2007-08-29 17:48:46

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN CHUNG CÁC TÍN HỮU HÀNH HƯƠNG: 29-8-2007


VATICAN. Sau 4 tuần lễ tiếp kiến các tín hữu tại Đại thính đường Phaolô 6 có máy lạnh mát mẻ tại Nội thành Vatican, sáng 29-8-2007, ĐTC đã phải tiếp các tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô dưới trời nắng gắt, vì số tín hữu quá đông, lối 20 ngàn người.

ĐTC đã đáp trực thăng từ Castel Gandolfo về đây lúc 10 giờ. Ngài dùng xe díp mui trần và đầu đội chiếc mũ đỏ có viền rộng chống nắng, tiến qua các lối đi ở quảng trường để chào thăm các tín hữu reo hò vui mừng, trước khi tiến lên bục cao ở thềm đền thờ, và bắt đầu buổi tiếp kiến, với dấu Thánh Giá và lời chào phụng vụ.
Hiện diện phía sau khán đài của ĐTC dưới bóng rợp có nhiều Giám Mục bạn của Cộng đồng thánh Egidio, một tổ chức bác ái nổi tiếng ở Roma.

5 LM thuộc phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã đọc một đoạn thánh vịnh thứ 41 bằng 5 ngôn ngữ khác nhau, trước khi ĐTC bắt đầu bài giáo lý thứ 105. Ngài tiếp tục loạt bài về các giáo phụ và đề cập đến thánh Gregorio thành Nissa, một nhà đại thần học sống vào thế kỷ thứ tư. ĐTC nói:

”Trong các bài giáo lý trước đây, tôi đã nói về hai vị đại tiến sĩ của Giáo Hội hồi thế kỷ thứ 4, thánh Basilio và Gregorio Nazianzeno, GM thành Cappadocia, nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm nay, chúng ta nói thêm một vị thứ ba, là em của Basilio, đó là thánh Gregorio thành Nissa. Ngài tỏ ra là một người suy niệm, có nhiều khả năng suy tư, trí thông minh sắc bén, cởi mở đối với nền văn hóa thời ngài. Thánh nhân tỏ ra là một nhà tư tưởng độc đáo và sâu xa trong lịch sử Kitô giáo.

”Ngài sinh khoảng năm 335, và được anh Basilio đặc biệt chăm sóc về việc huấn luyện theo tinh thần Kitô giáo, thánh nhân gọi anh mình là cha và là thầy (Ep 13,4 SC 363, 198). Cùng cộng tác vào việc huấn luyện này còn có chị của thánh nhân là Macrina. Gregorio hoàn tất việc học và đặc biệt ưa thích môn triết lý và hùng biện. Thoạt đầu ngài dạy học rồi lập gia đình. Sau đó, cũng như anh và chị, ngài hoàn toàn chăm lo đời sống khổ hạnh. Về sau ngài được bầu làm GM thành Nissa và tỏ ra là một vị chủ chăn nhiệt thành, được cộng đoàn quí mến. Thánh nhân bị những kẻ lạc giáo đối nghịch vu khống là biển thủ công quĩ, nên tạm thời phải rời bỏ tòa GM, nhưng sau đó ngài khải hoàn trở về (cf Ep 6, SC 363, 164-170) và tiếp tục dấn thân trong cuộc chiến đấu bảo vệ đức tin chân thực.
:Nhất là sau khi thánh Basilio qua đời, ngài hầu như đón nhận gia sản tinh thần của anh, cộng tác vào sự chiến thắng của đạo lý chân chính. Thánh nhân tham dự nhiều công nghị; cố gắng giải quyết những xung khắc của các Giáo Hội; tích cực tham dự vào sự chấn chỉnh Giáo Hội, và như ”một cột trụ chân chính”, ngài giữ vai trò chính trong công đồng chung Constantinople năm 381, là Công đồng xác định thiên tính của Chúa Thánh Linh. Thánh nhân được Hoàng đế Teodosio ủy thác nhiều trách vụ chính thức, và ngài có những bài giảng cũng như diễn văn quan trọng về lễ an táng, thánh nhân tận tụy hoàn thành nhiều tác phẩm thần học. Năm 394, ngài còn tham dự một công nghị nhóm tại Constantinople. Người ta không rõ thánh nhân qua đời năm nào.

