2006-12-30 15:06:28

Sứ điệp của ĐTC Bin Đức 16 nhân Ngày Hòa Bình Thế giới 2007

 
 


”Con người, trọng tâm của hòa bình”

Vào đầu năm mới, tôi muốn gửi đến các Nhà Cầm Quyền và các vị Hữu Trách của các dân nước, cũng như tất cả mọi người nam nữ thiện chí, những lời cầu chúc hòa bình. Tôi đặc biệt gửi đến những người đang đau khổ, những người đang bị bạo lực và sức mạnh của võ khí đe dọa, hoặc bị chà đạp nhân phẩm, và đang chờ đợi được giải phóng về mặt nhân bản và xã hội. Tôi gửi lời chúc hòa bình đến các trẻ em, với sự thơ ngây trong trắng, các em đang làm cho nhân loại được phong phú về lòng từ nhân và hy vọng, và qua đau khổ, các em đang thúc đẩy tất cả chúng ta trở thành những người kiến tạo công lý và hòa bình. Chính khi nghĩ đến các trẻ em, đặc biệt là những em có tương lai bị thương tổn vì sự bóc lột và sự gian ác của người lớn vô lương tâm, mà tôi muốn rằng nhân dịp Ngày Hòa Bình thế giới, mọi người cùng lưu tâm đến đề tài Con người, trọng tâm của hòa bình. Thực vậy, tôi xác tín rằng khi tôn trọng con người, tức là ta thăng tiến hòa bình, và khi xây dựng hòa bình, ta đặt nền móng cho một thuyết nhân bản toàn diện chân chính. Và như thế, ta chuẩn bị một tương lai thanh thản cho các thế hệ trẻ.

Con người và hòa bình: hồng ân và nghĩa vụ

 
2. Kinh Thánh khẳng định: ”Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài; Ngài tạo dựng họ theo hình ảnh Thiên Chúa; Ngài tạo dựng họ có nam có nữ” (Gn 1,27). được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, mỗi người có nhân phẩm; họ không phải chỉ là một sự vật, nhưng là một người, có khả năng biết mình, tự chủ, tự do hiến thân và hiệp thông với những người khác. Đồng thời, do ơn Chúa, con người được kêu gọi tiến đến một giao ước với Đấng Tạo Dựng nên mình, dâng lên Ngài một lời đáp trả tin yêu mà không ai khác có thể trả lời thay (1). Trong viễn tượng tuyệt vời ấy, ta hiểu nghĩa vụ được ủy thác cho con người là làm cho mình được trưởng thành trong khả năng yêu mến và làm cho thế giới được tiến triển, bằng cách canh tân thế giới trong công lý và hòa bình. Trong một tổng hợp xúc tích, thánh Augustino dạy rằng: ”Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta mà không cần chúng ta, nhưng Ngài không muốn cứu vớt chúng ta mà không có chúng ta” (2). Vì thế, tất cả mọi người đều có nghĩa vụ vun trồng nơi bản thân ý thức về hai khía cạnh hồng ân và nghĩa vụ.

3. Hòa bình cũng là một hồng ân đồng thời là nghĩa vụ.

Quả thực hòa bình giữa con người và các dân tộc - khả năng sống cạnh nhau bằng cách kiến tạo những quan hệ công bằng và liên đới - chính là một sự dấn thân không ngừng. Nhưng hơn thế nữa, hòa bình là hồng ân của Thiên Chúa. Thực vậy, hòa bình là một đặc tính trong hành động của Chúa, được biểu lộ qua sự tạo dựng một vũ trụ có trật tự hài hòa cũng như qua sự cứu chuộc nhân loại cần được cứu chuộc khỏi xáo trộn của tội lỗi. Vì thế, sự sáng tạo và cứu cuộc mang lại chìa khóa để đọc, để hiểu ý nghĩa cuộc sống của chúng ta trên trái đất. Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Gioan Phaolô 2, khi ngỏ lời với Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 5-10-1995, đã khẳng định rằng ”chúng ta không sống trong một thế giới vô lý hoặc không có ý nghĩa (...), trái lại có một lý lẽ tinh thần soi sáng cuộc sống con người và làm cho cuộc đối thoại giữa con người và các dân tộc có thể diễn ra được” (3). ”Văn phạm” siêu việt, nghĩa là toàn thể các qui luật hành động của cá nhân và quan hệ của con người với nhau theo công lý và tình liên đới, được ghi khắc trong lương tâm, trong đó có phản ánh dự phóng khôn ngoan của Thiên Chúa. Như mới đây tôi đã muốn tái khẳng định, ”Chúng ta tin rằng từ khởi thủy đã có Ngôi Lời vĩnh cửu, Lý Trí, chứ không phải là sự Vô Lý Trí” (4). Vì thế hòa bình cũng là một nghĩa vụ đòi mỗi người phải đích thân đáp ứng bằng cuộc sống phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa. Tiêu chuẩn để đáp ứng nghĩa vụ ấy chỉ có thể là tôn trọng ”văn phạm” đã được Đấng Tạo Hóa ghi khắc trong tâm hồn con người.

