2007-07-04 16:33:49

Thánh Basilio, chủ chăn, thần học gia, ông tổ của phong trào ”viện tu vào đời” và các nhà thương Kitô


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 20.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 4-7-2007.

Cũng như hai tuần trước sáng thứ tư hôm qua Đức Thánh Cha đã tiếp tín hữu và du khách hành hương tại hai nơi: trước hết là trong đền thờ thánh Phêrô. Tại đây Đức Thánh Cha chào tín hữu bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha, rồi cất kinh Lậy Cha và ban phép lành cho mọi người. Phần hai là phần chính tại đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của thánh Giáo Phụ Basilio. Ngài nói:

Anh chị em thân mến. Hôm nay chúng ta nhớ tới một trong các Giáo Phụ lớn của Giáo Hội là thánh Basilio, được các văn bản phụng vụ bisantin định nghĩa là một ”ngọn đèn sáng của Giáo Hội”. Thánh nhân đã là một Giám Mục lớn của thế kỷ thứ IV, được Giáo Hội Đông Phương cũng như Tây Phương ngợi ca thán phục vì cuộc sống thánh thiện, giáo lý tuyệt hảo và khả năng tổng hợp các ơn suy tư và thực hành của người. Thánh nhân sinh vào khoảng năm 330 trong một gia đình gồm các vị thánh, một ”giáo hội tại gia đích thật” sống trong bầu khí lòng tin sâu đậm. Người theo học với các vị thầy nổi tiếng tại Athenes và Constantinople, nhưng không cảm thấy được thỏa mãn với các thành công trần thế và nhận ra mình mất qúa nhiều thời giờ trong những chuyện phù vân, thánh nhân xưng thú như sau: ”Một ngày nọ tôi như bừng tỉnh sau một giấc ngủ say, tôi hướng tới ánh sáng của chân lý Phúc Âm... và khóc cho cuộc sống khốn nạn của mình” (x. Ep. 223: PG 32,824a). Bị Chúa Kitô lôi cuốn, người hướng về Chúa và chỉ lắng nghe Chúa thôi (x. Moralia 80,1: PG 31,860bc). Thánh nhân quyết tâm sống đời viện tu trong cầu nguyện, suy niệm Kinh Thánh và bút tích của các Giáo Phụ, cũng như thực thi bác ái (x. Epp.2 e 22), theo gương chị gái là thánh nữ Macrina, đã sống đời đan tu trước đó. Rồi Basilio được thụ phong linh mục và sau cùng vào năm 370 trở thành Giám Mục thành Cesarea vùng Cappadocia tức Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: qua việc giảng dậy và các tác phẩm của mình thánh Basilio đã có một sinh hoạt mục vụ, thần học và văn chương phong phú.

Với sự quân bình khôn ngoan, người đã biết kết hiệp việc phục vụ các linh hồn với đời cầu nguyện và suy niệm trong thinh lặng. Kinh nghiệm bản thân đã cho phép thánh nhân thành lập nhiều ”huynh đoàn” các Kitô hữu thánh hiến cho Thiên Chúa, mà người thường xuyên viếng thăm (x. Gregorio Nazianzenpo, Oratio 43,29 in uadem Basilii: PG 36,536b). Qua lời nói và các bút tích, người khích lệ họ sống và tấn tới trên đường trọn lành. Nhiều nhà làm luật của phong trào viện tu xưa kia, trong đó có thánh Biển Đức, cũng kín múc cảm hứng nơi các tác phẩm của người. Thánh Biển Đức coi người như bậc thầy (Regula 73,5). Thật ra, thánh Basilio đã thành lập ra một phong trào viện tu rất đặc biệt: không đóng kín nhưng mở rộng cho cộng đoàn của Giáo Hội địa phương. Các tu sĩ của thánh nhân là thành phần của Giáo Hội địa phương và là nhân tố linh hoạt nó, nêu gương cho các tín hữu trong việc theo Chúa Kitô trong lòng tin, gắn bó với Chúa, yêu thương Chúa, và nhất là làm các việc bác ái. Các tu sĩ này có các trường học và nhà thương phục vụ dân nghèo và cho thấy cuộc sống Kitô toàn vẹn.

