2007-06-08 11:52:28

Nhà Nước cộng sản Trung Quốc sợ hãi Giáo Hội Công Giáo ngày càng thu hút dân chúng


Một số nhận xét của nữ văn sĩ Trương Nhung về thái độ của nhà nước cộng sản Trung Quốc thời Mao Trạch Đông đối với Giáo Hội Công Giáo và hiện tượng bừng tỉnh tôn giáo hiện nay tại Trung Quốc.

Trong các ngày trung tuần tháng 5 vừa qua, nữ văn sĩ Trương Nhung đã tham dự ”Hội chợ quốc tế lần thứ ba về lịch sử”, tại Gorizia tây bắc Italia. Bà Trương Nhung, người Hoa gốc Thượng Hải, mới đây đã cho xuất bản cuốn sách viết về cuộc đời của Chủ tịch Mao Trạch Đông tựa đề ”Mao: lịch sử không được biết tới”. Cuốn sách dầy 1.000 trang chứa đựng rất nhiều tài liệu và chứng từ trực tiếp chưa từng được tiết lộ.

Bà Trương Nhung đã viết cuốn sách này cùng với chồng, một sử gia người Anh, là ông John Halliday. Cuốn sách là một tài liệu rất qúy đối với những ai muốn tìm hiểu chế độ cộng sản Trung Quốc thời Chủ tịch Mao Trạch Đông và cả ngày nay nữa. Với các chứng từ trực tiếp chưa hề được biết đến, cuốn sách đánh đổ ”huyền thoại” về Chủ tịch Mao Trạch Đông, và chắc chắn sẽ khiến cho họ Mao ”đỏ mặt vì tức giận và xấu hổ”.

Bà Trương Nhung thuộc tầng lớp những người chống đối chế độ cộng sản độc tài vô nhân, một cách bất bạo động, mà Mao Trạch Đông thường gọi là ”những kẻ thù không khí giới”.

Từ năm 1978 bà sống với chồng bên Anh quốc. Nữ văn sĩ Trương Nhung đã nổi tiếng và được độc giả thế giới biết đến với tác phẩm tựa đề ”Những con thiên nga hoang”, kể lại cuộc đời của các phụ nữ trong gia đình bà. Trong các ngày qua bà đi đó đây để quảng cáo cho cuốn sách mới, kể lại tiểu sử Mao Trach Đông, đồng thời cũng là để làm cho thế giới hiểu biết chế độ cộng sản Trung Quốc rõ ràng hơn.

Trong các năm qua Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế, đang cùng Ấn Độ cạnh tranh với Hoa Kỳ và các nước Âu châu. Kể từ khi được làm thành viên của ”Thị Trường Mậu Dịch Quốc Tế”, hàng của Trung Quốc bắt đầu tràn ngập thị trường Tây Âu. Sự kiện Bắc Kinh được lựa chọn làm nơi diễn ra Thế Vận Hội 2008 khiến cho uy tín của Trung Quốc cũng nổi bật, và từ mấy năm qua chính quyền Bắc Kinh đã cho xây cất tất cả những gì cần thiết cho một biến cố quan trọng như vậy. Tuy nhiên cùng với bước nhảy vọt về kinh tế là cảnh gian tham hối lộ lan tràn trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản Trung Quốc. Hồi tháng 9 năm ngoái người dân Thượng Hải đã phẫn nộ biểu tình phản đối, vì viên thư ký đảng cộng sản Thượng Hải đã dính líu tới vụ cùng với các quan chức lớn, ăn cắp 33 triệu Euros từ ngân qũy lương hưu của dân chúng. Thế là bên ngoài ”chiếc áo chủ nghĩa cộng sản”, giới lãnh đạo Trung Quốc mặc thêm ”cái áo tư bản đỏ”, và giờ đây lại khoác thêm ”chiếc áo của các tổ chức tội phạm mafia” nữa. Đấy là ”gia tài qúy báu khốn khổ”, mà Chủ tịch Mao Trạch Đông đã để lại cho các thế hệ đến sau tại Trung Quốc.

Hỏi: Thưa bà Trương Nhung, ngày nay Chủ tịch Mao Trạch Đông chỉ còn là một ”kỷ niệm xấu”, hay ”huyền thoại” về họ Mao vẫn tiếp tục lôi cuốn nhiều người?

Đáp: Nếu họ Mao còn trụ được cho tới ngày nay, là vì chính quyền cộng sản vẫn tiếp tục đánh phấn tô son, giới thiệu ông ta như là người lãnh đạo lớn nhiều tài đức, và lấp liếm các sai lầm và tội phạm của ông ấy. Tại Trung Quốc phê bình Chủ tịch Mao Trạch Đông là điều rất nguy hiểm. Nhưng những ai như tôi, là người đã sống những năm kinh hoàng dưới chế độ tàn bạo của một người không hề tôn trọng sự sống và đã tàn sát ít nhất 70 triệu người dân Trung Hoa, thì không thể coi họ Mao là một nhà lãnh đạo lớn tài đức được.

Trong thời cách mạng văn hóa mẹ tội bị gửi tới một trại cải tạo. Trung Quốc chỉ tạo bình quyền giữa nam và nữ trên lý thuyết. Còn trên thực tế, tất cả mọi người đều là nô lệ của nhà nước cộng sản.

Hỏi: Đối với thời Trung Quốc sống dưới chế độ của Mao Trạch Đông, ngày nay đã có cái gì thay đi, thưa bà?

