2006-11-15 16:17:40

Chúa Thánh Thần trong cuộc sống và căn cước của tín hữu Kitô


Chúa Thánh Thần là Đấng sống trong Kitô hữu và ảnh hưởng trên hoạt động và trên bản chất của họ. Người là sức mạnh nội tại khiến cho con tim của tín hữu hòa nhịp với con tim của Chúa Kitô và thúc đẩy họ yêu mến các anh chị em khác như Người đã yêu thương họ.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong bài huấn dụ nói trước hơn 20.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 15-11-2005. Mở đầu bài huấn dụ đại ý ngài nói:

”Anh chị em thân mến, tiếp tục các suy tư của chúng ta về thánh Phaolô Tông Đồ, giờ đây chúng ta tìm hiểu giáo huấn của thánh nhân về Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô không chỉ trình bầy Chúa Thánh Thần như là sức mạnh hướng dẫn Giáo Hội, mà người cũng nói về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của từng tín hữu Kitô nữa. Chúa Thánh Thần và Thần Khí của Chúa Phục Sinh, Thần Khí của Con Thiên Chúa được đổ tràn đầy tâm lòng chúng ta (Gl 4,6), qua đó chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa Cha trong Đức Kitô.

Như là Thần Khí của Thiên Chúa Cha và Chúa Con, Người giúp đỡ chúng ta trong các yếu hèn của chúng ta và liên lỉ bầu cử cho chúng ta trước Thiên Chúa Cha. Thần Khí cũng là Thần Khí của tình yêu (Rm 5,5). Người cho chúng ta được tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa; Người cho phép chúng ta yêu thương tha nhân với chính tình yêu của Chúa Kitô; Người củng cố các liên hệ hiệp thông của chúng ta với Giáo Hội. Sau cùng thánh Phaolô dậy chúng ta rằng Chúa Thánh Thần là bảo chứng cho gia tài chúng ta được hưởng trên trời (2 Cr 1,22; 5,5).

Trước đó Đức Thánh Cha đã nhắc lại rằng Kinh Thánh Cựu Ước chỉ coi Thánh Thần là ”Thần Khí của Thiên Chúa” và ngôn ngữ tân ước cũng tiếp tục kiểu gọi này (x. St 41,38; Xh 31,3; 1 Cr 2,11.12; Pl 3,3 ...). Kinh Thánh Cựu Ước cũng như Do thái giáo, các tài liệu Qumran và tài liệu rabbi, chỉ nói đến ”Thánh Thần” một cách chung chung (Is 63,10.11; Tv 51,13). Sách Tông đồ Công Vụ miêu tả Chúa Thánh Thần như là sự thúc đẩy dấn thân truyền giáo, và kể lại một loạt các chuyến đi truyền giáo của các Tông Đồ, trước hết tại Samaria, sau đó trên toàn nước Palestine rồi hướng về Siri.

Đặc biệt nhất là ba chuyến đi truyền giáo của thánh Phaolô. Nhưng trong các thư của mình thánh nhân không chỉ minh giải chiều kích năng động của Ngôi Ba Thiên Chúa, mà còn phân tích sự hiện diện của Người trong cuộc sống Kitô và trong căn cước của tín hữu nữa. Thật thế, thánh nhân khẳng định rằng Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta (Rm 8,9; 1 Cr 3,16); ”Thiên Chúa gửi Thần Khí Con của Người đến trong tâm lòng của chúng ta” (Gl 4,6), giải thoát chúng ta khỏi lề luật của tội lỗi và cái chết, khiến cho chúng ta trở thành dưỡng tử, được gọi Thiên Chúa là Cha và kêu lên Abba Cha ơi (Rm 8,2.15). Trước khi hoạt động, Kitô hữu đã có được nội tại giầu có phong phú đó qua bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức, sự nội tại ấy đặt để họ vào trong địa vị là con cái Thiên Chúa. Phẩm giá cao quý của chúng ta là ở chỗ đó: không chỉ là hình ảnh mà còn là con cái Thiên Chúa nữa!