Đề cập đến chức vụ chủ chăn của thánh Basilio Đức Thánh Cha nói:

Như là Giám Mục và chủ chăn của một giáo phận rộng lớn, thánh Basilio liên lỉ lo lắng vì các điều kiện vật chất khó khăn mà tín hữu phải sống. Người mạnh mẽ tố cáo các sự ác và dấn thân trợ giúp các người nghèo khổ và bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. Người cũng thường can thiệp với giới lãnh đạo để giảm bớt khổ đau cho dân chúng, nhất là trong những lúc gặp tai ương. Người chú ý đến sự tự do của Giáo Hội và đương đầu với các kẻ quyền thế để bảo vệ quyền tuyên xưng lòng tin đích thật (x. Gregorio Nazianzeno, Oratio 43,48-51 in laudem Basilii: PG 36,557c-561c). Thánh Basilio làm chứng cho Thiên Chúa là tình yêu và lòng bác ái, bằng cách xây nhiều nhà tiếp đón người nghèo túng (x. Basilio, Ep. 94: PG 32,488c), hầu như là một thành phố của lòng thương xót được gọi với tên của thánh nhân là ”Basiliade” (x. Sozomeno, Historia Eccl., 6,34;PG 67,1397a). Nó là nguồn gốc của các cơ cấu nhà thương để chữa trị các bệnh nhân ngày nay.

Trong phần hai của bài huấn dụ Đức Thánh Cha đề cập đến sự chú ý thánh Basilio dành cho phụng vụ, cho việc chống lại các kẻ rối đạo, và nỗ lực tái tạo sự hiệp nhất. Ý thức rằng ”phụng vụ là tuyệt đỉnh của hoạt động của Giáo Hội và là suối nguồn của mọi nhân đức” (Sacrposanctum Concilium 10), thánh Basilio cũng là vị ”cải cách phụng vụ” khôn ngoan. Thật thế người đã để lại cho chúng ta một lời nguyện thánh thể lớn và trao ban thứ tự cho việc cầu nguyện với các thánh vịnh. Do sự thúc đẩy của người, dân chúng biết đến và yêu thích các thánh vịnh và cả ban đêm cũng đến cầu nguyện (x. Basilio, In Psalmum, 1,1-2: PG 29, 212a-213c). Và như thế chúng ta thấy phụng vụ, thờ lậy và cầu nguyện đi chung với bác ái và điều kiện hóa lẫn nhau.

Người cũng hăng say can đảm chống lại các kẻ rối đạo không coi Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa như Thiên Chúa Cha (x.Basilio, Ep 9,3: PG 32,272a; Ep 52,1-3: PG 32, 392b396a; Adv. Eunomium 1,20: PG 29,556c). Người cũng chống lại những kẻ không coi Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và khẳng định rằng ”Thánh Thần là Thiên Chúa và phải được cùng kể ra và cùng tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con” (x. De Spirito Sancto: SC 17bis. 348). Chính vì thế thánh Basilio là một trong các Giáo Phụ lớn đã đưa ra giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi; Thiên Chúa duy nhất vì là Tình Yêu, là một Thiên Chúa gồm Ba Ngôi Vị, làm thành sự hiệp nhất sâu xa nhất.

Vì tình yêu đối với Chúa Kitô và Tin Mừng, thánh Basilio cũng dấn thân tái tạo sự hiệp nhất bên trong Giáo Hội (x. Epp. 70 e 243), hoạt động để mọi người hoán cải trở về với Chúa Kitô và Lời Chúa (x. De iudicio 4: PG 31,660b-661a), là sức mạnh hiệp nhất mà mọi Kitô hữu phải vâng phục (x. ibi. 1-3: PG31,653a-656c).

Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: thánh Basilio đã hoàn toàn tiêu hao trong việc phục vụ Giáo Hội và trong việc thi hành thừa tác vụ Giám Muc. Theo chương trình do người vạch ra, người ”trở thành tông đồ và thừa tác viên của Chúa Kitô, người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa, là vị tiền hô của nước Chúa, là mẫu gương và là mực thước của lòng đạo đức, là con mắt của thân mình là Giáo Hội, là chủ chăn của đoàn chiên, là thầy thuốc biết xót thương, là cha và là vú nuôi, cộng sự viên của Thiên Chúa, là nông phu của Thiên Chúa và là người xây dựng đền thờ của Chúa” (x. Moralia 80,11-20 PG 31,864b-868b).

Đó là chương trình, mà thánh Basilio trao cho các người loan báo Lời Chúa ngày xưa cũng như ngày nay. Một chương trình mà chính người đã dấn thân thực hành. Năm 379, hao mòn vì mệt mỏi và cuộc sống khổ hạnh, thánh Basilio về với Chúa, khi chưa đầy 50 tuổi ”trong niềm hy vọng của cuộc sống đời đời qua Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (De Baptismo 1,2,9). Thánh nhân đã là người thực sự sống với cái nhìn hướng về Chúa Kitô, một con người của tình yêu thương tha nhân. Tràn đầy niềm hy vọng và niềm vui của lòng tin thánh Basilio chỉ cho chúng ta thấy thế nào là Kitô hữu đích thực.

Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc tầt cả kỳ hè vui khỏe và tràn đầy ơn thánh Chúa, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.