2007-05-09 18:29:49

ĐỨC THÁNH CHA LÊN ĐƯỜNG VIẾNG THĂM BRAZIL


VATICAN. Lúc quá 9 giờ sáng ngày 9-5-2006, ĐTC Biển Đức 16 đã lên đường thực hiện cuộc viếng thăm mục vụ tại Brazil, nhân dịp Đại Hội kỳ 5 của hàng GM Mỹ châu la tinh và quần đảo Caraibi.

Đây là cuộc viếng thăm mục vụ thứ 6 của ngài tại hải ngoại trong 2 năm làm Giáo Hoàng. Cao điểm trong hơn 5 ngày viếng thăm của ĐTC tại hai giáo phận São Paulo và Aparecida là cuộc gặp gỡ với hàng trăm ngàn bạn trẻ Brazil, thánh lễ tôn phong vị Hiển Thánh đầu tiên của Giáo Hội tại nước này là cha Antonio de Sant'Anna Galvão dòng Phanxicô, sau cùng là thánh lễ và diễn văn khai mạc đại hội kỳ 5 của các GM Mỹ châu la tinh.

Tháp tùng ĐTC có 30 người, đứng đầu là ĐHY Quốc vụ khanh Bertone, ĐHY Re, Tổng trưởng Bộ GM kiêm Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu la tinh, và cũng là 1 trong 3 vị chủ tịch thừa ủy của Đại hội các GM ở Aparecida, ngoài ra có ĐHY Hummes, người Brazil Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, và ĐHY Saraiva Martins, Tổng trưởng Bộ Phong thánh. Như thường lệ có khoảng 60 ký giả Italia và quốc tế cùng đi trên chuyến bay với ĐTC.

Trên chuyến bay, ĐTC đã gặp gỡ và trả lời một số câu hỏi của giới báo chí tháp tùng, từ vấn đề các giáo phái, cho đến vấn đề Giáo Hội và chính trị, thần học giải phóng. Ngài bày tỏ quan tâm về sự lan tràn của các giáo phái tại Mỹ châu la tinh và khẳng định rằng: Sự bành trướng của các giáo phái có nghĩa là có một sự khao khát Thiên Chúa và tôn giáo, và sứ mạng của Giáo Hội và của mọi tín hữu Công Giáo là làm chứng tá để mọi người tìm được con đường mang lại những điều kiện sống tốt đẹp hơn cho những người ấy.

Cũng có ký giả hỏi ĐTC về thần học giải phóng, ngài nói rằng trong Giáo Hội có môi trường cho cuộc thảo luận hợp pháp về cách thức kiến tạo những điều kiện để giải phóng con người và làm cho giáo huấn xã hội Công Giáo trở nên hữu hiệu, đồng thời chỉ dẫn những điều kiện nhân bản và xã hội, những đường hướng nhờ đó các giá trị có thể tăng trưởng. ĐTC nhận xét rằng tình trạng trong đó thần học giải phóng nảy sinh nay đã hoàn toàn thay đổi. Điều hiển nhiên là những người nghĩ là có thể dùng cách mạng thực hiện những điều kiện để có một cuộc sống hoàn toàn, họ đã sai lầm. Giờ đây tất cả đều biết điều đó và vấn đề là Giáo Hội phải hiện diện thế nào trong cuộc chiến đấu cho công bằng. Về điểm này các nhà thần học và xã hội học không đồgn ý với nhau”.

Một ký giả khác hỏi về Đức TGM Oscar Romero, cố TGM San Salvador đã bị đạo quân tử thần sát hại trong lúc cử hành thánh lễ, vì đã bênh vực các quyền con người, ĐTC nhận định rằng Đức TGM Romero là một đại chứng nhân đức tin, cũng như các nhân đức khác của Kitô giáo, và ngài không nghi ngờ về việc Đức TGM đáng được phong chân phước, tuy nhiên ngài cho biết là không có những tin mới mất về công việc của bộ phong thánh về vấn đề này, nhưng chỉ biết là án phong đã tiến triển nhiều. ĐTC cho biết cuốn tiểu sử của Đức Cha Vincenzo Paglia, GM giáo phận Terni, viết về Đức TGM Romero, rất quan trọng, vì làm sáng tỏ nhiều điểm và cho thấy Đức TGM dấn thân bênh vực hòa bình và chống lại chế độ độc tài. Tuy nhiên, có một số thành phần chính trị muốn tiếm đoạt hình ảnh Đức TGM Romero cho mình một cách bất chính. Và ĐTC kết luận: ”Tôi chờ đợi kết luận của Bộ phong thánh về vấn đề này”.
THÁCH ĐỐ CỦA GIÁO HỘI TẠI BRAZIL
Về mặt tôn giáo, Brazil là nước có đông tín hữu Công Giáo nhất với 155 triệu người, tương đương với 85% dân số toàn quốc. Nhưng với làn sóng nhiều người Công Giáo đi theo các giáo phái, nhất là giáo phái Pentecostal, tỷ lệ tín hữu Công Giáo tại Brazil ngày càng giảm sút, một phần cũng vì tình trạng Giáo Hội thiếu các nhân viên mục vụ chăm sóc các tín hữu. Cả nước chỉ có hơn 18 ngàn LM triệu và dòng, bình quân cứ 8.600 tín hữu Công Giáo mới có 1 LM, so với 1.200 giáo dân cho 1 LM tại Hoa Kỳ.

