2007-02-07 16:31:57

Mỗi gia đình là một ”giáo hội” vun trồng lòng tin Kitô


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 7-2-2007.

Trong bài huấn dụ nói trước 8.000 tín hữu tại đại thính đường Phaolo VI Đức Thánh Cha đã đề cập đến hai cộng sự viên khác của thánh Phaolô là đôi vợ chồng Priscilla và Aquila. Hai người đã nắm giữ vai trò quan trọng trong Giáo Hội thời các Tông Đồ và trong sứ vụ của thánh Phaolô. Tuy có tên latinh nhưng hai người là gốc do thái. Aquila đến từ miền bắc Anatolia đối diện với biển Egeo bên Thỗ Nhĩ Kỳ ngày nay, trong khi Priscilla, đôi khi gọi tắt là Prisca, là một phụ nữ do thái sống tại Roma (x Cv 18,2).

Priscilla và Aquila đã bị hoàng đế Claudio đuổi khỏi Roma cùng với các tín hữu do thái khác, sau khi xảy ra các vụ tranh cãi gây hỗn loạn liên quan tới Chúa Kitô, mà sử gia Roma Svetonio viết là ”Cresto” (Vite dei dodici Cesari, Claudio, 25). Sử gia đã lẫn lộn tên Chúa Kitô, vì chỉ có ý tưởng lờ mờ liên quan tới những gì đã xảy ra. Từ đó người ta có thể suy đoán rằng Priscilla và Aquila đã theo Kitô giáo vào khoảng năm 40. Từ Roma họ sang Corinto và thánh Phaolô gặp họ tại đây vào đầu năm 50, rồi cùng với họ làm nghề khâu lều để mưu sinh và tá túc trong nhà họ (x. Lc 18,3). Nơi thánh nhân họ không chỉ gặp người đồng đạo có cùng niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, mà còn là tông đồ được Chúa mời gọi nữa.

Một thời gian sau Priscilla và Aquila di chuyển sang Tiểu Á, đến định cư tại Ephêxô và tiếp tục phục vụ việc loan báo Tin Mừng. Tại đây họ đã giúp Apollo bổ túc việc hiểu biết lòng tin. Họ cũng có thói quen tiếp đón cộng đoàn các Kitô hữu trong nhà họ. Khi viết lá thư thứ nhất cho tín hữu Corintô từ Ephexô thánh Phaolô cũng gửi ”lời thăm của Aquila Priscilla cùng với cộng đoàn tụ họp trong nhà họ” (1 Cr 16,19), để lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Giải thích nguồn gốc từ ”Ekklesia”, Giáo Hội, Đức Thánh Cha nói:

Chính kiểu hội họp này tiếng hy lạp gọi là ”ekklesìa”, ”ecclesia” trong tiếng la tinh và ”chiesa”, giáo hội trong tiếng Ý, có nghĩa là triệu tập, quy tụ, hội họp. Như thế trong nhà của Aquila và Priscilla tụ họp Giáo Hội, cộng đoàn do Chúa Kitô triệu vời để cử hành các Mầu Nhiệm Thánh. Thực tại Giáo Hội nảy sinh trong nhà các tín hữu. Thật vậy cho tới thế kỷ thứ III các Kitô hữu đã không có các nơi thờ tự riêng: ban đầu là trong các hội đường do thái, rồi sau khi xảy ra đổ bể chia ly giữa Do thái giáo và Kitô giáo là trong nhà riêng của các Kitô hữu. Và sau cùng vào thế kỷ thứ III mới có các nhà thờ Kitô. Nhưng trong hai thế kỷ thứ I và thứ II nhà các tín hữu là ”nhà thờ” như thánh Phaolo đã nhắc tới trong các thư của người: trong nhà ông Gaio tại Corinto (Rm 16,23) trong nhà bà Ninfa tại Laodikea (Cl 4,15) và trong nhà ông Arkippo tại Coloxê (Plm 2).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói sau đó Aquila và Priscille trở về Roma và cũng tiếp đón các tín hữu trong nhà họ. Trong thư gửi tín hữu Roma thánh Phaolô đã đặc biệt chào thăm họ và Hội Thánh tụ tập tại nhà họ. Ngài tỏ lòng biết ơn của ngài và của mọi Hội Thánh trong dân ngoại và gọi hai người là ”các cộng sự viên trong việc phục vụ Đức Kitô”; hai người đã liều mất đầu để cứu mạng thánh nhân (Rm 16,3-5).

