2007-05-30 15:48:46

Để sống với Giáo Hội cần phải khiêm tốn và chấp nhận các yếu đuối của Giáo Hội


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trườc hơn 30.000 tín hdu và du khách hành hương năm châu tham dự buoi tiếp kiến chung sáng thứ tư 30-5-2007.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về các Giáo Phụ, đã bị bỏ dở vì chuyến công du mục vụ tại Brasil. Lần này ngài đề cập tới Giáo Phụ Tertulliano và nói:

Hôm nay chúng ta nói tới một người Phi châu là Tertulliano, người đã khai mào nền văn chương kitô tiếng la tinh vào cuối thể kỷ thứ II đầu thế kỷ thứ III. Nền thần học tiếng la tinh đã bắt đầu với giáo phụ. Không thể đánh giá thấp các hoa trái công trình và ảnh hưởng của giáo phụ trong nhiều lãnh vực: từ ngôn ngữ và việc hồi phục nền văn hóa cổ điển cho tới chỗ nhận ra ”linh hồn kitô chung” trong thế giới và việc đưa ra các đề nghị mới liên quan tới cuộc chung sống nhân bản. Chúng ta không biết chính xác Tertulliano sinh ra và qua đời khi nào. Trái lại chúng ta biết người nhận được từ cha mẹ và các thầy dậy một nền giáo dục vững chắc liên quan tới các bộ môn: hùng biện, triết lý, luật pháp và lịch sử. Rồi xem ra Tertulliano bị lôi kéo bởi gương của các tín hữu kitô tử đạo, nên đã theo Kitô giáo. Vào năm 197 Tertulliano bắt đầu công bố các sáng tác nổi tiếng nhất của mình. Nhưng việc kiếm tìm chân lý một cách qúa cá nhân cùng với tính tình khắt khe thái qúa đã khiến cho giáo phụ từ bỏ sự hiệp thông với Giáo Hội và theo giáo phái Montan. Tuy nhiên, tư tưởng độc đáo và sự hữu hiệu của ngôn ngữ khiến cho Tertulliano có thế đứng cao trong nền văn chương kitô cổ.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: nổi tiếng nhất là các tác phẩm bênh vực Kitô giáo của giáo phụ Tertulliano. Chúng bao gồm hai mục đích: thứ nhất là phản bác các tố cáo nghiêm trọng của dân ngoại chống lại tôn giáo mới; và thứ hai là chủ ý đề nghị và truyền giáo, thông truyền sứ điệp Tin Mừng và đối thoại với nền văn hóa thời đó. Nổi tiếng nhất là tác phẩm ”Hộ giáo”, tố cáo thái độ bất công của chính quyền chính trị đối với Giáo Hội; giải thích và bênh vực các giáo huấn và thói quen của tín hữu kitô; nhận diện các khác biệt giữa tôn giáo mới và các trào lưu triết lý thời đó; biểu lộ chiến thắng của Thần Khí, lấy máu, khổ đau và sự kiên nhẫn của các vị tử đạo đối chọi lại bạo lực của những kẻ bách hại. Giáo phụ viết: ”Có tinh vi đến đâu đi nữa, thì sự tàn ác của qúy vị cũng không ích lợi gì: trái lại, nó là lời mời gọi đối với cộng đoàn chúng tôi. Mỗi nhát liềm của qúy vị khiến chúng tôi càng đông đảo hơn: máu các vị tử đạo là hạt giống hữu hiệu” (Apologetico 50,13). Sự tử đạo, khổ đau vì chân lý sau cùng chiến thăng và hữu hiệu hơn là sự tàn ác và bạo lực của các chế độ độc tài.

Nhưng cũng giống mọi nhà hộ giáo giỏi khác, Tertulliano cảm thấy nhu cầu thông truyền nòng cốt Kitô giáo cho người khác. Vì thế giáo phụ sử dụng phương pháp suy tư để minh giải các nền tảng hữu lý của tín lý kitô. Người đào sâu chúng một cách có hệ thống, bắt đầu với việc trình bầy ”Thiên Chúa của các kitô hữu”. Người viết: ”Đấng mà chúng tôi tôn thờ là Thiên Chúa duy nhất. Ngài vô hình, cả khi người ta trông thấy Ngài; không thể nắm bắt được, cả khi Ngài hiện diện qua ơn thánh; không thể quan niệm được cả khi giác quan loài người có thể tiếp nhận: vì thế Ngài chân thực và cao cả” (ibid., 17,1-2)

Giáo phụ Tertulliano tiến một bước khổng lồ trong việc phát triển tín lý về Thiên Chúa Ba Ngôi: người đã để lại cho chúng ta bằng tiếng la tinh thứ ngôn ngữ thích hợp cho việc trình bầy mầy nhệm cao cả này, bằng cách đưa vào các từ ”một bản tính” và ”ba ngôi vị”. Cũng thế, giáo phụ cũng đã khai triển ngôn ngữ đúng đắn để diển tả mầu nhiệm của Chúa Kitô là Con Thiên Chúa và là Người thật.