Rồi Đức Thánh Cha nói về hiệu quả của chức làm con đó như sau:

Đây cũng là lời mời gọi chúng ta sống chức làm con và luôn ý thức hơn về chức vụ là dưỡng tử của mình trong gia đình của Thiên Chúa. Nó là một lời mời gọi chúng ta biến đổi ơn khách quan này trở thành một thực tại chủ quan, định đoạt đối với cung cách suy tư hành xử và sống của chúng ta. Thiên Chúa coi chúng ta là con Người, vì đã nâng chúng ta lên một phẩm giá cao trọng như thế, cả khi không bằng phẩm giá của chính Chúa Giêsu, là Con duy nhất đích thật trong nghĩa tràn đầy. Trong Chúa Giêsu, điều kiện là con và sự tự do tin tưởng trong tương quan với Thiên Chúa được trao ban trở lại cho chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định rằng việc tuyên xưng Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Kitô phục sinh là đặc thái của Kitô giáo. Và chính Chúa Kitô cũng trở thành ”Thần Khí trao ban sự sống” (1 Cr 15,45). Chính vì thế nên thánh Phaolô trực tiếp nói về ”Thần Khí của Chúa Kitô” (Rm 8,9), ”Thần Khí của Con” (Gl 4,6) và ”Thần Khí của Đức Giêsu Kitô” (Ph 1,19). Như thể thánh nhân muốn nói rằng không phải chỉ có thể thấy Thánh Thần trong Thiên Chúa Cha, mà Thần Khí của Thiên Chúa cũng được diễn tả trong cuộc sống và hoạt động của Chúa chịu đóng đanh và sống lại nữa!

Ngoài ra thánh Phaolô còn dậy cho chúng ta biết rằng không có lời cầu nguyện đích thực nào mà lại không có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, là Đấng hằng bầu cử cho chúng ta và hằng cầu thay nguyện giúp chúng ta (Rm 8,26-27). Qua đó thánh nhân như muốn nói rằng Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con từ nay là linh hồn của linh hồn chúng ta, là phần kín ẩn nhất nơi con người của chúng ta. Người đền bù cho những thiếu sót của chúng ta và dâng lên Thiên Chúa Cha sự thờ lậy của chúng ta cùng với các ước nguyện sâu thẳm nhất. Thực tại này mời gọi chúng ta chú ý tới sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và biến đổi sự hiện diện đó trở thành lời cầu nguyện, cảm nhận được sự hiện diện đó và tập cầu nguyện, nói chuyện với Thiên Chúa Cha như là con trong Chúa Thánh Thần.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ rằng: thánh Phaolô cũng cho chúng ta biết tương quan của Chúa Thánh Thần với tình yêu thương. ”Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Tôi đã viết trong thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu rằng: ”Chúa Thánh Thần là sức mạnh nội tại khiến cho con tim của tín hữu được hài hòa với con tim của Chúa Kitô và thúc đẩy nó yêu các anh chị em khác như Người đã yêu họ” (Deus caritas, 19). Thánh Thần đặt để chúng ta trong chính nhịp cuộc sống của Thiên Chúa, là cuộc sống yêu thương, khiến cho chúng ta được tham dự vào các tương quan giữa Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con. Vì thế thánh Phaolô mới liệt kê ra các hoa trái của Chúa Thánh Thần là tình yêu, niềm vui vv... Điều này có nghĩa là Chúa Thánh Thần là Đấng tạo ra sự kết hiệp trong cộng đoàn Kitô, như chúng ta chào nhau khi bắt đầu thánh lễ (2 Cr 13,13). Mặt khác Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta có các tương quan bác ái với tất cả mọi người khác. Như thế khi chúng ta yêu nhau là chúng ta dành chỗ cho Chúa Thánh Thần và cho phép Người tỏ lộ một cách tràn đầy. Như thế, thánh Phaolô dậy cho chúng ta biết rằng hoạt động của Chúa Thánh Thần hướng cuộc sống của chúng ta về các giá trị lớn lao của tình yêu, sự hiệp thông và niềm hy vọng.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.