2007-06-18 16:12:17

Hiện tượng các tín hữu Hồi theo Kitô giáo tại vùng Bắc Phi


Từ vài năm nay trong vùng bắc Phi châu, người ta ghi nhận hiện tượng càng ngày càng có nhiều tín hữu Hồi theo Kitô giáo. Đây là một hiện tượng xảy ra trong âm thầm, nhưng đều đặn. Dĩ nhiên là không có con số chính xác nào, vì luật lệ khắt khe của Hồi giáo cấm bỏ đạo, và nhất là vì lý do an ninh: ai bỏ đạo có thể bị sát hại. Thật ra, các tín hữu hồi theo Kitô giáo không dám tham dự thánh lễ trong các các nhà thờ trên quê hương của họ, và họ tìm cách thoát ra khỏi áp lực xã hội và tôn giáo của các chính quyền và các lực lượng hồi giáo cuồng tín.

Trong các quốc gia bắc Phi, thường được gọi là các nước vùng Magreb, Hồi giáo là quốc giáo, và sự kiện là tín hữu hồi được coi như yếu tố làm thành căn cước công dân và tập thể quốc gia. Nước Marốc là luật trừ duy nhất, vì tại đây nhà vua được coi là ”Người chỉ huy các tín hữu” và là ”Vị Đại điện tối cao” của cộng đoàn hồi giáo. Hai nước Algerie và Tunisie tuyên bố mình là các quốc gia đời. Tuy nhiên, hiện tượng nhiều tín hữu hồi theo Kitô giáo đã khiến cho các quốc gia trong vùng Magreb, ở trong tình trạng báo động. Tại Tunisie tuy không có luật viết cấm theo tôn giáo khác, nhưng việc chiêu dụ tín đồ bị cấm. Cũng giống như tại Algerie, Hiến Pháp Tunisie khẳng định rằng chỉ có người hồi mới có thể trở hành tổng thống Cộng Hòa mà thôi.

Đứng trước các vụ bỏ Hồi giáo gia tăng, tháng 3 năm 2006 chính quyền Algerie đã ban hành sắc lệnh nhằm loại trừ và đánh phạt hiện tượng chiêu dụ tín đồ. Hai khoản 5 và 9 của sắc lệnh thiết định rằng các nơi thờ tự phải được đăng ký và được chính phủ phê chuẩn. Vì thế các việc phụng tự tại tư gia không được chấp nhận. Ai chiêu dụ tín đồ sẽ bị phạt từ 1 đến 3 năm tù ở và 500 ngàn dina, tức khoảng 5.100 Euros. Các vị lãnh đạo tôn giáo có nguy cơ bị kết án từ 3 tới 5 năm tù và bị phạt 1 triệu dina, tức hơn 10.000 Euros. Khoản số 11 xác định rằng những ai có ý lôi kéo một tín hữu hồi theo tôn giáo khác qua báo chí, tài liệu, sách vở, phim ảnh và các tài liệu giảng dậy khác, thì có nguy cơ bị tù 5 năm và bị phạt 500 ngàn dina.

Cũng trong chiều hướng trên đây, khoản 220 của Hình Luật Ma Rốc khẳng định rằng ”bất cứ ai xử dụng các phương tiện khác nhau để dụ dỗ hay làm lung lạc lòng tin của một tín hữu hồi, hoặc khiến cho họ thay đổi tôn giáo”, đều có nguy cơ bị kết án từ 6 tháng cho tới 3 năm tù. Không có các luật chống lại những người đã bỏ Hồi giáo để theo một tôn giáo khác, mặc dù trong qúa khứ một vài nhóm bị tố cáo là chiêu dụ tín đồ, đã bị bắt giữ trong các thời gian ngắn và bị từ chối việc cấp hộ chiếu. Tuy nhiên, các tín hữu đã bỏ Hồi giáo để theo Kitô giáo thường xuyên bị các tín hữu hồi khác đe dọa. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, một Imam vùng Kabilia đã tuyên bố rằng: ”những người đã quay lưng lại với Hồi giáo phải thì phải chết”.

Theo các nhật báo tại Tunisie và Algerie, trong đa số các trường hợp tín hữu hồi đã khám phá ra và xin theo Kitô giáo, vì đã đọc sách báo và các bài viết trên Internet, hay theo dõi các chương trình phát thanh bằng tiếng A rập của đài phát thanh Monte Carlo, hoặc các kênh phát thanh khác qua hệ thống vệ tinh.

