2007-01-15 12:20:15

LINH MỤC THỪA SAI TẠI BRASIL


Cha Gigi Aziani - người Ý - làm việc truyền giáo tại vùng Amapá (Bắc Brasil). Địa bàn hoạt động của Cha là một giáo xứ mênh mông, gồm đến 100 cộng đoàn tín hữu, sống dọc theo con sông dài. Dầu vậy, thỉnh thoảng Cha vẫn tìm giờ để dừng lại nơi một thành phố, và làm việc mục vụ tại giáo xứ Thánh Tâm. Cha kể lại chương trình một ngày hoạt động mục vụ như sau.

Hôm ấy dành để thăm viếng các tín hữu Công Giáo tại gia. Người ta trao cho tôi tờ giấy ghi ba địa chỉ. Đây là những người đau ốm, ước ao lãnh bí tích Giải Tội. Họ thuộc gia đình nghèo, sống chen chúc trong căn nhà nhỏ, hôi hám, chật chội.

Vị đầu tiên tôi viếng thăm là c bà Joana. Đứng trước cửa, tôi phải tự giới thiệu:

- Tôi là Linh Mục. Tôi đến để ban bí tích Giải Tội.

Cụ ông kinh ngạc nhìn tôi, nhưng rồi ông cụ trấn tĩnh ngay. Cụ mời tôi vào nhà và đưa đến gần giường cụ bà, trông trẻ hơn cụ ông vài tuổi. Bà cụ nói với tôi:

- Mời Cha ngồi xuống. Lâu lắm rồi, con chưa xưng tội, vì chân con đi không vững mà nhà thờ lại quá xa.

Tôi hỏi thăm cụ năm nay bao nhiêu tuổi. (Thật ra đây chỉ là cách thức bắt đầu câu chuyện). Cụ bà trả lời:

- Theo thẻ căn cước năm nay con 83 tuổi. Nhưng có lẽ tuổi thật thì ít hơn. Con sinh ra trong một làng mất hút trong rừng sâu, nên không có giấy khai sinh. Rồi lớn lên con lập gia đình và theo chồng ra sinh sống nơi tỉnh lớn. Tại đây con mới làm giấy tờ. Ngày đó, khi người ta hỏi con bao nhiêu tuổi, con trả lời là 40. Nhưng đứa con gái con nó bảo: tuổi mẹ đâu có nhiều như vậy!

Sau câu chuyện tuổi tác dài dòng và mơ hồ như vậy, việc xưng tội cũng mơ hồ không kém! Làm sao nhớ hết các tội phạm, trong một thời gian dài tới mười mấy năm trời??? Dầu vậy, cuộc xưng tội đã diễn ra trong trang nghiêm thánh thiện.

... Bệnh nhân thứ hai tôi viếng thăm là ông Americo. Nhìn gương mặt người vợ và mấy đứa con tôi đoán tuổi ông không quá 50. Nhưng khi đối diện ông, trông ông già hơn nhiều. Ông Americo nằm giữa căn phòng ngổn ngang đủ thứ vật dụng: xe đạp có, máy phát thanh có, kể cả bếp nấu ăn nữa.

Ngoài ước nguyện lãnh bí tích giải tội, ông còn biểu lộ tâm tình của người gặp đau khổ tinh thần, cần lời khuyên bảo ủi an của Linh Mục Công Giáo.

Giải tội xong, tôi chuẩn bị rời gia đình. Bỗng người con trai của ông - tuổi độ 25 - tay dắt một bé gái, tiến lại gần và nói:

- Thưa Cha, tụi con muốn làm phép cưới, nhưng người ta bảo con phải lãnh bí tích Rửa Tội trước! Có thật thế không Cha?

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Có chắc là anh chưa được rửa tội không?

Chàng đáp:

- Con chắc chắn như vậy. Vì Ba con bảo là con chỉ được rửa tội khi nào con quá 15 tuổi. Nhưng từ đó, con không có dịp lãnh bí tích rửa tội.

Tôi giải thích cho anh hiểu phải chuẩn bị cẩn thận trước khi lãnh các bí tích, Hôn Phối cũng như Rửa Tội .. Nhưng rồi tôi lại đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi chàng trai cố gắng thuyết phục tôi giúp anh sớm đạt mục đích, bằng cách quả quyết:

- Rước lễ lần đầu thì con đã làm rồi. Con chắc chắn như vậy, vì con còn nhớ như in: ngày hôm đó, con mặc áo sơ mi trắng có thắt cà-vạt mà mẹ con đặt biệt mua cho con nhân dịp này!

Tôi chỉ biết giơ tay kêu trời. Biết trả lời sao trước tâm tình nồng nhiệt của chàng trai? Tôi mời anh đến nhà xứ, để chúng tôi có giờ xem xét thật kỹ vấn đề và biết phải quyết định ra sao.

... Rời nhà ông Americo, tôi đi đến nhà bà Doralice. Căn nhà đầy nhóc mấy đứa nhỏ, đang ngồi trước máy truyền hình. Tôi bước vào và tự giới thiệu:

- Tôi là Linh Mục Công Giáo. Tôi đến để ban bí tích giải tội.

Nói xong tôi tiến lại giường có cụ già đang nằm và hỏi:

- Từ bao lâu rồi cụ chưa xưng tội?

Cụ già đáp:

- Từ 72 năm qua, đây là lần đầu tiên!

Tôi hỏi lại:

- Làm sao cụ nói như vậy? Thế thì cụ cũng chưa bao giờ rước lễ phải không?

Cụ đáp:

- Thưa Cha chưa! Nhưng bí tích rửa tội thì con đã lãnh rồi, ngày con còn nhỏ, sống nơi làng quê. Giấy chứng nhận rửa tội của con, vú đỡ đầu con còn giữ. Nhưng bà mới qua đời.

Tôi phải vất vả lắm mới giúp được cụ bà xưng tội. Sau đó tôi mời bà cùng đọc kinh với tôi. Bà cụ lại lắc đầu lia lịa và nói:

- Chưa có ai dạy con phải đọc kinh như thế nào cả!

Tôi nói:

- Cả kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng cụ cũng không biết sao?

Cụ bà ngạc nhiên nhìn tôi, như nghe nhầm một thứ ngôn ngữ xa lạ nào đó! Tôi đành tự nhủ lòng:

- Phải kiên nhẫn và kiên nhẫn luôn luôn!

(”IL SEME”, Rassegna di brani scelti, d'ogni paese e d'ogni tempo, 12/1990, trang 33-35).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.