2006-10-25 15:36:05

Lấy Chúa Giêsu Kitô làm trung tâm cuộc sống


Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 25-10-2206 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khuyến khích mọi người noi gương thánh Phaolô Tông đồ, lấy Chúa Giêsu Kitô làm trung đâm điểm cuộc sống.

Đã có gần 40.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung tại quảng trường thánh Phêrô. Bên cạnh các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ, có các đoàn hành hương đến từ các nước Đông Âu như Ba Lan, Rumani, Lituani, Cộng Hòa Slovac, Cộng Hòa Tchèques, Sloveni và Croat. Từ Phi châu có các nhóm hành hương Nigeria, Nam Phi và Tanzania. Từ Á châu có các đoàn hành hương Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản. Từ châu Mỹ Latinh có các nhóm hành hương Mêhicô và Brasil.

Trong bài huấn dụ ĐTC bắt đầu trình bầy gương mặt của một số các nhân vật khác của Giáo Hội thời khai sinh, trước hết là thánh Phaolô. Đại ý ngài nói: ”Anh chị em thân mến, sau khi kết thúc việc giới thiệu 12 Tông Đồ, chúng ta khám phá ra các nhân vật quan trọng khác của Giáo Hội thời khai sinh, trong đó có nổi tiếng nhất là Phaolo thành Tarso. Trình thuật sách Tông Đồ Công Vụ và các thư của Phaolo vén mở cho chúng ta thấy con người và tư tưởng của một người Do thái sống tại nước ngoài, nhưng tới Giêrusalem để học Luật Môshê với rabbi Gamaliel. Cuộc gặp gỡ của ông với các môn đệ Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thật là định đoạt. Ban đầu Phaolô coi sứ điệp của các môn đệ Đức Giêsu là điều không thể chấp nhận được nên ông bách hại họ. Nhưng rồi ông bị Chúa Kitô nắm bắt trên đường đến thành Damasco, trở thành ”tông đồ do ý muốn của Thiên Chúa”, nên tận hiến mọi sức lực để phục vụ Chúa Kitô và Tin Mừng. Phaolô can đảm đương đầu với các khó khăn của công tác tông đồ, với ước muốn loan báo tin Mừng cho tới tận cùng Tây Phương. Dưới thời của hoàng đế Neron người sẽ đổ máu làm chứng cho Chúa tại Roma, là nơi chúng ta tôn kính hài cốt của người.

Thánh Phaolô dậy cho chúng ta biết điều quan trọng này: đó lấy Chúa Giêsu Kitô làm trung tâm cuộc sống của chúng ta, để cho Chúa ghi dấu toàn con người chúng ta. Thánh Tông Đồ cũng chia sẻ với chúng ta ước muốn loan báo cho mọi người không trừ ai Tin Mừng, tin vui ơn thánh hòa giải con người với Thiên Chúa, với chính mình và với các người khác”.

Trước đó Đức Thánh Cha đã truy tầm tông tích của thánh Phaolô dựa trên chính các bút tích của thánh nhân. Tên thật của thánh nhân là Saulo (Cv 7,58; 8,1), tiếng do thái là Saul (x. Cv 9,14.17; 22,7.13; 26,14) như vua Saul (x. Cv 13,21), người gốc thành Tarso, là thành phố nằm giữa vùng Anatolia và Siri, và thuộc cộng đoàn do thái hải ngoại. Thánh nhân cũng đã học một nghề chân tay là nghề làm lều (Cv 18,3), cho phép tự lực cánh sinh mà không trở thành gánh nặng cho các giáo đoàn (x. Cv 20,34; 1 Cr 4,12; 2 Cr 12,13-14).

Vì quyết tâm hiểu biết cộng đoàn những người tự xưng là môn đệ Đức Giêsu Saul biết đến một niềm tin mới, một con đường mới, không đặt Luật Lệ của Thiên Chúa vào trung tâm, cho bằng con người của Đức Giêsu chịu đóng đanh và phục sinh để trao ban ơn tha tội cho con người. Như là tín hữu do thái nhiệt thành Saul coi đó là sứ điệp không thể chấp nhận được, vì vậy ông cảm thấy có bổn phận bắt bớ các đồ đệ Đức Kitô cả ngoài Giêrusalem nữa. Nhưng chính trên đường đến thành Đamasco, ông bị Chúa Kitô chiếm đoạt (Pl 3,12). Thánh sử Luca kể lại chi tiết biến cố gặp gỡ đổi đời nòng cốt đó. Nhưng trong các thư của mình thánh Phaolô đi thẳng vào điểm nền tảng và không chỉ đề cập tới ”thị kiến” (x. 1 Cr 9,1), mà còn gọi nó là ”sự soi sáng” (x. 2 Cr 4,6) và nhất là “mạc khải và ơn gọi” trong cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh (x. Gl 1,15-16). Thật thế, thánh nhân tự định nghĩa mình là ”tông đồ do ơn gọi” (x. Rm 1,1; 1 Cr 1,1) hay ”tông đồ do ý muốn của Thiên Chúa” (2 Cr 1,1; Ep 1,1; Cl 1,1), như có ý nói rằng sự hoán cải của mình không phải là kết qủa của một sự phát triển tư tưởng, suy tư, mà là hoa trái sự can thiệp của Thiên Chúa, của ơn thánh không thấy trước được. Cũng kể từ đó những gì trước kia là giá trị, thì nay trở thành rác rưởi (Pl 3,7-10), và thánh nhân dành trọn sức lực để chỉ phục vụ Chúa Giêsu và Tin Mừng của Chúa. Toàn cuộc sống của thánh nhân trở thành cuộc sống của một Tông Đồ ước mong trở thành ”tất cả cho mọi người” (1 Cr 9,22).

