2007-02-28 15:33:26

KINH NGHIỆM SỐNG LỜI CHÚA CỦA TONINO MASTRILLI


Tonino Mastrilli là một sinh viên học năm cuối nha khoa sinh sống tại Pescara, Bắc Italia. Vốn là một tín hữu Công Giáo, Tonini sống Đức Tin chân thật và nhiệt thành trong phong trào Focolari, Tổ Ấm. Thanh niên này cố gắng đưa Lời Chúa vào cuộc sống cụ thể hàng ngày của mình. Và mới đây, Tonino đã sống một kinh nghiệm đặc biệt về việc này. Anh kể lại như sau:

”Hôm ấy, cũng như mọi buổi sáng sớm khác, tôi ra nhà ga lấy xe lửa đến đại học. Nhà ga là nơi luôn thu hút sự hiếu kỳ của tôi vì đủ mặt mọi hạng người, giàu nghèo, tỉnh điên gì cũng có. Hôm ấy, tôi ngồi đợi trên chiếc ghế dài, bên cạnh một phụ nữ đang suy nghĩ vừa nói lớn tiếng. Bà ta nói hết câu này sang câu khác khiến tôi tò mò lắng nghe. Hình như bà là một trong những người dở điên dở khùng vẫn thường lai vãng đến nhà ga. Thế nhưng không phải thế. Bà nói: ”Con trai tôi làm tôi khổ quá. Nó học hành chả ra gì cả. Tôi không biết phải nhờ ai dạy kèm cho nó bây giờ đây, làm sao kiếm đủ tiền mà nhờ người dạy kèm.”

”Khi lúc nghe người đàn bà này thở than lớn tiếng như thế, tôi lập tức suy xét xem thời khóa biểu hàng ngày của mình. Năm nay là năm chót đại học, bao nhiêu môn thi bề bộn, thì giờ còn lại chẳng được bao nhiêu. Nhưng mặt khác, con trai của người phụ nữ kia cũng đang cần được giúp đỡ. Thế là tôi chẳng cần suy nghĩ thêm nữa, đề nghị ngay với bà là sẽ kèm học cho con trai bà miễn phí khi có giờ rảnh. Bà ta nhìn tôi ngạc nhiên, nhưng rồi bà nhận lời. Chắc hẳn bà cũng nghĩ rằng tôi là một loại người hơi kỳ cục.

”Thế là tôi quen biết Fabio, con trai bà nọ. Từng buổi dạy kèm sau đó, tôi nhận ra được rằng Fabio rất thông minh, nhưng làm biếng. Chú bé chỉ nhớ và nhớ rất rõ những gì chú thích hay là những gì đánh động trí óc của mình, Thế là tôi cố gắng tìm mọi phương thức mới mẻ để giúp Fabio nắm vững những khái niệm rắc rối khô khan của các môn học. Fabio tấn tới thấy rõ, làm tôi cũng hứng khởi thêm nhiều. Chú bé hiểu thấu và nhớ như in được cả những khái niệm khó khăn. Đến buổi dạy kèm về môn khoa học, tôi phải kiếm cách để dạy Fabio về hàm răng. Thế là tôi vận dụng mọi kiến thức nha khoa đã học được để tìm cách giúp Fabio hiểu rõ cơ cấu tạo thành và năng dụng của hàm răng. Để đạt đến mục đích ấy, tôi tìm cách chế ra một mô hình hàm răng đơn sơ nhưng thật tiện dụng. Mô hình này đã giúp Fabio hiểu thật rõ về cơ cấu và năng dụng của răng, nghĩa là đã đạt được mục tiêu ấn định. Tôi sung sướng khoe điều này với vị giảng sư đang hướng dẫn tôi soạn luận án tiến sĩ nha khoa. Điều không ngờ là giáo sư của tôi đã tỏ ra rất hứng khởi trước sáng kiến này, về mặt kỹ thuật và nhất là về những điều kiện đã đưa đến sự thành toàn sáng kiến nói trên.

”Ít lâu sau đó, giáo sư của tôi đề nghị tôi cùng đi dự một khóa tu nghiệp do giáo sư đảm nhận tại đại học Caserta, nam Italia. Khóa tu nghiệp này dành cho các nha sĩ đã hành nghề. Giáo sư cho tôi biết là trong số những vấn đề sẽ được nêu ra trong khóa học đó, có cả sáng kiến của tôi. Tôi sung sướng nhận lời vì rất hiếm khi sinh viên được dịp dự những khóa tu nghiệp dành cho các chuyên viên đã hành nghề như thế. Nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy vào cuối buổi dạy, giáo sư kêu tôi lên nói về sáng kiến của tôi. Chỉ có các chuyên viên lành nghề mới được hân hạnh bước lên bục cao để diễn giảng như thế. Tuy hơi e ngại, nhưng tôi cũng cố gắng trấn tĩnh và bắt đầu trình bày về sáng kiến của mình. Nhưng giáo sư của tôi ngắt lời tôi ngay: 'Không, Tonino, không phải các ý niệm kỹ thuật chuyên môn mà thôi. Anh phải nói về những điều kiện đưa đến khám phá này cơ!”

Tonino Mastrilli kể tiếp: ”Tuy không hiểu chủ ý của giáo sư, nhưng tôi cũng kể lại giai thoại gặp mẹ Fabio ở nhà ga, nhận lời giúp đỡ dạy kèm chú bé và sáng kiến nảy ra trong đầu khi tìm cách giúp Fabio hiểu cơ cấu tạo thành và năng dụng của hàm răng. Để kết luận, tôi đúc kết điều mà chính tôi đã sống nghĩa là Phúc Âm, đặc biệt là câu ”Hãy cho đi và các con sẽ được đền bù”, cũng có thể áp dụng được vào cả nha khoa nữa.

Những ngày sau đó, nhiều nha sĩ dự khóa tu nghiệp tìm đến gần tôi hỏi han và nhờ tôi giúp đỡ để đào sâu, không phải là nghề nghiệp hay kỹ thuật nha khoa mà nhất là phương diện nhân bản, nghĩa là làm sao để yêu thương tha nhân cách cụ thể. Về sau này, tôi được biết là vị giáo sư của tôi tiếp tục kể lại hoàn cảnh đưa đẩy đến khám phá nói trên của tôi trong các khóa tu nghiệp kế đó. Rồi mới đây, giáo sư cho gọi tôi đến gặp và đề nghị tôi chuẩn bị để cùng cộng tác vào việc soạn thảo một cuốn sách nói về sáng kiến này. Nhưng dù sao khi suy đi nghĩ lại cho cùng, tôi không đáng được đền bù hậu hĩ như thế chỉ vì đã lắng nghe một người đàn bà thở than lớn tiếng ngoài nhà ga, đã tìm cách giúp đỡ một bé trai tấn tới trên đường học hành. Nếu ngày hôm ấy, tôi không nhận giúp đỡ một người anh em đồng loại, thì có lẽ chẳng bao giờ tôi nhận được phần thưởng lớn lao như thế này. Quả thật, Lời Chúa không bao giờ sai lạc cả, dù là áp dụng vào trong nghề nghiệp nha sĩ.” (Città Nuova n.15/16, 1999)

Mai Anh








All the contents on this site are copyrighted ©.