2006-11-08 18:26:08

Kitô hữu là người sống đồng nhất với Chúa Giêsu Kitô



Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã định nghĩa căn tính của tín hữu kitô như trên trong bài huấn dụ nói với hơn 20.000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến chung sáng mùng 8-11-2006.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha tiếp tục suy tư về gương mặt của thánh Phaolô Tông Đồ. Đại ý ngài nói: ”Anh chị em thân mến, trong số các yếu tố chính của lịch sử đời tông đồ Phaolô, có cuộc găp gỡ của thánh nhân với Chúa Kitô trên đường đến thành Damasco; nó đã cách mạng cuộc sống của người. Chúa Kitô đã trở thành lẽ sống của thánh nhân và động lực sâu xa hướng dẫn toàn công tác tông đồ của người. Như thế chúng ta có thể tự hỏi: cuộc gặp gỡ của một con người với Chúa Kitô xảy ra như thế nào? Tương quan phát xuất từ cuộc gặp gỡ đó bao gồm điều gì? Trước hết Thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu gía trị nền tảng và không thể thay thế được của lòng tin. Trong thư gửi giáo đoàn Roma, thánh nhân viết: ”Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dậy” (Rm 3,28). ”Được công chính hóa” có nghĩa là được trở nên công chính nhờ ơn thánh của Thiên Chúa và bước vào trong sự hiệp thông với Người, để có thể thiệt lập một mối dây quan hệ đích thực hơn với tất cả mọi người, và điều đó dựa trên ơn tha thứ hoàn toàn mọi tội lỗi của chúng ta. Bổ túc cho diễn văn về lòng tin, thánh Phaolô định nghĩa căn tính kitô như là một bản vị trong Chúa Kitô, một sự tham dự cá nhân của tín hữu vào cuộc sống của Chúa Kitô cho đến chỗ chìm ngập trong Người và chia sẻ cái chết và sự sống của Người. Như thế cuộc sống của tín hữu có một chiều kích ”thần bí”: tín hữu kitô đồng nhất với Chúa Kitô và Chúa Kitô đồng nhất với họ.

Đề cập tới cuộc sống của thánh Phaolô trước khi có cuộc gặp gỡ đổi đời với Chúa Kitô ĐTC nói: Trước khi hoán cải Phaolô đã không phải là một người sống xa Thiên Chúa và Lề Luật của Chúa. Trái lại, ông đã là một người trung thành tuân giữ Luật Lệ đến trở thành cuồng tín. Nhưng dưới ánh sáng cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Phaolô hiểu rằng mình rằng đã tìm cách xây dựng chính mình, xây dựng sự công chính riêng của mình và đã chỉ sống cho chính mình. Ông hiểu rằng cần phải có một hướng đi mới tuyệt đối cho cuộc sống. Và hướng đi mới ấy chúng ta tìm thấy trong các lời thánh nhân viết trong thư gửi tín hữu Galát: ”Cuộc sống này mà tôi sống trong thịt xác tôi, tôi sống nó trong niềm tin vào vào con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Như thế Phaolô không sống cho chính mình và cho sự công chính của mình nữa. Người sống nhờ Chúa Kitô và với Chúa Kitô: bằng cách trao ban chính mình, chứ không phải kiếm tìm và xây dựng chính mình. Đó là sự công chính mới, là hướng đi mới mà Chúa Kitô trao ban cho chúng ta. Trước thập giá Chúa Kitô, diễn tả tột đinh sự tự hiến của Người, không ai có thể khoe khoang chính mình, và sự công chính do mình thực hiện và cho mình! Ở nơi khác thánh Phaolô lập lại tư tưởng của ngôn sứ Geremia khi viết: ”Ai có khoe khoang, thì khoe khoang trong Chúa” (1 Cr 1,31 + Gr 9,22 tt.), hay ”Phần tôi, tôi chẳng hãnh diện điều gì ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14).

