2007-04-01 17:51:06

Chúa nhựt Lễ Lá tại Vatican


Xưa nay, Chúa nhựt Lễ lá mở đầu Tuần lễ chuẩn bị Lễ Phục sinh, với cuộc rước kiệu lá tưởng niệm việc Chúa Giêsu lên Giêrusalem để hoàn tất công cuộc cứu độ nhân loại qua cái chết trên thập giá và cuộc Phục sinh. Phụng vụ của chúa nhựt Lễ Lá công bố hai đoạn sách Tin Mừng: một bài tường thuật việc kiệu lá và bài trình thuật cuộc Tử nạn. Từ hơn 20 năm qua, Chúa nhựt Lễ Lá còn được chỉ định là ngày Quốc Tế Giới Trẻ, nhớ lại việc các thanh thiếu niên ở Giêrusalem đã cầm lá đón rước Chúa Giêsu. Tại Rôma, hôm thứ năm va qua, Đức Bênêđictô XVI đã cử hành nghi thức thống hối để giúp các bạn trẻ chuẩn bị tâm hồn đ đón ớc Chúa. Sáng qua, lúc 9 giờ, ngài lại chủ sự cuộc rước lá tại quảng trường thánh Phêrô, và tiếp theo là Thánh Lễ. Mặc dầu buổi cử hành mang tính cách giáo phận, (khác với Đại hội quốc tế sẽ diễn ra tại Sydney vào năm ti), nhưng chiều kích hoàn vũ luôn được nêu bật trong các buổi lễ do Đức Thánh Cha chủ toạ. Thực vậy trong đoàn rước kiệu có 100 đại biểu của giáo phận Rôma và 150 đại biểu của các quốc gia khác; các bài đọc Thánh Lễ và các ý chỉ lời nguyện phổ quát được cất bằng các ngôn ngữ Anh, Tây ban nha, Đức Pháp, Swahili (Tanzania), Philippin, Nga, Bồ đào nhà. Trên bàn thờ có 4 vị đồng tế: hồng y Camillo Ruini tổng đại diện cùng với đức cha Luigi Moretti tổng quản giáo phận Rôma, và đức cha Stanislaw Rylho và Josef Clemens, chủ tịch và tổng thư ký hội đồng Toà thánh về giáo dân; thêm vào đó là 150 linh mục phụ vào việc trao Mình Thánh Chúa.

Bài giảng nhắm cách riêng cho các bạn trẻ, giải thích ý nghĩa của việc rước kiệu, và cách riêng ý nghĩa của việc đi theo Chúa Giêsu, cũng như những yêu sách của việc theo Chúa. Cuộc rước Đức Giêsu vào Giêrusalem được theo thánh Luca mô tả dựa theo ngôn ngữ của lễ nghi đăng quang của vua Salomon (xc.1V 1,33-35). Các môn đệ tuyên xưng Đức Giêsu là con Vua Đavit, vị vua của công lý và hoà bình. Hơn thế nữa, chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu là vua theo nghĩa là chúng ta chấp nhận rằng Người là kẻ dẫn đường chỉ lối, chúng ta tín thác và đi theo Người. Đến đây, đức thánh cha đặt câu hỏi: đi theo Chúa Kitô có nghĩa là gì? Và ngài đã trả lời như sau:

Lúc đầu, đối với các môn đệ tiên khởi, ý nghĩa rất là đơn giản và trực tiếp: đối với họ, có nghĩa là từ bỏ nghề nghiệp, công ăn việc làm, để lên đường đi với Chúa Giêsu; có nghĩa là bắt đầu một nghề mới, đó là làm môn đệ của Người. Nội dung cơ bản của nghề nghiệp này là cùng đi với Thầy, trao phó toàn thân cho Thầy hướng dẫn. Vì thế việc đi theo vừa có tính cách bên ngoài vừa có tính cách nội tâm. Hình thức bên ngoài là lủi thủi đi đàng sau Chúa Giêsu trên khắp các nẻo đường Galilê; tính cách nội tâm nhằm ở hướng đi mới của cuộc đời: từ nay cuộc sống không còn nhắm tới công chuyện làm ăn buôn bán, nghề nghiệp kiếm kế sinh nhai, tự ý quyết định nữa, nhưng là phó thác hoàn toàn cho ý muốn của một Kẻ Khác. Lẽ sống của mình là sẵn sàng để cho Kẻ ấy định đoạt. Các môn đệ đã phải khước từ điều gì, thì chúng ta đã biết rồi khi đọc sách Tin mừng.

