2007-08-11 12:09:33

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN CỦA CÁC VỊ TỬ ĐẠO TRUNG HOA


Chúa Nhật 1-10-2000, trong khung cảnh Đại Năm Thánh, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II (1978-2005) long trọng tôn phong 120 vị Tử Đạo Trung Hoa lên hàng hiển thánh. Trong số 120 có 86 vị chịu chết năm 1900, do bạo hành của loạn ”quyền-phỉ” (boxer), hay ”nghĩa-hòa-đoàn”. Phiến quân này cho rằng chính vì các tín hữu Kitô nên mới có sự hiện diện các thế lực thực dân bấy giờ trên đất Trung Hoa. Xin giới thiệu 3 cuộc tuyên xưng Đức Tin.

Một người ngoại giáo nói với bọn giặc quyền-phỉ:

- Đừng động đến bà này, vì bà ta không phải tín hữu Công Giáo!

Ngạc nhiên, bọn lính hỏi lại phụ nữ:

- Có thật bà là người Công Giáo không?

Bà quả quyết:

- Thật, tôi là người Công Giáo!

Nghe vậy, người đàn ông ngoại giáo nổi cáu và trách mắng người đàn bà:

- Sao bà dại dột thế! Bà không biết nói bà không phải là Công Giáo sao? Chỉ cần nói: ”tôi không phải người Công Giáo”, đủ để thoát chết. Bà không nói được sao?

Thế nhưng, phụ nữ Công Giáo quả cảm, trung thành, làm sao có thể nói dối mình không phải tín hữu Công Giáo, để được cứu sống? Do đó, người đàn bà tiếp tục tuyên xưng:

- Tôi là người Công Giáo. Gia đình tôi theo đạo Công Giáo từ không biết bao nhiêu thế hệ qua!

Câu chuyện trên xảy ra vào mùa hè năm 1900 tại làng Đại-Ninh. Người đàn bà Công Giáo chính là bà Maria Vương Lý, 49 tuổi, có chồng và ba đứa con.

Khi thấy làng Công Giáo gặp nguy hiểm, bà Vương đem hai đứa con trai nhỏ - 9 và 14 tuổi - trốn sang làng không Công Giáo.

Không may vừa ra khỏi làng, ba mẹ con chạm phải bọn giặc. Bọn lính hỏi:

- Bà có phải là người Công Giáo không?

Bà đáp ngay:

- Phải, tôi là người Công Giáo và tôi theo đạo Công Giáo từ lâu lắm rồi!

Bọn lính bảo bà:

- Vậy phải quay trở về làng!

Trên đường về, một người không Công Giáo trong làng trông thấy bọn lính áp giải bà Vương. Ông hiểu ngay bọn lính muốn giết bà, vì bà là người Công Giáo. Ông tìm cách can thiệp:

- Đừng bắt bà này vì bà ta không phải là người Công Giáo!

Nghe vậy, bà Vương cải chính:

- Làm sao ông lại nói thế! Tôi là tín hữu Công Giáo từ lúc còn nhỏ tuổi. Xin ông đừng lo lắng đến chúng tôi làm gì!

Lợi dụng trong lúc cãi cọ, bọn lính lơ đãng, hai đứa con trai bà Vương nhanh trí lẻn trốn vào đống rơm gần đó và may mắn thoát nạn. Chỉ còn lại bà Vương.

Trên đường về làng, bà Vương còn gặp hai người không Công Giáo khác. Cả hai tìm cách cứu bà. Nhưng bà Vương cương quyết tuyên xưng mình là tín hữu Công Giáo. Thấy thế, bọn lịnh quyết định xử tử bà. Họ ra lệnh:

- Quỳ gối xuống và ngửa mặt lên trời!

Bà Vương mau mắn thi hành. Bà quỳ xuống, chắp hai tay lại và ngước mắt nhìn Trời. Một lưỡi gươm vung mạnh chém đứt đầu, đưa linh hồn phụ nữ Công Giáo Trung Hoa can đảm về thiên quốc. Hôm ấy là ngày 22-7-1900. Bà Maria Vương Lý hưởng dương 49 tuổi.

