2007-01-10 16:40:42

Gương sống của thánh Stephano: hoạt động bác ái và loan báo Tin Mừng


Trong buổi tiếp kiến gần 7.000 tín hữu và du khánh hàng hương tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 10-1-2007, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mời gọi mọi người noi theo gương sống của thánh Stephano gắn liền hoạt động bác ái với việc loan báo Tin Mừng và đừng sợ hãi các bách hại, vì sự bắt bớ khiến cho lòng tin được phổ biến rộng rãi hơn.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy gương mặt của thầy sáu Stephano và nói: Stephano là vị thánh được Giáo Hội mừng kính sau Lễ Giáng Sinh. Thánh nhân là một trong 7 người được cộng đoàn Kitô tiên khởi lựa chọn, làm thành nhóm thừa tác sau này được gọi là các Phó Tế. Tuy kiểu gọi này không có trong sách Công Vụ, nhưng Stephano đã là nhân vật quan trọng vì thánh sử Luca đã dành ra hai chương để giới thiệu thánh nhân. Đức Thánh Cha nói:

Trình thuật của thánh sử bắt đầu bằng việc ghi nhận là có sự phân chia giữa lòng cộng đoàn Kitô Giêrusalem, bao gồm tín hữu Kitô gốc Do thái, nhưng trong số này có những người gốc đất Israel gọi là ”do thái”, trong khi những người khác có lòng tin do thái cựu ước nhưng đến từ vùng nước ngoài nói tiếng hy lạp, gọi là người ”hy lạp”. Và vấn đề xảy ra đó là trong số các tín hữu nói tiếng hy lạp nghèo nhất, đặc biệt là các bà góa không nhận được trợ cấp xã hội nào, có nguy cơ bị bỏ quên trong việc phân chia lương thực hằng ngày. Để giải quyết khó khăn này các Tông Đồ quyết định giao nhiệm vụ cho 7 người ”được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan” để họ lo cho công việc đó, còn các Tông Đồ thì chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa (Cv 6,2-4). Đề nghị này được mọi người tán thành và họ chọn 7 người là ”Stephano, người đầy lòng tin và Thánh Thần, Philiphê, Pròcoro, Nicanore, Timone, Parmenas và Nicola. Họ đưa các ông tới trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông” (Cv 6,5-6).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định rằng việc đặt tay có nhiều ý nghĩa. Trong Cựu Ước nó đặc biệt có nghĩa là giao phó cho một nhiệm vụ quan trọng, như ông Môshê đã làm đối với ông Gioshua khi chỉ định ông nối nghiệp mình (x. Ds 27,18-23). Giáo Hội Antiokia cũng dùng cử chỉ này để gửi Phaolô và Barnaba ra đi truyền giáo cho dân ngoại (x. Cv 13,3). Hai thư thánh Phaolô viết cho Timoteo cũng đề cập tới việc đặt tay trên ông để chính thức giao nhiệm vụ cho Timoteo (x. 1 Tm 4,14; 2 Tm 1,6). Đây là một hành động quan trọng được làm sau khi phân định kỹ càng (1 Tm 5,22). Và chúng ta thấy rõ cử chỉ đặt tay phát triển trong chiều hướng của một dấu chỉ bí tích. Trong trường hợp của Stephano và các bạn của ông chắc chắn nó là việc các Tông Đồ chính thức trao ban nhiệm vụ và khẩn nài một ơn thánh giúp thi hành nhiệm vụ đó.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã ghi nhận hai sự kiện quan trọng trong nhiệm vụ của thầy sáu Stephano. Trước hết thánh Stephano không chỉ phục vụ bác ái mà còn có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho các người đồng hương gọi là hy lạp nữa. Thật vậy thánh sử Luca cho thấy thánh Stephano ”đầy tràn ơn thánh và sự khôn ngoan” (Cv 6,8) nhân danh Chúa Giêsu trình bầy một giải thích mới mẻ về ông Môshê và luật Chúa, đọc lại Cựu Ước dưới ánh sáng việc loan báo cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Việc đọc lại Cựu Ước trong chìa khóa Kitô học đó khiến cho người do thái phản ứng cho đó là các lời phạm thượng (x. Cv 6,11-14). Vì thế Stephano bị kết án ném đá. Và thánh Luca truyền lại cho chúng ta diễn văn cuối cùng tổng kết lời rao giảng của thánh nhân.

Giống như Chúa Giêsu đã cho hai môn đệ làng Emmaus thấy rằng toàn Kinh Thánh Cựu Ước nói về Người, về thập giá và sự sống lại của Người, thánh Stephano theo giáo huấn của Chúa Giêsu đọc lại toàn Kinh Thánh Cựu Ước trong chìa khóa Kitô học. Thánh nhân cho thấy Chúa Giêsu, Đấng đã bị đóng đanh và sống lại, thực sự là điểm tới của lịch sử. Đồng thời cũng cho thấy rằng phụng tự trong đền thờ đã chấm dứt và Chúa Giêsu phục sinh là đền thờ mới đích thật. Chính việc khước từ đền thờ và việc phụng tự của nó khiến cho thánh nhân bị kết án tử... Thánh Stephano đã xin Chúa tha thứ cho những kẻ giết người (x. Cv 7,59-60).

