2006-12-06 16:30:13

Đức Thánh Cha cầu mong Thổ Nhĩ Kỳ là cây cầu tình bạn và sự cộng tác huynh đệ giữa Đông và Tây Phương


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời cầu chúc trên đây vào cuối bài huấn dụ trong buổi tiếp kiến 15.000 tín hữu hữu và du khách hành hương sáng thứ tư 7-12-2006.

Đức Thánh Cha nói: ”Anh chị em thân mến, tôi đã trở lại Vaticăng này với tâm hồn tràn đầy lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và với các tâm tình qúy mến chân thành đối với dân nước Thổ Nhĩ Kỳ thân yêu, đã tiếp đón và hiểu biết tôi. Thiện cảm và sự nồng hậu của dân nước Thỗ Nhĩ Kỳ đã bao bọc tôi, mặc dù các khó khăn không thể tránh được do chuyến viếng thăm của tôi đã gây ra cho các sinh hoạt thường ngày của dân chúng. Chúng như một kỷ niệm sống động thôi thúc tôi cầu nguyện. Xin Thiên Chúa Toàn Năng và Từ Bi giúp đỡ nhân dân Thổ, giới lãnh đạo và đại diện các tôn giáo, cùng chung xây một tương lai hòa bình, làm sao để Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một cây cầu tình bạn và sự cộng tác huynh đệ giữa Tây Phương và Đông Phương. Ngoài ra chúng ta cũng hãy cầu nguyện, để nhờ lời bầu cử của Mẹ Maria Rất Thánh, Chúa Thánh Thần khiến cho chuyến viếng thăm tông đồ này được phong phú và linh hoạt trên toàn thế giới sứ mệnh của Giáo Hội, do Chúa Kitô thành lập để loan báo cho tất cả mọi dân tộc tin mừng của sự thật, hòa bình và tình yêu thương”.

Trước đó Đức Thánh Cha cho biết chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kừ từ ngày 28 tháng 11 tới mùng 1 tháng 12 đã là một chuyến viếng thăm không dễ dàng dưới nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng Thiên Chúa đã đồng hành với người ngay từ khi bắt đầu và chuyến đi đã kết thúc tốt đẹp. Vì thế, Đức Thánh Cha nói, như tôi đã xin anh chị em tháp tùng chuyến đi của tôi bằng lời cầu nguyện, thì giờ đây tôi xin anh chị em hiệp nhất với tôi tạ ơn Chúa vì chuyến đi đã diễn tiến và kết thúc tốt đẹp. Tôi xin phó thác cho Chúa các hoa trái, mà tôi hy vọng nảy sinh từ chuyến viếng thăm này, liên quan tới các liên hệ với các anh em Chính Thống, cũng như việc đối thoại với các tín hữu Hồi.

Sau khi tái bầy tỏ lòng biết ơn của ngài đối với các giới chức đạo đời vì sự tiếp đón thân tình và các nỗ lực tạo các điều kiện cần thiết giúp cho chuyến viếng thăm được diễn ra tốt đẹp, Đức Thánh Cha khẳng định rằng các chuyến viếng thăm mục vụ giúp thực hiện sứ mệnh của người kế vị thánh Phêrô theo các vòng đồng tâm. Vòng trong cùng là sự kiện người kế vị thánh Phêrô củng cố lòng tin của các tín hữu Công Giáo; tiếp đến là việc gặp gỡ các tín hữu Kitô khác, và vòng ngoài cùng là gặp gỡ tín hữu các tôn giáo không Kitô và toàn nhân loại.

Ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm đã diễn ra trong môi trường ngoài cùng này là gặp gỡ thủ tướng, tổng thống, vị Chủ tịch Văn phòng Tôn giáo vụ, viếng thăm lăng của ông Mustafa Kemal Ataturk ”người cha già” của dân tộc Thổ, nói chuyện với ngoại giao đoàn tại Tòa sứ Thần Ankara. Các cuộc gặp gỡ này là một phần quan trọng của chuyến viếng thăm, đặc biệt trong một quốc gia có đại đa số dân theo Hồi giáo và có Hiến Pháp khẳng định tính chất đời của chính phủ. Vì thế Thổ Nhĩ Kỳ là một nước biểu tượng đối với thách đố lớn trên bình diện thế giới hiện nay. Nghĩa là một đàng phải tái khám phá ra thực tại của Thiên Chúa và chiều kích công khai của lòng tin tôn giáo, đàng khác phải bảo đảm cho việc tự do diễn tả lòng tin, mà không biến thành chủ trương cuồng tín, và có khả năng khước từ mọi hình thức bạo lực.

Vì thế tôi đã có dịp tái bầy tỏ các tâm tình qúy mến của tôi đối với tín hữu hồi và nền văn hóa hồi. Đồng thời tôi cũng đã có thể nhấn mạnh trên tầm quan trọng của sự kiện các tín hữu Kitô và hồi giáo cùng nhau dấn thân cho con người, sự sống, hòa bình và công lý, bằng cách nêu bật sự khác biệt giữa lãnh vực dân sự và lãnh vực tôn giáo làm thành một giá trị, và nhà nước phải bảo đảm các quyền đó cho công dân và các cộng đoàn tôn giáo và sự tự do tôn giáo thực sự. Trong lãnh vực đối thoại liên tôn, vào cuối chuyến viếng thăm, Chúa Quan Phòng đã cho phép tôi có một cử chỉ không định trước, nhưng rất có ý nghĩa: đó là chuyến viếng thăm Đền Thờ Xanh tại Istanbul. Khi dừng lại suy tư vài phút trong nơi cầu nguyện ấy, tôi đã hướng lòng lên Thiên Chúa Duy Nhất của trời đất, Cha Từ Bi của toàn thể nhân loại. Ước chi tất cả mọi tín hữu nhìn nhận nhau là thụ tạo của Người và làm chứng cho tình huynh đệ!

