2007-01-27 17:01:24

TỪ NGƯỜI VÔ THẦN THÀNH LINH MỤC XUẤT BẢN SÁCH BÁO KYTÔ


Con đường trở lại đức tin công giáo, rồi dẫn đến chỗ đi tu làm linh mục của cha Alexandre Khmelnitsky, dòng Đa Minh người Nga thật là lạ lùng.

Cha sinh năm 1942 trong một gia đình trí thức Liên Xô, thân phụ là một chuyên viên nghiên cứu hóa học gốc người Do thái, nhưng hoàn toàn lãnh đạm về phạm vi tôn giáo. Lớn lên trong bầu khí vô thần, dĩ nhiên là Alexandre cũng hãnh diện tuyên bố mình là người vô thần.

Sau khi đi qua các giai đoạn bình thường của một thanh niên con nhà trí thức xô viết, Alexandre vào đại học Mascơva, ban sinh ngữ Ấn Độ. Khi tốt nghiệp xong, chàng được gọi vào làm việc tại Nhà xuất bản Tiến bộ với nhiệm vụ kiểm soát công cuộc chuyển ngữ tác phẩm và tư tưởng của Karl Max và Lénine sang các thổ ngữ ấn Độ. Nhưng một ngày nọ trong năm 1979, Alexandre lâm vào cuộc khủng hoảng nội tâm trầm trọng vì không tìm ra được cứu cánh cuộc đời của mình. Các giải thích biện minh của ý thức hệ vô thần không thỏa mãn được những thắc mắc sâu xa của tâm hồn và Alexandre miệt mài tìm kiếm những câu trả lời khác cho các vấn nạn này. Sự tình cờ run rủi một ngày kia, chàng gặp một nhóm tín hữu hỗn hợp công giáo và chính thống, sát cánh hoạt động đại kết dưới sự hướng dẫn của một linh mục chính thống là cha Alexandre Men. Nhóm này nhờ chàng dịch một cuốn giáo lý dày nhận được từ Hoa Kỳ, từ tiếng Anh sang tiếng Nga. Đó là lần đầu tiên Alexandre Khmelnitsky va chạm với đức tin công giáo. Trong khi giúp nhóm tín hữu học hỏi cuốn giáo lý, chàng cảm thấy đức tin của họ thu hút mình mạnh mẽ và bị thúc đẩy tìm đọc thêm các tác phẩm khác do trung tâm đông phương ở Bruxelles xuất bản. Vào thời gian này, Alexandre làm ký giả tại đài phát thanh Mascơva với nhiệm vụ điều khiển chương trình hướng về Ấn Độ, đồng thời kiêm nhiệm chức giáo sư của học viện thuộc phong trào công nhân quốc tế.

Năm 1980, Alexandre chính thức xin gia nhập giáo hội công giáo và đã âm thầm nhận bí tích rửa tội. Thời gian sau đó, Alexandre kín đáo nhưng nhiệt thành sống đức tin mới khám phá. Chàng vẫn cộng tác với nhóm tín hữu kytô hỗn hợp để hoạt động tông đồ dù rằng giữa muôn vàn nguy hiểm đe dọa. Năm 1983, ông Vladimir Nikiforov, người giáo dân điều khiển nhóm tín hữu học hỏi tôn giáo của Alexandre, bị mật vụ KGB bắt giam trong khuôn khổ chiến dịch ”thanh tẩy xã hội”. Trên thực tế, công an mật vụ vẫn ráo riết theo dõi các thành viên của nhóm để thu thập tin tức liên quan đến cha Men, vị linh mục chính thống tích cực hoạt động tông đồ. Chính cha Men đã nhiều lần bị câu lưu điều tra nhưng rồi lại được trả tự do cho đến mùa thu năm 1990, khi cha bị kẻ lạ mặt hạ sát bằng rìu. Cho đến nay, thủ phạm vụ sát nhân này vẫn không được đưa ra trước vành móng ngựa.
Năm 1985, Alexandre cảm thấy ơn gọi sống đời linh mục nung nấu tâm hồn nên làm đơn xin gia nhập chủng viện Riga, thủ đô cộng hòa Lettoni, lúc bấy giờ là nơi duy nhất đào tạo linh mục công giáo cho toàn khối Liên Xô, ngoại trừ Lituani có chủng viện riêng. Nhưng ban giám đốc chủng viện Riga từ chối đơn xin của chàng đến ba lần vì nghi ngờ chàng là tay sai mật vụ nằm vùng. Cuối cùng, Alexandre được nhận vào làm việc trong chủng viện này, với tư cách là cộng sự viên giáo dân, được ở bên trên phòng áo và đảm nhận việc chuyển dịch các tác phẩm triết học, thần học và tu đức từ tiếng Ba Lan sang tiếng Nga. Đó chính là chương trình đào tạo của vị linh mục tương lai.