Trong viễn tượng ấy, không được coi các qui tắc của luật luân lý tự nhiên như những mệnh lệnh áp đặt từ bên ngoài, hầu như cưỡng bách tự do của con người. Trái lại, chúng phải được tiếp nhận như một lời kêu gọi hãy trung thành thực hiện dự phóng hoàn vũ của Thiên Chúa được ghi khắc trong bản tính con người. Được các qui luật ấy hướng dẫn, các dân tộc - trong các nền văn hóa liên hệ, có thể đến gần một mầu nhiệm cao cả hơn, đó là mầu nhiệm Thiên Chúa. Vì thế, sự nhìn nhận và tôn trọng luật tự nhiên ngày nay trở thành nền tảng rộng lớn để đối thoại giữa các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau và giữa những người có tín ngưỡng với cả những người không tín ngưỡng. Đó là một điểm gặp gỡ lớn, và là một tiền đề cơ bản để có hòa bình chân chính.

Quyền sống và tự do tôn giáo

4. Nghĩa vụ tôn trọng phẩm giá mỗi người với bản tính phản ánh hình ảnh Thiên Chúa, bao hàm một hệ luận là không thể tùy tiện sử dụng con người theo sở thích của mình. Ai có nhiều quyền bính hơn về chính trị, kỹ thuật, kinh tế, thì không thể lạm dụng chúng để vi phạm các quyền của những người khác kém may mắn hơn. Thực vậy, hòa bình dựa trên sự tôn trọng các quyền của tất cả mọi người. Ý thức điều đó, Giáo Hội bênh vực các quyền căn bản của mỗi người. Đặc biệt Giáo Hội đòi hỏi sự tôn trọng quyền sống và tự do tôn giáo của mỗi người. Sự tôn trọng quyền sống trong mọi giai đoạn chính là một điểm có tầm quan trọng quyết định: sự sống là một hồng ân mà mỗi chủ thể không thể hoàn toàn tùy tiện đnh đoạt. Cũng vậy, sự khẳng định quyền tự do tôn giáo đặt mỗi người trong tương quan với một Nguyên Lý siêu việt, đưa họ ra khỏi sự đnh đoạt của con người. Quyền sống và tự do biểu lộ tín ngưỡng của mình nơi Thiên Chúa không phải là điều nằm trong quyền hạn của con người. Hòa bình đòi hỏi phải thiết định một ranh giới rõ ràng giữa những gì con người có thể tùy tiện xếp đặt và những gì không phải như vậy: vì thế cần tránh du nhập những yếu tố không thể chấp nhận được vào trong gia sản các giá trị vốn thuộc về con người, trong tư cách họ là người.

5. Về quyền sống, cần phải tố giác mọi sự vi phạm kinh khủng chống lại quyền này trong xã hội chúng ta: ngoài các nạn nhân của những cuộc xung đột võ trang, của nạn khủng bố và nhiều hình thức bạo lực, còn có những cái chết âm thầm do nạn đói, phá thai, thí nghiệm trên phôi thai và làm cho chết êm dịu gây ra. Làm sao không thấy tất cả những điều hành vi đó là một cuộc tấn kích chống lại hòa bình?