Trong ngày thứ hai Đức Thánh Cha đã viếng thăm cộng đoàn Công Giáo tại đền thánh ”Nhà Đức Mẹ”, gần Epheso, trên ”đồi chim họa mi” quay ra biển Egeo. Đây là một nhà nguyện nhỏ gần ngôi nhà, mà theo truyền thống rất cổ xưa, thánh Gioan đã xây cho Đức Mẹ khi đem Mẹ về sống với thánh nhân tại Epheso. Chính Chúa Giêsu đã trao phó thánh Gioan cho Đức Mẹ khi nói ”Thưa Bà, đây là con Bà”, và trao phó Đức Mẹ cho thánh Gioan: ”Đây là Mẹ con” (Ga 19,26-27). Các cuộc đào bởi khảo cố cho thấy vết tích nơi tôn sùng Đức Mẹ, cũng đựơc tín hữu hồi ưa chuộng, vì họ đến hành hương để tôn kính Đấng mà họ gọi là Meryem Ana Mẹ Maria. Tôi đã dâng thánh lễ trong vườn gần đền thánh cho một nhóm tín hữu đến từ Izmir và các phần đất khác của Thổ Nhĩ Kỳ. Cạnh ”Nhà Mẹ Maria” chúng tôi đã cảm thấy như ở nhà mình và trong bầu khí an bình ấy chúng tôi đã cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa và trên toàn thế giới. Tại đó tôi đã muốn nhớ tới cha Andrea Santoro, vị linh mục Roma đã đổ máu ra làm chứng cho Tin Mừng trên đất Thổ.

Vòng tròn thứ hai là các liên hệ đại kết trong ngày lễ kính thánh Anrê Tông Đồ. Đây là khung cảnh lý tưởng để củng cố các tương quan huynh đệ giữa Giám Mục Roma, Người kế vị thánh Phêrô và Đức Thượng Phụ Constantinopoli là Giáo Hội do thánh Anrê em của thánh Phêrô thành lập. Theo gương các vị tiền nhiệm tôi và Đức Thượng Phụ Bartolomaios I đã canh tân cử chỉ biểu tượng cùng dấn thân tiếp tục con đường dẫn đưa tới chỗ tái lập sự hiệp thông trọn vẹn giữa các tín hữu Công Giáo và chính thống, bằng cách cùng ký vào tuyên ngôn chung. Lễ nghi này đã diễn ra sau buổi phụng vụ kính thánh Anrê Tổng Đồ và phép lành của Giám Mục Roma và Đức Thượng Phụ Constantinopoli, là các người kế vị hai Tông đồ Phêrô và Anrê. Chúng tôi đã cho thấy nguồn gốc của mọi hoạt động đại kết luôn luôn là lời cầu nguyện và sự kiên trì khẩn cầu Chúa Thánh Thần. Trong lãnh vực đại kết tôi cũng đã gặp Đức Thượng Phụ Giáo Hội Armeni Tông Truyền Mesrob II và Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Siri. Tôi cũng đã hội kiến với Rabbi trưởng Do thái giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong ngày sau hết của chuyến viếng thăm Đức Thánh Cha đã gặp gỡ cộng đoàn Công Giáo tại nhà thờ chính tòa Chúa Thánh Thần ở Istanbul, với sự tham dự của các Đức Thượng Phụ và đại diện các Giáo Hội Tin Lành và chúng tôi đã sống kinh nghiệm một lễ Hiện Xuống Mới.

Sáng thứ tư 7-12-2006 đã có hơn 15.000 tín hữu và du khánh hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Buổi tiếp kiến đã diễn ra tại hai nơi: trước hết trong đền thờ thánh Phêrô dành riêng cho 5.000 tín hữu các giáo phận toàn vùng Lazio do các Giám Mục vùng này hướng dẫn. Các vị về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô và thăm Tòa Thánh. Bên cạnh đó là gần 2.000 tín hữu vùng Busto Arsizio, Terzigno và Frascati gần Roma. Sau đó là tại thính đường Phaolô VI dành cho hơn 8000 còn lại.

Đa số các tín hữu đến từ các giáo phận Italia. Tuy nhiên bên cạnh các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ cũng có các đoàn hành hương đến từ các nước Đông Âu như Ba Lan, Bulgari, Cộng hòa Tchèques, Croat và Slovac. Từ Á châu có hoàn hành hương Nhật Bản.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nói mùa Vọng mới bắt đầu trong các ngày này, giới thiệu với chúng ta mẫu gương của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm. Xin Mẹ thúc đẩy các bạn trẻ vững tin nơi Chúa Kitô trên con đường cuộc sống. Xin Mẹ nâng đỡ các anh chị em đau yếu canh tân niềm hy vọng, và hướng đẫn các đôi vợ chồng trẻ trong việc xây dựng gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.