2007-04-22 17:43:56

Thánh lễ chúa nhựt 22/4 Đức Thánh cử hành tại Pavia


Từ chiều thứ bảy vừa qua, Đức Thánh Cha đã rời Vatican để đi thăm viếng hai giáo phận Vigevano và Pavia, ở mạn Tây Bắc nước Italia, gần thành phố Milano. Nói cho đúng, mục tiêu chính là viếng thăm mộ của thánh Augustinô, tại Pavia, nhân dịp kỷ niệm 750 năm Toà thánh phê chuẩn việc kết hợp các ngành thuộc dòng thánh Augustinô (ngày 9/4/1256). Nhân dịp này, đức Bênêđictô XVI mở rộng cuộc thăm viếng đến toàn thể cộng đoàn Dân Chúa của giáo phận địa phương, và cộng thêm Vigevano, giáo phận duy nhất trong vùng Lombardia chưa được đức Gioan Phaolô II đặt chân đến. Đức đương kim giáo hoàng đã ghé lại Vigevano để dâng thánh lễ vào lúc 5 giờ chiều thứ bảy; sau đó, ngài đã đáp phi cơ trực thăng đến Pavia, và cuộc gặp gỡ đầu tiên được dành cho giới trẻ tụ họp tại nhà thờ chánh toà. Hoạt động chúa nhật hôm qua rất dày đặc, bắt đầu từ 9 giờ sáng với cuộc viếng thăm bệnh viện đa khoa “thánh Matthêu”. Đến 10 giờ , ngài chủ sự thánh lễ đồng tế với các giám mục trong vùng dành cho cộng đoàn Dân Chúa. Lúc 4 giờ rưỡi chiều, ngài đã gặp gỡ giới trí thức đại học, và sau cùng ngài cử hành giờ Kinh Chiều cùng với các tu sĩ dòng Augustinô tại vương cung thánh đường San Pietro in Cielo d’Oro, nơi giữ hài cốt của thánh Augustinô kể từ năm 725. Mỗi buổi gặp gỡ là một cuộc suy niệm sâu xa về cuộc sống đức tin. Vì vậy, trong bài hôm nay, chúng tôi chỉ xin tóm lại hai bài giảng vào ban sáng, và dành lại hai bài giảng buổi chiều cho buổi phát ngày mai.

Như vừa nói, lúc 9 giờ sáng, đức Bênêđictô XVI đã đến thăm bệnh viện đa khoa “thánh Marcô”, để bày tỏ tình liên đới với các bệnh nhân và thân nhân của họ, cũng như với các nhân viên ngành y tế. Trong bài huấn từ ngài nói như sau: “bệnh viện có thể coi như một nơi thánh thiêng, nơi mà chúng ta càm nhận tính mỏng dòn của con người, cũng như những tiềm lực và tài năng của con người mang ra để phục vụ sự sống. Sự sống con người là một hồng ân và cũng là một huyền nhiệm. Tôi ước mong rằng, cùng với sự tiến triển của khoa học và kỷ thuật, thì cũng tăng tiến ý thức cần phải cổ võ những giá trị căn bản của con người, tựa như sự tôn trọng và bảo vệ mạng sống trong hết mọi giai đoạn”. Ngài nói tiếp rằng Giáo hội, theo gương Chúa Giêsu, bày tỏ lòng ưu ái đối với những người đau khổ. Mặt khác, khi gặp gỡ người bệnh, chúng ta phải đối diện với những câu hỏi liên quan đến ý nghĩa của sự đau khổ. Sự đau khổ là một điều ghê tởm đối với bản tính con người. Tuy nhiên, một khi sự đau khổ được đón nhận với lòng mến và đức tin, thì nó trở nên cơ hội quý giá để kết hiệp với Chúa Kitô, Đấng đã chuốc lấy cho mình những đau khổ và cái chết của nhân loại. Từ đó, các bệnh nhân cũng được mời gọi hãy ký thác cho Chúa Giêsu tất cả đau đớn khó chịu, xin cho chúng được trở nên công cụ thanh luyện và cứu chuộc cho nhân loại.

Rời bệnh viện, Đức Thánh Cha đến cử hành Thánh lễ tại khu công viên Orti Borromaici, với sự tham dự của 20 ngàn người. Trong bài giảng gợi hứng từ những lời của thánh Phêrô tông đồ trong bài đọc 1 trích từ sách Tông đồ công vụ, khi vị thủ lãnh các tông đồ kêu gọi toàn dân hãy hoán cải. Từ “hoán cải” (hay trở lại) đã được dùng làm chủ đề suy niệm, bởi vì gắn liền với cuộc đời thánh Augustinô. Và ngài tự hỏi: “hoán cải là gì?”: Hoán cải là gì? Ta cần phải làm gì? Trong cuộc đời của mỗi người có một hình thức hoán cải riêng biệt, bởi vì mỗi người là một cái gì mới mẻ đc đáo chứ không phải là bản sao chép của người khác. Trong lịch sử Kitô giáo, Chúa đã gửi đến nhiều gương mẫu hoán cải, và nhìn vào họ chúng ta có thể tìm thấy một đnh hướng. Chúng ta có thể nhìn đến thánh Phêrô, kẻ mà Chúa Giêsu đã nói ở nhà Tiệc Ly rằng “Khi nào con trở lại, thì hãy củng cố anh em của mình”. Chúng ta có thể nhìn thánh Phaolô nhưng một kẻ trở lại lừng danh. Thành phố Pavia này đã biết đến một con người trở lại rất nổi tiếng, đó là thánh Augustinô