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: nơi tử đạo của thánh Stephano là cửa Damasco ở phía bắc thành Giêrusalem, nơi có nhà thờ thánh Stephano, gần Trường Kinh Thánh của các cha dòng Đa Minh. Theo sau vụ giết thánh Stephano vị chứng nhân đầu tiên của Chúa Kitô, là một cuộc bách hại đầu tiên trong lịch sử chống lại các môn đệ của Chúa Giêsu (x. Cv 8,1). Và Đức Thánh Cha nêu bật hoa trái tích cực của sự bắt bớ như sau:

Cuộc bách hại này là dịp cụ thể thúc đẩy nhóm môn đệ do thái hy lạp chạy trốn khỏi Gierusalem và phân tán đi. Bị đuổi khỏi Gierusaém họ trở thành các thừa sai lưu động: ”Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo Lời Chúa” (Cv 8,4). Sự bách hại và phân tán sau đó trở thành sứ mệnh. Và Tin Mừng được phổ biến tại Samaria, Phenicia, Siria cho tới thành Antiokia, nơi Tin Mừng lần đầu tiên cũng được loan báo cho dân ngoại (x. Cv 11,19-20) và cũng là nơi đầu tiên tên các môn đệ được gọi là ”Kitô hữu” (Cv 11,26).

Thánh Luca cũng ghi nhận là những người ném đá thánh Stephano để áo của họ dưới chân một thanh niên tên là Saulo (Cv 7,58), là người từ chỗ bắt bớ trở thành tông đồ đặc biệt của Tin Mừng. Điều này có nghĩa là Saolo đã nghe bài giảng của thánh Stephano và biết các nội dung chính. Và Phaolô chắc hẳn cũng thuộc số những người nghiến răng chống lại Stephano (Cv 7,54). Và ở đây chúng ta thấy các việc kỳ diệu Chúa Quan Phòng làm. Phaolô kẻ thù kịch liệt đối với thị kiến của Stephano, sau khi gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh trên đường đến thành Damasco, lấy lại kiểu đọc hiểu Cựu Ước trong chìa khóa Kitô học của thánh Stephano, đào sâu thêm và bổ túc nó và như thế trở thành ”Tông Đồ dân ngoại”. Thánh nhân dậy rằng Luật Lệ đã thành toàn nơi thập giá Chúa Kitô. Và lòng tin nơi Chúa Kitô, sự hiệp thông với tình yêu của Chúa Kitô là việc thành toàn đích thật của tất cả Lề Luật. Đó là nội dung lời rao giảng của thánh Phaolô. Như vậy người chứng minh cho thấy Thiên Chúa của tổ phụ Abraham là Thiên Chúa của tất cả mọi người. Và tất cả những người tin nơi Chúa Giêsu Kitô như con cái tổ phụ Abraham đều được chia sẻ các lời hứa. Thị kiến của thánh Stephano thành toàn trong sứ mệnh của Phaolô.

Kết thúc bài huấn dụ về cuộc đời thánh Stephano Đức Thánh Cha đã rút tỉa ra một vài giáo huấn quan trọng như sau. Thứ nhất thánh Stephano dậy cho chúng ta biết đừng bao giờ tách rời dấn thân bác ái xã hội khỏi việc can đảm loan báo lòng tin. Thánh nhân loan báo Chúa Kitô chịu đóng đanh bằng tình bác ái cho tới chỗ chấp nhận cả cái chết tử đạo. Lòng bác ái và loan báo Tin Mừng luôn luôn đi đôi với nhau. Thánh Stephano nói với chúng ta về Chúa Kitô, Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại như là trung tâm lịch sử và cuộc sống chúng ta. Chúng ta có thể hiểu rằng Thập Giá luôn luôn là trung tâm của cuộc sống Giáo Hội và cả cuộc sống của chúng ta nữa.

Trong lịch sử Giáo Hội sẽ không thiếu khổ đau, bắt bớ. Và theo giáo phụ Tertuliano chính bắt bớ trở thành suối nguồn và là hạt giống làm nảy sinh ra các Kitô hữu mới. Nhưng cả trong cuộc sống chúng ta nữa, thập giá cũng sẽ không bao giờ thiếu và trở thành phước lành. Khi chấp nhận thập giá vì biết rằng nó là và trở thành phước lành, chúng ta học sống niềm vui Kitô cả trong các lúc khó khăn. Giá trị của chứng tá không thể thay thế được, vì Tin Mừng dẫn đến chứng tá và Giáo Hội được dưỡng nuôi bằng chứng tá. Thánh Stephano dậy chúng ta ghi nhớ các bài học đó, yêu mến thánh giá vì thánh giá là con đường Chúa Kitô dùng để đến giữa chúng ta một cách luôn luôn mới mẻ.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.