2007-05-03 16:44:16

Ngày thăng tiến và bảo vệ gia đình


Một số nhận định của ông Luigi Alici, Chủ tịch phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia về cuộc biểu tình trong ”Ngày gia đình”.

Ngày 12-5-2007”Ngày gia đình” tại Italia. Để bảo vệ các quyền lợi gia đình và lôi kéo sự chú ý của dư luận toàn nước đối với các vần đề của gia đình, thành viên của 22 phong trào và hiệp hội công giáo sẽ cùng nhau tham dự cuộc biểu tình tại Roma. Trong số các phong trào tham dự có Phong trào Công Giáo Tiến Hành, Tổ Ấm, Hiệp Thông và Giải Phóng, Bảo Vệ Sự Sống và Gia Đình, Liên Hiệp Công Nhân Kitô, Thanh Sinh Công, Sinh Viên Công Giáo, Trung Tâm Phụ Nữ Italia, Hiệo hội gia đình Italia Verona vv... Đặc biệt cuộc biểu tình nhắm chống lại các mưu toan loại trừ gia đình khỏi ý niệm thiện ích chung của quốc gia.

Bà Anna Maria Pastorino, từ ba năm nay là Giám đốc Trung tâm phu nữ Italia, cho biết các thành viên Trung tâm cũng tham dự cuộc tuần hành. Trung Tâm phụ nữ Italia đã được thành lập cách đây hơn 60 năm hồi năm 1944, nhằm mục đích bảo vệ gia đình dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Bà không thích gọi cuộc tuần hành ngày 12 tháng 5 tới đây là cuộc xuống đường biểu tình, vì kiểu nói này gợi lên hình ảnh phản đối, la ó, với các biểu ngữ tiêu cực. Ngày 12 tháng 5 là ngày lễ đề cao sứ mệnh của gia đình trong xã hội, cũng như nhắc nhớ cho những người chia sẻ các giá trị công giáo cũng như những người không chia sẻ các gía trị đó biết rằng: bảo vệ ý nghĩa của gia đình như định nghĩa trong Hiến Pháp là bảo vệ tương lai của nam giới và nữ giới. Ngày nay vai trò của nữ giới phức tạp hơn vì nó bao gồm sứ mệnh làm vợ, làm mẹ và làm công nhân trong nhiều môi trường làm việc xã hội. Tình trạng các gia đình Italia ít con là một hiện tượng gây lo âu vì có qúa ít người trẻ tham dự các hiệp hội thiện nguyện. Theo bà Anna Maria cần bảo vệ các quyền con người, nhưng ai tự ý lựa chọn hình thức sống chung là chọn lựa không có quyền lợi và không có bổn phận. Riêng trường hợp những cặp đồng phái, các tương quan của họ chỉ cần được điều hành dựa trên bộ luật dân sự là được rồi, mà không cần phải đưa ra luật nào khác.

Ông Roberto Bolzonaro, chủ tịch ”Hiệp hội các gia đình Italia” thành lập năm 1991 tại tỉnh Verona trung bắc Italia, cũng sẽ hướng dẫn các thành viên hiệp hội về Roma tham dự cuộc tuần hành. Ông cho biết cuộc tuần hành được tổ chức cho gia đình. Các thành viên hiệp hội ủng hộ gia đình là tế bào nòng cốt của xã hội chống lại tất cả mọi luật lệ và đường lối chính trị đi ngược lại sự thật này. Hiệp hội cũng tham gia cuộc tuần hành để yêu cầu chính quyền có đường lối chính trị ưu tiên trợ giúp gia đình, cho các cặp vợ chồng trẻ có nhiều cơ may hơn trong công ăn việc làm và nhà ở, cũng như trợ giúp họ chu toàn bổn phận làm cha mẹ. Ngoài ra chính quyền cần can thiệp nhiều hơn để loại trừ các bất công đối với gia đình, như giá cả điện nước gas cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Hệ thống thuế má hiện nay là một hình thức cướp bóc các gia đình. Giới chức hữu trách đều biết đó là điều gian ác, nhưng lại không làm gì cả để loại trừ sự gian ác này.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Luigi Alici, Chủ tịch phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia về cuộc biểu tình trong ”Ngày gia đình” 12 tháng 5 tới đây.

Hỏi: Thưa ông Luigi Alici, tai sao phong trào Công Giáo Tiến Hành quyết định tham dự cuộc biểu tình trong Ngày Gia Đình, 12 tháng 5 tới đây?

Đáp: Lựa chọn của chúng tôi đã không phải là điều dễ dàng. Lý do là vì cuộc biểu tình này sẽ không tránh khỏi các lèo lái chính trị lệch lạc, và nhất là nguy cơ có thể khiến cho người ta có một hình ảnh không trung thực đối với Giáo Hội, và đo lường bản chất Giáo Hội Công Giáo Italia chỉ dựa trên các dữ kiện và số lượng bề ngoài. Tuy nhiên, người ta đã ghi nhận được sự đồng thuận rất lớn chung quanh mục đích của cuộc biểu tình có khẩu hiệu ”Gia đình nhiều hơn”. Đây là một sáng kiến rất quan trọng và tích cực, vì thế chúng tôi đã quyết định tham dự cùng với đa số các tổ chức và hiệp hội giáo dân khác. Biến cố này có mục đích duy trì sự hiệp thông trong Giáo Hội chống lại các can thiệp khuynh hướng của hai khối chính trị tả hữu xen mình vào chuyện của Giáo Hội. Cuộc biểu tình này không phải là một điểm tới, nhưng là điểm khởi hành, trong nỗ lực tìm kiếm và thăng tiến - trên bình diện địa phương và trong các hình thức đơn sơ và các đề nghị - các cuộc gặp gỡ và ủng hộ các gia đình đang gặp khó khăn một cách cụ thể cũng như trợ giúp các người trẻ đang bị lạc hướng khi nhìn tương lai tình yêu của họ trong cuộc sống.