Còn với chúng ta ngày nay, thế nào là đi theo Chúa Kitô? Có nghĩa là một sự thay đổi cuộc sống từ bên trong. Nó đòi hỏi rằng tôi không còn khép kín trong bản ngã, lấy việc xây dựng công danh làm chóp đỉnh cuộc đời. Nó đòi hỏi rằng tôi tự tình trao hiến bản thân cho một Vị Khác – vì chân lý, vì tình yêu, vì Thiên Chúa là Đấng đã đi trước và dẫn đường cho tôi nơi Đức Kitô. Nó có nghĩa là tôi quyết định sẽ không đặt tiện ích, lợi nhuận, chức quyền điạ vị như là mục đích của cuộc sống nữa, nhưng lấy chân lý và tình yêu làm tiêu chuẩn quyết định. Đây chính là chuyện lựa chọn giữa sống cho riêng mình, hoặc là trao ban chính mình cho một cái gì cao cả hơn. Nên nhớ rằng chân lý và tình yêu không phải là những giá trị trừu trượng, nhưng nơi Đức Giêsu Kitô, chúng đã trở thành hiện thân: ta phục vụ chân lý và tình yêu khi đi theo Người. Khi trao hiến mình là lúc gặp lại bản thân.

Trong phần tiếp của bài giảng, Đức thánh cha suy niệm thánh vịnh 24 được hát trong khi đi kiệu lá, trong đó có câu “Ai được lên núi Chúa, ai được ở trong đền thánh của Người?”. Người Do thái hát thánh vịnh này lúc họ đi lên đền thánh Giêrusalem; nhưng chúng ta áp dụng vào việc lên đền thánh theo nghĩa tinh thần, đó là đi lên với Đức Kitô. Vịnh gia đặt ra hai điều kiện: thứ nhất là đặt câu hỏi; thứ hai là trưng ra hai đức tính. Điều kiện thứ nhất là đặt nghi vấn: “Ai được lên đền thánh Chúa?”: đây lời mời gọi hãy luôn luôn tiến lên cao hơn, hãy đi tìm một lẽ sống, chứ đừng an phận với những thú vui giả tạo theo dư luận người đời. Điều kiện thứ hai là “kẻ tay sạch lòng thanh”. “Tay sạch” nghĩa là những bàn tay vô tội, không dùng baọ lực, không nhơ nhớp vì tham những hối lộ. “Lòng thanh”, có nghĩa là trái tim tinh tuyền, tấm lòng ngay thẳng, chứ không gian dối. Con tim trong sạch giống như dòng nước trong veo, không bị vẩn đục vì đam mê khoái lạc, hưởng thụ nhất thời. Nếu chúng ta đi theo Chúa Giêsu thì chúng ta sẽ được Người thanh luyện, và dẫn đưa lên cao, đến chỗ sống thân mật với Thiên Chúa.

Bài giảng kết thúc với việc nhắc lại một nghi thức trong phụng vụ Lễ lá trước đây: đoàn kiệu dừng lại trước cánh cửa nhà thờ còn khép kín. Vị chủ sự cầm lấy thánh giá dẫn đầu cuộc rước, đến gõ vào cửa nhà thờ và hát : “Cửa ơi, hãy cất cao lên, để Vua vinh hiển tiến vào”. Đây là một hình ảnh diễn tả việc Đức Kitô đã lấy thập giá để mở của nước trời cho nhân loại được vào. Đàng khác, đây cũng là hình ảnh của việc Đức Kitô đang đứng trước cửa lòng của chúng ta và kêu mời: Này con ơi, nếu bao nhiêu điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện trong vũ trụ chưa đủ sức mở cửa lòng con cho Ngài, nếu lời Chúa chưa đủ để lay tỉnh con, thì con hãy nhìn đây, nhìn một Thiên Chúa đã chịu đau khổ vì thương yêu con: con hãy mở cửa lòng cho Thiên Chúa đi.
 Bình Hòa







All the contents on this site are copyrighted ©.