2007-05-14 18:07:19

ĐỨC THÁNH CHA KẾT THÚC CHUYẾN VIẾNG THĂM BRAZIL


ROMA. Trưa 14-5-2007, ĐTC Biển Đức 16 đã về đến Roma bằng an sau 5 ngày viếng thăm mục vụ tại Brazil. Ra đón ngài tại Phi trường Ciampino có bà Rosy Bindi, Bộ trưởng bộ gia đình, và ĐHY Camillo Ruini, Giám quản Roma. Từ đây ngài đã về dinh thự Castel Gandolfo để nghỉ ngơi cho đến chiều thứ sáu 18-5-2007 và sẽ không có buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ tư tới đây.

KHAI MẠC ĐẠI HỘI GIÁM MỤC

 
Chúa nhật 13-5-2007, sau cử hành thánh lễ cho 200 ngàn ngàn tín hữu tại quảng trường trước Đền thánh Đức Mẹ vào ban sáng, lúc 4 giờ chiều, ĐTC đến Hội trường Đền thánh để khai mạc Đại Hội kỳ 5 của hàng GM Mỹ châu la tinh, kéo dài 18 ngày với sự tham dự của 176 GM đại biểu toàn đại lục và cả Hoa Kỳ lẫn Canada, cùng với đại biểu các LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân, và các đại diện Giáo Hội Kitô anh em.

Buổi khai mạc diễn ra dưới hình thức một buổi hát kinh chiều. Trong diễn văn sau đó, ĐTC điểm qua tình hình Giáo Hội Mỹ châu la tinh và nói đến những lãnh vực ưu tiên cần quan tâm.

ĐTC ghi nhận rằng đức tin này hiện nay đang phải đương đầu với nhiều thách đố nghiêm trọng, vì có liên hệ tới sự phát triển hòa hợp của xã hội và căn tính Công Giáo của các dân tộc thuộc đại lục Mỹ latinh. Đại hội kỳ 5 của các GM chuẩn bị suy tư về tình trạng ấy để giúp các tín hữu Kitô vui sống đức tin của họ, vừa đưa vào đời sống thường nhật, giúp họ ý thức mình là môn đệ và thừa sai của Chúa Kitô, được Chúa mời rao giảng và làm chứng cho thế giới về niềm tin và tình thương của chúng ta”.

ĐTC nhận xét rằng có sự tiến bộ trong nền dân chủ tại Mỹ châu la tinh và Caraibi, nhưng cũng có những lý do để quan tâm đứng trước những hình thức cai trị độc đoán, hoặc tùy thuộc một số ý thức hệ mà người ta tưởng là đã bị vượt qua rồi, và chúng không tương ứng với quan điểm của Giáo Hội về con người và xã hội, như đạo lý xã hội của Hội Thánh dạy chúng ta. Đàng khác, nền kinh tế tự do tại một số nước Mỹ châu la tinh phải để ý đến sự công bằng, vì hiện nay người ta thấy tiếp tục gia tăng các lãnh vực xã hội ngày càng bị nạn nghèo đói kinh khủng đè nén hoặc bị tước đoạt các tài nguyên thiên nhiên của mình.

Trong Giáo Hội tại Mỹ châu la tinh, đức tin của nhiều giáo dân trưởng thành hơn và có sự dấn thân quảng đại hơn của bao nhiêu giáo lý viên và người trẻ, nhưng người ta cũng nhận thấy một sự suy yếu của đời sống Kitô trong xã hội nói chung và sự tham gia vào đời sống Giáo Hội Công Giáo, do ảnh hưởng của trào lưu tục hóa, duy lạc thú, thái độ dửng dưng, và sự chiêu dụ tín đồ Công Giáo do nhiều giáo phái, các đạo thờ vật linh và những thứ ngụy tôn giáo mới... Đứng trước những chọn lựa mới mẻ khó khăn, các tín hữu hy vọng Đại hội kỳ 5 của các GM mang lại một sự can tân và hồi sinh đức tin của họ nơi Chúa Kitô.

Trên con đường canh tân Giáo Hội, ĐTC khuyến khích các vị mục tử giúp các tín hữu tìm hiểu và sống Lời Chúa, chăm chỉ tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Ngài nhấn mạnh rằng: ”Người môn đệ được xây dựng trên đá tảng Lời Chúa, cảm thấy bị thúc đẩy mang Tin Mừng cứu độ cho anh em mình. Môn đệ và thừa sai giống như 2 mặt của cùng một mề-đai: khi môn đệ cảm mến Chúa Kitô, thì không thể ngưng loan báo cho thế giới biết chỉ có Chúa mới cứu toát (cf Hch 4,12). Thực vậy, người môn đệ biết rằng không có Chúa Kitô thì cũng không có ánh sáng, không có hy vịng, không có tình thương và cũng chẳng có tương lai”.

Trong cùng ý hướng đó, ĐTC cổ võ tăng cường việc giảng dạy giáo lý cho trẻ em, người trẻ và người lớn; cải tiến các cơ cấu xã hội bất công. Ngài kêu gọi chú ý đến lãnh vực gia đình: gia đình, ”gia sản của nhân loại”, là một trong những kho tàng quan trọng nhất của các nước Mỹ châu la tinh. Gia đình đã và đang là trường dậy đức tin, nơi tập luyện các giá trị nhân bản và công dân, là tổ ấm trong đó sự sống con người sinh ra và được quảng đại đón nhận trong tinh thần trách nhiệm. Điều chắc chắn là hiện nay gia đình đang phải chịu những tình cảnh cam go do trào lưu duy thế tục và duy tương đối về luân lý, do các làn sóng di dân trong và ngoài nước, do nghèo đói, xã hội bấp bệnh và những đạo luật trái ngược với hôn nhân, cổ võ ngừa thai và phá thai, đe dọa tương lai các dân tộc.
Tại một số gia đình Mỹ châu la tinh, đáng tiếc thay vẫn còn não trạng ”trọng nam khinh nữ”, cố tình không biết tới sự mới mẻ của Kitô giáo trong đó có nhìn nhận và tuyên bố phẩm giá và trách nhiệm bình đẳng của người nữ với người nam.

Gia đình không thể thiếu được để có sự thanh thản cho bản thân và để giáo dục con cái. Các bà mẹ muốn dành trọn thời giờ cho việc giáo dục con cái và phục vụ gia đình phải được hưởng những điều kiện cần thiết để có thể thi hành điều ấy, và vì thế họ có quyền được sự nâng đỡ của Nhà Nước. Thực vậy, vai trò của người mẹ thật là quan trọng đối với tương lai của xã hội... Một điều tối quan trọng là cổ võ những chính sách gia đình đích thực, đáp ứng các quyền của gia đình như một chủ thể xã hội không thể loại bỏ được. Gia đình thuộc về thiện ích của các dân tộc và toàn thể nhân loại.

Với các giáo dân, ĐTC nhắc nhở rằng họ cũng là Giáo Hội, là cộng đoàn được Chúa Kitô triệu tập để làm chứng tá cho toàn thế giới. Mọi tín hữu nam nữ đều phải ý thức mình đã được trở nên đồng hình dạnh với Chúa Kitô Linh Mục, Ngôn Sứ và Mục Tử, nhờ chức linh mục chung của Dân Chúa. Họ phải cảm thấy đồng trách nhiệm trong việc xây dựng xã hội theo các tiêu chuẩn Tin Mừng.”

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.