2006-10-19 16:46:52

ĐỨC THÁNH CHA VIẾNG THĂM GIÁO PHẬN VERONA


VERONA. Hôm 19-10-2006, ĐTC Biển Đức 16 đã đến viếng thăm Giáo Phận Verona bắc Italia, nhân dịp Đại hội Công Giáo toàn quốc Italia lần thứ 4 tiến hành tại đây từ chiều ngày 16 đến 20-10-2006 với chủ đề “Chứng nhân của Chúa Giêsu Phục Sinh, niềm hy vọng của thế giới”.

Tham dự Đại hội có 2.700 người gồm các GM, các đại biểu của 228 giáo phận toàn nước Italia, các chuyên gia, thừa sai và tu sĩ nam nữ. Cũng có 70 đại biểu của các cộng đoàn tín hữu Italia ở nước ngoài. Đại hội Công Giáo toàn quốc Italia nhóm họp trung bình cứ 10 năm một lần. Mỗi Đại hội đều đề nghị những hướng đi cho Giáo Hội tại Italia trong vòng 10 năm kế tiếp.

Tại Hội trường của Đại hội ở khu vực Hội chợ Verona, lúc quá 10 giờ rưỡi, ĐTC đã ngỏ lời với các đại biểu trong hơn 1 tiếng đồng hồ. Ngài ghi nhận Italia cũng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa thịnh hành ở Tây phương muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống công cộng, nhưng Italia cũng là một lãnh thổ thuận tiện cho việc làm chứng tá Tin Mừng, với những tiềm năng rất lớn lao.

ĐTC đặc biệt đề cao vai trò của giáo dân, trong các lãnh vực của đời sống xã hội, từ gia đình tới công sở, học đường, chính trị. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng Giáo Hội không phải và không muốn là một tác nhân chính trị.
Bài huấn từ dài 20 trang của ĐTC đã bị ngắt quãng nhiều lần vì các tràng pháo tay hưởng ứng.
Lúc 3 giờ rưỡi chiều, ĐTC đã đến viếng thăm giếng rửa tội và Nhà thờ chính tòa địa phương, trước khi đến sân vận động Bentegodi để cử hành thánh lễ vào lúc quá 4 giờ chiều. Trong số 70 ngàn tín hữu hiện diện, cũng có chính quyền trung ương và địa phương, đặc biệt là thủ tướng Romano Prodi.

Đồng tế với ĐTC còn có 220 GM và các 1400 LM tham dự Đại hội cũng như nhiều LM của giáo phận Verona sở tại và các giáo phận.

Trong bài giảng, ĐTC quảng diễn sứ mạng của các tín hữu Kitô là trở thành chứng nhân của Chúa Kitô phục sinh. Ngài đặt câu hỏi: ”Đức tin của chúng ta ra sao? Chúng ta có thể thông truyền niềm tin ấy ngày nay tới mức độ nào? Niềm xác tín Chúa Kitô đã sống lại bảo đảm cho chúng ta rằng không một quyền lực đối nghịch nào có thể phá hủy Giáo Hội. Chúng ta cũng được phấn khởi với xác tín rằng chỉ có Chúa Kitô mới có thể hoàn toàn thỏa mãn những khát vọng sâu xa nhất trong tâm hồn con người và trả lời cho những vấn nạn âu lo nhất về đau khổ, bất công, sự ác, sự chết và đời sau. Vì thế, đức tin của chúng ta có nền tảng vững chắc, nhưng chúng ta cần làm sao để đức tin này trở thành sự sống trong mỗi người chúng ta. Vì thế, cần phải nỗ lực hoạt động để mỗi tín hữu Kitô được biến thành những chứng nhân có khả năng và sẵn sàng lãnh nhận trách nhiệm làm chứng cho mọi người về lý lẽ tại sao mình hi vọng (cf 1 Pt 3,15). Vì thế, cần tái mạnh mẽ loan truyền biến cố Chúa chịu chết và sống lại, trọng tâm của Kitô giáo, nền tảng đức tin của chúng ta và là sức mạnh nâng đỡ xác tín của chúng ta”.

ĐTC cũng bày tỏ xác tín: ”Các tín hữu Kitô cũng có thể mang lại cho thế giới hy vọng, vì họ thuộc về Chúa Kitô và về Thiên Chúa, theo mức độ họ cùng với Ngài chết đi cho tội lỗi và sống lại với người trong cuộc sống mới, cuộc sống yêu thương, tha thứ, phục vụ và bất bạo động. Như thánh Augustino đã nói: ”Bạn đã tin, bạn đã được chịu phép rửa: cuộc sống cũ đã chết đi, đã bị giết chết trên thập giá, bị an táng trong phép rửa. Đời sống cũ đã bị chôn táng, trước kia bạn đã sống trong sự cũ kỹ ấy: nay hãy sống lại cho đời sống mới” (Sermone Guelf IX in Pellegrino). Các tín hữu Kitô chỉ có thể là niềm hy vọng trong thế giới và cho thế giới, nếu họ không thuộc về thế giới này, như Chúa Kitô”.

Và ĐTC kết luận với lời cầu chúc các tín hữu Kitô, nhân danh Chúa Kitô hãy mang cho mọi người lời loan báo sự hoán cải và tha thứ mọi tội lỗi, làm chứng trước tiên về một cuộc sống hoán cải và được tha thứ.
Sau thánh lễ, ĐTC đã chào thăm thủ tướng Prodi trước khi đáp máy bay trở về Roma vào ban tối cùng ngày.

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.