Phá thai và thí nghiệm trên các phôi thai là trực tiếp phủ nhận thái độ đón nhận tha nhân, thái độ này là điều tối cần thiết để thiết lập những quan hệ hòa bình lâu bền. Về sự tự do biểu lộ tín ngưỡng, có một triệu chứng khác đáng lo âu về sự thiếu hòa bình trên thế giới, đó là những khó khăn mà rất nhiều tín hữu Kitô và tín đồ các tôn giáo khác thường gặp phải trong việc tuyên xưng các xác tín tôn giáo của họ một cách công khai và tự do. Đặc biệt khi nói về các tín hữu Kitô, tôi phải đau lòng nhận thấy rằng nhiều khi không những họ bị cấm cản, nhưng còn bị bách hại tại một số quốc gia, và gần đây người ta phải ghi nhận những vụ bạo hành đau thương chống lại các Kitô hữu. Có những chế độ áp đặt một tôn giáo duy nhất cho tất cả mọi người, trong khi đó có những chế độ dửng dưng, tuy không thực hiện một cuộc bách hại khốc liệt, nhưng nhất loạt nuôi dưỡng một chế nhạo văn hóa đối với các tín ngưỡng tôn giáo. Dầu sao, thái độ đó là không tôn trọng một quyền căn bản của con người, với những âm hưởng trầm trọng trên cuộc sống chung hòa bình. Tình trạng đó chắc chắn tạo nên một não trạng và một nền văn hóa tiêu cực đối với hòa bình.

Sự bình đẳng bản tính của tất cả mọi người 6. Nơi căn cội của nhiều căng thẳng đang đe dọa hòa bình, chắc chắn là có vô số những chênh lệch bất công vẫn còn nhan nhản trên thế giới. Trong số những bất công ấy, người ta thấy một đàng có những điều đặc biệt nguy hiểm, đó là sự chênh lệch trong sự đạt tới những điều thiết yếu như lương thực, nước, nhà cửa và sức khỏe; đàng khác, có những chênh lệch kéo dài giữa nam giới và nữ giới trong việc thực thi các nhân quyền căn bản. Việc nhìn nhận sự bình đẳng thiết yếu giữa con người, xuất phát từ phẩm giá siêu việt chung của họ, chính là một yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng hòa bình. Vì thế, sự bình đẳng trên bình diện này là một thiện ích của tất cả mọi người, được ghi khắc trong ”văn phạm” tự nhiên, có thể rút từ dự phóng sáng tạo của Thiên Chúa; một thiện ích không thể lơ là hoặc coi rẻ mà không tạo nên những âm hưởng nặng nề, khiến cho hòa bình bị lâm nguy. Tình trạng thiếu thốn trầm trọng mà nhiều dân tộc phải chịu, nhất là tại Phi châu, là căn cội gây nên những đòi hỏi mạnh mẽ và vì thế chúng tạo nên một vết thương sâu đậm cho hòa bình.

7. Sự kiện thân phận phụ nữ không được tôn trọng đầy đủ cũng tạo nên những yếu tố gây bất ổn trong xã hội. Tôi nghĩ đến sự bóc lột phụ nữ, bị đối xử như đồ vật, và bao nhiêu hình thức khác thiếu tôn trọng đối với phẩm giá phụ nữ; trong một bối cảnh khác, tôi cũng nghĩ đến những nhân sinh quan trong một số nền văn hóa, dành cho phụ nữ một vị thế phải tùng phục rất nhiều nơi phán quyết của đàn ông, với hậu quả là gây ra thiệt hại cho nhân phẩm của phụ nữ, và cho việc thực thi các quyền tự do của họ. Ta không thể không nhận rằng hòa bình không được bảo đảm bao lâu người ta không vượt thắng những hình thức kỳ thị như thế, gây thiệt hại cho phẩm giá con người, được Đấng Tạo Hóa ghi khắc nơi mỗi người (5).

Sinh thái học hòa bình”

