2007-04-18 16:13:09

Dùng đôi cánh lòng tin và lý trí để đạt tới sự hiểu biết, chiêm ngưỡng và hiệp thông với Thiên Chúa


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 18-4-2007.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha nhắc cho tín hữu biết ngài trở lại với loạt bài giáo lý trình bầy nguồn gốc lòng tin của Giáo Hội. Sau khi giới thiệu gương mặt các Tông Đồ và một số môn đệ cộng sự viên thân tín của các vị, ngài đã đề cập tới các Giáo Phụ, vị trước đây là thánh Ireneo thành Lyon, lần này tới lượt thánh Clemente thành Alessandria.

Đức Thánh Cha nói: Hôm nay chúng ta đề cập tới Clemente thành Alessandria, một nhà thần học lớn sinh tại Athènes vào khoảng thế kỷ thứ II. Từ Athènes Clemente thừa hưởng được gia tài là việc ưa thích triết lý, khiến cho người trở thành một trong các người đi tiên phong trong cuộc đối thoại giữa lòng tin và lý trí trong truyền thống kitô. Khi còn trẻ, Clemente đã đến Alessandria, là ”thành phố biểu tượng” cho sự giao thoa phong phú giữa các nền văn hóa khác nhau của thời hy lạp. Tại Alessandria Clemente trở thành môn đệ của Pànteno, cho tới khi thay thầy mình điều khiển trường dậy giáo lý. Nhiều nguồn tài liệu xác nhận rằng Clemente được thụ phong linh mục. Trong cuộc bách hại năm 202-203 Clemente bỏ Alessandria để lánh nạn sang Cesarea bên vùng Cappadocia, và qua đời tại đây năm 215.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói có ba tác phẩm quan trọng của thánh nhân còn được lưu lại: đó là Lời khuyến dụ ”Protrettico”, Người giáo dục ”Pedagogo” và Các tấm thảm ”Stromati”. Ngay cả khi không phải là chủ ý ban đầu của tác giả, ba tác phẩm làm thành một bộ ba cuốn có mục đích đồng hành với lộ trình trưởng thành tinh thần của tín hữu kitô. Cuốn ”Protrettico” là một lời ”khuyến dụ” hướng tới người bắt đầu con đường tìm hiểu lòng tin. Hay đúng hơn nữa nó trùng hợp với một Người: đó là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là Đấng khích lệ con người cương quyết dấn thấn bước đi trên con đường dẫn tới Chân Lý. Thế rồi chính Chúa Giêsu Kitô trở thành ”Pedagogo” tức ”nhà giáo dục” của nhừng ai, nhờ bí tích Rửa Tội, đã trở thành con cái Thiên Chúa. Sau cùng, cũng chính Chúa Giêsu Kitô là “Didascalo” nghĩa là ”Thầy dậy”, đề nghị các giáo huấn sâu xa nhất. Chúng được thu thập trong phần ba tác phẩm của thánh Clemente, là ”Stromati”, tiếng hy lạp có nghĩa là ”các tấm thảm”: thật vậy đây là một sáng tác không có hệ thống, bao gồm nhiều đề tài khác nhau, như hoa trái lời giảng dậy của thánh Clemente.

Giáo huấn của thánh nhân đồng hành từng bước một với tín hữu tân tòng và người đã được rửa tội, để với đôi cánh lòng tin và lý trí họ đạt tới sự hiểu biết thâm sâu Chân Lý, là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Chỉ có sự hiểu biết con người là sự thật, là ”sự hiểu biết đích thật” là ”vera gnosi”, trong tiếng hy lạp ám chỉ sự hiểu biết có được nhờ trí thông minh. Nó là ngôi nhà được xây dựng bởi lý trí dưới sự thúc đẩy của một nguyên lý siêu nhiên. Chính lòng tin xây dựng triết lý đích thật, nghĩa là sự hoán cải đích thực trên con đường cuộc sống. Như vậy sự hiểu biết đích thật là một phát triển của lòng tin, do Chúa Giêsu Kitô khơi dậy trong linh hồn kết hiệp với Người.

Thế rồi Clemente phân biệt hai bậc của cuộc sống kitô. Bậc thứ nhất: các tín hữu kitô sống lòng tin trong cách thế chung, nhưng luôn luôn rộng mở cho các chân trời của sự thánh thiện. Rồi có bậc thứ hai của những người ”gnostici” là những người đã sống một cuộc sống tinh thần toàn vẹn; nhưng trong mọi trường hợp tín hữu kitô phải khởi hành từ nền tảng chung của lòng tin, qua con đường tìm tòi phải để cho Chúa Kitô hướng dẫn, và như thế đạt đến sự hiểu biết Chân Lý và các sự thật làm thành nội dung lòng tin. Đức Thánh Cha tiếp tục giải thích sự hiểu biết đó như sau: Thánh Clemente nói với chúng ta rằng sự hiểu biết đó trở thành một thưc tại sống động trong linh hồn: nó không chỉ là một lý thuyết, mà là một sức mạnh của sự sống, môt sự kết hiệp yêu thương biến đổi. Sự hiểu biết Chúa Kitô không chỉ là tư tưởng, mà là tình yêu mở rộng đôi mắt, biến đổi con người và tạo ra sự hiệp thông với Logos, với Ngôi Lời Thiên Chúa là sự thật và là sự sống. Trong sự hiệp thông này là sự hiệp thông toàn vẹn và tình yêu, tín hữu kitô vẹn toàn đạt tới sự chiêm niệm, đạt tới sự hiệp nhất với Thiên Chúa.

