2007-07-04 20:04:09

TÒA THÁNH ĐỀ NGHỊ LHQ PHỐI HỢP ĐƯỜNG LỐI CHÍNH TRỊ LIÊN QUAN TỚI NGƯỜI TỊ


 NẠN GENEVE: Tòa Thánh đề nghị Liên Hiệp Quốc phối hợp đường lối chính trị liên quan tới người tị nạn, đặc biệt là các người tị nạn vùng Trung Đông, nhất là các Kitô hữu Irak, làm sao để che chở họ khỏi thảm cảnh bị chết hay bị bách hại.

Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, Quan Sát Viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc, đã đưa ra lời kêu gọi trên đây hôm 25 tháng 6 vừa qua trong phiên họp của Cao Ủy Tị Nạn nhóm tại Genève. Thảm cảnh của biết bao nhiêu người phải rời bỏ quê hương ra đi tìm một cuộc sống mới và đương đầu với đủ mọi thứ hiểm nguy kể cả cái chết, thường bị rơi vào quên lãng. Và cho tới nay xem ra chưa có các giải pháp và đường lối chính trị phối hợp vấn đề của người tị nạn trên bình diện Liên HIệp Quốc. Đức Cha Tomasi nhắc đến con số 32 triệu người tị nạn trên thế giới hiện nay, và hiện tượng này đã gia tăng nhanh chóng từ nhiều năm qua khiến cho hàng ngàn người bị chết trên đường tị nạn. Sự kiện nhiều người phải tuyệt vọng ra đi tìm cuộc sống mới không chỉ có tính cách vùng miền, mà cũng có chiều kích toàn cầu. Tại Địa Trung Hải có người từ Phi châu tìm sang Âu châu; tại Đại Tây Dương có người từ Tây Phi châu tìm đến quần đảo Caraibi. Người khác nữa thì mất mạng, khi từ Đông Phi châu hướng tới bán đảo Arập, hay từ các vùng quần đảo Caraibi tìm vào Mỹ châu; từ Mehicô vẫn có người vượt biên giới vào Hoa Kỳ và tại một vài vùng Á châu cũng có làn sóng tị nạn.

Vị đại diện Tòa Thánh yêu cầu Liên Hiệp Quốc duyệt xét xem có lỗ hổng luật lệ nào liên quan tới việc bảo vệ để người tị nạn khỏi chết, khi họ phải trốn chạy các hình thức chết về thể lý và tâm lý khác. Trong ý hướng đó Liên Hiệp Quốc có thể đề ra việc phối hợp các đường lối chính trị nhằm bảo vệ sinh mạng của người tị nạn. Dĩ nhiên việc này cũng bao gồm vấn đề việc bảo vệ các quyền con người tại các quốc gia của người tị nạn, việc tạo ra công ăn việc làm và bầu khí hòa bình để người dân không bị cưỡng bách di cư. Song song là việc thăng tiến các đường lối chính trị, kinh tế, thương mại, nông nghiệp và tài chánh công bằng trợ giúp các nước nghèo.

Đức Tổng Giám Mục Tomasi đã đặc biệt lôi kéo chú ý của Cao ủy Liên Hiệp Quốc trên thảm cảnh của người tị nạn Trung Đông, cách riêng thảm cảnh của các Kitô hữu Irak, nạn nhân của cuộc ”thanh lọc chủng tộc và tôn giáo”. Họ đang phải đương đầu với một thời đại bị bách hại mới có hệ thống và tính toán. Cho đến nay Liên Hiệp Quốc chưa có câu trả lời thỏa đáng giúp giảm bớt khổ đau cho các anh chị em này (SD RG 3-7-2007)

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.