8. Đức Gioan Phaolô 2, trong Thông điệp Centesimus annus, Năm Thứ 100, đã viết: ”Không những trái đất được Thiên Chúa ban cho con người, nhưng con người cũng phải sử dụng trái đất trong niềm tôn trọng ý hướng nguyên thủy, tốt lành, theo đó trái đất được ban cho con người; con người cũng được Thiên Chúa ban cho chính Ngài và vì thế, con người phải tôn trọng cơ cấu tự nhiên và luân lý mà Chúa ban cho con người” (6). Tuân theo mệnh lệnh của Đấng Tạo Hóa, con người, cùng với đồng loại, có thể kiến tạo một thế giới hòa bình. Bên cạnh sinh thái học về thiên nhiên, còn có một thứ ”sinh thái học” mà chúng ta có thể gọi là ”nhân bản”, và thứ sinh thái học này đôi khi lại đòi một thứ ”sinh thái học xã hội”. Và điều ấy đối với nhân loại, có nghĩa là, nếu con người quan tâm đến hòa bình, thì phải luôn để ý đến quan hệ giữa sinh thái học thiên nhiên, tức là tôn trọng thiên nhiên, và sinh thái học nhân bản. Kinh nghiệm cho thấy rằng mọi thái độ không tôn trọng môi sinh đều gây thiệt hại cho cuộc sống chung của con người và ngược lại. Càng ngày người ta càng thấy rõ một mối liên hệ không thể tách rời giữa hòa bình với thiên nhiên và hòa bình giữa con người với nhau. Cả hai thứ hòa bình đều giả thiết phải có hòa bình với Thiên Chúa. Bài thơ nguyện cầu của thánh Phanxicô, quen gọi là ”Thánh Ca Tu Huynh Mặt Trời”, là một thí dụ tuyệt vời - luôn có tính chất thời sự - liên quan tới thứ sinh thái học đa dạng về hòa bình.

  9. Vấn đề ngày càng trầm trọng trong việc thủ đc năng lượng giúp chúng ta hiểu mối liên hệ chặt chẽ dường nào giữa hai thứ sinh thái học nói trên. Trong những năm gần đây, các quốc gia mới mẻ hăng say tiến vào công cuộc sản xuất công nghệ, làm gia tăng các nhu cầu năng lượng. Điều ấy đang tạo nên một cuộc chạy đua tìm kiếm những nguồn năng lượng ở mức độ chưa từng có. Trong khi đó tại một số miền trên thế giới, người ta còn sống trong tình trạng rất chậm tiến, trong đó sự phát triển bị cản trở vì giá năng lượng gia tăng. Các dân tộc ấy sẽ ra sao? Đâu là loại phát triển hoặc không-phát-triển bị áp đặt cho họ vì sự khan hiếm trong việc cung cấp năng lượng? Đâu là những bất công và những chống đối mà cuộc chạy đua tới các nguồn năng lượng sẽ tạo nên? Và những người bị gạt ra ngoài cuộc chạy đua ấy sẽ phản ứng thế nào? Đó là những câu hỏi nêu bật liên hệ chặt chẽ giữa sự tôn trọng thiên nhiên và sự cần thiết phải thiết lập giữa con người và các dân nước những mối quan hệ để ý đến phẩm giá con người và có khả năng thỏa mãn những nhu cầu đích thực của họ. Sự phá hủy môi sinh, sự lạm dụng chúng một cách không thích hợp hoặc ích kỷ và sự cưỡng đoạt các tài nguyên trái đất sẽ tạo ra những sâu xé, xung đột và chiến tranh, vì chúng là hậu quả của một quan niệm vô nhân đạo về sự phát triển. Thực vậy, một sự phát triển chỉ thu hẹp vào khía cạnh kỹ thuật và kinh tế, mà bỏ qua chiều kích luân lý và tôn giáo, thì không phải là phát triển con người toàn diện, và rốt cuộc chỉ kích thích khả năng tàn phá của con người mà thôi, vì sự phát triển ấy có tính chất một chiều.

Những nhân sinh quan hẹp hòi

10. Vì thế, cũng trong khuôn khổ những khó khăn hiện nay và những căng thẳng quốc tế, cần cấp thiết dấn thân thực thi một nền sinh thái học nhân bản, tạo điều kiện thuận lợi cho cây hòa bình đưc tăng trưởng. Để cố gắng thực thi công trình ấy, ta cần để cho mình được hướng dẫn bằng một nhân sinh quan không bị lệch lạc vì những thành kiến ý thức hệ và văn hóa hoặc những lợi lộc chính trị và kinh tế, xúi giục oán thù và bạo lực. Các nhân sinh quan thay đổi tùy theo các nền nền văn hóa, đó là điều dễ hiểu. Nhưng điều không thể chấp nhận được, đó là người ta duy trì những quan niệm nhân loại học có mầm mống chống đối và bạo lực. Cũng vậy, không thể chấp nhận những quan niệm về Thiên Chúa kích thích sự bất bao dung đối với đồng loại và sử dụng bạo lực đối với họ. Một điều cần minh bạch nhắc lại, đó là: một cuộc chiến tranh nhân danh Thiên Chúa không bao giờ là điều có thể chấp nhận được! Khi một thứ quan niệm về Thiên Chúa là nguồn gốc sinh ra những hành vi tội ác, thì đó là một dấu hiệu chứng tỏ quan niệm ấy đã bị biến thành ý thức hệ.

