2007-08-08 17:32:42

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN CÁC TÍN HỮU HÀNH HƯƠNG: 8-8-2007


VATICAN. 8 ngàn tín hữu hành hương đã được ĐTC Biển Đức 16 tiếp kiến chung sáng thứ tư 8-8-2007 tại Đại thính đường Phaolô 6 ở Nội thành Vatican, và ngài đã trình bày tiểu sử của Thánh Giáo phụ Gregorio Nazianzeno hồi thế kỷ thứ 4.

Từ 8 giờ sáng đã có hàng ngàn tín hữu xếp hàng tại khu vực bên trái quảng trường Thánh Phêrô, đi qua hàng rào kiểm soát an ninh với các máy phát hiện kim loại do cảnh sát Italia đảm trách, trước khi tiến vào khu vực Đại thính đường Phaolô 6 để tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của ĐTC. Các phái đoàn, thường mang cờ quốc gia hoặc cờ hiệu hội đoàn của mình, hoặc mặc quốc phục như một đoàn 30 học sinh nam nữ Đại Hàn trong bộ áo nhiều màu.

Trong khi đó, lúc 10 giờ thiếu 15, ĐTC Biển Đức 16 đã từ Castel Gandolfo, đáp trực thăng về Vatican, và khi ngài tiến vào Đại thính đường Phaolô 6, các tín hữu reo hò, hân hoan chào đón ngài.

Trong số 8 ngàn tín hữu ngồi chật Đại thính đường, ở khu vực hàng đầu có các đôi vợ chồng mới cưới và các bệnh nhân và người khuyết tật ngồi trên ghế lăn. Ngoài ra cũng có một phái đoàn tín hữu 29 người Việt Nam, mang khăn quàng cổ màu xanh da trời, tham dự cuộc hành hương do Công ty Du Lịch Âu Lạc tổ chức và có LM Giuse Vũ Văn Trúc, thuộc giáo phận Đà Nẵng, làm tuyên úy cho đoàn.

Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người đã nghe đọc một đoạn trong thư thứ I gửi Timothê, môn đệ thánh Phaolô trước khi ĐTC bắt đầu bài huấn dụ. Chính ngài đã tóm lược đại ý bài giáo lý của ngài khi nói với các tín hữu nói tiếp Pháp:
”Thánh Gregorio Nazianzeno, vị Giáo phụ nổi danh, nguyên quán miền Cappadocia, là một đại thần học gia, người bênh vực đức tin Kitô hồi thế kỷ thứ 4. Thánh nhân sinh năm 330, theo học tại các trường nổi tiếng nhất thời đó. Tại thành Cesarea ở miền Cappadocia, ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, Gregorio làm bạn với thánh Basilio, rồi cư ngụ sau đó đặc biệt tại thành Alessandria bên Ai Cập, và nhất là tại thành Athènes.

Nhắc lại tình bạn với thánh Basilio, sau này thánh Gregorio đã viết: ”Hồi đó không những tôi cảm thấy kính phục đối với Basilio đại nhân của tôi vì sự nghiêm túc trong lối sống, sự chín chắn và khôn ngoan trong các diễn văn của Người, nhưng tôi còn khuyến khích những người khác chưa biết Người cũng hãy noi gương như thế. Cuộc thi đua của chúng tôi tôi không phải là để xem ai đứng thứ nhất, nhưng là xem ai để cho người khác đứng thứ nhất.
Dường như chúng tôi có cùng một linh hồn trong hai thân xác” (Oratio 43, 16.20: SC 384154-156.164).

Trở về quê hương, Gregorio chịu phép rửa tội và hướng về đời sống đan tu, rồi thụ phong linh mục tuy có vẻ do dự. Năm 371, thánh Basilio muốn truyền chức cho Gregogio làm GM giáo phận Sasima một xứ có tầm quan trọng chiến lược ở miền Cappadocia, nhưng vì nhiều khó khăn khác nhau, Gregorio không bao giờ nhận tòa GM ấy và tiếp tục cư ngụ tại thành Nazianze. Khoảng năm 379, thánh Gregorio được gọi về thủ đô Constantinople để hướng dẫn công đoàn Kitô bé nhỏ trung thành với Công đồng chung Nicea và đức tin về Chúa Ba Ngôi. Hồi đó phần lớn các tín hữu đi theo lạc thuyết Ario, một giáo thuyết được các vị Hoàng đế coi là hữu ích. Vì thế thánh nhân ở trong vị thế thiểu số, giữa bầu không khí thù nghịch xung quang.

Tại Nhà thờ Anastasis bé nhỏ, thánh Gregorio giảng 5 bài về thần học (Orationes 27-31: SC 250,70-343), nổi tiếng về đạo lý vững chắc liên hệ tới Chúa Ba Ngôi, lý luận khéo léo và hình thức trong sáng. Trong khi tham dự Công đồng chung Constantinople thứ 2, Gregorio được bầu làm GM thành Constantinople và phải làm chủ tịch Công đồng, nhưng có một sự chống đối mạnh mẽ nổi lên, và khi sự chống đối này lên tới mức độ không thể chịu nổi đối với một tâm hồn nhạy cảm như ngài, ngài từ chức

