2006-10-30 11:50:12

TÍN HỮU CÔNG GIÁO TRONG XÃ HỘI VÔ THẦN


Tôi chào đời tại thủ đô La Habana khi đảng cộng sản Cuba lên nắm quyền được 5 năm. Lúc đó Fidel Castro đã trục xuất số đông các Linh Mục và bắt giam nhiều vị khác. Chỉ có số ít Linh Mục được hoạt động. Chưa hết, Fidel Castro còn bách hại các tín hữu Kitô.

Tại Cuba, nơi mỗi khu xóm đều có một người giữ nhiệm vụ canh chừng các người cùng khu. Đảng cộng sản muốn biết tất cả về mọi người: làm gì, học gì, hội họp gì và có tích cực tham gia các hoạt động của đảng hay không.. Người dân bình thường đã bị kiểm soát chặt chẽ rồi, huống chi là các tín hữu Kitô! Các tín hữu Kitô bị một màng lưới bao vây kỹ lưỡng hơn.

Chính trong bối cảnh đó mà tôi sinh ra và lớn lên. Cha mẹ tôi mặc dầu là Công Giáo, vẫn không dám rửa tội cho tôi, sợ rằng sẽ gặp liên lụy cho các vị và cho chính tôi sau này. Trong gia đình, không bao giờ dám đề cập đến vấn đề tôn giáo, sợ rằng con trẻ, khi đến trường sẽ đơn sơ nói hết cho mọi người nghe!!!

Thế nhưng tôi có thể quả quyết rằng, cuộc sống của chúng tôi mang nặng tâm tình tôn giáo. Chẳng hạn, khi bọn con nít chúng tôi than thở sao trên bàn có ít thức ăn quá thì bà tôi nói ngay:

- Đó là của ăn Chúa ban cho chúng ta ngày hôm nay. Như thế là tốt lắm rồi. Có những người còn nghèo đói hơn chúng ta nữa kìa!

Lời nói đơn sơ của Bà ghi sâu trong đầu óc nhỏ bé của chúng tôi, như những bài giảng giáo lý hùng hồn nhất.

Con đường theo đạo Công Giáo của tôi cũng giống bao bạn trẻ khác tại Cuba. Chúng tôi không được tham dự các lớp giáo lý. Phương tiện học giáo lý và tìm hiểu Kitô Giáo duy nhất của chúng tôi là cuốn Kinh Thánh! Riêng tôi, tôi thừa hưởng cuốn Kinh Thánh của Bà tôi. Và năm 17 tuổi, tôi tự ý xin Rửa Tội, gia nhập Giáo Hội Công Giáo, duy nhất, thánh thiện và tông truyền.

Nơi trường trung học, tôi gặp những người bạn mà ban đầu, tôi không biết họ là tín hữu Công Giáo.

Có điều lạ là nơi một nước cộng sản, rất dễ phân biệt và nhận ra các tín hữu Kitô. Chính thái độ, lối sống của họ minh chứng họ là tín hữu Công Giáo, những người được hồng phúc biết Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Đôi khi chỉ một cái nhìn cũng đủ nói cho chúng tôi biết người ấy là tín hữu Công Giáo! Thật là diệu kỳ:

- Trong xã hội cộng sản vô thần, bị ngăn cấm tuyên xưng công khai niềm tin Kitô của mình, thì lại được người khác dễ dàng nhận ra niềm tin kín ẩn ấy!

Trong khung cảnh học đường, một khi chúng tôi cảm nhận niềm tin của nhau, tức khắc nhóm bọn trẻ Kitô liền tụ họp với nhau. Chúng tôi chọn một thánh đường cũ kỹ nằm cách xa thủ đô, để kín đáo gặp nhau. Nơi nhà thờ này có vị Linh Mục ân cần tiếp đón chúng tôi. Thái độ niềm nỡ của Cha Sở thật quan trọng, vì chúng tôi cảm thấy an toàn và tin tưởng, xóa tan nỗi lo sợ triền miên: bị theo dõi và bị canh chừng!

Vị Linh Mục lắng nghe và giải đáp các thắc mắc của chúng tôi. Ngài giải thích các bản văn Kinh Thánh, không phải bằng danh từ thần học trừu tượng khó hiểu, nhưng bằng thí dụ cụ thể. Ngài nhấn mạnh với chúng tôi:

- Ngay cả khi chúng ta không có nhà thờ, chúng ta vẫn hiện hữu như là Giáo Hội!

Chính nhờ thế mà tôi khám phá ra thế nào là cộng đoàn, là tình hiệp thông trong Giáo Hội Công giáo..

Nhóm bạn trẻ Công Giáo Cuba xưa kia của tôi, giờ đây tản mác mỗi người một phương. Nhưng dù ở góc biển chân trời nào, chúng tôi vẫn cảm thấy gần gũi nhau trong cùng mối dây huynh đệ và niềm tin Kitô.

Tôi cảm nghiệm sâu xa thế nào là tự do thật, niềm tự do mà Kitô Giáo trao ban cho tôi. Niềm tự do này giúp tôi thực thi sự tha thứ, xây đắp lòng tin tưởng, hy vọng, tình huynh đệ, và sự hiệp thông.

Giáo Hội Công Giáo đối với tôi là cộng đoàn sống Phúc Âm, quy tụ chung quanh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Giáo Hội bẻ gãy sự riêng rẽ để tạo nên mối hiệp thông huynh đệ.

Trên đây là chứng từ của anh Alier Marrero. Từ năm 1993, anh tỵ nạn chính trị tại Canada. Anh rời Cuba vì không muốn chấp nhận bất công, chịu đựng sức đàn áp của nhà nước cộng sản vô thần trong thinh lặng. Anh nói to nói lớn cho mọi người nghe và hăng say hoạt động bênh vực nhân quyền. Do đó mạng sống anh lâm nguy. Anh bắt buộc phải rời bỏ quê hương. Ra đi nhưng anh vẫn mong có ngày trở lại phục vụ đất nước.

(”JE CROIS”, Février/1993, trang 24-28).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.