2007-01-31 17:08:29

Mọi Kitô hữu đều là thừa tác viên truyền giáo


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến 8.000 tín hữu tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 31-1-2007.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy gương mặt một số cộng sự viên khác của thánh Phaolô trong công tác truyền giáo là Barnaba, Silvano và Apollo. Cả ba người đã quảng đại tận hiến cuộc đời cho công tác rao truyền Tin Mừng, mỗi người với đặc thái riêng. Đức Thánh Cha cầu mong gương sáng của các vị dậy cho mọi người cũng biết phục vụ Tin Mừng với niềm hăng say và mọi khả năng Chúa ban.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói khi duyệt xét qua gương mặt của các cộng sự viên của thánh Phaolô chúng ta phải công nhận rằng thánh nhân là mẫu gương hùng hồn của thái độ cởi mở cho việc cộng tác trong Giáo Hội. Người không muốn làm mọi sự một mình nhưng tìm nhiều cộng sự viên khác. Chẳng hạn như Epafra (x. Cl 1,7; 4,12; Pl 23), Epafrodito (x. Pl 2,25; 4,18), Tichico (x. Cv 20,4; Ep 6,21; Cl 4,7; 2 Tm 4,12; Tt 3,12), Urbano (x. Rm 16,9), Gaio và Aristarco (x. Cv 19,29; 20,4; 27,2; Cl 4,10).

Rồi còn có các phụ nữ như bà Febe (x. Rm 16,1), Trifèna và Trifòsa (x. Rm 16,12), cũng như cặp vợ chồng Prisca và Aquila (x. Rm 16,3; 1 Cr 16,19; 2 Tm 4,19). Trong đám đông các cộng sự viên đó hôm nay chúng ta chú ý tới 3 người có vai trò đặc biệt ý nghĩa trong công tác loan báo Tin Mừng thời ban đầu đó là Barnaba, Silvano và Apollo. Đức Thánh Cha miêu tả Barnaba như sau:

Barnaba có nghĩa là “con của sự khích lệ” (Cv 4,36), hay ”con của sự ủi an” và là biệt danh của một người Do thái thuộc chi tộc Levi sinh tại đảo Chypre. Sống tại Gierusalem ông đã là một trong những người đầu tiên theo Kitô giáo, sau khi Chúa Kitô phục sinh. Ông quảng đại bán ruộng vườn của mình và đem tiền dâng cúng các Tông Đồ để lo cho các nhu cầu của Giáo Hội (x. Cv 4,37). Chính Barnaba đã bảo đảm với cộng đoàn Kitô Giêrusalem về cuộc hoán cải của Phaolo, vì cộng đoàn không tin nơi Phaolo là người đã bắt bớ các tín hữu (Cv 9,27). Khi được gửi tới Antiochia bên Siria, Barnaba đã tìm đến Tarso là nơi Phaolô đã rút lui về đó, để tiếp xúc với Phaolo, và cả hai đã cùng nhau dành ra một năm trời để truyền giáo cho dân chúng thành phố quan trọng này, nơi Barnaba được biết tới như là ngôn sứ và tiến sĩ luật (x. Cv 13,1). Như thế, khi xảy ra các vụ tín hữu ngoại giáo theo Kitô giáo, Barnaba đã hiểu rằng đây là giờ của Phaolo. Thế là trong thời điểm quan trọng đó Barnaba đã trả Phaolo lại cho Giáo Hội, và trong nghĩa đó, một lần nữa ông đã trả Phaolo lại cho anh chị em ngoại giáo.