Về tình trạng chia rẽ vừa nói, thánh Gregorio thường nói: ”Chúng ta là những người đã yêu mến Thiên Chúa và Chúa Kitô biết bao, nhưng chúng ta đã chia rẽ Chúa Kitô! Chúng ta đã nói dối nhau về Chân Lý, chúng ta đã nuôi dưỡng những tâm tình oán ghét vì Tình Yêu, chúng ta chia rẽ nhau” (Oratio 6,3: SC 405, 128). Trong nhà thờ chính tòa đông chật các tín hữu, thánh Gregorio giảng bài từ biệt với tất cả lòng quí mến và trang trọng (Oratio 42: SC 384,48-114) và ngài kết luận với những lời này: ”Hỡi thành phố lớn, được Chúa Kitô yêu thương, xin từ biệt ngươi... Hỡi những người con của tôi, tôi nài nỉ các con, hãy bảo tồn kho tàng đức tin được ủy thác cho các con (cf 1 Tm 6,20), hãy nhớ đến những đau khổ của tôi (cf Col 4,18) (Oratio 42,27: SC 384, 112-114).

Sau khi từ chức, Thánh Gregorio trở về thành Nazianze để chăm sóc mục vụ cho cộng đoàn Kitô tại đây trong 2 năm trời, rồi rút lui vào nơi cô tịch hoàn toàn tại quê hương ở Arianzo, chuyên chăm nghiên cứu và sống đời khổ hạnh. Trong thời kỳ đó ngài sáng tác phần lớn các thi phẩm của ngài, đặc biệt là cuốn tiểu sự tự thuật. Thánh nhân qua đời năm 390.

Trước đó, trong bài giáo lý dài hơn bằng tiếng Ý, ĐTC đã quảng diễn chi tiết hơn về tiểu sử thánh Gregorio và có nhiều đoạn ngài ứng khẩu giải thích.

ĐTC nhắc lại rằng như cuốn tự thuật cho thánh Gregorio cho biết sở dĩ thánh nhân cảm thấy do dự trong việc chịu chức linh mục, vì biết rằng sau đó sẽ phải làm mục tử, chăm sóc người khác, những công việc của người khác, và như thế sẽ không còn được hoàn toàn hồi tâm để suy niệm nữa: nhưng rồi thánh nhân chấp nhận ơn gọi ấy và đảm nhận sứ vụ mục tử trong sự tuân phục hoàn toàn, như thường xảy ra trong cuộc đời của Ngài, bị Chúa Quan Phòng đưa tới những nơi ngài không muốn tới (cf Gv 21,18).

ĐTC cũng nhận xét rằng trong cuốn De Vita tự thuật cuộc đời mình, thánh Gregorio duyệt lại hành trình nhân bản và thiêng liêng của ngài, một con đường gương mẫu của một Kitô hữu chịu đau khổ, một người có đời sống nội tâm sâu xa giữa một thế giới đầy xung đột. Thánh nhân là người làm cho chúng ta cảm thấy chỗ đứng tối thượng của Thiên CHúa vì thế Ngài cũng nói với cả chúng ta, với thế giới chúng ta ngày nay rằng, nếu không có Thiên Chúa, thì con người sẽ đánh mất sự cao cả của mình, nếu không có Thiên Chúa thì cũng chẳng có thuyết nhân bản đích thực. Vì thế, chúng ta hãy nghe tiếng nói ấy và tìm cách nhận ra tôn nhan Thiên Chúa. Trong một bài thơ, thánh Gregorio đã ngỏ lời với Thiên Chúa: ”Lạy Chúa, là Đấng Vượt lên trên mọi sự, xin tỏ lòng từ nhân” (Carmina (dogmatica, 1,1,29: PG 37,508).

Sau bài giáo lý chính, là phần giới thiệu tên của các phái đoàn hành hương lên ĐTC. Phái đoàn Việt Nam cũng được vị LM xướng danh, và ĐTC, sau khi tóm lược bằng Anh ngữ bài giáo lý, ngài chào thăm các du khách và tín hữu hành hương nói tiếng Anh trong đó có nhóm đến từ Ai Len, Israel, Viễn Đông và Bắc Mỹ. Ngài đặc biệt chào nhóm Việt Nam và nói:

”Tôi đặc biệt chào mừng các tín hữu hành hương đã đến đây từ Đà Nẵng, Việt Nam. Xin an bình và niềm vui của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ở cùng anh chị em và xin Chúa chúc lành cho Anh chị em.

ĐTC cũng chào thăm các nhóm hành hương thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhất là các đoàn nữ tu đang tham dự Tổng tu nghị của các dòng liên hệ như dòng Nữ Tỳ Thánh Linh phục vụ các giáo xứ, dòng Nữ Tử Đức Bà Thánh Tâm. Ngài nhắc nhở rằng: ”Hôm nay là lễ nhớ thánh Đa Minh Guzman, nhà giảng Thuyết Tin Mừng không biết mệt mỏi, ngày mai (9-8-2007) là lễ thánh nữ Têrêsa Benedetta Thánh Giá Edith Stein, đồng bổn mạng Âu Châu. Hỡi những người trẻ, xin hai Vị Thánh này trợ giúp các con luôn tin tưởng nơi Chúa Kitô. Anh chị em bệnh nhân quí mến, ước gì tấm gương của các thánh nâng đỡ anh chị em, tin tưởng tham dự vào quyền năng cứu độ của Thánh Giá Chúa. Hỡi các đôi tân hôn quí mến, ước gì gương của các thánh khích lệ anh chị em trở thành hình ảnh sáng ngời ngời của Thiên Chúa, qua sự trung thành của anh chị em với nhau.”

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.