2007-03-08 10:54:16

Dự luật DICO về các cặp chung sống phản Hiến Pháp Italia


Một số nhận định của giáo sư Riccardo Chieppa, nguyên Chủ tịch Tòa Bảo Hiến Italia, về tính cách phản hiến pháp của dư luật DICO, liên quan tới các cặp chung sống

Hồi cuối tháng Hai vừa qua, 24 chuyên viên Italia về luật quốc tế, luật hiến pháp và luật công cộng đã ký vào một tài liệu tựa đề ”Gia đình trong Hiến Pháp”. Trong tài liệu này các chuyên viên về luật trưng dẫn các khoản 2, 3, 29, 30 và 31 của Hiến Pháp Italia về gia đình, và mạnh mẽ khẳng định rằng mưu toan coi các hình thức chung sống khác ngang hàng với gia đình, như dự luật DICO nhắm tới, là hoàn toàn ”phản hiến pháp”.

Các chuyên viên giải thích rằng Hiến Pháp Italia ”bảo đảm cho gia đình có một quy chế ưu tiên”, và ban cho gia đình ”một lãnh vực độc lập đối với quyền bính quốc gia”, ưu tiên và khác với sự độc lập bảo đảm cho các cộng đoàn trung gian khác, vì nhiệm vụ không thể thay thế được mà gia đình đảm trách trong xã hội”. Dựa trên các khoản 2, 3, 29, 30 và 31 của Hiến Pháp Italia, các chuyên viên này nêu bật rằng ”toàn bộ các xếp đặt của Hiến Pháp loại trừ không cho các hình thái xã hội chung sống được có tên gọi là gia đình. Thật vậy, vì chỉ có gia đình là hình thái xã hội được Hiến Pháp bảo đảm trong các quyền lợi của nó, như là cơ cấu tự nhiên của xã hội dựa trên hôn nhân”.

Các chuyên viên luật viết trong tài liệu ”Gia đình và Hiến Pháp” như sau: ”Khi viết Cộng Hòa thừa nhận ”gia đình như là xã hội tự nhiên dựa trên hôn nhân”, Hiến Pháp không loại bỏ việc thừa nhận pháp lý đối với mọi thành lập xã hội khác, dù lý do thành lập của nó có là gì và liên hệ giữa các thành viên của nó có ra sao đi nữa. Đúng hơn, Hiến Pháp bảo đảm cho gia đình một quy chế đặc biệt và ban cho gia đình một lãnh vực độc lập đối với quyền bính quốc gia, khác với sự độc lập bảo đảm cho các cộng đoàn trung gian khác, vì nhiệm vụ không thể thay thế được của gia đình trong xã hội. Gia đình được bảo vệ như là tế bào tạo dựng cuộc sống xã hội, trong tư cách có khả năng thông truyền cho từng người ”sức đẩy đầu tiên đối với tình liên đới”. Hiến Pháp soạn thảo năm 1946-1947 ý thức rõ ràng rằng một nhiệm vụ như thế chỉ có thể trao phó cho gia đình ”xây dựng trên hôn nhân” mà thôi; chứ không phải trên một cộng đoàn đơn thuần của các yêu thương không có ràng buộc, hay cho một tế bào di truyền của Nhà Nước.

