên Chúa trong chính mình, con người phải thưa chuyện với Chúa trong sự tin tưởng, và lời cầu của kitô hữu phải lấy hứng từ lời kinh Lạy Cha của Chúa Giêsu.

Khai triển việc hướng tới chỗ giống Thiên Chúa trong ơn gọi của con người theo kiểu nói của thánh Phaolô Đức Thánh Cha nhận định như sau: Kiểu diễn tả này ám chỉ một thực tại sâu thẳm: sự hoàn thiện mà chúng ta muốn tìm kiếm, không phải là một điều đã chinh phục được một lần cho luôn mãi; hoàn thiện là ở trên lộ trình và sẵn sàng liên tục bước tới, vì không bao giờ có thể đạt tới sự hoàn toàn giống Thiên Chúa; chúng ta luôn trên đường đi (x. Homelia in Canticum 12; PG 44, 1025d). Lịch sử của mỗi tâm hồn là lịch sử của một tình yêu, một khi được tràn đầy thì đồng thời cũng rộng mở cho các chân trời mới, bởi vì Thiên Chúa liên tục làm nở rộng các khả năng của linh hồn, khiến cho nó luôn có thể tiếp nhận các ơn lớn lao hơn. Chính Thiên Chúa là Đấng đã đặt để trong chúng ta các mầm giống sự thiện và từ Ngài phát xuất mọi sáng kiến thánh thiện, ”nhào nặn linh hồn... Khi mài dũa và chùi rửa tâm hồn chúng ta, Ngài tạo thành Chúa Kitô nơi chúng ta” (In Psalmos 2,11: PG 44,544B).

Thật ra đó không phải công trình củua chúng ta, cũng không phải quyền năng nhân loại nào khiến cho chúng ta giống Thiên Chúa, mà là kết qủa sự quảng đại của Thiên Chúa, là Đấng ngay từ ban đầu đã ban cho bản chất của chúng ta ơn được giống Ngài (De virginitate 12,2: SC 119,408-410). Như thế, ”đối với linh hồn đây không phải là chuyện hiểu biết cái gì về Thiên Chúa, mà là có Thiên Chúa trong chính mình” (De beatitudinibus 6: PG 44,1259c). Ngoài ra thánh Gregorio còn cẩn thận ghi nhận rằng ”thiên tính là sự tinh tuyền, là sự thắng vượt các đam mê và lấy đi mọi sự dữ: nều tất cả những điều này ở trong bạn, thì Thiên Chúa thực sự ở trong bạn” (De beatitudinibus 6: PG 44,1272C).

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã khai triển tiếp điểm này như sau: Khi chúng ta có Thiên Chúa trong chúng ta, khi con người yêu mến Thiên Chúa, vì sự tương ứng hai chiều trong luật của tình yêu thương, nó muốn điều Thiên Chúa muốn (x. Homilia in Canticum 9: PG 44,956ac) và như thế cộng tác với Thiên Chúa để nhào nặn nơi mình hình ảnh của Thiên Chúa, và như vậy ”sự tái sinh thiêng liêng của chúng ta là kết qủa của một lựa chọn tự do, và trong một cách thế nào đó chúng ta là cha mẹ của chính mình, bằng cách tạo dựng nên chúng ta như chúng ta muốn, và bởi ý muốn của mình chúng ta đào tạo mình theo mẫu chúng ta muốn” (Vita Moysis 2,3: SC Ibis, 108).
Nhưng để lên tới Thiên Chúa, con người phải thanh tẩy chính mình: ”Con đường dẫn bản tính nhân loại lên trời không gì khác hơn là xa lánh các sự dữ của trần gian này... Trở nên giống Thiên Chúa có nghĩa là trở nên công chính, thánh thiện và tốt lành...” Nếu các bạn hiệp nhất với Thiên Chúa, thì Người ở đâu các bạn cũng phải ở đó. Khi dậy Kinh lậy Cha, Chúa Giêsu truyền cho chúng ta phải gọi Thiên Chúa là Cha và Ngài nói rõ ràng rằng: ”Các con phải trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng Trọn Lành” (Mt 5,48).

Trên con đường tiến lên về đàng thiêng liêng đó, Chúa Kitô là mẫu gương và là thầy dậy. Khi hướng nhìn lên Chúa, mỗi người trong chúng ta tìm thấy ”họa sĩ của đời mình”, Đấng xử dụng ý muốn làm việc và các nhân đức như mầu đễ vẽ (Ibid: PG 46,272a). Vì thế nên muốn giống Chúa, con người phải duyệt xét tư tưởng, lời nói và việc làm của mình xem chúng có hướng về Chúa Kitô hay xa rời Người. (ibid: PG 46,264c). Đó là ý nghĩa của từ kitô hữu. Kitô hữu là người mang danh Chúa Kitô, và như thế phải giống Chúa cả trong cuộc sống nữa.

Thánh Gregorio đặc biệt nhắc nhở cho tín hữu biết Chúa Kitô hiện diện nơi người nghèo, vì Ngài đã tự đồng hóa mình với những người nghèo khổ và dựa trên cung cách đối xử với họ mà luận phạt con người. Vì thế không bao giờ được phép khinh rẻ hay hất hủi họ. Lên tới với Thiên Chúa qua con tim trong sạch và qua tình yêu thương tha nhân. Vì tất cả mọi người đều tùy thuộc Thiên Chúa, nên cũng có phần cho người nghèo là bạn hữu của Chúa nữa. Ăn chay kiêng thịt mà làm gì, nếu đối xử ác độc với tha nhân? Nhịn ăn trước mặt Thiên Chúa có lợi gì, nếu sống bất công và cướp của người khác (Ibid PG 46,456a).

Sau cùng là tầm quan trọng của lời cầu nguyên: lời cầu nguyện giúp con người ở với Thiên Chúa, xa cách thù địch. Nó nâng đỡ và bảo vệ sự khiết tịnh, kìm hãm giận dữ, làm lắng dịu và chế ngự kiêu căng. Lời cầu nguyện giữ gìn đức trinh khiết, che chở lòng trung thành trong hôn nhân, ban hy vọng cho người canh thức, hoa trái phong phú cho nhà nông và an ninh cho khách hải hành (De oratione dominica 1: PG 44,1124AB). Và khi kết thúc cuộc sống trên trần gian này, kitô hữu có thể hướng tới Thiên Chúa trong an bình.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Croat, Slovac, Hungari và Ý. Ngài cũng đưa ra lời kêu gọi tôn trọng và bảo vệ môi sinh, nhân hội nghị về môi sinh, do Đức Thượng Phụ Bartolomaios I khai mạc ngày thứ năm hôm nay tại mạn tây đảo Groenland, về đề tài ”Bắc cực: chiếc gương của sự sống”. Đức Thánh Cha gửi lời chào thăm Đức Thượng Phụ và các tham dự viên, gồm nhiều giới lãnh đạo tôn giáo, các khoa học gia, các nhà báo, và các chuyên viên. Việc săn sóc các nguồn nước cũng như chú ý tới sự thay đổi của khí hậu đều có tầm quan trọng lớn đối với sự sống của toàn gia đình nhân loại. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hiệp ý với ngài cầu nguyện và làm việc, để thăng tiến sự tôn trọng lớn hơn đối với các kỳ công tạo dựng của Thiên Chúa.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.