2006-11-27 18:09:25

ĐỨC THÁNH CHA SẼ VIẾNG THĂM ĐỀN THỜ XANH CỦA HỒI GIÁO


VATICAN. Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, LM Lombardi, xác nhận rằng ĐTC Biển Đức 16 sẽ viếng Đền thờ Xanh là Đền thờ lớn nhất trong số hơn 500 Đền thờ của Hồi giáo tại thành phố Istanbul.

Hôm 26-11-2006, Cha Lombardi S.J nói rằng cuộc viếng thăm Đền thờ này sẽ diễn ra trong 30 phút vào chiều ngày 30-11-2006, sau cuộc viếng thăm của ĐTC tại Nhà Thờ thánh Sophia của Chính Thống giáo, nay là viện bảo tàng của Nhà Nước. Chương trình viếng thăm của ĐTC dầy đặc, nhưng cuộc viếng thăm tại Đền thờ Hồi giáo này cũng được coi như một dấu chỉ tôn trọng và quan tâm của ĐGH đối với Hồi giáo”.

Đền thờ Xanh được kiến thiết cách đây 400 năm, từ 1603 đến 1617, gần Nhà thờ Thánh Sophia, dưới thời vua Hồi giáo Ahmet I, và là một trong những đền đài đẹp nhất ở thành Istanbul.

Đây là lần thứ 2 một vị Giáo Hoàng thăm một Đền thờ Hồi giáo, sau cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô 2 ngày 6-5 năm 2001 tại Đền thờ Hồi giáo Omayyadi ở Damasco, thủ đô Siri.

Mặt khác, hôm chúa nhật 26-11-2006, đã diễn ra cuộc biểu tình tại khu vực Caglayan ở thành phố Istanbul do đảng nhỏ tên là Saadat, 'Hạnh Phúc', thuộc khuynh hướng quốc gia Hồi giáo cực đoan, phát động, để chống cuộc viếng thăm của ĐGH. Số người tham dự được ước lượng khoảng 20 ngàn người, mặc dù đảng này tuyên bố sẽ có 1 triệu người đến tham dự cuộc biểu tình.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Ông Abdullah Gul, tuyên bố rằng: ”Cuộc viếng thăm sắp tới của ĐGH tại nước này sẽ xóa bỏ những hiểu lầm giữa thế giới Hồi giáo và thế giới Kitô giáo”.

Sáng hôm 27-11-2006, Đức TGM Antonio Lucibello, Sứ Thần Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ, xác nhận rằng thủ tướng Thổ Tayyip Erdogan, sẽ gặp ĐTC tại phi trường Ankara, khi ngài tới đây lúc 1 giờ trưa 28-11-2006.
Cuộc gặp gỡ diễn ra tại Phòng Khánh Tiết phi trường và kéo dài 15 phút, trước khi ĐTC đến thăm lăng Ataturk, vị lập quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, thủ tướng Erdogan sẽ bay tới Riga, thủ đô Lettoni để tham dự cuộc họp thượng đỉnh của khối Nato.

Về phần Đức Cha Louis Pelâtre, gốc Pháp, đại diện Tông tòa tại Istanbul và Ankara, trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Il Giornale ở Italia hôm 27-11-2006, ngài cho biết các thành phần hồi giáo cực đoan và quốc gia quá khích chỉ là thiểu số tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đảng của họ chỉ được 1% trong cuộc bầu cử. Vì thế không có lý do gì đáng lo ngại. Người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ thường không có xu hướng cực đoan. Trào lưu Hồi giáo cực đoan được nhập khẩu từ những nước như Iran và Arập Sauđi. Đức Cha Pelâtre nhận định rằng: ”thủ tướng Erdogan đang chịu sức ép do cuộc bầu cử quốc hội sắp tới và do chính trị quốc nội. Giả sử cuộc viếng thăm của ĐGH diễn ra vào một thời điểm khác, xa cuộc bầu cử, thì cũng sẽ bớt được vấn đề. Dầu sao, chủ đích của ĐGH không phải là để viếng thăm một nước Hồi giáo, nhưng để gặp Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Chính Thống Constantinople. (Tổng hợp 27-11-2006)

G. Trần Đức Anh O.P








All the contents on this site are copyrighted ©.