2007-01-29 15:52:54

Đức Hồng Y Stanisla Dziwicz và vụ Đức Cha Stanislaw Wielgus


Trong các ngày đầu tháng Giêng năm nay 2007, tin Đức Cha Stanislaw Wielgus từ chức Tổng Giám Mục Varsava trong chính ngày nhận giáo phận, vì đã cộng tác với mật vụ dưới thời cộng sản sản, đã khiến cho dư luận Ba Lan và thế giới hoang mang xôn xao.

Ngày 12 tháng Giêng Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã nhóm phiên họp bất thường để duyệt xét tình hình và sau phiên họp các Giám Mục đã công bố một sứ điệp được đọc trong mọi thánh lễ Chúa Nhật 14 tháng Giêng trên toàn nước Ba Lan.

Chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Stanislaw Dziwicz, Tổng Giám Mục Cracovia, về hiện tình Giáo Hội Ba Lan sau những ngày sóng gió nói trên.

Đức Hồng Y Stanislaw Dziwicz sẽ tròn 68 tuổi vào tháng 4 tới đây. Trong gần 40 năm trời linh mục Dziwicz đã là vị bí thư trung thành và rất kín đáo của Đức Gioan Phaolô II. Hai người đã quen biết nhau khi Đức Gioan Phaolô II còn là Giám Mục Cracovia.

Thanh niên Dziwicz là con của một gia đình nông dân, sống tại một ngôi làng nhỏ là Raba Wyzna, trên núi Tatra.

Trong một lần đi trượt tuyết mùa đông trên vùng núi Tatra, Đức Cha Wojtila quyết định theo một lộ trình mới, và tìm một người thông thạo dẫn đường. Dân chúng trong vùng giới thiệu thanh niên Stanislaw Dziwicz với Đức Cha. Hồi đó Dziwicz đang chuẩn bị vào dại chủng viện. Năm 1963 thầy Dziwicz được thụ phong Linh Mục và làm cha phó một khu phố ngoại ô Cracovia, nhưng vẫn tiếp tục học để dọn luận án tiến sĩ thần học về việc sùng kính thánh Stanislaw, vị Giám Mục tử đạo, bổn mạng của thành phố Cracovia.

Năm 1966 Đức Cha Wojtila chọn cha Dziwicz làm bí thư riêng của mình. Năm 1978 cha Dziwicz theo Đức Hồng Y Karol Wojtila về Roma tham dự mật nghị bầu Giáo Hoàng, và tiếp tục làm Bí Thư cho Đức Gioan Phaolô II. Tuy là một trong các nhân vật có thế giá nhất tại Tòa Thánh, nhưng cha Dziwicz vẫn luôn duy trì được kiểu sống đơn sơ kín đáo tận tụy phục vụ của mình. Năm 1998 Đức Ông Dziwicz được thăng Tổng Giám Mục, và đã ở bên cạnh Đức Gioan Phaolô II cho tới khi người qua đời. Năm 2005 Đức Tổng Giám Mục Dziwicz được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI vinh thăng Hồng Y và được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Cracovia.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, tại Ba Lan người ta đã bắt đầu trở lại việc tính sổ với qúa khứ. Giáo Hội cũng bắt đầu việc thanh tẩy có phải thế không?

Đáp: Không. Đây không phải là một cuộc thanh tẩy. Tôi không thích điều người ta đang làm dưới danh nghĩa của từ này. Vì nó đang gây ra thiệt hại hơn là thiện ích cho đất nước chúng tôi. Trong khi chúng tôi chỉ muốn sự trong sáng. Chúng tôi muốn trả lời cho các tố cáo bằng cách chứng minh cho thấy đâu đã là lập trường của các Giám Mục, cũng như của các linh mục và tu sĩ trong bối cảnh lịch sử xã hội dưới thời cộng sản. Chúng tôi không có ý định dấu diếm bất cứ sự gì, và chúng tôi sẽ chứng minh bằng các sự kiện.
 