Giáo Hội Công Giáo tại đây được chia thành 269 giáo phận với 427 GM, và hơn 9.500 giáo xứ toàn quốc. Ngoài ra tại Brazil có 2.676 tu huynh và 33.700 nữ tu, 2 ngàn thành viên các tu hội đời. Ngoài ra, có hơn 490 ngàn giáo lý viên và 72.700 thừa sai giáo dân.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Tuần báo Công Giáo Gia Đình Kitô (Famille Chrétienne) ở Pháp, ĐHY Claudio Hummes, dòng Phanxicô nguyên TGM giáo phận São Paolo, và hiện là Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, cho biết: khi đến Brazil, ĐTC sẽ khám phá một nước rất đẹp, và đầy tài nguyên, và có gia sản lịch sử phong phú. Ngài viếng thăm São Paolo, một trong những thành phố lớn nhất thế giới và tân tiến. Ngài đến khai mạc Đại hội của hàng GM Mỹ châu la tinh, và đối với ngài đây là một sự dấn thân rất lớn, một thách đố, vì gần một nửa dân số Công Giáo thế giới sinh sống tại Mỹ châu la tinh, và ngày nay Giáo Hội Công Giáo tại đại lục này đang gặp nhiều vấn đề. Vì thế, ĐTC đến để củng cố Giáo Hội và các GM trong sứ mạng, nhưng cũng đề ra những hướng đi và soi sáng, chỉ dẫn, để mọi người biết mang Tin Mừng vào trong thực tại tại đại lục này, nhất là trong hoàn cảnh rất nghèo đói của nhiều người dân, với bao nhiêu vấn đề xã hội.

Giáo Hội tại Mỹ châu la tinh cũng phải được đây với các giáo phái đang phát triển mạnh mẽ, và đề ra cho Giáo Hội câu hỏi: tại sao các tín hữu Công Giáo lại đi theo các giáo phái như vậy? Chúng ta đã không thành công trong vấn đề gì? Điều này có nghĩa là Giáo Hội tại đây phải tiến hành một công cuộc truyền giáo mạnh mẽ và quyết liệt.
Đi sâu hơn vào thực tại Giáo Hội tại Brazil, ĐHY Hummes cho biết tại các thành phố lớn, nền văn hóa hậu hiện đại mạnh mẽ tràn vào qua các phương tiện truyền thông, cac đại học, các tầng lớp trí thức trong dân chúng hoặc giới lãnh đạo. Trào lưu văn hóa này là chủ nghĩa cá nhân, thuyết duy tương đối, sự xa lìa Kitô giáo và đa nguyên về tôn giáo. Trong khi đó, tại miền quê, vẫn còn một thứ đạo đức bình dân rất truyền thống, vốn ăn rễ sâu nơi lịch sử của Mỹ châu la tinh và nhiều liên hệ với nền văn hóa Tây Ban Nha và thổ dân, văn hóa Phi châu được đưa đến đây với những người nô lệ. Tất cả những điều đó đưa tới một sự hội nhập rất quan trọng của đức tin Công Giáo vào nền văn hóa của đại lục này.

Theo ĐHY Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, Mỹ châu la tinh cần có một công cuộc rao giảng Tin Mừng mới, với phương pháp giống như truyền giáo cho dân ngoại, nghĩa là phải ra khỏi cộng đoàn của mình, đi tìm kiếm dân chúng tại nơi họ sinh sống, làm việc, và hiện diện, nhất là tại các khu ngoại ô các thành phố, và cả tại miền quê nữa, nơi mọi tầng lớp trong xã hội. ĐHY nói: ”Chúng ta không thể ngồi yên trong giáo xứ và các tổ chức của Giáo Hội chờ đợi người dân đến với mình, trái lại cần phải đi tìm họ và tái rao giảng Chúa Giêsu Kitô cho họ”.

Sau 12 tiếng 30 phút đồng hồ, vượt qua gần 9.500 cây số, máy bay chở ĐTC đã đáp xuống phi trường quốc tế São Paolo - Guarulhos vào lúc 4 giờ rưỡi chiều, giờ địa phương.

Trong diễn văn đầu tiên tại Brazil, ĐTC cho biết cuộc viếng thăm của ngài vượt lên trên các ranh giới quốc gia: ”tôi đến để chủ tọa lễ khai mạc Đại hội kỳ 5 của hàng GM Mỹ châu la tinh và Caraibí, nhóm tại Aparecida. Do lòng nhân hậu quan phòng của Đấng Tạo Hóa, đất nước này trở thành chiếc nôi cho những dự phóng của Giáo Hội, nếu Chúa muốn, những dự phóng này có thể mang lại một sức mạnh và một đà tiến truyền giáo mới cho Đại lục này.”
ĐTC cũng khẳng định rằng: ”Quyết định thực hiện một Đại hội các GM chủ yếu là truyền giáo, phản ánh rõ mối quan tâm của hàng GM, cũng như của tôi, trong việc tìm kiếm những con đường thích hợp, để làm cho 'trong Chúa Giêsu Kitô, các dân tộc chúng ta được sự sống' như chủ đề của Đại Hội nhắc nhở. Với những tâm tình ấy, tôi muốn nhìn xa hơn biên giới của đất nước này và chào thăm tất cả cac dân tộc Mỹ châu la tinh và Caraibi, và cầu chúc họ với những lời của Thánh Tông Đồ: ”Ước gì bình an ở cùng tất cả anh chị em ở trong Chúa Kitô” (1 Pt 5,14).

Sau diễn văn, ĐTC đã đáp trực thăng đi thêm 20 cây số để tới phi trường Campo de Marte của thành phố São Paolo, và được Ông Thị trưởng và hội đồng thành phố đón tiếp và trao tặng chìa khóa danh dự và tước hiệu công dân danh dự của thành phố Sao Paolo. Ngài về Đan viện Thánh Biển Đức, chào thăm dân chúng tụ tập đông đảo tại đây, trước khi dùng bữa tối và nghỉ đêm.

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.