Barnaba được Giáo Hội Antiochia gửi đi truyền giáo cùng với Phaolo, và hoàn thành điều được gọi là chuyến truyền giáo đầu tiên của Phaolô. Thật ra đó là chuyến truyền giáo của Barnaba, là người thực sự có trách nhiệm còn Phaolô chỉ là người cộng tác. Hai người đã rao giảng Tin Mừng tại đảo Chypre và vùng trung nam Anatolia, tức Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, với các thành phố như Attalia, Perge, Antiochia vùng Pisidia, Iconio, Listra, và Derbe (x. Cv 13-14). Rồi cùng với Phaolo Barnaba về Giêrusalem tham dự Công Đồng. Tại đó sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề, các Tông Đồ và các Kỳ Mục quyết định tách rời thói quen cắt bì khỏi căn tính Kitô (x. Cv 15,1-35). Sau cùng chỉ như thế các vị đã khiến cho Giáo Hội của các anh chị em không do thái thành hình, một Giáo Hội không cắt bì: chúng ta là con cái tổ phụ Abraham chỉ vì lòng vào Chúa Kitô.

Vào đầu chuyến truyền giáo thứ hai Barnaba và Phaolo xung khắc với nhau, vì Barnaba muốn đem Giovanni Marco theo, nhưng Phaolô không chịu, vì trong chuyến truyền giáo đầu tiên Marco đã tách rời khỏi hai người (x. Cv 13,13). Và Đức Thánh Cha giải thích biến cố này như sau:

Như thế cả giữa các thánh với nhau cũng có các xung khắc, bất hòa và tranh chấp. Và điều này đối với tôi xem ra là một sự ủi an, vì chúng ta thấy rằng các thánh không ”từ trời rơi xuống”. Các vị là người như chúng ta với các vấn đề phức tạp. Sự thánh thiện không hệ tại việc không bao giờ sai lầm, không bao giờ phạm tội. Sự thánh thiện lớn lên trong khả năng hoán cải, sám hối, sẵn sàng bắt đầu trở lại, và nhất là trong khả năng hòa giải và tha thứ. Và như thế, Phaolo xem ra là người gắt gỏng cay đắng đối với Marcô, sau cùng làm hòa với Marcô. Trong các thư cuối cùng viết cho Philemone và thư thứ hai cho Timoteo, Marcô lại xuất hiện như là cộng sự viên của Phaolo. Như vậy không phải sự kiện không bao giờ sai lầm, mà là khả năng hòa giải và tha thứ, khiến cho chúng ta nên thánh. Và chúng ta tất cả đều có thể học con đường nên thánh này.

Dầu sao đi nữa Barnaba đã cùng với Maccô trở lại đảo Chypre (x. Cv 15,39) vào khoảng năm 49. Từ đó trở đi chúng ta mất dấu vết của Barnaba. Giáo phụ Tertulliano gán cho Barnaba là tác giả thư gửi tín hữu Do thái, đây là điều rất có thể đúng vì là người thuộc chi tộc Levi Barnaba có thể chú ý đến đề tài chức tư tế. Và thư gửi Do thái giải thích chức tư tế của Chúa Giêsu một cách ngoại thường.