Từ đó Đức Thánh Cha đã rút tỉa ra căn tính của cuộc sống kitô bao gồm hai yếu tố: sống lòng tin kitô là không tìm kiếm chính mình, nhưng nhận lãnh mình từ Chúa Kitô, và tự hiến với Chúa Kitô, và như thế tham dự vào cuộc sống của Chúa Kitô cho tới độ chìm ngập trong Người và chia sẻ cái chết và cuộc sống của Người. Đó là điều thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Roma: ”Chúng ta đã được thanh tẩy trong cái chết của Người... chúng ta đã được mai táng với Người... chúng ta đã được hoàn toàn hiệp nhất với Người... Cũng thế, anh chị em cũng hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 6,3.4.5.11). Thật vậy, đối với thánh Phaolô nói rằng tín hữu kitô là những người đã được rửa tội hay là những người tin thôi, thì chưa đủ; điều quan trọng là họ phải ”ở trong Chúa Kitô Giêsu” (x. Rm 8,1.2.39; 16,3.7.10; 1 Cr 1,2.3...). Khi khác thánh nhân đảo ngược các từ và viết rằng: ”Chúa Kitô ở trong chúng ta, ở trong anh chị em” (Rm 8,10.10; 2 Cr 13,5) hay ”ở trong tôi” Gl 2,20). Sự thấm nhập vào nhau giữa Chúa Kitô và tín hữu là đặc thái giáo huấn của thánh Phaolô. Nó bổ túc cho diễn văn của thánh nhân về lòng tin. Thật ra lòng tin kết hiệp chúng ta với Chúa nhưng vẫn nhấn mạnh sự khác biệt giữa chúng ta với Người. Nhưng theo thánh Phaolô cuộc sống kitô có chiều kích thần bí, trong nghĩa nó khiến cho tín hữu được đồng hóa với Chúa Kitô tới độ thánh Phaolo định tính các đau khổ của chúng ta như là ”các đau khổ của Chúa Kitộ trong chúng ta” (2 Cr 1,5), và như thế chúng ta ”luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng ta” (2 Cr 4,10).

Tất cả những điều này chúng ta phải noi gương thánh Phaolô đem vào trong cuộc sống thường ngày. Một đàng lòng tin phải duy trì chúng ta trong thái độ khiêm tốn trước Thiên Chúa; còn hơn thế nữa trong thái độ thờ lậy và chúc tụng Chúa... Không thần giả nào có thể làm ô nhiễm thế giới tinh thần của chúng ta, nếu không, thay vì được hưởng sự tự do, chúng ta sẽ lại rơi vào một hình thức nô lệ khác hổ nhục hơn. Đàng khác sự tùy thuộc triệt để vào Chúa và được ở trong Người phải trao ban cho chúng ta thái độ hoàn toàn tin tưởng và niềm vui vô bờ. Chúng ta phải kêu lên với thánh Phaolô: ”Nếu Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8,13)... ”Ai có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Rm 8,39). Như thế, cuộc sống kitô của chúng ta dựa trên đá tảng vững bền không thể tưởng tượng noi. Và từ đó chúng ta rút tỉa ra tất cả nghị lực của chúng ta, như thánh Tông Đồ viết: ”Nơi Chúa là Đấng ban sức mạnh cho tôi tôi chịu đươc hết” (Pl 4,13). Nhờ các tư tưởng này của thánh Phaolô trợ giúp, chúng ta hãy đương đầu với cuộc sống với các vui buồn và khổ đau của nó cho tới ngày chúng ta được gặp gỡ Chúa Kitô Thẩm Phán là Đấng cứu độ chúng ta và thế giới.

Đã có hơn 20.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung với ĐTC. Trong các nhóm quốc tế có nhóm các thừa sai dòng Don Bosco; các nữ tu Thánh Gia Bordeaux; các nữ tu Phan Sinh Thánh Tâm; các tham dự viên đại hội của Gia đình Mercedaria các tham dự viên đại hội giới trẻ liên tôn Assisi. Bên cạnh các đoàn hành hương tây âu có các nhóm đông âu như Ba Lan, Sloveni, Croat và cộng hòa Slovac. Từ châu Mỹ Latinh có đoàn hành hương Chile.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Slovac, Sloveni và Croat. Chào các đoàn hành hương Sslovac, Đức Thánh Cha nhắc đến Học viện hai thánh Cirillo và Metodio mừng kỷ niệm 25 năm được Đức Gioan Phaolo II viếng thăm. Ngài cầu chúc dịp này củng cố lòng trung thành của Học Viện đối với Người Kế Vị Thánh Phêrô. Chào các tín hữu Sloveni Đức Thánh Cha chúc mừng dòng các Nữ Tu Ảnh Đức Mẹ làm phép lạ nhân kỷ niệm 80 năm thành lập, và cầu chúc các nữ tu tiếp tục tươi vui phục vụ người bệnh và người nghèo túng.

Chào đông đảo các ban trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha cầu mong các bạn trẻ sống trung thành với Tin Mừng, người đau yếu biết phó dâng các khổ đau cho Chúa để góp phần cứu độ trần gian, và các cặp vợ chồng mới cưới biết để cho lòng tin hướng dẫn và lớn lên trong tình yêu hôn nhân. Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.