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y có người nói rằng các Giám Mục Ba Lan đã qúa chậm chạp. Tại sao các vị lại đã không làm việc này trước đây. Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Cho tới thời gian gần đây, người ta đã không đặt vấn đề đối với chuyện này. Và cả khi Viện Ký Ức Quốc Gia lưu giữ các hồ sơ của cơ quan mật vụ Ba Lan đã bắt đầu hoạt động, rất tiếc là chúng tôi đã không bao giờ coi các tài liệu đó là quan trọng, vì các tài liệu này do các nhân viên của chế độ cộng sản soạn thảo ra, mà không có sự kiểm chứng nào cả. Chính vì vậy giờ đây lại càng phải cứu xét các tài liệu này với rất nhiều ý tứ và cẩn trọng. Còn hơn thế nữa, phải theo gương của các nước khác như Tây Ban Nha chẳng hạn, sau khi chế độ của tướng Franco cáo chung, chính quyền đã quyết định niêm phong các văn khố của mật vụ Tây Ban Nha trong nhiều năm trời.
 
Hỏi: Nhưng tại Ba Lan, trái lại, các tài liệu của mật vụ đã được báo chí đăng tải và cho dư luận quần chúng biết tên tuổi những giáo sĩ cộng tác với chế độ cộng sản...

Đáp: Sự sai lầm lớn nhất đó là đã không phân biệt giữa các hình thức cộng tác khác nhau. Trong nhiều trường hợp các linh mục đã bị công an mật vụ gọi ra trình diện. Các vị đã không thể làm khác, và không thể chuẩn chước cho mình khỏi ra gặp công an mật của nhà nước cộng sản, nếu muốn được phép xây cất hay tu sửa một nhà thờ. Nhưng tôi không tin rằng sự tiếp xúc đó có thể định nghĩa là một sự cộng tác với công an mật vụ. Trái lại, đã xảy ra sự lẫn lộn rất lớn trong trường hợp ở đây.

Hỏi: Theo Đức Hồng Y, có phải người ta đang đưa ra một chiến thuật để đánh phá Giáo Hội Công Giáo Ba Lan, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn là có một chiến thuật, có các mục tiêu chính trị nằm sau chiến dịch này của giới báo chí. Có lẽ có người muốn dậy các Giám Mục phải hành xử như thế nào chăng? Nhưng đó chỉ là một nhận xét của riêng tôi thôi, tôi không thể nói hơn. Tôi không biết ai là người đang giật dây trong vụ này.

Hỏi: Đức Hồng Y đã nói tới sự lẫn lộn lớn trong vụ này. Đức Hồng Y cũng ám chỉ sự lẫn lộn xảy ra trong Giáo Hội Ba Lan hay sao?

Đáp: Không. Qúy vị cứ nhìn số tín hữu đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật 14 tháng Giêng và các phản ứng tích cực của họ đối với sứ điệp của Hội Đồng Giám Mục, đã được tuyên đọc trong tất cả mọi thánh đường trên toàn nước thì đủ hiểu. Một giai thoại buồn và khó chịu không khiến cho sự tin tưởng của họ nơi Giáo Hội bị khủng hoảng, lại càng không làm suy giảm lòng tin Kitô của họ. Tôi nhận thấy giáo dân Ba Lan rất trưởng thành trong việc đương đầu với các vấn đề. Đặc biệt nơi những người đã có kinh nghiệm sống với chế độ cộng sản. Vấn đề có phức tạp hơn đối với thế hệ trẻ, chưa từng có kinh nghiệm với chế độ cộng sản. Chính vì thế nên làm cho vấn đề được trong sáng là điều quan trọng, bằng cách giúp người trẻ hiểu rằng: Giáo Hội Ba Lan đã là một lực lượng luân lý và xã hội chống lại chế độ cộng sản, bằng cách luôn luôn ủng hộ những ai tranh đấu cho tự do.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, cách đây một năm Đức Hồng Y đã cho thành lập trong tổng giáo phận Cracovia một Ủy ban lịch sử để thu thập các tài liệu và chứng tích liên quan tới các linh mục đã cộng tác với các lực lượng mật vụ của chế độ cộng sản. Ủy ban đã đi tới các kết luận nào rồi thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Công việc của Ủy ban tiếp tục, nhưng với tiết nhịp hơi chậm chạp, không phải do lỗi của các vị có trách nhiệm của Ủy Ban, mà do các khó khăn khách quan, bắt đầu với số lượng tài liệu khổng lồ bao gồm hàng ngàn hàng ngàn trang do các nhân viên mục vụ nhà nước cộng sản viết. Tất cả các tài liệu này không chỉ cần được đọc, mà cũng cần phải được lượng định và kiểm chứng một cách cẩn thận nữa.
 