Terlulliano cũng đề cập đến Chúa Thánh Thần và chứng minh Người là Ngôi Ba Thiên Chúa khi viết: ”Chúng tôi tin rằng, theo lời Người đã hứa, qua Chúa Cha, Chúa Giêsu Kitô gửi Thánh Thần đến, Đấng Ủi An, Đấng thánh hóa lòng tin của những ai tin nơi Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (ibid., 2,1)vị

Trong các tác phẩm của giáo phụ người ta cũng đọc thấu nhi eu văn ban liên quan tới Giáo Hội, mà Tertulliano luôn luôn thừa nhận như là ”mẹ”. Cả sau khi theo bè phái Montan, giáo phụ cũng không quên rằng Giáo Hội là Mẹ lòng tin của chúng ta và của cuộc sống kitô. Người cũng đề cập đến cung cách sống luân lý cảu tín hữu và cuộc sống mai sau. Các bút tích của người cũng quan trong, vì giúp nhận ra các khuynh hướng sống động trong cộng đoàn liện quan tới Mẹ Maria rất thánh, các bí tích Thánh Thể, Hôn Phối và Hòa giải, quyền tối thượng của thành Phêrô và lời cầu nguyện vv... Đặc biệt trong thời bách hại, trong đó các kitô hữu xem ra là một thiểu số lạc lõng, giáo phụ đã khuyến khích họ hy vọng. Trong quan niệm của giáo phụ hy vọng không chỉ là một nhân đức riêng rẽ, mà là cung cách thấm nhập mọi khía cạnh của cuộc sống kitô. Chúng ta hy vọng rằng tương lai cũng là của chúng ta vì tương lai là của Thiên Chúa. Như thế sự phục sinh của Chúa được trình bầy như là nền tảng sự phục sinh tương lai của chúng ta và diễn tả mục đích chính của lòng tin cậy kitô.

Trên bình diện nhân bản, chắc chắn có thể đề cập tới thảm cảnh của giáo phụ Tertulliano. Với thời gian, giáo phụ ngày càng đòi hỏi đối với tín hữu kitô. Người đòi hỏi họ phải có thái độ anh hùng trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt trong các bắt bớ. Lập trường cứng nhắc khiến giáo phụ có những phê phán nặng nề và sau cùng bi cô lập hóa. Ngoài ra ngày nay còn có nhiều vấn đề bỏ ngỏ, không chỉ liên quan tới tư tưởng thần học và triết học, mà cả thái độ của giáo phụ đối với các cơ cấu chính trị và xã hội ngoại giáo nữa.

Đề cập tới lý do sự xa rời Giáo Hội của giáo phụ Tertulliano ĐTC nói:
Sau cùng người ta thấy rằng giáo phụ thiếu đơn sơ, khiêm nhường để tháp nhập vào Giáo Hội, chấp nhận các yếu đuối của Giáo Hội và khoan hòa đối với người khác và với chính mình. Khi chỉ trông thấy tư tưởng của chính mình trong cái cao cả của nó, thì rốt cuộc người ta đánh mất đi chính sự cao cả đó. Đặc thái nòng cốt của một thần học gia lớn là sự khiêm nhường sống với Giáo Hội, chấp nhận các yếu đuối của Giáo Hội và các yếu đuối của chính mình, vì chỉ có Thiên Chúa là thực sự thánh thiện hoàn toàn mà thôi. Chúng ta, trái lại, chúng ta cần đến ơn tha thứ.
Nhưng nói cho cùng, giáo phụ Tertulliano là một chứng nhân rất hay trong các thời gian đầu của Giáo Hội, khi các kitô hữu là những tác nhân thực sự của một ”nền văn hóa mới” trong việc đối chọi giữa gia tài cổ điển và sứ điệp tin mừng. Và giáo phụ Tertulliano đã đưa ra khẳng định nổi tiếng sau đây: ”linh hồn chúng ta là kitô một cách tự nhiên” (Apologetico 17,6). Qua đó giáo phụ gợi lại sự tiếp nối vĩnh cửu giữa các giá trị thực sự nhân bản và các giá trị kitô. Được Tin Mừng nhào nặn, giáo phụ cũng còn có một suy tư nổi tiếng khác: ”Tín hữu kitô cũng không thể ghét các kẻ thù của mình” (Apologetico 37). Kết qủa luân lý của lựa chọn kitô đề nghị ”sự bất bao động” như là luật sống. Dưới ánh sáng cuộc tranh luận sôi nổi liên quan tới các tôn giáo hiện nay, có ai là không trông thấy tính cách thời sự thê thảm của giáo huấn này.

Trong các giáo huấn của giáo phụ Tertulliano người ta nhận thấy có nhiều đề tài, mà ngày nay chúng ta còn được mời gọi suy tư, để ngày càng có thể diễn tả luật lòng tin một cách xác tín hơn.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nói Chúa Nhật tuần vừa qua Giáo Hội đã mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ngài khích lệ người trẻ biết năng khẩn cầu Chúa Thánh Thần, để trở thành các tông đồ kiên trung của Chúa Kitô giữa các bạn đồng lứa tuổi. Đức Thánh Cha xin Chúa Thánh Thần là Đấng ủi an giúp các anh chị em đau yếu chấp nhận khổ đau và bệnh tật với lòng tin và dâng chúng lên cho Thiên Chúa để mưu cầu ơn cứu rỗi cho con người. Sau cùng ngài xin Chúa Thánh Thần ban cho các cặp vợ chồng mới cưới niềm vui xây dựng gia đình trên nền tảng Phúc Âm.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.