Điều quan trọng đó là quảng trường, nơi các phong trào tụ tập nhau biểu tình, phải là nơi rộng mở, chứ không phải là nơi đếm số người công giáo đích thật. Chính vì thế nên điều quan trọng nhất đó là những người muốn bắc cầu phải đi tiên phong, chứ không phải những người muốn dựng lên các bức tường phân cách.

Hỏi: Cái gì đang thay đổi, cái gì có nguy cơ thay đổi tại Italia, khi để bảo vệ một giá trị dân sự, xã hội và hiến pháp, cần phải tổ chức xuống đường biểu tình, thưa ông?

Đáp: Không thể nghĩ rằng trong một vài trường hợp xuống đường biểu tình là một cử chỉ chứng tỏ sức sinh động dân chủ, và trong một vài trường hợp khác là một cử chỉ bầy tỏ sự khăng khăng đòi buộc tín lý. Dù sao đi nữa chúng ta phải thừa nhận rằng Italia đang trải qua một loại ”thay đổi di truyền” trên bình diện văn hóa. Ngày xưa, khi đề cập tới thiện ích chung người ta phạm tội bằng cách đưa vào đó cả các bắt buộc luân lý không thể chịu đựng được. Ngày nay trái lại, người ta lại phạm tội thiếu sót, bằng cách cho rằng có thể ngày càng chiếm hữu và biến các phần thiện ích chung làm của riêng. Nhưng mà thiện ích chung sẽ còn lại gì, nếu không chứa đựng hôn nhân và gia đình nữa? Ai tư nhân hóa gia đình thì quên rằng gia đình xã hội hóa con người. Thật là điều lạ lùng khi chính trị kịch liệt bảo vệ ”Hiến pháp của các luật lệ”, mà lại chịu trận để cho ”Hiến pháp của các giá trị” bị biến thành bất hợp pháp.

Hỏi: Thưa ông Chủ tịch phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia, trong bối cảnh của cuộc biểu tình ngày 12 tháng 5 tới đây có vn đề của dự luật DICO liên quan tới việc sống chung của những cặp nam nữ và các cặp đồng phái. Ngoài các dự liệu chứa đựng trong dự luật đó, thật khó mà không thấy rằng gia đình không bị tấn kích và bị thiệt thòi.

Đáp: Như là phong trào Công Giáo Tiến Hành chúng tôi đã đưa ra phê phán rất nghiêm ngặt đối với dự luật DICO, cũng như bầy tỏ sự âu lo của chúng tôi đối với các hậu qủa có thể xảy ra cho cuộc sống xã hội, văn hóa và dân sự của Italia. Ngoài việc làm suy yếu cơ cấu gia đình, các hậu qủa đó sẽ khiến cho các thế hệ trẻ gặp nguy cơ của sự hàm hồ, coi các hình thức liên hệ yêu thương hoàn toàn khác nhau đều ngang hàng như nhau. Tuy nhiên, nếu một đàng không thể chối cãi rằng mỗi luật lệ tạo ra thói quen, thì đàng khác mỗi luật lệ cũng là triệu chứng của thói quen đó. Như vậy cần phải đi cho tới nguồn gốc sâu xa nhất của sự yếu kém của gia đình, và như là giáo dân, phải tái phát động một loại mục vụ gia đình ngày càng có tổ chức và nhậy cảm hơn đối với ”vần đề nhân chủng”.

Hỏi: Như thế các phong trào và hiệp hội Kitô xuống đường biểu tình chính là để dòi quyền ưu tiên cho gia đình. Trên bình diện cụ thể, có thể và phải làm gì để trao ban trở lại tính chất thời sự cho gía trị hiến pháp này, là gia đình, thưa ông?

Đáp: Khả thể tiếp tục thừa nhận gia đình như là một thiện ích nền tảng, giữ gìn các gốc rễ sâu thẳm nhất của nhân loại, tùy thuộc ít nhất hai điều kiện: điều kiện thứ nhất là gia tăng tín nhiệm đối với gía trị nhân chủng của gia đình với từ ngữ thuyết phục trên bình diện văn hóa; điều kiện thứ hai là trợ giúp các lộ trình đào tạo trong việc giáo dục liên quan tới tình yêu và hôn nhân.

Trong tương lai chúng ta ngày càng cần phải tổ chức nhiều và tốt đẹp hơn các cuộc tuần hành, các cuộc thảo luận công cộng, trong đó các gía trị không thể thương lượng được được nuôi dưỡng bởi các lý chứng vững chắc và được làm chứng qua các cung cách giáo dục cụ thể gương mẫu, cho thấy gương mặt nhân bản và giải thoát của các giá trị đó.

Hỏi: Như thế đây là mt điểm khởi hành. Phong trào Công Giáo Tiến Hành sẽ di chuyển như thế nào thưa ông Alici?

Đáp: Như là Phong trào Công Giáo Tiến Hành chúng tôi muốn ngày càng dấn thân hơn trong hướng đi này. Bằng chứng là trong đại hội hồi cuối tháng 4 chúng tôi đã chọn đề tài ”Các trách nhiệm công khai của tình yêu: hôn nhân, gia đình, và giáo dục”.

(Avvenire 15-4-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.