Hỏi: Nhưng mà thưa Đức Hồng Y, vào cuối tháng 2 tới đây cha Isakowicz Zaleski sẽ cho xuất bản cuốn sách với tên tuổi của tất cảc các linh mục đã từng cộng tác với mật vụ cộng sản thì sao?

Đáp: Không sao hết. Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc của chúng tôi thôi. Tôi đã viết một bức thư cho tất cả các linh mục của tổng giáo phận Cracovia và xin rằng: nếu có vị nào đã bị liên lụy trong một hình thức cộng tác nào đó với mật vụ cộng sản Ba Lan, thì tới gặp tôi để nói chuyện, giải thích và sửa chữa lai. Tôi phải nói ngay rằng có khoảng 30 trường hợp trên tổng số hơn 1.200 linh mục của tổng giáo phận. Nói chung các vị đã nhượng bộ vì yếu đuối, vì bị áp lực luân lý và tâm lý rất mạnh. Đã không có một trường hợp công tác tích cực nào nhằm gây thiệt hại cho Giáo Hội.

Hỏi: Từ vụ của Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus, có thể rút tỉa ra bài học nào thưa Đức Hồng Y?
 
Đáp: Như chính Đức Cha Wielgus đã thừa nhận, khi còn là một linh mục trẻ cha đã ký giấy cộng tác với mật vụ cộng sản Ba Lan. Cha Wielgus đã làm thế để có thể đi du học tại nước ngoài, nhưng cha đã không trung thành với dấn thân với mật vụ cộng sản. Vì vậy đã có các tường trình rất tiêu cực liên quan tới các kết qủa sự cộng tác của cha. Sự lầm lẫn của cha là cái lầm lẫn của tuổi trẻ. Thế rồi cha đã trở thành một giáo sư rất lỗi lạc, là viện trưởng đại học, và là một Giám Mục rất tốt. Không thể kết án một người vì một lỗi lầm họ đã phạm. Chúng ta cần tha thứ và hòa giải. Rất tiếc là trong trường hợp của Đức Cha, đã nảy sinh ra bầu khí, khiến cho Đức Cha không thể cai quản một giáo phận quan trọng như tổng giáo phận Varsava với uy tín và sự thanh thản cần thiết. Đức Cha đã lấy quyết định đúng đắn, khi từ chức Tổng Giám Mục Varsava, vì không có giải pháp khác. Và chúng tôi rất biết ơn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về sự trợ giúp người dành cho chúng tôi trong việc chấm dứt trường hợp đau đớn này.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, có nhiều người cho rằng nếu Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn sống, thì đã không xảy ra tất cả những chuyện này, Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Vâng, có đúng thế, nghĩa là người ta có ý nói rằng Đức Gioan Phaolô II biết rất rõ tình hình Ba Lan, nên có thể chặn đứng ngay một số hành động từ ban đầu. Điều đó đúng. Nhưng chúng ta phải sống với các sự kiện hiện tại, chứ không phải với các giả thuyết. Và tôi tin rằng Giáo Hội Ba Lan sẽ bước ra khỏi các sự kiện này, mạnh mẽ hơn, chính vì chúng tôi không sợ hãi, như Đức Gioan Phaolo II đã dậy.
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.