2007-03-01 16:36:38

Gia đình là nền tảng tự nhiên của xã hội từ khi có loài người


Một số nhận định của ông Pierpaolo Donati, chuyên viên xã hội học, về gia đình như nền tảng tự nhiên của xã hội loài người.

Dự luật do chính quyền tả phái Italia đưa ra liên quan tới sự sống chung của các cặp nam nữ và các cặp đồng phái, đã khiến cho rất nhiều giới phản ứng mạnh mẽ, trong đó có các chuyên viên xã hội học.

Tuần qua chúng tôi đã gửi tới qúy vị phản ứng của các Hồng Y và Giám Mục Italia, đặc biệt là của Đức Cha Bruno Forte, thần học gia, Giám Mục Chieti Vasto, trung Italia. Hôm nay chúng tôi xin gửi đến qúy vị các nhận định của ông Pierpaolo Donati, chuyên viên xã hội học, về gia đinh như nền tảng tự nhiên của mọi xã hội và nền văn minh từ khi có loài người trên trái đất này.

Hỏi: Thưa giáo sư Pierpaolo Donati, tư tưởng gia đình là do Kitô giáo chế ra có từ bao gìơ, và nó có nền tảng khoa học nào không hay chỉ là lập trường tưởng tượng có tính cách bài Kitô giáo?

Đáp: Tư tưởng ”gia đình là một sáng chế của Kitô giáo” là một gỉa thuyết cũ của thế kỷ XVIII, do các học giả thời bấy giờ đưa ra với rất nhiều tưởng tượng, và có rất ít hay hầu như không có tin tức và nghiên cứu nền tảng khoa học nào. Chúng ta tìm thấy nó trong các tác phẩm của Karl Marx và nhiều tư tưởng gia khác. Các khoa học xã hội của thế kỷ XX đã kiểm chứng và bảo đảm rằng không có xã hội nào mà không có gia đình. Gia đình không theo sự tiến hóa hàng thẳng, trong bất cứ hướng nào của lịch sử loài người. Sự kiện lịch sử của gia đình đã được kiểm chứng trong đêm đem của thời xa xưa trong qúa khứ. các cuộc đào bới khảo cổ đã đưa ra ánh sáng các nấm mồ có xương của một người nam và một người nữ, đôi khi có xương của trẻ em nữa. Nghĩa là một nấm mồ gia đình.

Trên bình diện khoa học, tại California có cả một văn khố chủng tộc và nhân chủng học gần đại học California, với các tin tức kinh nghiệm thực tiễn liên quan tới hầu như tất cả mọi xã hội đã từng được biết cho tới nay: từ thời tiền sử cho tới thế kỷ XIX. Kết qủa các cuộc phân tích cho thấy là gia đình - được quan niệm như sự kết hiệp ổn định của một người nam, một người nữ và con cái họ, như định nghĩa do nhà nhân chủng học người Pháp Claude Lévi Strauss đưa ra - đều hiện diện trong tất cả mọi xã hội, dĩ nhiên là với các khác biệt tùy theo các môi trường và nền văn hóa. Người ta đã chỉ có tin tức liên quan tới hai bộ lạc trong đó không có nhân tố gia đình, nhưng chúng đã biến mất, vì không dựa trên cơ cấu gia đình có khả năng làm cho xã hội được tái sinh.

Hỏi: Thưa giáo sư, vậy tại sao thế giới tây âu ngày nay lại xem ra muốn chối bỏ một trong các cột trụ nền tảng là gia đình như vậy?

Đáp: Không phải ngày nay đâu, mà ít nhất là từ hai thế kỷ nay gia đình đã là đề tài của nhiều lý thuyết, cho rằng gia đình là tàn dư của qúa khứ, một dụng cụ cần thiết của các nền kinh tế cổ xưa. Tuy nhiên, ngày nay sự tấn kích chống lại gia đình lại còn mạnh mẽ hơn trong qúa khứ, vì xã hội ngày nay tìm sống một kinh nghiệm chưa từng có, đó là giải phóng cá nhân khỏi tất cả mọi ràng buộc xã hội, vì nghĩ một cách sai lầm rằng nếu không có các ràng buộc ấy thì con người có thể sống tự do và hạnh phúc hơn. Xã hội hậu tân tiến muốn làm cho các cá nhân có các kháng tố chống lại gia đình. Nghĩa là nó muốn tàn phá và hủy hoại gia đình. Trong qúa khứ, giấc mộng đó đã chỉ được thực hành trong chiều kích bé nhỏ, nhưng ngày nay nó hướng dẫn hiện tượng toàn cầu hóa Tây Âu, và được thúc đẩy bởi các lợi lộc kinh tế khổng lồ.

Hỏi: Định nghĩa gia đình như là ”xã hội tự nhiên” có còn thời sự nữa không thưa giáo sư Donati?

Đáp: Hơn bao giờ hết, ngày nay gia đình là một thực tại tự nhiên, không phải trong nghĩa được viết trên đá, nhưng trong nghĩa nó diễn tả một tương quan sâu đậm giữa các phái nam nữ và giữa các thế hệ tạo thành thời điểm, trong đó sự tự nhiên trở thành nền văn hóa. Vấn đề đó là luật tự nhiên phải được phát triển trên các nền tảng văn hóa thích hợp, nhưng ngày nay lại thiếu các nền tảng văn hóa đó, vì người ta thích cho rằng gia đình chỉ là một cơ cấu giả tạo, mà mỗi người có thể lựa chọn tùy theo ý thích của mình. Nhưng đây là một sự lừa đảo rất lớn, như tất cả mọi người đã lựa chọn sống kinh nghiệm này đều đã biết.
 
Hỏi: Thưa giáo sư, trong lịch sử có các dấu vết tấn kích khác chống lại gia đình hay không?