Một bạn đường khác của thánh Phaolô là Sila, kiểu gọi hy lạp của một tên do thái có lẽ là Sheal ”xin, khẩn nài”, cùng gốc với tên Saulo. Hình thức latinh là Silvano. Tên Sila chỉ gặp trong sách Công Vụ, trong khi tên Silvano chỉ gặp trong các thư của thánh Phaolô. Sila là một tín hữu Do thái sống tại Giêrusalem, và là một trong những người đầu tiên theo Kitô giáo, được Giáo Hội Giêrusalem qúy trọng (x. Cv 15,22) và được coi là ngôn sứ (x. Cv 15,32). Ông được giao cho nhiệm vụ thông báo cho ”các anh em Antiochia, Siria và Cilicia” (Cv 15,23) các quyết định của Công Đồng Giêrusalem và giải thích các quyết định ấy. Đương nhiên ông được coi là người làm trung gian giữa Giêrusalem và Antiochia, giữa Kitô hữu gốc do thái và Kitô hữu gốc ngoại giáo, và như thế phục vụ sự hiệp nhất của Giáo Hội trong sự khác biệt nghi thức và nguồn gốc. Khi chia tay Barnaba thánh Phaolô chọn Sila làm bạn đường mới trong công tác truyền giáo (x. Cv 15,40). Cùng với Phaolô Sila tới Macedonia nơi có các thành phố Philiphê, Thexalonica và Berea và dừng tại đây, trong khi Phaolo tiếp tục tới Athène rồi Corintô. Sila tới Corinto và cộng tác với thánh Phaolô trong việc rao giảng Tin Mừng (2 Cr 1,19). Và chúng ta hiểu tại sao Sila và Timoteo là những người cùng thánh Phaolô gửi 2 thư cho tín hữu Thexalonica. Đây cũng là đIều quan trọng: thánh Phaolô không hành động một mình như cá nhân riêng rẽ mà cùng với các cộng sự viên của mình, trong cái ”chúng tôi” của lòng tin, của Giáo Hội, của lòng tin tông tuyền. Sila cũng được nhắc tới trong thư thứ nhất của thánh Pherô (1 Pr 5,12). Và như thế chúng ta thấy sự hiệp thông của các Tông Đồ. Silvano cần thiết cho Phaolô, cho Pherô, vì Giáo Hội là một và công tác truyền giáo là một.

Cộng sự viên thứ ba của thánh Phaolô là Apollo, có lẽ là tên gọi tắt của Apollonio hay Apollodoro. Tuy có tên gọi không do thái nhưng ông là một tín hữu Do thái nhiệt thành thông thái hiểu biết Kinh Thánh sống tại thành Alessandria bên Ai Cập (Lc 18,24-25). Apollo bắt đầu truyền giáo tại Ephexô; tại đây ông gặp Priscilla và Aquila giúp ông hiểu biết đường lối của Thiên Chúa hơn (x. Cv 18,26). Từ Ephêxô Apollo đến Acaia và Corinto với thư giới thiệu của tín hữu Ephesô. Tại Corinto Apollo đã trợ giúp tín hữu trong các cuộc tranh luận với người Do thái và dùng Kinh Thánh chứng minh Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế (Cv 18,27-28. Nhưng ông trở thành cớ gây chia rẽ vì một số người thích ông và nhân danh chống lại các anh chị em khác (x. 1 Cr 1,12; 3,4-6; 4,6). Trong thứ thứ nhất viết cho tín hữu Corinto thánh Phaolo khiển trách họ xé nát Thân Mình Cháu Kitô bằng cách chia bè chia phái chống đối nhau. Thánh nhân khẳng định rằng các ngài chỉ là các thừa tác dẫn đưa họ tới lòng tin (x. 1 Cr 3,5) và mỗi người có một nhiệm vụ ”Tôi đã vun trồng, anh Apollo tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên... Thật ra, chúng tôi là các cộng sự viên của Thiên Chúa và anh chị em là cánh đồng của Chúa, là ngôi nhà của Chúa” (1 Cr 3,6-9). Trở về Ephêsô Apollo không nghe lời thánh Phaolo mời trở lại Côrinto ngay lập tức và dời chuyến đi lại vào một thời điểm khác (x. 1 Cr 16,12). Và chúng ta không có tin tức nào khác về Apollo.

Kết luận bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói cả ba cộng sự viên trên đây của thánh Phaolô đều nêu gương sáng quảng đại và vô vị lợi trong công tác rao truyền Tin Mừng. Lời thánh Phaolo nói chúng tôi chỉ là các thừa tác viên của Thiên Chúa có gía trị đối với tất cả mọi Kitô hữu từ Giáo Hoàng, Hồng Y, Giám Mục cho tới giáo dân. Chúng ta tất cả đều là các thừa tác viên khiêm tốn của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy phục vụ Tin Mừng chừng nào có thể, theo các ơn nhận được và chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa để hôm nay Người làm cho Tin Mừng và Giáo Hội của Người lớn lên.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.