2006-12-20 16:30:08

Thức tỉnh cầu nguyện đợi chờ Chúa Giêsu Kitô giáng sinh


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mời gọi tín hữu và du khách hành hương như trên trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 20-12-2006 tại đại thính đường Phaolô VI, trong nội thành Vaticăng.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, ”Chúa đã đến gần: chúng ta hãy đến, hãy thờ lậy”. Với lời cầu này phụng vụ mời gọi chúng ta trong những ngày cuối cùng này của Mùa Vọng, rón rén đến gần hang đá Bếtlehem, nơi hoàn thành biến cố ngoại thường thay đổi dòng lịch sử thế giới: đó là biến cố Đấng Cứu Độ giáng sinh. Trong đêm Giáng Sinh một lần nữa chúng ta sẽ dừng lại trước máng cỏ, để kinh ngạc chiêm ngắm ”Ngôi Lời nhập thể”. Mỗi năm các tâm tình tươi vui và biết ơn lại được canh tân trong tâm hồn chúng ta, khi chúng ta nghe các bài thánh ca giáng sinh bằng nhiều thứ tiếng khác nhau hát mừng cùng biến cố phi thường đó. Đấng Tạo Thành vũ trụ đã đến sống giữa loài người vì yêu thương. Trong thư gửi tín hữu Philiphê thánh Phaolô khẳng định rằng ”Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Thánh Phaolo thêm rằng Người hạ mình trở nên giống người phàm. Trong lễ Giáng Sinh chúng ta sẽ sống trở lại mầu nhiệm ơn thánh và lòng từ bi cao cả tuyệt diệu này.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha trích lời thánh Phaolô nói với tín hữu Galát: ”Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5), và khẳng định: Thật ra từ bao thế kỷ dân được tuyển chọn đã đợi chờ Đấng Cứu Thế, nhưng họ tưởng tượng Người như là một vị lãnh đạo quyền năng chiến thắng, đến để giải thoát họ khỏi sự áp bức của ngoại bang. Trái lại, Đấng Cứu Thế sinh ra trong thinh lặng và trong sự nghèo nàn tuyệt đối nhất. Thánh Gioan nói: Ngài đến như ánh sáng soi chiếu mọi người, nhưng ”người nhà không tiếp nhận Ngài” (Ga 1,9.11). ”Nhưng tất cả những ai tiếp nhận Ngài, Ngài đã cho quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,1,11). Ánh sáng Chúa hứa chiếu soi con tim của những người đã kiên trì đợi chờ và hoạt động trong tỉnh thức.

Phụng vụ Mùa Vọng khích lệ chúng ta sống thanh đạm và tỉnh thức, đừng để cho mình bị tội lỗi và các lo lắng của trần gian làm cho trở nên nặng nề. Thật thế, khi thức tỉnh và cầu nguyện chúng ta có thể nhận ra và tiếp đón ánh sáng rạng ngời của biến cố Chúa Kitô giáng sinh. Trong một bài giảng của người, thánh Massimo thành Torino khẳng định rằng: ”Thời gian cho chúng ta biết rằng biến cố Chúa Kitô giáng sinh đã tới gần. Thế giới với các âu lo của nó nói lên sự cận kề của điều gì đó sẽ canh tân nó, và ước mong nôn nóng đợi chờ, ánh quang của một mặt trời rạng ngời hơn soi chiếu bóng tối của nó ... Sự chờ đợi đó của thụ tạo cũng thuyết phục chúng ta chờ mong Chúa Kitô, là mặt trời mới mọc lên” (Disc. 61a, 1-3). Như thế, chính thụ tạo dẫn đưa chúng ta tới chỗ khám phá ra và nhận biết Đấng phải đến.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nêu lên câu hỏi sau đây: Nhân loại thời đại chúng ta có còn chờ mong Đấng Cứu Thế không? Người ta có cảm tưởng là nhiều người coi Thiên Chúa xa lạ với các lợi ích riêng tư của họ. Xem ra họ không cần đến Người; họ sống như thể Người không hiện hữu và tệ hơn nữa như thể Người là chướng ngại phải dẹp bỏ để họ thực hiện chính mình. Cả trong số các tín hữu cũng có người để cho mình bị lôi cuốn bởi các ảo ảnh và các giáo thuyết lầm lạc, đề nghị với họ các ngõ tắt ảo tưởng giúp đạt hạnh phúc. Thế nhưng, với các mâu thuẫn, các âu lo và thảm cảnh của nó, và có lẽ chính vì thế, nhân loại ngày nay kiếm tìm một Đấng Cứu Thế và chờ đợi, có khi trong vô thức, biến cố Chúa Kitô, Đấng duy nhất đến cứu chuộc con người. Các ngôn sứ giả tiếp tục đề nghị ơn cứu độ ”giá rẻ”, kết thúc với các ảo tưởng. Kitô hữu chúng ta có nhiệm vụ phổ biến, qua chứng tá cuộc sống, sự thật của lễ Giáng Sinh, mừng biến cố Chúa Kitô đến với mọi người thiện tâm. Khi sinh ra trong nghèo khó nơi máng cỏ, Chúa Giêsu đến cống hiến cho tất cả mọi người niềm vui và sự an bình có thể làm tràn đầy tâm hồn con người.