ĐTC nói thêm rằng: ”Thánh Gregorio diễn tả minh bạch mục đích công việc nghiên cứu của ngài, mục đích tối hậu mà công trình thần học của ngài nhắm tới, đó là không phí phạm đời sống vào những sự phù vân, nhưng tìm được ánh sáng giúp phân biệu đâu là điều thực sự hữu ích (cf In Ecclesiastan hom. 1: SC 416,106-146). Ngài đã tìm được sự thiện tối cao, trong Kitô giáo, nhờ đó, có thể ”noi gương bản tính Thiên Chúa” (De professione christiana: PG 46,244C). Với trí thông minh sắc bén và kiến thức sâu rộng về triết và thần học, ngài bênh vực đức tin Kitô chống lại những người rối đạo phủ nhận thiên tính của Chúa Con và Chúa Thánh Linh (như Eunomio và những người Macedonia); hoặc những người làm thương tổn nhân tính hoàn hảo của Chúa Kitô (như Apollinare). Thánh nhân chú giải Kinh Thánh, và đặc biệt bàn sâu rộng về sự sáng tạo con người. Chủ đề chính yếu của ngài là sự tạo dựng. Ngài nhìn thấy nơi các thụ tạo phản ánh Đấng Tạo Hóa và qua đó tìm thấy con đường tiến về cùng Thiên Chúa. Nhưng ngài cũng viết một cuốn sách quan trọng về cuộc đời của Môisê, mà thánh nhân mô tả như một người đang hành trình tiến về Thiên Chúa: sự leo lên núi Sinai trở thành hình ảnh cuộc tiến bước của chúng ta trong cuộc đời hướng về sự sống chân thực, hướng về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Thánh nhân cũng giải thích Kinh Lậy Cha và các Mối Phúc thật. Trong bài đại huấn giáo (Oratio catechita magna) ngài trình bày những đường hướng căn bản về thần học, không phải một thứ thần học sách vở khép kín nơi chính mình, nhưng để mang lại cho các giáo lý viên một hệ thống tham chiếu cần để ý khi giảng dạy, có thể nói đó là một khuôn khổ cho sự giải thích sư phạm về đức tin”.

”Ngoài ra, thánh Gregorio cũng nổi bật về đạo lý tu đức. Toàn bộ thần học của ngài không phải là một thứ suy tư sách vở, nhưng là một sự diễn tả đời sống thiêng liêng, một cuộc sống đức tin được sống thực. Như một giáo phụ đại thần bí, ngài viết nhiều khảo luận như Về sự tuyên xưng Kitô giáo, về sự hoàn hảo theo Kitô giáo, con đường mà các tín hữu Kitô phải đi theo để đạt tới sự sống chân thực, sự trọn lành. Ngài đề cao sự đồng trinh thánh hiến (De virginitate), và đề nghị một mẫu gương nổi bật trong đời sống của bà chị Macrina, mà thánh nhân coi như một vị hướng đạo, một gương mẫu (cf Vita Macrinae).

ĐTC cũng nhấn mạnh một khía cạnh trong giáo huấn của thánh Gregorio Nissa, theo đó con người có mục đích là chiêm ngắm Thiên Chúa. Chỉ trong sự chiêm ngắm ấy, con người mới tìm được sự mãn nguyện. Để đạt trước mục đích ấy, ngay từ đời này, con người phải không ngừng tiến về đời sống thiêng liêng, một cuộc sống đối thoại với Thiên Chúa. Nói khác đi, bài học quan trọng nhất mà thánh Gregorio để lại cho chúng ta là: sự thành đạt viên mãn của con người hệ tại sự thánh thiện, trong một cuộc sống gặp gỡ Thiên Chúa, để trở thành ánh sáng rạng ngời cho tha nhân và cho cả thế giới”.

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, như thường lệ là phần giới thiệu các phái đoàn lên ĐTC. Trong số các phái đoàn tiếng Ý được ĐTC chào thăm, đặc biệt có phái đoàn của chính quyền và giáo quyền Cộng hòa San Marino, một tiểu quốc nằm gọn trong lãnh thổ miền trung Italia, về Roma hành hương nhân dịp kỷ niệm 25 năm cuộc viếng thăm của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 tại tiểu quốc này. ĐTC nói: ”Các bạn thân mến, ước gì kỷ niệm biến cố đầy ý nghĩa ấy khơi dậy nơi các bạn sự tái quyết tâm gắn bó với Thiên Chúa là nguồn mạch ánh sáng, hy vọng và an bình”.
ĐTC cũng chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới, và nói rằng: ”Ước gì tấm gương anh dũng của thánh Gioan Tẩy Giả mà chúng ta kính nhớ cuộc tử đạo của ngài hôm nay, khích lệ các con, hỡi những người trẻ quí mến, đề ra dự phóng cho tương lai trong niềm trung thành hoàn toàn đối với Tin Mừng. Và anh chị em bệnh nhân quí mến, ước gì gương của thánh Gioan Tẩy Giả giúp anh chị em can đảm đương đầu với đau khổ, tìm được sự thanh thản và an ủi nơi Chúa Kitô chịu đóng đanh. Sau cùng, hỡi các đôi tân hôn quí mến, ước gì gương của thánh nhân dẫn đưa anh chị em đến một tình yêu sâu đậm đối với Thiên Chúa và giữa anh chị em với nhau, để anh chị em mỗi ngày cảm nghiệm được niềm vui an ủi xuất phát từ sự hiến thân cho nhau.”

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.