Khác với báo chí tây phương, giới truyền thông địa phương tại các nước trong vùng Magreb rất chú ý tới hiện tượng tín hữu hồi theo Kitô giáo. Nhiều nhật báo bầy tỏ lo ngại và kinh hoàng trước hiện tượng này, đặc biệt đối với hoạt động truyền giáo của các giáo hội tin lành. Đa số báo chí địa phương tố cáo các mục sư tin lành là ”gián điệp” của Hoa Kỳ và dùng tiền bạc để lôi kéo tín hữu hồi nghèo theo đạo. Các âu lo của giới truyền thông cũng diễn tả sự âu lo của chính quyền hai nước Algerie và Tunisie. Trong năm 2004 ông Bouabdellah Ghlamallah, Bộ trưởng tôn giáo vụ của chính phủ Algerie, đã báo động nguy cơ đổ máu vì các vụ bỏ Hồi giáo để theo Kitô giáo. Nhưng vài tuần sau đó ông đã hối lỗi vì lời tuyên bố qúa khích này và đính chính rằng: ”mỗi người được tự do lựa chọn niềm tin mình muốn”. Tuy nhiên, năm 2006 vừa qua chính phủ Algerie đã ban hành một luật chống lại việc chiêu dụ tín đồ, và tại Marốc đã xảy ra vài trường hợp bắt giữ các thừa sai.

Các người hồi theo Kitô giáo gồm đàn ông, phụ nữ, già, trẻ, thuộc các giai tầng xã hội khác nhau. Tại Algerie hiện tượng tín hữu hồi chú ý tới Kitô giáo đã bắt đầu hồi thập niên 1990, vì các hành động bạo lực của các nhóm hồi giáo cuồng tín, sau đó biến thành các cuộc tàn sát, khiến cho hơn 200 ngàn người thiệt mạng.

Đa số các vụ theo Kitô giáo xảy ra trong vùng Kabilia giữa bộ lạc Berberi, thường bị ức hiếp bởi các nhóm hồi cuồng tín cũng như bởi quân đội chính phủ. Anh Mouhoub, một thanh niên Berberi, 20 tuổi, theo Kitô giáo, cho biết bộ tôc Berberi bị kỳ thị. Anh nói: ”Chúng tôi bị giết, khi đòi quyền tự do được sống như chúng tôi muốn. Nhưng trái lại trong Kitô giáo chúng tôi cảm thấy mình hoàn toàn tự do và được là chính mình”.

Ngoài ra anh rất ngưỡng mộ các thừa sai đã cố công học tiếng Tamazigh là tiếng của bộ tộc Berberi và dịch Kinh Thánh ra tiếng này. Một số người Berberi cảm thấy họ chỉ tìm ra căn tính của họ trong Kitô giáo, là tôn giáo đã được rao giảng tại đây ngay hồi thế kỷ thứ III. Sử liệu cho biết các cộng đoàn Kitô Berberi cuối cùng đã biến mất trước khi bị sát nhập vào Hồi giáo khoảng giữa các năm 1145-1160.

Cả bên Tunisie số người hồi theo Kitô giáo cũng gia tăng, tuy có ít hơn Algerie. Nhiều thiếu nữ Tunisie xem ra thích tìm hiểu Kitô giáo, vì quan niệm trân trọng của Kitô giáo đối với nữ giới, và vì họ không muốn chấp nhận tục đa thê, mà nhà nước Tunisie tuyên bố là bất hợp pháp. Các lộ trình dẫn đến chỗ theo Kitô giáo rất đa điện. Anh Yacine, cựu thành viên phong trào hồi giáo bất hợp pháp Al Nahdah, cho biết anh đã theo Kitô giáo sau một thời gian bị giam trong tù. Sau khi được tha tù, cuộc sống của anh đã trở nên rất khó khăn, vì cảnh sát thường xuyên khám xét nhà và cảnh bố ráp này khiền cho anh mất hết hy vọng nơi tương lai. Nhưng một hôm anh tinh cờ nghe được đài Monte Carlo, và nghe một linh mục người Ai cập giảng. Bài giảng ấy đã đánh động anh rất nhiều. Từ đó trở đi anh tìm hiểu Kitô giáo qua Internet, và vài năm sau anh bỏ Hồi giáo để xin gia nhập Kitô giáo.

Tại Marốc tín hữu Kitô có thể tham dự các lễ nghi phụng tự tại 7 nhà thờ ở Marrakesh, 6 nhà thờ tại Casablanca, 5 nhà thờ ở Rabat và một ở Layoune, thủ phù vùng đông Sahara.