... Câu chuyện thứ hai cũng xảy ra vào tháng 7 năm 1900 tại một làng Trung Quốc. Làng có hai xã trưởng, một là Công Giáo, người kia không Công Giáo. Chẳng may trong làng có người vừa nghiện ma túy vừa trộm cắp. Ông bị bắt và bị dân làng đánh đập đến chết. Xác nạn nhân bị lôi đến bỏ trước nhà thờ Công Giáo. Câu chuyện đến tai quan huyện tên Trương. Quan Trương từ lâu vốn ghét người Công Giáo. Lợi dụng dịp này, ông tìm cách trả thù người Công Giáo.

Quan truyền bắt hai người Công Giáo và hai người không Công Giáo trong làng giải lên huyện. Một trong hai người Công Giáo là xã trưởng Gioan Ngô Văn n. Trước khi lên đường, ông Ngô được phép ghé nhà chào mẹ già. Bà mẹ cảm động nói với con:

- Con nhớ đừng bao giờ chối đạo. Nếu con chối đạo, con không còn là con của Mẹ nữa!

Ông Ngô kính cẩn cúi mình chào giã biệt Mẹ và thưa:

- Xin Mẹ an tâm, con sẽ không bao giờ chối đạo!

Bà Mẹ lặng lẽ đi lấy Bộ Áo Đức Bà Carmelo còn mới nguyên và tròng vào cổ con trai yêu dấu. Ông Ngô cảm động thưa với Mẹ:

- Mẹ đã già, các con của con còn nhỏ, vậy mà con phải chết!

Bà Mẹ can đảm an ủi con:

- Con đừng lo lắng cho Mẹ. Mẹ không sống bao lâu nữa. Phần các con của con, THIÊN CHÚA sẽ gìn giữ chúng!

Quay sang vợ hiền, ông Ngô giã biệt vợ:

- Em hãy chăm sóc các con, phần anh, anh sắp chịu chết vì đạo!

Khi vừa lên tỉnh, quan huyện truyền đem cả 4 người ra công đường. Quan hỏi ông Ngô:

- Anh có phải người Công Giáo không?

Ông Ngô đáp ngay:

- Phải, tôi là tín hữu Công Giáo!

Quan truyền đánh đòn cả bốn người. Sau đó quan thả hai người không Công Giáo, cộng thêm người Công Giáo kia, vì bằng lòng chối đạo. Chỉ còn lại ông Gioan Ngô Văn Ẩn. Giờ đây quan không đá động gì đến chuyện tại sao ông Ngô bị giải lên huyện. Quan chỉ ép buộc ông chối đạo. Nếu chối đạo thì được sống. Nếu không sẽ phải chết.

Quan nói với ông Ngô:

- Anh chỉ cần chối đạo, tức khắc mọi tội khác sẽ được tha.

Ông Ngô thưa với quan:

- Cho dù quan lớn có quyền thế, việc quan từ bỏ quyền chức vẫn dễ hơn việc tôi chối bỏ Đức Tin Công Giáo!

Nghe câu trả lời, quan huyện Trương giận uất người lên. Ông truyền đánh đập tra tấn ông Ngô vô cùng tàn nhẫn. Giữa mọi cực hình, ông Ngô không ngớt cầu xin THIÊN CHÚA trợ giúp. Ông chỉ lập đi lập lại câu nói duy nhất:

- Bao lâu còn nói được, miệng lưỡi tôi sẽ không ngừng ca tụng THIÊN CHÚA!

Ngay sau khi ông Gioan Ngô Văn Ẩn bị giết, mọi người Công Giáo trong làng đều tôn kính ông như vị tử đạo, dám chết vì vinh quang THIÊN CHÚA.

... Và đây là câu chuyện thứ ba. Trên đường đi đến nơi bị hành quyết, một chú bé ngồi cạnh ông Nội. Bé ngước nhìn Nội và hỏi:

- Nội à, người ta đưa mình đi đâu vậy?

Ông lão chỉ tay lên Trời và đáp:

- Chúng ta trở về Nhà, cháu ạ!