Đáp: Từ thế kỷ thứ XVI đến nay, với vài trào lưu của thế giới tin lành sống tại Bắc Mỹ, người ta chủ trương như thế này: vì Tin Mừng nói rằng trên trời sẽ không còn chồng vợ nữa, nên tốt nhất là hủy bỏ hôn nhân ngay trên trái đất này đi. Đây cũng là tư tưởng đã được đưa ra nhiều thế kỷ trước đó. Vào thế kỷ XIX, nỗ lực lớn nhất nhằm loại bỏ gia đình đã được thực hành bên Liên Xô, sau cuộc cách mạng Bôn-xê-vích năm 1917. Trong cùng thời điểm lịch sử đó cũng có một hình thái tương tự được thực hiện trong các Kibutz, là các nông trại của phong trào lập nước của người Do thái tại Israel. Nhưng các thử nghiệm ấy đều đã thất bại. Mối tương quan giữa hôn nhân và gia đình đã được tái lập khắp nơi. Ngày nay, sự mới mẻ đến từ các xã hội có hệ thống an sinh tân tiến như các nước Bắc âu, nơi hôn nhân xem ra không có giá trị nữa. Thực sự xảy ra là trong các trường hợp này, xã hội gán cho các cặp chung sống các định tính của vợ chồng, cả khi họ không làm đám cưới với nhau. Nhưng điều này gây thiệt thòi cho chính họ là những người không có được một tương quan giúp là ”người hơn”, và phải sống trong tình trạng căng thẳng, thường xuyên phải thương lượng và tái đưa ra các dự án không chắc chắn.

Hỏi: Đâu là mục tiêu đích thực của các tổ chức đồng tính luyến ái khi họ đòi hỏi phải đưa ra luật chung sống cho họ?

Đáp: Áp lực dài hạn: đó là khiến cho hôn nhân trở thành không khác biệt đối với căn cước phái tính. Nguyên tắc mà họ đưa ra đó là hôn nhân là một thiện ích, mà tất cả mọi người đều có cơ may được hưởng, không liên quan tới căn cước phái tính cá nhân, nghĩa là bất luận là nam hay là nữ. Người ta vin vào nguyên tắc bình đẳng đó để tránh các kỳ thị đối với những người đồng tính luyến ái. Nhưng chính nơi đây có sự hiểu lầm rất lớn, vì một đàng là việc kỳ thị, tức là đối xử với các đối tượng giống nhau một cách khác nhau, một đàng là đối xử và tôn trọng mỗi một người như họ là, với phái tính nam nữ khác biệt của họ. Ở đây, người ta khẳng định nguyên tắc, theo đó phái tính không còn có ý nghĩa và giá trị nữa. Và người ta đi tới chỗ đưa ra một vài dự luật vùng miền trong nước Italia, theo đó mỗi người đều có thể tuyên bố với nhân viên hành chánh căn cước phái tính của họ một cách tùy thích. Nhưng nếu người ta thay đổi căn cước phái tính như người ta muốn, thì chúng ta đang sống trong thế giới nào đây? Và chúng ta đang đứng trước những người như thế nào đây?

Hỏi: Tại sao các người đồng phái lại xin lấy nhau thưa giáo sư?

Đáp: Các người đồng phái muốn ”kết hôn” để cảm thấy họ bình đẳng với người khác. Nếu lý luận dựa trên sự bình đẳng quyền lợi, thì là đi trật đường. Cần phải nhìn vào bản chất của tương quan để thấy sự khác biệt của nó.

Tương quan giữa những người đồng phái có thể là tương quan yêu thương, bạn bè, trợ giúp lẫn nhau, hay những gì khác nữa, nhưng mà nhất định không phải là tương quan hôn nhân. Đó là một loại liên hệ khác. Vậy thì chính những người đồng phái phải cho biết nó là thứ liên hệ gì.

Hỏi: Để bệnh vực gia đình, có sự liên minh giữa các tín hữu công giáo và giới trí thức giáo dân. Sự liên hiệp này có thể đem lại các kết qủa nào thưa giáo sư?

Đáp: Hiệu qủa mà tôi thấy có thể là một tính cách hợp lý mới, có khả năng cống hiến các lý do soi sáng cho ý nghĩa của cuộc sống con người, khi các lý do cũ không còn đứng vững nữa. Một lý lẽ soi sáng giúp tìm ra ý nghĩa dựa trên các kinh nghiệm và các tập tục của cuộc sống, có khả năng nhìn ra tính chất hôn nhân và chức làm cha mẹ, vì chúng là những lý do đầu tiên và nền tảng của cuộc sống con người. Chúng ta không được quên rằng giá trị của gia đình chiếm chỗ nhất trong mọi quốc gia trên thế giới này, kể cả các nước thuộc Liên Hiệp Âu châu đang có khuynh hướng tàn phá gia đình. Và chúng ta cũng không được quên rằng xã hội cần đến hôn nhân, không phải để đàn áp nữ giới và trẻ em, là những bản vị xã hội yếu đuối, mà là dể cho họ có được sự bảo trợ tốt đẹp hơn.

Tôi cầu mong rằng các vấn đề đang gây tranh luận hiện nay tìm ra các giải pháp, trong một luật lệ rộng rãi, không hạn hẹp nơi các vấn đề của các giai tầng xã hội riêng tư, nhưng thăng tiến và trợ giúp gia đình, đồng thời cũng thừa nhận các quyền lợi cá nhân của người theo đuổi chúng trong các nhóm xã hội khác, không phải chỉ như là những ước vọng riêng tư, mà như là các thiện ích, đáng được sự bảo trợ của toàn thể cộng đoàn chính trị xã hội.

(Avvenire 22-2-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.