24 chuyên viên luật Italia viết tiếp trong tài liệu rằng: ”Dựa trên sự chú ý lớn hơn đối với các đòi hỏi của gia đình như là cơ cấu ổn định vượt trên các cá nhân, kèm theo việc thừa nhận các quyền được Hiến Pháp bảo đảm cho các thành phần riêng rẽ của gia đình, còn có một loạt chi tiết các dễ dãi như các ”biện pháp kinh tế và các dự liệu cho việc thành lập gia đình và chu toàn các bổn phận liên hệ, đặc biệt đối với các gia đình đông con. Hiến Pháp bảo vệ chức làm mẹ, trẻ thơ và người trẻ bằng cách tạo các dễ dãi cho cho các cơ cấu cần thiết cho mục đích đó” (khoản 31). Trong khi khoản 29 thì viết: ”Cộng Hòa thừa nhận các quyền của gia đình như là xã hội tự nhiên dựa trên hôn nhân. Hôn nhân được tổ chức trên sự bình đẳng luân lý, pháp luật của hai vợ chồng với các giới hạn do luật định nhằm bảo vệ sự hiệp nhất gia đình”. Còn khoản 30 thì viết: ”Cha mẹ có bổn phận nuôi nấng, dậy dỗ và giáo dục con cái, cả khi chúng được sinh ra ngoài hôn nhân. Trong trường hợp cha mẹ không có khả năng, thì luật dự trù việc tha cho họ các bổn phận ấy. Luật bảo đảm cho các đứa con sinh ngoài hôn nhân mọi che chở luật pháp và xã hội, phù hợp với các quyền của các thành phần gia đình hợp pháp. Luật đưa ra các điều lệ và các giới hạn cho việc kiếm tìm cha mẹ chúng”.

Và các chuyên gia kết luận: ”Dưới ánh sáng của những gì Hiến Pháp đã viết, một luật nhằm làm cho các quyền của các hình thức chung sống ngang hàng với các quyền của gia đình và các thành phần của nó, cũng như tạo ra các dễ dãi cho các hình thức chung sống đó, là trái với Hiến Pháp”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư Riccardo Chieppa, nguyên Chủ tịch Tòa Bảo Hiến Italia, về tính cách ”phản hiến pháp” của dự luật DICO, liên quan tới các cặp chung sống. Giáo sư Chieppa đã là một trong số 24 chuyên viên về luật quốc tế, luật hiến pháp và luật công cộng, đã ký vào tài liệu nói trên.

Hỏi: Thưa giáo sư Chieppa, với tài liệu trên đây, có phải giáo sư và các chuyên viên luật hiến pháp trả lời cho những người cho rằng dự luật DICO liên quan tới những cặp sống chung do chính phủ của thủ tướng Romano Prodi đưa ra, không vi phạm khoản 29 của Hiến Pháp Italia, hay không?

Đáp: Vâng, chúng tôi muốn đưa ra một câu trả lời rõ ràng. Vấn đề là như thế này: chúng tôi không phủ nhận là có thể có những hình thái quy tụ xã hội khác, chẳng hạn như trường học hay hiệp hội thể thao thể dục trong nghĩa đầu tiên của từ này. Tuy nhiên, hình thái quy tụ xã hội tuyệt diệu nhất là gia đình, dựa trên hôn nhân. Gia đình phải có một quy chế ưu tiên, và không thể bị coi là ngang hàng với các hình thái thay thế này. Và nhất là gia đình không thể bị đối xử như việc đối xử, mà người ta muốn bảo đảm cho các cặp sống chung này.

Hỏi: Nhưng mà trên thực tế, người ta có cho gia đình được quy chế ưu tiên này không thưa giáo sư?

Đáp: Không. Trái lại, trong tình trạng pháp luật hiện nay, gia đình bị đối xử một cách tồi tệ hơn hơn so với các hình thức chung sống. Tôi xin đơn cử một thí dụ nhỏ: đó là chỗ cho trẻ em trong vườn trẻ. Nếu đó là trường hợp của những cặp chung sống, thì khi làm đơn xin chỗ trong vườn trẻ cho con, tiền lương của họ không được cộng chung với lương của người chung sống. Ưu tiên này không được dành cho các cha mẹ của gia đình có làm đám cưới với nhau. Nó là những điều lệ nhỏ nhặt, nhưng gây thiệt hại cho các gia đình. Và cuối cùng vì không có được các trợ giúp như thế, gia đình bị thiệt thòi rất nhiều. Đáng lý ra phải bù đắp các thiệt thòi đó cho gia đình. Nhưng ở đây, trái lại, chúng trở thành trầm trọng hơn. Sau đây là một thí dụ khác: đó là việc cấp nhà ở. Để được có nhà ở gia đình bình thường phải có một ngân khoản chung. Trái lai những người chỉ sống chung với nhau mỗi người chỉ đóng góp phần của mình thôi.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong tài liệu ”Gia đình và Hiến Pháp”, giáo sư và 23 chuyên viên luật đã nêu bật tính cách ”bất hợp hiến” của dự luật DICO liên quan tới các cặp nam nữ chung sống và các cặp đồng phái. Tại sao vậy?

