2006-12-01 18:28:36

ĐỨC THÁNH CHA KẾT THÚC TỐT ĐẸP CUỘC VIẾNG THĂM TẠI THỔ NHĨ KỲ


ISTANBUL. Trưa ngày 1-12-2006, ĐTC Biển Đức 16 đã kết thúc tốt đẹp cuộc viếng thăm dài 4 ngày tại Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc viếng thăm mà trước đó giới báo chí cho là khó khăn và nguy hiểm nhất.

Trước khi rời Istanbul để về Roma, ĐTC đã chủ sự thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo tại Nhà thờ chính tòa Chúa Thánh Linh. Thánh lễ có tính chất liên nghi lễ, xét vì hàng ngàn tín hữu hiện diện thuộc nhiều nghi lễ khác nhau: la tinh, Canđê, Arméni và Siri. Ngoài ra, hiện diện trong thánh đường, ngoài Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople còn có Đức Thượng Phụ Mesrob II của Giáo Hội Arméni Tông truyền và Đức TGM Chính Thống Siri, và một số đại diện các Giáo Hội Tin Lành.

Đồng tế với ĐTC, ngoài 5 vị HY thuộc đoàn tùy tùng còn có toàn bộ 6 GM tại Thổ Nhĩ Kỳ, một số GM khác, và hơn 60 LM.

Đầu thánh lễ, Đức Cha Louis Pelâtre, GM sở tại đã chào mừng ĐTC, Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople và các vị khách, trước sự vỗ tay nhiệt liệt của các tín hữu. Trong dịp này, ĐTC đã tặng cho giáo phận Istanbul một chén lễ.

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC khẳng định rằng: ”Cách đây 27 năm, tại nhà thờ chính tòa này, vị tiền nhiệm của tôi là Đức Gioan Phaolô 2, vị Tôi Tớ Chúa, đã cầu mong rằng bình minh của ngàn năm tới có thể xuất hiện trên một Giáo Hội tìm lại được sự hệp nhất trọn vẹn của mình, hầu có thể làm chứng giữa những căng thẳng của thế giới, về tình yêu siêu việt của Thiên Chúa được biểu lộ trong Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô”. Ước nguyện này vẫn chưa được thực hiện, nhưng mong ước của ĐGH vẫn nguyên như thế và thúc đẩy chúng ta, tất cả các môn đệ của Chúa Kitô đang chậm chạp tiến bước trong sự nghèo nàn của chúng ta trên con đường dẫn tới hiệp hiệp, và không ngừng hoạt động để mưu ích cho tất cả mọi người, đặt viễn tượng đại kết lên hàng đầu những quan tâm Giáo Hội của chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ sống thực theo tinh thần của Chúa Giêsu, phục vụ công ích của mọi người.”
ĐTC cũng đề cao sứ mạng của các tín hữu Công Giáo trong việc rao truyền Tin Mừng và nói rằng: ”Trong một thế giới con người gặp nhiều khó khăn trong việc chia sẻ cho nhau các tài nguyên của trái đất, và người ta có lý mà bắt đầu lo lắng về sự thiếu nước, một thiện ích rất quí giá đối với sự sống thể xác, Giáo Hội càng thấy mình sở hữu phong phú một thiện ích cao quí hơn nữa. Trong tư cách là Thân Mình Chúa Kitô Giáo Hội đã lãnh nhận nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho đến tận bờ cõi trái đất (Mt 28,19), nghĩa là thông truyền cho con người thời nay một Tin Mừng không những soi sáng nhưng còn biến cải đời sống của họ, đến độ vượt qua và chiến thắng cả sự chết. Tin Mừng này không phải chỉ là một Lời nói, nhưng là một Đấng là chính Chúa Kitô phục sinh và hằng sống!.. Với ơn của các bí tích, nước tuôn chảy từ cạnh sườn mở rộng của Chúa trên thập giá đã trở thành nguồn suối, những dòng sông nước hằng sống, một hồng ân mà không ai có thể ngăn chặn và mang lại sự tái sinh. Làm sao các tín hữu Kitô có thể giữ riêng cho mình điều mà họ đã nhận lãnh? Làm sao họ có thể tịch thu kho tàng ấy và giấu kín nguồn nước ấy?”

Sau cùng, ngài mời gọi các tín hữu hãy làm chứng tá yêu thương trong cuộc sống giữa những người không Kitô: ”Anh chị em hãy sống giữa họ theo lời Chúa dạy: “Qua dấu hiệu này mọi người biết các con là môn đệ của Thầy, đó là các con yêu mến nhau” (Gv 13, 35).

Khi trở về tới Roma lúc 14.20 chiều ngày 1-12-2006, ĐTC đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, ông Romano Prodi, đón tiếp và chúc mừng ngài vì cuộc viếng thăm thành công.

Quả thực, trong 4 ngày viếng thăm, ĐTC Biển Đức 16 đã đánh tan những hiểu lầm và nghi kỵ của dư luận Hồi giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ đối với ngài và Giáo Hội Công Giáo.

Chiều ngày 30-11-2006, theo Đài truyền hình quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ hàng triệu khán thính giả tại nước này đã theo dõi cuộc viếng thăm của ĐGH tại bảo tàng viện Santa Sophia và Đền thờ Xanh của Hồi giáo, nhất là giây phút ngài cầu nguyện trong thinh lặng tại Đền thờ. Rất nhiều báo ra hôm qua tại Thổ Nhĩ Kỳ đều đăng hình ĐGH đang trầm mặc cầu nguyện tại Đền thờ Xanh. Và có báo viết: ”Ngài cầu nguyện như một người Hồi giáo”.

LM Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nói: ”ĐGH dừng lại suy niệm, và chắc chắn là người hướng tâm trí lên cùng Thiên Chúa. Đây có thể được gọi là một lúc cầu nguyện bản thân, nhưng không có dấu hiệu nào bề ngoài chứng tỏ đó là kinh nguyện Kitô. Qua cử chỉ ấy, ĐGH nhấn mạnh điều liên kết các tín hữu Kitô và Hồi giáo, thay vì những dị biệt”.

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.