2007-03-05 16:12:37

Khoa học và luân lý đạo đức


Phỏng vấn ông Ugo Amaldi, giáo sư vật lý y khoa, về các thách đố của luân lý đạo đức đối với khoa học

Trong hai ngày 2-3 tháng 3 vừa qua, Diễn Đàn Dự án Văn Hóa lần thứ VIII đã diễn ra tại Trung Tâm Villa Aurelia ở Roma về đề tài ”Tương quan giữa lý trí, khoa học và tương lai của các nền văn minh”.

Diễn đàn lấy lại tư tưởng gợi ý, mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra tại Đại Hội Công Giáo Toàn Quốc Italia Verona, khi nói: ”Chính việc suy tư về sự phát triển của khoa học đưa chúng ta trở lại với Lời tạo dựng”. Đức Hồng Y Camillo Ruini, Giám Quản Roma đã đọc diễn văn khai mạc. Trong số các thuyết trình viên có các giáo sư: Piero Coda, Giandomenico Boffi và Andrea Riccardi.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn, một số nhận định của ông Ugo Amaldi, giáo sư vật lý y khoa, về các thách đố của luân lý đạo đức đối với khoa học. Ông Ugo Amaldi là giáo sư vật lý y khoa tại đại học Bicocca Milano, bắc Italia, và là Chủ tịch tổ chức “Trị liệu chống ung thư bằng quang tuyến adronic”.

Hỏi: Thưa giáo sư Amaldi, trong nhiều thập niên qua, người ta thường cho rằng tính cách hợp lý và khả năng hữu hiệu của khoa học sẽ là dụng cụ duy nhất giúp giải quyết được mọi vấn đề của cuộc sống con người, và giúp con người đạt tới sự thật, có đúng như thế không?
 
Đáp: Việc sử dụng khoa học để giải quyết các vấn đề, mà thiên nhiên đặt ra cho chúng ta, đã đem lại rất nhiều kết qủa tích cực và là nền tảng sự sung túc của các xã hội Tây Âu. Ngày nay, vì sự hữu hiệu của nó, nhiều người coi tính cách hợp lý của khoa học như là dụng cụ duy nhất, mà chúng ta có trong tay, để đạt tới cái gì là ”thật”. Nhưng trái lại theo tôi, khả năng trí tuệ của con người rộng rãi hơn là tính cách hợp lý của khoa học rất nhiều. Ngoài tính cách hợp lý của khoa học, còn có các mặt khác nữa của cùng lý trí đó như: lý trí triết học và lý trí mà tôi gọi là lý trí khôn ngoan, vì tôi chưa tìm ra một từ nào đúng và hay hơn. Trong sự khôn ngoan, mà người ta kín múc được nơi các sách thánh và được soi sáng bởi các chứng nhân đáng tin cậy, người ta tìm thấy gốc rễ của tính chất tôn giáo, gốc rễ của lòng tin. Chính phần này của lý trí con người trả lời cho đòi hỏi kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống, mà mỗi người mang trong chính cung lòng thẳm sâu của mình, mà không chối bỏ tính cách hợp lý và không chối bỏ lý trí.

Hỏi: Thưa giáo sư, ngày nay đâu là các con đường rộng mở cho khoa học?

Đáp: Thật là điều ai cũng có thể trông thấy trước mắt các hiệu qủa của các khám phá có thể đạt được, nhờ áp dụng các phương pháp nghiêm ngặt chính xác của tính cách hợp lý của khoa học vào việc chữa trị các bệnh tật và gia tăng hạnh phúc vật chất cho con người. Ngày nay các lãnh vực như khoa sinh học, y khoa nguyên tử, vật lý và kỹ sư năng lượng, vật lý khí quyển, tinh tú học và vũ trụ học thường xuyên xuất hiện trên các chương trình truyền hình và trên báo chí. Chúng trở thành các yếu tố quan trọng trong cuộc sống của mọi người, nhưng một cách hời hợt ồn ào bề ngoài, mà không có chiều sâu hiểu biết.

Thật ra, các viễn tượng tiến bộ khoa học rất là vĩ đại. Người ta hy vọng sẽ đi tới chỗ chữa được các bệnh ung thư một cách hữu hiệu, sản xuất năng lượng cho tất cả mọi người trên thế giới này và bảo vệ môi sinh khỏi bị con người làm ô nhiễm. Nhưng rất may là càng ngày người ta cũng càng nhậy cảm hơn đối với các hệ lụy luân lý đạo đức và các hậu qủa về lâu về dài của các lựa chọn kỹ thuật. Tuy nhiên dân chúng cũng như các giới chức chính trị lại không ý thức được điều cần phải làm để duy trì cho khoa học được sống động và khiến cho các thành công của nó được thường hằng trong tương lai. Đặc biệt lại Tây Âu số sinh viên ghi danh tại các phân khoa khoa học và kỹ sư giảm sút rất nhiều. Tại Italia, các đầu tư trong lãnh vực nghiên cứu chỉ chiếm một phần ba mức độ, do Liên Hiệp Âu châu dự trù. Và Italia là quốc gia chỉ dành ra 1% tổng sản lượng quốc gia cho việc nghiên cứu và phát triển, thay vì 3% như phải có.