Từ đó phát xuất một bài học rất quan trọng: điều hệ trọng là đặt để Chúa Giêsu Kitô vào trung tâm cuộc sống làm sao để căn tính của chúng ta mang đậm dấu vết cuộc gặp gỡ và sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Kitô và Lời Người. Dưới ánh sáng lời Chúa mọi giá trị được phục hồi và thanh tẩy khỏi mọi vấy bẩn. Thánh Phaolô còn cho chúng ta một bài học khác nữa đó là hơi thở đại đồng trong công tác tông đồ của người. Thánh nhân cảm thấy một cách bén nhậy vấn đề dân ngoại đến với Thiên Chúa, là Đấng cống hiến ơn cứu độ cho tất cả mọi người không trừ ai, nơi Chúa Giêsu Kitô bị đóng đanh và phục sinh. Vì thế thánh nhân tận hiến cho việc loan báo Tin Mừng cứu độ đại đồng này.... Điểm khởi hành của người đã là Giáo đoàn Antiokia bên Siri, nơi lần đầu tiên Tin Mừng được loan báo cho anh chị em Hy lạp, và cũng là nơi lần đầu tiên tín hữu được gọi là kitô hữu (x. Cv 11,20.26). Từ đó thánh Phaolô đi đảo Chypre rồi trở lại vùng Tiểu Á là Pisidia, Licaonia, Galazia, rồi các vùng Âu châu là Macedonia và Hy Lạp. Nổi bật là các thành phố Ephêxô, Philiphê, Thêxalonica, Corinto, mà không quên Berea, Athènes và Mileto.

Trong cuộc đời tông đồ của thánh Phaolô đã không thiếu các khó khăn, mà thánh nhân can đảm đương đầu vì tình yêu đối với Chúa Kitô. Chính người đã nhắc lại là đã chịu mệt nhọc, tù đầy, đánh đập, nguy hiểm suýt chết... ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tầu, nhiều hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em, vất vả mệt nhọc, đói khát nhịn ăn nhịn uống và rét mướt trần truồng, ngoài ra còn phải hằng ngày ray rứt vì bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh” (2 Cr 11,23-28). Thư gửi tín hữu Roma cho chúng ta biết thánh nhân muốn sang truyền giáo bên Tây Ban Nha, nghĩa là cho tới tận cùng Phương Tây, biên giới được biết tới thời đó (Rm 15,24.28). Người thật là một tông đồ tầm cỡ đáng ca ngợi. Lý do khiến cho thánh nhân có thể đương đầu với tất cả mọi khó khăn vượt mức đó là Chúa Giêsu Kitô : ”Tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng tôi... để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5,14-15), vì chúng ta, vì tất cả mọi người.

Và thánh Tông Đồ đã lấy máu làm chứng cho tình yêu đó dưới thời hoàng đế Neron tại Roma này, nơi chúng ta còn giữ và tôn kính hài cốt của người... Xin Chúa giúp chúng ta thực hành lời khuyên nhủ thánh Tông Đồ để lại trong các thư của người: ”Anh chị em hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước Chúa Kitô” (1 Cr 11,1).

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Sloveni. Tchèques, Croat, Slovac và Ý. Ngài xin thánh Phaolô giúp mọi người tái khám phá ra niềm vui của việc bước theo Chúa Kitô. Ngài cũng cầu mong chuyến viếng thăm mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô củng cố lòng tin của họ nơi Chúa và lòng trung thành với Giáo Hội.

Chào đông đảo các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm thứ ba vừa qua Giáo Hội kính nhớ thánh GM Maria Claret, là người đã dấn thân hoạt động để cứu rỗi các linh hồn. Đức Thánh Cha xin thánh nhân giúp các bạn trẻ trung thành với Chúa Kitô trong cuộc sống mỗi ngày. Ngài xin thánh Maria Claret giúp các người đau yếu luôn can đảm theo Chúa Giêsu trên con đường thử thách và khổ đau, cũng như trợ lực các cặp vợ chồng mới cưới biến gia đình trở thành nơi găp gỡ Thiên Chúa và tha nhân. Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thanh.

LTK







All the contents on this site are copyrighted ©.