Đó là lời đối đáp giữa chú bé Phanxicô 6 tuổi và cụ già Marcô Bùi Thiên Tường, tín hữu Công Giáo Trung Hoa nhiệt thành, 70 tuổi.

Cụ Bùi bị bắt cùng với gia đình gồm 12 người. Ngoài cụ ra còn có con dâu trưởng và ba cháu nội, tiếp đến là vợ chồng con trai thứ và ba cháu nội, và hai người Công Giáo khác.

Khi nghe tin gia đình cụ Bùi bị bắt, những người không Công Giáo quý mến cụ, vội chạy đến và muốn cứu cụ khỏi tay bọn giặc Quyền-Phỉ. Biết rằng không thể thuyết phục cụ bỏ đạo, họ quay sang nhỏ to dụ dỗ con trai thứ. Nhưng cụ Bùi vẫn để tai nghe và liếc mắt nhìn về nhóm người này. Thấy vậy, con trai thứ lớn tiếng thưa với thân phụ:

- Cha à, mình phải làm sao đây?

Cụ Bùi trả lời bằng giọng oai nghiêm và cứng rắn:

- Con à, không được chối đạo. Hãy ngước mắt lên cao. Cửa Trời đang rộng mở đón chúng ta. Thà chết chứ không thà chối đạo!

Người con trai quay sang nói với những người đang đứng đó:

- Bởi vì Cha tôi không chối đạo nên tôi cũng không chối đạo!

Tuy nhiên cụ Bùi vốn là người liêm chính và rất tốt với mọi người, nên dân làng quyết tâm cứu sống gia đình cụ. Họ tìm đủ mọi cách. Nhưng cụ Bùi vẫn kiên vững như đá. Cụ chỉ luôn luôn lập lại một câu nói:

- Từ 9 thế hệ qua, dòng họ chúng tôi là Công Giáo, nên chúng tôi không thể chối đạo!

Thấy không thể thuyết phục cụ cùng toàn gia đình, bọn giặc quyết định giết chết tất cả.

Nhiều người không Công Giáo van xin bọn lính giao cho họ các em nhỏ, đừng giết chúng tội nghiệp. Bọn lính bằng lòng. Nhưng cụ Bùi nói:

- Không! Không được! Con cháu tôi là tín hữu Công Giáo như tôi, chúng sẽ chết vì đạo như tôi!

Trên đường đi đến nơi xử, cụ Bùi lớn tiếng bắt kinh và mọi người rập tiếng đọc theo cụ. Khi đến nơi, cụ Bùi nói với bọn lính:

- Mấy anh giết các cháu và con tôi trước. Sau cùng đến lượt tôi.

Rồi cụ quay sang nói với con cháu:

- Các con đừng sợ. Cửa Trời đang rộng mở trước mắt chúng ta. THIÊN CHÚA đang chờ đón chúng ta. Chỉ trong giây lát, tất cả chúng ta sẽ được lên Trời!

Khi thấy bọn lính sửa soạn gươm giáo chuẩn bị cho cuộc hành quyết, cụ Bùi lớn tiếng ra lệnh cho mọi người:

- Các con nhắm mắt lại. Một chút nữa các con sẽ mở mắt ra để nhìn thấy ánh sáng của Trời Cao!

Mọi người can đảm và lần lượt ngã gục dưới lưỡi gươm ác nghiệt của bọn lính. Một người ngoại giáo đứng đó còn cố gắng thuyết phục cụ Bùi lần cuối:

- Cụ chối đạo đi sẽ được sống!

Cụ Marco Bùi Thiên Tường chỉ yên lặng không đáp lại lời nào. Cụ mĩm cười và nghiêng đầu giơ cổ cho bọn lính chém. Cụ ngã gục cuối cùng, sau khi chứng kiến cái chết anh dũng của từng người con, người cháu trong gia đình cụ.

... ”Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu ngưi ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mát-thêu 16,24-26).

(Celestino Testore, S.I, ”Sangue e Palme e Corone sul Fiume Giallo”, Curia Generalizia della Compagnia di Gesù, 1955).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyet







All the contents on this site are copyrighted ©.