Hỏi: Đâu là lý do của thái độ thờ ơ, lơ là với lãnh vực nghiên cứu và phát triển này, vì nói cho cùng nó là thái độ gây ra nhiều thiệt hại cho chính quốc gia Italia, thưa giáo sư?

Đáp: Đúng vậy. Giới lãnh đạo chính trị phải chịu trách nhiệm liên quan tới thực tại thờ ơ chậm chạp này. Mặc dù họ thấy rằng tại các quốc gia khác việc đầu tư vào lãnh vực nghiên cứu và thăng tiến người trẻ nghiên cứu phát triển đã đem lại những kết qủa phong phú trên bình diện kinh tế, nhưng giới chức chính trị Italia vẫn không quyết định dành nhiều ngân khoản hơn cho hai lãnh vực này. Phần Lan là quốc gia đã đi tiên phong từ lâu lắm, nhưng hiện nay Tây Ban Nha cũng đã vượt qua mặt Italia, vì chính quyền Tây Ban Nha dành nhiều ngân khoản hơn cho các dịch vụ nghiên cứu phát triển.

Hỏi: Đó là chưa nói đến các đề tài khoa học làm nảy sinh ra các vấn nạn luân lý đạo đức, có phải thế không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng. Trước hết chúng ta không được có ảo tưởng rằng càng ngày các hiểu biết sẽ càng cung cấp cho chúng ta các khả thể lớn hơn, bao gồm các hệ lụy luân lý đạo đức nghiêm trọng tới độ chia loài người thành hai phe chống đối nhau.

Để chuẩn bị cho chính mình, chúng ta không được để cho các nhà khoa học tự ý lựa và quyết định mà thôi. Mà người dân cần phải biết đóng góp ý kiến. Nhưng để cho ý kiến của những người không phải là khoa học gia được lắng nghe, chúng ta cần phải biết chúng ta nói cái gì. Chúng ta hãy lấy thí dụ như việc sử dụng các tế bào gốc trưởng thành và các tế bào gốc lấy từ phôi thai người: báo chí và các chương trình truyền hình nói đầy dẫy, nhưng có rất ít người biết đưa ra một định nghĩa quán triệt rõ ràng. Điều tôi tâm niệm đó là ngày nay các công dân và giới khoa học phải ký nhận với nhau một khế ước, thêm vào thỏa hiệp ngầm vẫn làm nền xây dựng xã hội. Các khoa học gia phải rộng mở các phòng thí nghiệm và các tư tưởng của họ cho các cuộc thảo luận công cộng nhằm mục đích phòng ngừa, khi các đề tài có tính cách luân lý đạo đức liên quan tới cuộc sống chung; đồng thời người dân cũng phải dấn thân tìm hiểu, để có được sự hiểu biết nòng cốt cần thiết liên quan tới các vấn đề khoa học, đặc biệt các vấn đề có thể liên lụy đến các khía cạnh luân lý đạo đức.
 
Hỏi: Điều này có thể lợi ích đối với việc tìm ra các người trẻ tài năng và đối với cả các nguồn lợi tài chánh nữa, có đúng thế không thưa giáo sư?
 
Đáp: Chắc chắn là có thể có cả các lợi điểm này nữa. Trong một xã hội được chuẩn bị nhiều hơn liên quan tới các đề tài khoa học, nghĩa là trong đó các thành phần xã hội có nhiều hiểu biết hơn về khoa học, thì sẽ dễ dàng tìm ra các người trẻ có tài năng, sẵn sàng đương đầu với các khó khăn của việc học hỏi nghiên cứu khoa học, và cũng sẽ dễ thuyết phục các nhà chính trị gia tăng ngân khoản đầu tư vào việc nghiên cứu. Như mọi người đều biết các nhà chính trị chỉ hành động khi được thúc đẩy và yêu cầu.

Hỏi: Thưa giáo sư Amaldi, khoa học nền tảng hiện có các phát triển nào trước mắt không?
 
Đáp: Có chứ. Chẳng hạn các hệ thống vật lý mới giúp ghi nhận các hoạt động não bộ sẽ cho phép hiểu biết cơ cấu sinh hoạt nền tảng của tư tưởng.

Trong lãnh vực sinh học nguyên tử, sau khi tìm hiểu bộ phân tử di truyền ”genomica”, người ta bắt đầu tìm hiểu nhóm khó hơn và cũng nòng cốt hơn là ”protoemica”, nghĩa là việc nghiên cứu tổng thể các chất béo proteine của các tế bào và các phản ứng dây chuyền xảy ra giữa chúng với nhau.

Trong lãnh vực nhân chủng học càng ngày người ta càng khám phá ra các dấu vết nhân chủng hóa thạch, cho phép hiểu biết sự tiếp nối của các biến cố khiến cho con người xuất hiện trên trái đất này.

Còn trong lãnh vực vật lý không gian, chúng ta phải đợi cho tới khi nào máy Large Hadron Collider bắt đầu hoạt động tại trung tâm ở Genève trong năm 2007 này, để có thể hiểu được bản chất của khối đen trong vũ trụ, lớn gấp 6 lần khối hữu hình.

(Avvenire 23-2-2007)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.