Tại Roma cũng có một nhà thờ dâng kính thánh nữ Prisca và hang toại đạo Priscilla trên đường Salaria. Các Giáo Hội tiên khởi và cả chúng ta ngày nay cũng nhớ ơn sự dấn thân tông đồ của các giáo dân, các gia đình và các cặp vợ chồng như Aquila và Priscilla, vì nhờ họ mà Kitô giáo đến được với chúng ta. Đức Thánh Cha đề cao vai trò của các gia đình và vợ chồng Kitô như sau:

Để có thể đâm rễ trong đất của dân chúng, để có thể phát triển sinh động cần có sự dấn thân của các gia đình, của các vợ chồng trong cộng đoàn Kitô, của các giáo dân trung thành đã cống hiến ”đất mầu mỡ” cho sự lớn mạnh của lòng tin. Và Giáo Hội đã luôn luôn và chỉ lớn lên như thế. Khi được lòng tin và tinh thần tu đức vững mạnh nâng đỡ anh chị em giáo dân sẽ tự nhiên can đảm dấn thân cho Giáo Hội và trong Giáo Hội. Sự kết hiệp của họ trong cuộc sống hằng ngày kéo dài và nâng cao trong việc lãnh trách nhiệm lo lắng cho Thân Mình Mầu nhiệm Chúa Kitô là Giáo Hội.

Gương sống dấn thân của Aquila và Priscilla cho thấy mỗi gia đình có thể trở thành một Giáo Hội nhỏ, trong nghĩa là nơi tình yêu thương Kitô ngự trị lo lắng cho nhau, và nhất là trong nghĩa toàn cuộc sống gia đình dựa trên lòng tin được mời gọi xoay quanh Chúa Kitô. Đây là lý do tại sao trong thư gửi tín hữu Ephêxô thánh Phaolo so sánh tương quan hôn nhân với sự hiệp thông hôn nhân giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (Ep 5,25-33). Thánh Phaolo nhào nặn cuộc sống toàn Giáo Hội theo cuộc sống gia đình. Vì Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa.

Sáng thứ tư 7-2-2007 đã có hơn 10.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần của Đức Thánh Cha. Phần đầu buổi tiếp kiến đã diễn ra trong đền thờ thánh Phêrô với sự tham dự của 2.500 tín hữu thuộc các giáo phận vùng Lombardia bắc Italia tháp tùng các Giám Mục vùng này về Roma viếng thăm mộ hai Thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh. Phần hai dành cho tất cả mọi tín hữu khác trong đại thính đường Phaolô VI. Các đoàn hành hương đến từ hàng chục nước Âu châu và Bắc Mỹ. Từ Á châu có nhóm hành hương Hong Kong.

Ngỏ lời với các Giám Mục và tín hữu vùng Lombardia Đức Thánh Cha đề cao nhiệm vụ quan trọng của Giáo Hội vùng này và nói:

Giáo Hội sống trong vùng Lombardia, hiện diện nơi đây với tất cả các thành phần của nó, có một vai trò quan trọng cần tiếp tục chu toàn trong xã hội tại đây: đó là là loan báo và làm chứng cho Tin Mừng trong mọi môi trường, đặc biệt tại những nơi có các yếu tố tiêu cực của một nền văn hóa tiêu thụ và tháo thứ, của trào lưu tục hóa và chủ nghĩa cá nhân, tại những nơi có các hình thức nghèo túng cũ mới với các dấu chỉ gây âu lo liên quan tới tình trạng không thỏa mãn của giới trẻ và các hiện tượng bạo lực và tội phạm. Nếu các cơ cấu và các tổ chức giáo dục xem ra đang trải qua các giai đoạn khó khăn, thì cũng không thiếu các nguồn lực lý tưởng và luân lý to lớn nơi người dân Lombardia vốn có các truyền thống gia đình và tôn giáo cao qúy.

Như thế hoạt động của Giáo Hội bao gồm hai mặt: một đàng là bảo vệ và thăng tiến nền văn hóa sự sống và pháp lý, đàng khác là ngày càng hoán cải trở về và sống gắn bó với Chúa Kitô và mầu nhiệm cứu độ hơn.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau. Ngài đặc biệt mời gọi các bạn trẻ sống không bạo lực và hòa bình để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người. Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thánh Đức Thánh Cha ban cho tín hữu.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.