Nhưng làm thế nào để chuẩn bị tâm lòng cho Chúa đến đây? Thái độ tỉnh thức chờ đợi là thái độ nền tảng của Kitô hữu trong Mùa Vọng này. Đó là thái độ của các nhân vật thời bấy giờ như: ông Dakharia và bà Elidabét, các mục đồng, các nhà chiêm tinh, người dân đơn sơ và khiêm tốn, nhất là Mẹ Maria và Thánh Giuse! Hơn ai khác, Mẹ Maria và Thánh Giuse đã cảm nhận được sự mệt nhọc và lo sợ cho Con Trẻ sẽ sinh ra. Thật dễ tưởng tượng ra thái độ của các Ngài trong các ngày này, đợi chờ được ôm con trong vòng tay mình.

Anh chị em thân mến, ước chi thái độ của các ngài cũng là thái độ của chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe lời nhắn nhủ của thánh Massimo, Giám Mục thành Torino về điểm này: ”Trong khi chúng ta sắp sửa tiếp đón biến cố Chúa sinh ra, hãy mặc lấy các y phục khiêm tốn không vết nhơ. Tôi muốn nói đến quần áo của linh hồn chứ không phải của thân xác. Đừng mặc nhung lụa, nhưng hãy mặc lấy các việc tốt lành! Áo quần sang trọng có thể che phủ các chi thể tay chân, nhưng không che đậy được lương tâm” (ibid).

Ước chi khi sinh ra giữa chúng ta, Chúa Giêsu Hài Nhi không thấy chúng ta lo ra hay chỉ chăm chú trang hoàng nhà cửa bằng đèn sáng. Tốt hơn hãy chuẩn bị một nơi ở xứng đáng cho Chúa trong tâm lòng và gia đình chúng ta, nơi Chúa cảm thấy được tiếp đón với lòng tin và tình yêu thương. Xin Đức Trinh Nữ và Thánh Giuse giúp chúng ta sống Mầu Nhiệm Giáng Sinh với sự kinh ngạc và niềm an bình thanh thản mới. Với các tâm tình này tôi muốn gửi tới anh chị em tất cả và các người thân thương của anh chị em những lời cầu chúc nồng nhiệt nhất, chúc anh chị em một lễ Giáng Sinh thánh thiện và hạnh phúc. Tôi đặc biệt nhớ tới các anh chị em đang gặp khó khăn và khổ đau trên thân xác cũng như trong tâm hồn. Chúc anh chị em lễ Giáng Sinh tốt lành.

Sáng thứ tư 20-12-2006 đã có gần 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha trong đại thính đường Phaolô VI. Đa số là tín hữu các giáo phận Italia. Có vài nhóm đến từ Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Áo, Ba Lan và Tây Ban Nha. Từ Á châu có đoàn hành hương Trung Quốc và Nhật Bản.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.