Tuy ba lần bị chủng viện từ chối, Alexandre vẫn vững tin vào một lối thoát chẳng ngờ. Ít lâu sau ngày được nhận bí tích rửa tội, Alexandre được dịp quen biết với một nữ tu Đa Minh lớn tuổi, người cuối cùng còn sống sót của một cộng đoàn nữ tu nhỏ bé thất tán sau cuộc bách hại hồi năm 1958. Qua vị nữ tu già này, Alexandre được gặp cha Eugene Hendricks, cha xứ họ đạo Thánh Nữ Catherine ở Saint Peterbourg, cũng thuộc dòng Đa Minh. Chính hai vị này đã hướng Alexandre về với gia đình Thánh Đa Minh. Vào năm 1988, Alexandre được các cha Đa Minh Ba Lan mời sang thăm Cracovia và rồi sau đó, chàng xin vào tập viện dòng ở Poznan. Thời gian nhà tập được thu ngắn ba tháng vì bệnh tình của mẹ thầy ở lại Mascơva đang trở nặng. Và cuối cùng thầy Alexandre được mãn nguyện. Thầy trở thành linh mục năm 47 tuổi. Tháng giêng năm 1989, cha Alexandre Khmelnitsky về Mascơva thăm mẹ già và bà cụ đã qua đời ba ngày sau đó. Ngày ngày, cha dâng lễ trong căn hộ của gia đình bạn là bà Natalia Trauberg; bà là người phụ trách một cộng đoàn kytô nhỏ bé tại thủ đô Mascơva. Mùa xuân năm ấy, 1989, qua trung gian của một anh em cùng dòng là cha Bernard Dupuy, người Pháp, cha Alexandre được hội kiến với Đức Hồng Y Lustiger, TGM Paris, khi ngài viếng thăm Mascơva. Cha Dupuy là người sáng lập tập san Istina (Chân Lý), chứa đựng rất nhiều tài liệu tin tức về cuộc sống Kytô tại Nga.

Mùa hạ năm sau 1990, nhà nước Liên Xô ban hành một đạo luật cởi mở hơn về tôn giáo và nhờ đó, cha Alexandre Khmelnitsky được chính thức chỉ định làm cha sở họ đạo Đức Bà Fatima tại thủ đô Mascơva. Trong khi chờ đợi cơ sở xứ đạo được phép xây cất, cha phải tạm thờ cử hành thánh lễ tại nhà thờ Thánh Luis của người Pháp. Từ một năm trước, cha đã thành lập hội ”Đối thoại thiêng liêng”, rộng mở tiếp nhận mọi người với mục đích trở thành dụng cụ cống hiến cho con người một con đường trở về với tôn giáo và với Giáo Hội. Trụ sở của hội nguyên là cơ xưởng kỹ nghệ ”Búa và liềm”, vốn là biểu tượng của đảng cộng sản.

Vào cuối năm 1990, cha Khmelnitsky sáng lập một tập san gọi là Istina i Jizn, Chân Lý và Sự Sống. Buổi đầu, tập san này chỉ là một bản tin công giáo, nhưng rồi chẳng bao lâu sau, đã trở thành một nguyệt san đầy uy tín, xuất bản đến 2500 số chỉ tại thủ đô Mascơva và rộng mở đối với tất cả các Kytô hữu khác ngoài công giáo. Ngoài ra, nguyệt san này còn đề cập đến những vấn đề văn hóa thời đại và có đến hơn 100 thư viện địa phương rải rác trên toàn lãnh thổ Nga có liên hệ cộng tác với tập san này. Thêm vào đó, cha còn mở một nhà xuất bản sách báo tu đức tôn giáo ại kết. Mới đây, nhà xuất bản này đã cho ấn hành ấn bản thứ hai của cuốn Giáo Lý chung của Hội thánh công giáo bằng tiếng Nga. Nhìn lại đoạn đường quá khứ, từ chỗ một người lớn lên trong bầu khí hoàn toàn vô thần đến thánh chức linh mục ngày nay, cha Alexandre Khmelnitsky cho biết là vẫn còn nhiều việc phải làm ngay từ hạ tầng cơ sở đời sống thường nhật của người dân nơi đây, nhất là phải truyền giáo trở lại cho các gia đình, vốn là tế bào nền tảng của xã hội con người, đã bị những năm dài sống dưới chế độ cộng sản vô thần làm cho cằn cỗi héo khô. (Famille chrétienne, n.1088, 19-11-1998).

Mai Anh








All the contents on this site are copyrighted ©.