11. Nhưng ngày nay, hòa bình không phải chỉ bị thương tổn do cuộc xung đột giữa những quan niệm hẹp hòi về con người, nghĩa là giữa các ý thức hệ với nhau. Nó cũng bị thương tổn vì sự dửng dưng đối với những gì tạo nên bản chất đích thực của con người. Thực vậy, nhiều người ngày nay phủ nhận sự hiện hữu bản tính đặc thù của con người và như thế họ tạo điều kiện cho những giải thích rất lạ thường về những yếu tố cấu thành hữu thể người. Ở đây cũng cần phải minh xác rằng: một quan niệm 'yếu ớt' về nhân vị con người, tạo dịp cho bất kỳ quan niệm nào, kể cả quan niệm kỳ quặc, thì nó chỉ có vẻ bênh vực hòa bình mà thôi. Trong thực tế, nó cản trở sự đối thoại chân thực và mở đường cho những áp đặt độc đoán, và rốt cuộc để cho chính con người không được bảo vệ, và do đó dễ trở thành nạn nhân của áp bức và bạo lực.

Các quyền con người và các tổ chức quốc tế

12. Một nền hòa bình chân thực và vững bền đòi phải tôn trọng các quyền con người. Nhưng nếu các quyền này dựa trên một quan niệm yếu ớt về con người, thì làm sao các quyền ấy không bị suy yếu? Ở đây ta thấy rõ sự bất túc sâu đậm của một quan niệm duy tương đối về con người, khi minh chứng và bảo vệ các quyền của con người. Sự bế tắc ở đây thật là rõ ràng: các quyền được coi như tuyệt đối, nhưng nền tảng mà nó trưng dẫn chỉ lại có tính chất tương đối. Ta tự hỏi, đứng trước những đòi hỏi ”gây khó chịu” về quyền này hay quyền kia, có người nào có thể đứng lên phản đối hoặc quyết định gạt bỏ nó hay chăng? Chỉ khi nào ăn rễ sâu trong những yêu sách khách quan của nhân tính do Đấng Tạo Hóa ban cho con người, thì các quyền được dành cho con người mới có thể được khẳng định mà không sợ bị phủ nhận. Ngoài ra, điều hiển nhiên là các quyền con người có kèm theo nghĩa vụ. Về điểm này, Mahatma Gandhi đã nói thật chí lý: ”Sông Hằng các quyền lợi chảy xuống từ Hi-mã-lạp-sơn các nghĩa vụ”. Chỉ khi nào làm sáng tỏ về những tiền đề căn bản ấy, thì các quyền con người mới có thể được bảo vệ thích đáng, đứng trước những cuộc tấn kích liên tục ngày nay. Nếu không có sự minh bạch ấy, thì rốt cuộc người ta dùng cùng một thành ngữ ”các quyền con người”, nhưng lại hiểu ngậm đó là những điều rất khác biệt nhau: đối với người này, con người có phẩm giá trường tồn và có những quyền luôn có giá trị, ở mọi nơi và đối với bất kỳ một ai; nhưng đối với người khác, phẩm giá con người thay đổi tùy theo hoàn cảnh và các quyền của họ luôn là điều có thể thương lượng được về nội dung, không gian và thời gian.