Đáp: Đối với thời đó, ngày nay người dân được đi lại một cách dễ dàng hơn: từ thôn quê tới các nơi khác hay tới các thành phố để tìm công ăn việc làm. Có ít giới hạn hơn đối với nam giới cũng như nữ giới. Đảng cộng sản cũng không kiểm soát hôn nhân một cách nghiêm ngặt như trước nữa: người phụ nữ được tự do lựa chọn người chồng mình muốn lấy. Nhưng tại Trung Quốc ngày nay, không có tự do phát biểu. Mọi người dân đều biết là còn có các trại lao động cải tạo, với rất nhiều tù nhân, nhưng không được phép nói công khai. Mới đây nhà nước có rộng mở đối với vấn đề tư sản, nhưng không định nghĩa rõ ràng tư sản là như thế nào. Chẳng hạn một người có thể là chủ nhân trong bao lâu. Tại các thành phố lớn có lẽ tình hình khác, nhưng tại miền quê nhà nước vẫn tiếp tục yêu sách mình là chủ của mọi sự. Và người dân phải rất vất vả tranh đấu để có được một mảnh đất cầy cấy hầu nuôi sống gia đình.

Hỏi: Có thể xảy ra một vụ Thiên An Môn trong tương lai gn không, thưa bà Trương Nhung?

Đáp: Khó lắm. Chính quyền ngày nay được tổ chức quy củ hơn chính quyền hồi xảy ra vụ Thiên An Môn rất nhiều. Nhà nước thành công trong việc chia rẽ bất cứ nhóm chống đối nào. Nhưng đang có sự phát triển của một lớp trung lưu mới, được hưởng nhiều tự do hơn, ngoại trừ sự tự do chính trị. Đó là những công dân có thể đi du lịch rất nhiều, và có thể gửi cả con cái đi du học ở ngoại quốc. Nhưng xem ra họ đang tranh đấu cho các quyền dân sự một cách nhẹ nhàng, có thể họ sợ bị mất đi các đặc ân có được so với giới nông dân chăng.

Hỏi: Nghĩa là từ bên trong khó mà xảy ra các thay đi. Nhưng các thay đổi có thể đến từ bên ngoài hay không?

Đáp: Tây phương đang làm rất ít để cho Trung Quốc có thể thay đổi. Thực ra Tây phương có thể nhấn mạnh nhiều hơn nữa trên các quyền của giới công nhân chẳng hạn. Trung Quốc đã ký nhận các thỏa hiệp quốc tế của Liên Hiệp Quốc, nhưng không tôn trọng các thỏa hiệp ấy. Ngoài ra, nhà nước Trung Quốc còn thành công trong việc kiểm soát tất cả mọi sự, kể cả hệ thống liên mạng Internet, nhờ sự đồng lõa của các hãng viễn thông, đã bán sự tự do kỹ thuật của mình cho Trung Quốc. Và bàn tay của nhà nước Bắc Kinh kéo dài ra rất xa, vượt biên giới địa lý, đến độ trên thế giới có các đại học, trong đó biết bao nhiêu người sợ hãi gặp tôi.

Hỏi: Thưa văn sĩ Trương Nhung, thế văn sĩ không sợ hãi sao?

Đáp: Nhà nước Trung Quốc đã coi các sách của tôi là ngoài vòng pháp luật và đã ban hành cả một đạo luật coi chúng là đồ quốc cấm. Nhưng cách đây vài tuần, khi tham dự một cuộc nói chuyện trên đài phát thanh bên Hoa Kỳ, tôi đã có thể nói chuyện với một số thính giả tại Trung Quốc. Họ cho tôi biết là cuốn sách về Mao Trạch Đông của tôi đang được in và bán lậu. Thế rồi bởi vì chính quyền Bắc Kinh cũng đã không rút chiếu khán của tôi, vì vậy tôi đã cùng chồng tôi về thăm quê hương. Chúng tôi đã rất ngạc nhiên trước sự tiếp đón nồng hậu của dân chúng đối với chúng tôi. Có nhiều người không hề quen biết đã chặn chúng tôi lại trên đường và cám ơn chúng tôi về những gì đã viết và đã nói liên quan tới Trung Quốc.

Hỏi: Khi trở về quê hương điều gì đã đánh động bà nhất?

Đáp: Tôi đã nhận ra là có rất nhiều người đến với tôn giáo, đặc biệt là niềm tin Kitô, và cách riêng là niềm tin Công Giáo. Vì một đàng lòng tin Kitô đem theo một nền luân lý đạo đức đại đồng, không dựa trên các tư tưởng chính trị hay duy lợi ích, đàng khác nó cho phép duy trì sự kín đáo của đời sống cá nhân, là một khía cạnh, mà Mao Trach Đông đã hủy hoại tại Trung Quốc. Chẳng hạn xưng tội là một cơ hội rất qúy báu giúp duy trì sự riêng tư.

Qua các nghiên cứu của chúng tôi, chúng tôi biết rằng nhà độc tài Mao Trạch Đông đã rất sợ hãi, không phải sợ hãi các tín hữu tin lành hay phật giáo cho bằng sợ hãi các tín hữu Công Giáo! Dĩ nhiên, chúng ta đang nói tới một thiểu số, nhưng ngày nay tại Trung Quốc số người dân chú ý tới tôn giáo đang gia tăng.

(Avvenire 18-5-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.