2006-11-17 12:10:54

THIẾU NIÊN CAN ĐẢM VÀ HY VỌNG


Francois Albert là thiếu niên Canada. Như bao thiếu niên cùng tuổi, Francois rất thích chơi đùa, nghịch ngợm. Nhưng điểm nổi bật nơi Francois là nét tươi vui hy vọng, biểu lộ trong nụ cười và đôi mắt trong xanh ngời sáng của cậu. Thoạt nhìn, người ta có cảm tưởng cậu bé có sức khỏe bình thường. Nhưng thật ra không phải như vậy. Francois từng qua 3 cơn bệnh thập tử nhất sinh. Và kinh nghiệm này gia tăng Đức Tin nơi THIÊN CHÚA cũng như lòng vui sống, biết tận hưởng giây phút tốt đẹp trong cuộc đời.Francois đơn sơ nói lên chứng từ hy vọng.

Năm lên 5 tuổi, con bị ung thư nơi lợi răng. Cuộc chữa trị kéo dài đến 2, 3 năm trời. Đến năm 9 tuổi, con lại rơi vào chứng bệnh bạch huyết. Bệnh khiến con thường bị đau đầu và đôi mắt thì sưng phù lên. Để chữa trị người ta phải dùng đến hóa-liệu-pháp và quang-tuyến liệu-pháp. Đây là thời gian con đủ trí khôn để nhận thức tầm quan trọng của bệnh tình. Thêm vào đó, 2 lối chữa trị này thật cam go, mệt mỏi và đau đớn. Chưa hết, năm 12 tuổi, con lại bị đau xương sống và suýt phải ghép tủy xương sống. Nhưng rồi bác sĩ lại quyết định chữa trị bằng quang tuyến liệu pháp. Lần này, con bị rụng hết tóc.

Thiếu niên 12 tuổi bị trọc đầu, thật là ”vấn đề rất lớn” đối với con. Sự kiện con bị đau ốm liên miên, rồi bị trọc đầu khiến con cảm thấy mình không giống người khác. Rồi con lại sợ bị bạn bè chế nhạo nữa.

Và mấy đứa bạn tinh nghịch, chúng chế nhạo con thật. Nhưng con tìm cách chế ngự tình thế. Con giải thích cho các bạn biết tại sao con bị trọc đầu. Rồi khi nào các bạn chọc ghẹo vượt quá sức chịu đựng, con liền nói cho các bạn con hiểu. Con muốn cho các bạn coi con như đứa trẻ bình thường như mọi đứa trẻ bình thường khác.

May mắn thay, đa số các bạn rất tử tế với con. Nơi trường học, con được mọi người xem là ”người bạn đặc biệt”. Ai ai cũng sẵn sàng giúp đỡ con, từ thầy cô cho đến bạn bè.

Nơi gia đình, con được cha mẹ và anh chị em thương yêu, nâng đỡ. Ba Mẹ con đau khổ vì thấy con bệnh hoạn liên miên, nhất là Mẹ con. Tình yêu gia đình rất quan trọng đối với con, vì nhờ vậy mà con can đảm chấp nhận bệnh tật.

Cuộc đời con giống như người luôn đứng trước hai ngả đường: một đường chật hẹp và khó khăn, phải theo các lối chữa trị mệt nhọc và đau đớn; một đường dễ dãi, buông xuôi trước mọi khó khăn bệnh tật và không muốn theo một lối chữa trị nào hết. Nhưng con cương quyết chọn con đường khó, vì con muốn mình được khỏi bệnh, để có cuộc sống bình thường. Khi nào con cảm thấy sợ hãi và không muốn vào nhà thương, con bèn tự nhủ:

- Ráng chịu khó vài ngày, như vậy mình mới hy vọng sẽ được khỏi bệnh!

Để có đủ nghị lực thắng vượt khó khăn, con thường chỉ sống giây phút hiện tại. Chẳng hạn, mỗi lần xong một kỳ chữa trị và được ra khỏi nhà thương, con sung sướng trở lại gia đình, tận hưởng niềm vui sống nơi gia đình. Còn nếu như con lại nghĩ đến kỳ vào nhà thương sắp tới, hẳn là con vừa không có can đảm chấp nhận thử thách, vừa làm hỏng mất giây phút tươi vui hiện tại. Vì thế, con luôn luôn tìm cách tận hưởng những gì là tốt đẹp, là tươi vui. Con quên tất cả khó khăn con đã chịu, đã trải qua. Con thấy các bạn thường phung phí thời giờ và không biết lợi dụng các dịp tốt. Con thấy thế thật là uổng!

Con không dám tự kiêu tự đại, bởi vì, bất cứ thiếu niên nào ở vào tuổi con và gặp trường hợp con, cũng có thể thắng vượt khó khăn. Điều quan trọng là phải có ý chí thắng vượt khó khăn.

Sống ở trên đời, người nào cũng có vấn đề phải giải quyết, hoặc lớn, hoặc nhỏ. Vì thế cần đặt ra đích điểm, rồi kiên trì đạt cho được đích điểm đó.

Con thường cầu xin Chúa ban cho con ơn can đảm chịu đựng bệnh tật, và con thấy Chúa nhận lời con cầu xin. Mỗi tối trước khi ngủ, con đều cầu nguyện với Chúa. Gia đình cũng cầu nguyện cho con nữa. Con thường nghĩ đến Đức Chúa GIÊSU và đơn sơ nói với Chúa về những vấn đề con gặp trong ngày.

Con đang trên đường bình phục. Sự kiện này cho con thấy Chúa ban cho con ơn can đảm và phần con, con cũng đóng góp ý chí của mình nữa, đúng như câu ngạn ngữ:

- Bạn hãy tự giúp rồi Trời sẽ giúp bạn.

(”JE CROIS”, Juillet/1991, trang 24-29).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.