13. Các tổ chức quốc tế luôn nói về việc bảo vệ các quyền con người, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, qua Tuyên ngôn quốc tế năm 1948 về nhân quyền, đã ấn định cho mình một nghĩa vụ cơ bản là thăng tiến các quyền con người. Bản Tuyên ngôn này được coi như một sự cam kết luân lý của toàn thể nhân loại. Điều này bao hàm một sự thật sâu xa, nhất là nếu các quyền được mô tả trong Tuyên ngôn được coi như có nền tảng không phải chỉ do quyết định của Đại Hội đồng LHQ đã phê chuẩn các quyền ấy, nhưng trong chính bản tính của con người và trong phẩm giá bất khả nhượng của con người được Thiên Chúa dựng nên. Vì thế, điều quan trọng là các tổ chức quốc tế đừng quên nền tảng tự nhiên của các quyền con người. Nhờ đó, người ta có thể tránh được nguy cơ luôn tiềm ẩn, đó là rơi vào một sự giải thích các quyền ấy theo xu hướng duy thực nghiệm. Nếu điều đó xảy ra, thì các Tổ chức quốc tế sẽ mất uy tín cần thiết để thi hành vai trò bảo vệ các quyền căn bản của con người và của các dân tộc, vai trò này là lý do chính yếu để các Tổ Chức ấy hiện hữu và hoạt động.

Công pháp quốc tế về nhân đạo và luật pháp nội bộ của các quốc gia

 
14. Với ý thức rằng có những nhân quyền bất khả nhượng gắn liền với bản tính chung của con người, người ta đã soạn ra một công pháp quốc tế về nhân đạo, mà các nước đã cam kết tuân hành, cả trong trường hợp chiến tranh. Nhưng đáng tiếc là, khác với trước đây, công pháp ấy không được thực thi thích đáng trong một số hoàn cảnh chiến tranh gần đây. Chẳng hạn trong cuộc xung đột cách đây vài tháng tại miền nam Liban, nơi mà nghĩa vụ bảo vệ và giúp đỡ các nạn nhân vô tội và không đưa các thường dân vào vòng chiến tranh phần lớn đã không được tuân hành. Cuộc xung đột đau thương tại Liban và hình thái mới của các cuộc xung đột, nhất là từ khi hiểm họa khủng bố đã tạo nên những hình thức bạo lực chưa từng có, đang đòi cộng động quốc tế nhắc nhớ công pháp quốc tế về nhân đạo và áp dụng nó cho tất cả các tình trạng xung đột võ trang, kể cả những hoàn cảnh không được công pháp quốc tế hiện hành dự trù. Ngoài ra, nạn khủng bố đang đòi phải suy nghĩ sâu xa hơn về những giới hạn luân lý đạo đức gắn liền với việc sử dụng các phương tiện hiện nay để bảo vệ an ninh quốc gia. Thực vậy, càng ngày càng có những cuộc xung đột không được tuyên bố, nhất là khi chúng xuất phát từ những nhóm khủng bố quyết định đạt tới mục tiêu của họ bằng bất kỳ phương thế nào. Đứng trước những cảnh tượng đảo lộn trong những năm gần đây, các nước không thể không cảm thấy cần phải tạo cho mình những qui luật rõ ràng hơn, có khả năng chống lại một cách hữu hiệu tình trạng trôi dạt sai trái bi thảm mà chúng ta đang chứng kiến. Chiến tranh luôn luôn là một thất bại cho cộng đồng quốc tế và là một mất mát lớn cho nhân loại. Dầu sao, khi nó xảy ra, thì ít nhất cần phải bảo tồn các nguyên tắc thiết yếu của nhân loại và những giá trị nền tảng của mọi cuộc sống chung, thiết lập các qui luật hành động giới hạn tối đa những thiệt hại của chiến tranh và thoa dịu những đau khổ của các thường dân và mọi nạn nhân của các cuộc xung đột (7).

15. Một yếu tố khác đang gây nên rất nhiều lo âu, đó là ý chí gần đây của một số quốc gia muốn trang bị các võ khí hạt nhân. Kết quả là bầu không khí bất bênh và sợ hãi lan rộng thêm đứng trước hiểm họa chiến tranh hạt nhân. Tình trạng đó đưa trở lại quá khứ, trở lại những sợ hãi và lo âu trong thời gọi là ”chiến tranh lạnh”. Sau thời đó, người ta đã hy vọng nguy cơ hạt nhân được vĩnh viễn khắc phục và nhân loại có thể thở phào nhẹ nhõm. Về vấn đề này, lời cảnh giác của Công đồng chung Vatican 2 vẫn có tính chất thời sự hơn bao giờ hết: ”Mọi hành vi chiến tranh nhắm tàn phá bừa bãi toàn bộ các thành thị hoặc những miền rộng lớn cùng với dân chúng trong đó, thực là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chống lại con người, và phải bị quyết liệt lên án không chút do dự” (8). Rất tiếc là những bóng đen đe dọa vẫn tiếp tục dầy đặc thêm nơi chân trời nhân loại. Con đường có thể đảm bảo một tương lai hòa bình cho mọi người, không những tiến qua các hiệp định quốc tế chống lan tràn võ khí hạt nhân, nhưng còn qua quyết tâm theo đuổi sự giảm bớt và hoàn toàn tháo gỡ các loại võ khí này. Không nên bỏ qua điều gì mà không thực hiện để đạt tới các mục tiêu ấy, bằng đường lối thương thuyết. Đó là điều có liên hệ tới vận mệnh của toàn thể gia đình nhân loại.