Sau cùng thánh Clemente lấy lại giáo lý, theo đó mục đích cuối cùng của con người là trở nên giống Thiên Chúa. Chúng ta đã được tạo dựng nên giống Thiên Chúa, giống hình ảnh của Người, nhưng đây cũng là một thách đố, một lộ trình; thật thế, mục đích của cuộc sống, đích điểm cuối cùng là được thực sự trở nên giống Thiên Chúa. Điều này có thể đạt được, nhờ sự đồng mẫu với Chúa, mà con người đã nhận được trong lúc tạo dựng, vì thế con người tự nó đã là hình ảnh của Thiên Chúa. Sự đồng mẫu đó cho phép con người hiểu biết các thực tại thiên linh, mà con người tin theo, trước hết nhờ lòng tin và qua lòng tin sống động, việc thực thi nhân đức, có thể lớn lên cho tới chỗ chiêm ngưỡng Thiên chúa. Như thế trên con đường của sự hoàn thiện, thánh Clemente gắn liền tầm quan trọng của hiểu biết với đòi buộc luân lý y như với đòi buộc trí thức vậy. Cả hai đi chung với nhau, vì không thể hiểu biết mà không sống và không thể sống mà không hiểu biết. Việc trở nên giống Thiên Chúa và việc chiệm ngưỡng Người không thể đạt được với sự hiểu biết bằng lý trí mà thôi: để đạt mục đích đó phải có một cuộc sống theo Ngôi Lời, một cuộc sống theo sự thật. Và kết qủa là các việc tốt lành phải đồng hành với sự hiểu biết của trí tuệ như bóng theo thân xác.

Trong cách thức đó thánh Clemente thành Alessandria xây dựng dịp lớn thứ hai của việc đối thoại giữa việc loan báo lòng tin kitô và triết lý hy lạp. Chúng ta biết là tại công trường Athenes, quê sinh của Clemente, thánh Phaolo đã thử đối thoại với triết lý hy lạp - phần lớn đã thất bại - nhưng người hy lạp nói với thánh nhân rằng ”Chúng tôi sẽ nghe ông một lần khác”. Giờ đây thánh Clemente đối thoại trở lại và khiến cho nó đạt điểm cao qúy nhất trong truyền thống triết lý hy lạp. Thánh Clemente thành Alessandra thành công trong việc giải thích triết lý như là ”một giáo huấn chuẩn bị cho lòng tin kitô”, như Đức Gioan Phaolô II, vị tiền nhiệm của tôi đã viết trong Thông Điệp ”Lòng tin và lý trí” (s. 38). Và thật thế thánh Clemente đã đi tới chỗ cho rằng Thiên Chúa đã ban triết lý cho người hy lạp ”như là Di chúc riêng của họ” (Strom 6,8,67,1). Đối với thánh nhân truyền thống triết lý hy lạp giống như Luật Lệ của người Do thái, là môi trường của sự ”mặc khải”, chúng là hai con suối chảy vào chính Ngôi Lời.

Và ĐTC kết luận bài huấn dụ như sau: như thế thánh Clemente tiếp tục ghi dấu con đường của những người muốn trao ban lý lẽ cho lòng tin của mình nơi Đức Giêsu Kitô. Thánh nhân có thể là mẫu gương cho các kitô hữu, cho các giáo lý viên và các thần học gia thời đại chúng ta, là những người mà Đức Gioan Phaolô II kêu mời ”tái chiếm lại và minh nhiên chiều kích siêu hình của sự thật một cách tốt đẹp hơn, để bước vào trong một cuộc đối thoại với tư tưởng triết lý ngày nay với óc phê phán và đòi hỏi”.

Chúng ta hãy kết thúc bài giáo lý với lời cầu mà thánh Clemente dâng lên Chúa Kitô Ngôi Lời vào cuối tác phẩm ”Người giáo dục”. Ngài khẩn cầu như sau: ”Lậy Chúa xin hãy gia phúc cho con cái Chúa. Xin ban cho chúng con được sống trong bình an, và được đưa vào thành thánh của Ngài, được vượt qua mà không bị dòng nước tội lỗi nhận chìm, được Chúa Thánh Thần và Sự Khôn Ngoan không kể xiết đem vào nơi thanh nhàn: chúng con là những người ngày đêm, cho đến ngày cuối cùng, hát ca cảm tạ Chúa Cha duy nhất, Chúa Con là Đấng giáo dục và là thầy dậy cùng với Chúa Thánh Thần. Amen” (Ped. 3,12,101)

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungari, Tchèques, Slovac và Ý. Ngài đã đặc biệt cám ơn tín hữu đã về Roma hành hương hiệp ý tạ ơn và cầu nguyện cho ngài nhân dip mừng sinh nhật thứ 80 cũng như hỗ trợ sứ vụ Phêrô của ngài bằng rất nhiều lời cầu nguyện và các hy sinh.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.