2006-11-10 17:29:32

Việt Nam trên thương trường quốc tế: vai trò mới, trách nhiệm mới


Ngày mùng 7 tháng 11 vừa qua Việt Nam đã được gia nhập tổ chức Mậu Dịch Quốc Tế và là quốc gia thành viên thứ 150 của tổ chức này. Phát ngôn viên của tổ chức Mậu Dịch Quốc Tế tại Genève đã loan báo tin trên và cho biết là 149 nước thành viên đã đồng loạt chấp nhận cho Việt Nam gia nhập tổ chức. Lễ nghi ký kết hiệp ước gia nhập đã diễn ra tại trụ sở của tổ chức Mậu dịch Quốc Tế ở Genève, Thụy Sĩ giữa Ông Pascal Lamy Tổng Giám Đốc tổ chức và ông Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Thương Mại Việt Nam.

Thế là sau 12 năm nỗ lực thương thuyết Việt Nam đã đạt đích của mình. Nhưng tiến trình xin gia nhập tổ chức Mậu Dịch Quốc Tế đã bắt đầu cách đây 30 năm, và Việt Nam đã phải vất vả tham dự hơn 200 cuộc đàm phán cấp địa phương và song phương khác nhau để có được kết qủa hiện nay.

Thật ra, trong thời gian gần đây Việt Nam đã là quốc gia có mức phát triển kinh tế gia tăng mạnh nhất thế giới, với 8% trong năm 2005. Và cách đây vài tháng giới truyền thông Italia đã liên tục báo động sức cạnh tranh của hàng hóa đặc biệt là giầy da của Trung Quốc và Việt Nam trên thị trường âu châu. Giầy do Trung Quốc và Việt Nam chế, vừa đẹp vừa rẻ, đang cạnh tranh rất mạnh với giầy do Italia sản xuất. Sự cạnh tranh mạnh đến độ kỹ nghệ đóng giầy của Italia trong tương lai có nguy cơ sẽ phải sa thải 45.000 công nhân làm việc trong lãnh vực này.

Đà tiến này có thể là một cơ may rất lớn cho Việt Nam, mở màn cho một giai đoạn mới của sức phát triển kỹ nghệ thương mại của Việt Nam trên thương trường quốc tế và đặc biệt trong vùng Đông Nam Á. Khi đăng mẩu tin nhỏ này trên trang 23, số ra ngày mùng 8 tháng 11 vừa qua, nhật báo Tương Lai, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Đồng Giám Mục Italia, đề tựa: ”Thương Mại, Việt Nam vào tổ chức Mậu Dịch Quốc Tế. Con ”hổ á châu” sẽ là thành viên thứ 150”.

Tuy nhiên, được gia nhập tổ chức Mậu Dịch Quốc Tế mới chỉ là bước tiến đầu đáng vui mừng, nhưng các bước kế tiếp, từ nay trở đi, sẽ là những thách đố rất lớn đối với Việt Nam, như ông Ngô Quang Xuân, Đại Sứ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tại Genève, đã tuyên bố với đài BBC Luân Đôn.

Thật thế, để có thể là thành viên xuất sắc, đáng kính nể, xứng mặt ”con hổ á châu”, giờ đây nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ phải nghiêm chỉnh thực thi các bổn phận của mình và tuân hành các luật lệ của tổ chức Mậu Dịch Quốc Tế, chứ không phải muốn làm gì thì làm, hay muốn nói xuôi nói ngược, nói chầy nói cối, hoặc gian lận, lấp liếm thế nào cũng được. Nói cách khác, đức tính đầu tiên mà Việt Nam phải có trên thương trường quốc tế là sự liêm chính. Sự liêm chính này kéo theo rất nhiều hệ lụy đòi buộc phải có những cải tổ tận gồc rễ trên nhiều bình diện khác nhau.

Đứng trước sự cạnh tranh cam go của thị trường quốc tế, nếu không muốn ”sập tiệm”, thì trước hết phải mau chóng ”tống táng chính sách kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, ”làm láo báo cáo hay”, bao che phe nhóm, kéo bè kéo cánh, ỷ thế cậy quyền, và tất cả những dây mơ rễ má của nó đi. Trong số các dây mơ rễ má đó có nạn con ông cháu cha, tưởng thưởng chức tước điều hành các cơ quan và dịch vụ cho các đảng viên chỉ nhiều tuổi đảng, nhưng đầu đặc, dốt nát, không học thức và khả năng hiểu biết chuyên môn. Và ngay cả khi đó là lớp con cháu trẻ trung đi nữa, nhưng ăn chơi, đàng điếm, truy lạc, thì cũng phải loại bỏ. Vì với một lớp lãnh đạo như thế, quốc gia sẽ không bao giờ có thể tiến bộ và ngóc đầu lên được.

Tiếp đến để có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thương trường thế giới, cần đầu tư, trân trọng qúy chuộng và sử dụng chất xám của nhân dân toàn nước, cho việc phát triển đất nước trong mọi bình diện chính trị, kinh tế, nông nghiệp, xã hội, văn hóa và tôn giáo, mà không phân biệt, kỳ thị bất công. Bên cạnh đó cần có các luật lệ rõ ràng, công bằng, bảo đảm tự do, giúp phát triển các sáng kiến đầu tư, chứ không bóp nghẹt và triệt tiêu sinh hoạt thương mại.

Riêng đối với các công nhân viên mọi nghành, mọi cấp, cần qúy trọng, nâng đỡ, bênh vực họ tối đa, và bảo đảm cho họ có các quyền lợi phù hợp với nhân quyền, có đồng lương xứng đáng, có nhà ở và các dịch vụ an sinh cho gia đình họ, để họ an tâm dồn toàn khả năng và sức lực cho công việc làm, góp phần phát triển đất nước. Và bên cạnh đó cần thực sự bảo đảm quyền tự do tôn giáo để đáp ứng các nhu cầu tinh thần và tâm linh cho mọi người, làm sao để người dân thực sự ấm no hạnh phúc trong cuộc sống vật chất, tinh thần cũng như tâm linh.

Quả thật, biến cố bước vào thương trường quốc tế mở ra cho Việt Nam nhiều vai trò mới, nhiều trách nhiệm mới, đồng thời cũng là các thách đố mới. Để xem Việt Nam có xứng danh là ”con hổ á châu” thành viên thứ 150 của tổ chức Mậu Dịch Quốc Tế hay không.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.