Đáp: Liên quan tới các quyền của các cá nhân, thì nói cho cùng, không có vấn đề. Thí dụ, việc bảo đảm cho có nhà ở. Đó là một quyền, mà luật lệ Italia đòi buộc. Vấn đề là số tiền mà cặp vợ chồng có hôn thú phải bỏ chung với nhau, để có thể có nhà ở. Một thí dụ khác: nếu người ta nghĩ tới một dự luật thay đổi thuế kế thừa, thì không có gì để nói. Hay nếu khoản của bộ dân luật thêm vào một đòi buộc liên quan tới thực phẩm, cho cả người chung sống nữa, thì tất cả sẽ được xếp vào tình liên đới, mà quan niệm của chúng ta chấp nhận. Nhưng mà chính sự kiện đưa ra cả một lô các điều lệ nhằm củng cố sự chung sống, và biến nó trở thành hợp hiến với công thức ”tuyên bố một chiều” lố bịch, chính cái đó tạo ra vấn đề liên quan tới sự hợp hiến.

Hỏi: Tại sao đó lại là một ”tuyên bố lố bịch”, thưa giáo sư?

Đáp: Nếu nó là một chiều, thì mỗi người có thể tự mình làm điều đó, mà người chung sống không hề biết gì cả. Trong thời đại mà chúng ta đang sống ngày nay, có thể xảy ra các trường hợp thái qúa: đó là người ta đưa ra các lời tuyên bố chung sống chỉ nhằm để có các lợi lộc. Không thể cho các cặp chung sống tất cả những gì mà chúng ta dành cho gia đình được. Cách tốt nhất để giải quyết các quyền này đó là tu chính các phần riêng rẽ của bộ dân luật hay các điều lệ phụ thuộc. Không được khước từ tình liên đới, nhưng mà phải diễn tả nó ra trong các hình thái thích hợp, mà không làm lu mờ giá trị của gia đình và cơ cấu gia đình. Dự luật liên quan tới các cặp chung sống ở đây chỉ là bắt chước vài đặc quyền của gia đình, và cũng không bắt chước hết được, vì nó không có khả năng kể ra các đặc quyền đó, mà chỉ quy chiếu một cách chung chung mơ hồ về các xếp đặt khác. Đây là dấu chỉ của một luật lệ soạn thảo một cách vội vã. Nó sẽ bị sử dụng một cách lừa đảo.

Hỏi: Làm xong dự luật rồi, người ta mới tìm ra sự lừa đảo hay sao thưa giáo sư?

Đáp: Giả thuyết như thế là điều có thể. Thí dụ như trong trường hợp của các người nước ngoài, thì có nguy cơ chỉ cần tuyên bố là sống chung thôi, thay vì làm hôn phối giả như hiện nay, để có thể cho họ vào Italia. Chỉ cần viết một lá thư bảo đảm cho cơ quan thị xã là xong mọi chuyện. Như đã xảy ra trong vài bàn giấy tư pháp tại miền nam Italia cách đây nhiều năm, người ta cho mượn cà vạt và áo vét để vào và được tiếp.

Hỏi: Giáo sư có ý nói rằng hình thức sống chung là hình thức tiện lợi nhất hay sao?

Đáp: Trên bình diện xã hội hình thức sống chung diễn tả tương quan của người không muốn bị ràng buộc vào người khác và sống qua ngày thế thôi. Người như thế không cần đến cơ cấu bảo vệ họ. Nhưng trái lại, vấn đề liên đới của những cá nhân riêng rẽ thì lại khác. Nó có thể được bảo đảm với một loạt các điều luật đặc biệt.

(Avvenire 28-2-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.