Trong quyển sách “Tuyên xưng” (hay Tự thú), Augustinô đã thuật lại cuộc cải hoán của mình bắt đầu tử khi bài giảng của thánh Ambrosiô tại Milano và lãnh bí tích thánh tẩy vào đêm Vọng Phục sinh năm 387. Tuy nhiên, sự cải hoán không chỉ diễn ra trong giây lát, nhưng kéo dài ra hành trình suốt cuộc đời, cho đến lúc nhắm mắt lìa đời tại Hippona ngày 28/8/430. Như vậy, sự cải hoán không phải chỉ là một việc diễn ra một lần, những xảy ra nhiều lần trong đời, được tóm vào ba đợt: thứ nhất là trở lại với giáo hội Chúa Kitô; thứ hai là trở lại với việc rao giảng Tin mừng; thứ ba là trở lại với lòng thương xót của Chúa Kitô. Ba đợt cải hoán cũng tương đương với ba cấp độ khiêm nhường.

Lần thứ nhất Augustinô trở lại với Kitô giáo. Tuy sinh sống và hoạt động giống như bao nhiêu con người khác, nhưng anh ta không ngừng đi tìm kiếm chân lý, muốn hiểu biết sự thật về con người, về sự sống, về thế giới. Anh ta tin có Thiên Chúa, nhưng trí óc anh không thoả mãn về những học thuyết về Thượng đế nơi các triết học. Cuối cùng, anh đã gặp được Đức Kitô, dưới khuôn mặt của Lời Thiên Chúa nhập thể. Khi nhìn đến sự hạ mình của Thiên Chúa nơi mầu nhiệm Nhập Thể, anh ta ý thức rằng con người cần đáp lại bằng sự hạ mình của đức tin, nghĩa là từ bỏ sự kiêu hãnh ngạo nghễ của lý trí, để gia nhập vào cộng đoàn thân thể của Đức Kitô. Chỉ khi gia nhập Giáo hội là thân thể của Đức Kitô, thi con người mới có thể kết hiệp với Thiên Chúa sống động.
Cuộc cải hoán thứ hai diễn ra sau khi đã trở về quê hương, trở lại với cuộc chiêm niệm. Augustinô đã thành lập một cộng đoàn huynh đệ, hoàn toàn dấn thân phụng sự Chúa qua việc cầu nguyện và nghiên cứu Sách Thánh. Nhưng chỉ được hưởng 5 năm hạnh phúc, thì Augustinô phải lãnh chức linh mục để phục vụ giáo đoàn Hippona. Biến cố này đã khiến cho đương sự chảy nhiều nước mắt, bởi vì nó làm tan vỡ lý tưởng đời chiêm niệm. Thế nhưng, cha đã suy nghĩ, và thực hiện một cuộc trở lại: trước đây mình đi tìm chân lý, nhưng là một thứ chân lý trừu tượng. Giờ đây, mình gặp thấy một chân lý sống động hơn, đó là sống với Chúa Kitô cho tha nhân. Augustinô có dịp để diễn đạt Phúc âm ra cuộc sống thường nhật, qua việc tiếp xúc với dân chúng, nhờ việc rao giảng, khuyên lơn, trách móc, và sẵn sàng để cho mọi người đến gặp gỡ.

Cuộc cải hoán thứ ba là khám phá ra rằng duy chỉ có Đức Kitô mới là kẻ hoàn hảo. Tất cả chúng ta, kể cả các thánh tông đồ, đều phải cầu xin hằng ngày rằng “Xin Cha tha thứ các nợ nần của chúng on, cũng như chúng con tha thứ cho những kẻ có nợ chúng con”. Thánh Augustinô đã học được cấp độ cuối cùng của đức khiêm nhường: không chỉ khiêm nhường khi ép mình chấp nhận đức tin của Giáo hội; không chỉ khiêm nhường khi diễn đạt những chân lý cao siêu ra ngôn ngữ bình dân để phục vụ đoàn chiên, nhưng còn khiêm nhường để nhận biết rằng chính bản thân mình và toàn thể Giáo hội lữ hành đều cần đến Thiên Chúa nhân lành thương xót tha thứ mỗi ngày. Và ngài thêm rằng: chúng ta trở nên giống Đức Kitô trong tầm mức chúng ta trở nên những con người biết thương xót giống như Chúa. Đó cũng là điều mà chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho biết trở lại, là con đường dẫn đến đời sống đích thực.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 45 phút. Trước khi ban phép lành, Đức Thánh Cha thêm vài lời chào thăm và cám ơn những người đến tham dự Thánh lễ, ban tổ chức, cũng như không quên những người vắng mặt, trong đó ngài nhắc đến các nữ tu dòng kín, và các phạm nhân bị giam trong nhà tù, đã gửi một bức thư chúc mừng ngài. Kế đó ngài đã xướng kinh Lạy Nữ vương thiên đàng.

Bình Hoà







All the contents on this site are copyrighted ©.