Theo kết qủa một cuộc thăm dò mới đây, 60% các tín hữu Kitô mới người Marốc đã xin theo Kitô giáo nhờ các tiếp xúc cá nhân; 30% qua truyền hình và Internet và 10% là do các bài giảng của các thừa sai Kitô. Sự kiện này cho thấy người hồi theo Kitô giáo vì chính họ suy tư tìm hiểu, chứ không phải vì bị các thừa sai chiêu dụ. Anh Mohammed, 30 tuổi sống tại Casablanca, cho biết anh và các người hồi theo Kitô giáo sống kín đáo, vì đám đông dân chúng không thể hiểu được rằng một người A rập lại có thể là tín hữu Kitô. Theo anh nguy cơ lớn nhất là sự thiếu hiểu biết hay thái độ dốt nát. Khi dốt nát người ta dễ trở thành cuồng tín.

Ông Ikbal Al Gharbi, giáo sư tâm lý học tại đại học Hồi giáo Ezzitoura trong thủ đô Tunisie, cho biết tại Marốc cũng như Tunisie và Algerie, người Berberi và tín hữu hồi theo Kitô giáo bị đối xử như những công dân hạng hai. Và chính quyền các nước này có lỗi, khi chủ trương hồi giáo hóa các công dân thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau. Theo ông, tôn giáo là chuyện riêng tư và không được phép sử dụng nó cho mục tiêu chính trị. Các chính quyền A rập cũng như các nhóm hồi giáo qúa khích coi thuyết đa nguyên và sự khác biệt như kẻ thù của quyền bính chính trị và tôn giáo của họ. Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa internet này, người trẻ đọc, tiếp xúc với thế giới và khám phá ra các nền văn hóa mới. Vì thế khó có thể ngăn chặn được thế giới và sự hiểu biết tiến tới.

Trong kinh Coran có một câu được gán cho Mahomet cho rằng một tín hữu hồi mà bỏ đạo thì phải chết. Nhưng gía trị của nó là điều gây tranh luận, vì trái nghịch với hai sura khác của Kinh Coran. Sura 2 khẳng định rằng không được cưỡng bách trong lãnh vực tôn giáo; và sura 3 nói rằng chỉ có Thiên Chúa mới phán xử hành động của người bỏ Hồi giáo để theo một tôn giáo khác mà thôi. Nhiều nhà phân tích cho rằng các câu trên của Kinh Coran có thể gây tranh cãi. Riêng giáo sư Al Gharbi thì cho rằng trong thời đại toàn cầu hóa này, con người phải thay đổi thói tục tập quán của mình và biết chia sẻ tính cách đại đồng của các quyền con người. Hơn bao giờ hết, việc chung sống và đối thoại trở thành một sự cấp thiết và là niềm hy vọng cho lòng tin của con người.

Tuy nhiên, không phải tín hữu hồi nào theo Kitô giáo cũng âu lo sợ hãi. Điển hình như trường hơp của anh Ahmed người Marốc và Rachid người Ai Cập. Cả hai điều khiển chương trình phát thanh truyền hình ”Al Hayat” có nghĩa là ”sự sống”. Chương trình này đặc biệt hướng tới các tín hữu hồi, khi thì được phát đi từ đảo Chypre, khi thì được phát đi từ Luân Đôn hay Paris. Các thính gỉa trực tiếp đối thoại với họ qua chương trình ”sự sống” này gồm các người hồi theo Kitô giáo, nhưng cũng có các khán thính giả hồi nữa. Trả lời một phụ nữ hồi gọi điện thoại từ Thụy Sĩ tố cáo anh nguyền rủa các tín hữu hồi anh nói: ”Chúng tôi không hề nguyền rủa tín hữu hồi, nhưng chỉ kêu gọi họ hãy tìm hiểu biết Chúa Kitô bằng cách đọc các Phúc Âm, chứ không phải qua các văn bản của Kinh Coran. Vì Đức Kitô do Kinh Coran giới thiệu không phải là Đức Kitô mà người Kitô tin”.

Hồi cuối tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên anh Ahmad đã kể lại cuộc đổi đời của mình. Trước đây anh muốn trở thành ”shahid”, tức người tử đạo của Hồi giáo, anh học thuộc lòng Kinh Coran và muốn đi truyền giáo giữa những người không theo Hồi giáo. Để đối chất với các Kitô hữu anh bắt đầu đọc Phúc Âm và nhận ra rằng Thiên Chúa của Kitô giáo mời gọi yêu thương kẻ thù, trong khi Kinh Coran ca ngợi sự khiêm hạ của các tu sĩ nhưng lại hô hào đừng làm bạn với người Kitô. Và đó là lần đầu tiên anh nhận ra các mâu thuẫn trong nội dung Kinh Coran. Anh đã phải chiến đấu cam go trong hai năm trời và cầu nguyện xin Chúa chỉ cho biết con đường phải theo, và cuối cùng anh đã xin gia nhập Kitô giáo và giờ đây hướng dẫn chương trình phát thanh ”Sự sống” đối thoại với tín hữu hồi.

(Avvenire 5-6-2006)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.