Giáo Hội bảo vệ sự siêu việt của con người.

16. Sau cùng, tôi muốn tha thiết kêu gọi Dân Chúa, để mọi Kitô hữu cảm thấy dấn thân trở thành những người hoạt động không biết mệt mọi cho hòa bình, kiên trì bảo vệ phẩm giá và các quyền bất khả nhượng của con người.
Trong tinh thần cảm tạ Chúa vì đã được kêu gọi thuộc về Giáo Hội của Chúa, trong thế giới này, là ”dấu chỉ và là sự bảo vệ chiều kích siêu việt của con người” (9), tín hữu Kitô đừng bao giờ mỏi mệt trong việc cầu xin Chúa ban thiện ích cơ bản là hòa bình rất quan trọng trong đời sống của mỗi người. Ngoài ra, tín hữu hãy hãnh diện quảng đại phục vụ chính nghĩa hòa bình, tìm gặp anh chị em mình, nhất là những người không những phải chịu cảnh nghèo đói và thiếu thốn, nhưng còn bị tước đoạt mất thiện ích hòa bình quí giá. Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa là Tình Thương (1 Gioan 4,8) và ơn gọi cao cả nhất của con người là yêu thương. Trong Chúa Kitô chúng ta có thể tìm được những lý do cao cả nhất để trở thành những người cương quyết bảo vệ phẩm giá con người và những người can đảm kiến tạo hòa bình.

17. Ước gì mỗi tín hữu không bao giờ ngừng đóng góp vào việc thăng tiến một chủ thuyết nhân bản toàn diện đích thực, theo giáo huấn của Thông điệp ”Progressio populorum”, Phát triển các dân tộc và ”Sollicitudo rei socialis”, Mối quan tâm về các vấn đề xã hội, mà chúng ta sắp mừng kỷ niệm 40 năm và 20 năm trong năm 2007 này. Tôi phó dâng lời khẩn nguyện của tôi cho Nữ Vương Hòa Bình, Mẹ của Chúa Giêsu Kitô, Hòa bình của chúng ta (Ef 2,14), chúng ta hướng về Mẹ giữa những nguy hiểm và các vấn đề, với tâm hồn đầy hy vọng. Xin Mẹ Maria chỉ cho chúng ta, nơi Con của Mẹ, con đường hòa bình và soi sáng để chúng ta biết nhận ra Tôn nhan Ngài nơi khuôn mặt của mỗi người, là trọng tâm của hòa bình!

Vatican ngày 8-12-2006

Biển Đức 16 Giáo Hoàng
-------

Chú thích

1. Xc. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, n.357
2. Thánh Augustino, Bài Giảng 169, 11,13; PL 38, 923
3. n. 3: La Documentation catholique, 92 (1995), p.918
4. Bài giảng ở Islinger Feld de Ratistone (12-9-2006): La Documentation catholique 103 (2006), p.922
5. Xc. Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gửi các Giám Mục Giáo Hội Công Giáo về sự cộng tác giữa người nam và người nữ trong Giáo Hội và trong thế giới (31-5-2004), nn.15-16: La Documentation catholique 101 (2004), pp.783-784
6. N. 38: La Documentation catholique 88 (1991), p.537
7. Về vấn đề này, ”Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo” trình bày những tiêu chuẩn nghiêm khắc và rõ ràng: Xc. 2307-2317.
8. Hiến Chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et spes, n.80
9. Ibid. n.76

Bản dịch của G. Trần Đức Anh OP







All the contents on this site are copyrighted ©.