2006-10-11 14:26:17

Chúa Giêsu là nguyên lý của sự hiệp nhất trong Giáo Hội



Đức Thánb Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ tư 11-10-2006 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã trình bầy chân dung của hai tông đồ Simon Người Cana và Giuđa Tadeo, khác với Giuđa Israriot. Hai vị được duyệt xét chung với nhau không phải vì tên các vị ở gần nhau trong danh sách Mười Hai Tông Đồ (x. Mt 10,4; Mc 3,18; Lc 6,15; Cv 1,13), nhưng bởi vì các tin tức liên quan tới hai vị không nhiều lắm, ngoại trừ sự kiện danh sách Tân Ước còn giữ được một bức thư được gán cho tông đồ Giuđa.

Đức Thánh Cha giải thích tên gọi của tông đồ Simon ”cananeo” như sau: “Simon nhận được một hình dung từ thay đổi trong 4 danh sách: trong khi thánh sử Mátthêu và Mạccô định tính thánh nhân là ”cananeo”, thì thánh Luca định nghĩa người là ”kẻ nhiệt thành”. Thật ra cả hai định tính cũng giống nhau, vì đều ám chỉ một điều. Trong tiếng do thái động từ ”qanà'” có nghĩa là ”ghen tương, đam mê” và có thể nói về Thiên Chúa trong nghĩa Người đam mê nên ghen tương với dân được tuyển chọn (x. Xh 20,5), cũng như về con người hăng say phục vụ Thiên Chúa duy nhất với sự tận hiến hoàn toàn, như ngôn sứ Elia (x. 1 V 19,10). Như vậy có thể là tông đồ Simon, nếu không thuộc phong trào ái quốc của những người Dêlốt, thì ít nhất cũng là người có lòng hăng say đối với căn tính do thái, và như vậy là đối với Thiên Chúa, dân Người và Lề Luật của Chúa. Nếu quả đúng như thế, thì Simon đối nghịch với Mátthêu là người thu thuế có sinh hoạt bị coi là ô uế. Đó là dấu chỉ tỏ tường cho thấy Chúa Giêsu lựa chọn các môn đệ và cộng sự viên của Người từ các giai tầng xã hội và tôn giáo khác nhau, không loại trừ ai. Chúa Giêsu chỉ chú ý tới con người, chứ không chú ý tới các giai tầng xã hội hay các nhãn hiệu!”
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC khẳng định rằng: ” Điều hay đẹp đó là trong nhóm các người theo Chúa, tất cả đều khác nhau nhưng chung sống với nhau, vượt thắng các khó khăn không thể tưởng tượng được. Chính Chúa Giêsu là lý do của sự gắn bó, trong đó mọi người đều hiệp nhất. Đây là một bài học cho chúng ta, là những người thường có khuynh hướng nhấn mạnh các khác biệt và cả chống đối nữa, mà quên rằng nơi Chúa Giêsu Kitô chúng ta có được sức mạnh để giải quyết các xung khắc của chúng ta.

Liên quan tới thánh Giuđa Taddeo, được truyền thống gọi như vậy vì nối liền hai tên khác nhau. Thật vậy, trong khi thánh sử Mátthêu và Mạccô gọi người một cách đơn sơ là ”Taddeo” (Mt 10,3; Mc 3,18), thì thánh sử Luca gọi người là ”Giuđa của Giacobe” (Lc 6,16; Cv 1,13). Biệt danh ”Taddeo” có nguồn gốc không chắc chắn và được giải thích là phát xuất từ tiếng Aramây ”taddà” có nghĩa là ”ngực” và như thế có nghĩa là ”cao thượng”, hay là hình thái rút gọn của một tên tiếng hy lạp như ”Teodòro, Teòdoto”. Chúng ta có ít tin tức về người. Chỉ có thánh Gioan ghi nhận lời thánh nhân hỏi Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: ”Ông Giuđa, không phải Giuđa Iscariot, nói với Đức Giêsu: ”thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?”. Và Đức Giêsu đáp: ”Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,22-23). Câu trả lời gián tiếp của Chúa Giêsu khẳng định một sự thật rất quan trọng: sự tỏ mình hoàn toàn của Chúa Giêsu cho các môn đệ Người không phải ngoại tại mà là nội tại; Nó bị điều kiện hóa bởi tình yêu mến của người môn đệ đối với Chúa Giêsu, một tình yêu mến không chỉ có tính cách tình cảm mà còn có tính cách hữu hiệu, làm nảy sinh ra sự ngoan ngoãn đối với lời của Chúa Giêsu, và như thế khiến cho người môn đệ đẹp lòng Thiên Chúa Cha. Vì vậy Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu đến ở trong người môn đệ”

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: ”Trong qúa khứ người ta gán cho thánh Giuđa Taddeo là tác giả một trong các thư của Tân Ước gọi là ”các thư công giáo”, trong nghĩa chúng được gửi tới cho một đọc giả rất rộng rãi. Thật ra thư đó được gửi tới cho ”những người được kêu gọi, những người được Thiên Chúa là Cha yêu mến và được dành riêng cho Đức Kitô” (c.1). Nỗi âu lo chính của thư là cảnh giác các tín hữu kitô đề phòng những người viện cớ ơn thánh của Thiên Chúa để sống buông thả và lôi kéo các anh chị em khác với các giáo huấn sai lạc không thể chấp nhận được, gây ra các chia rẽ trong Giáo Hội, dưới sự thúc đẩy của các giấc mộng của họ” (c. 8). Tông đồ Giuđa còn so sánh họ với các thiên thần sa ngã và với các từ mạnh mẽ nói rằng ”họ đi theo con đường của Cain” (c. 11). Ngoài ra thánh nhân lại gọi họ là ”mây không có nước bị gió cuốn đi hay cây cuối mùa không có trái, chết hai lần và bị nhổ tận rễ; họ như sóng biển hung dữ tung bọt là các hành vi bỉ ổi; như những vì sao lạc, u ám tối tăm là nơi dành cho họ muôn đời” (cc. 12-13). Còn hơn thế nữa, thánh nhân nói tới các kẻ ”gian ác” (v.4), ”hay lẩm bẩm phàn nàn” (c.16), ”lừa đảo... không có Thần Khí” (c. 19).

Ngày nay có lẽ chúng ta không quen dùng một thứ ngôn ngữ có tính cách tranh luận như vậy, mặc dù dưới các hình ảnh đẹp chúng vẫn diễn tả rất rõ ràng những điều khác biệt của Kitô giáo, cũng như những gì không thích hợp với Kitô giáo. Và ĐTC khẳng định như sau: ”Con đường khoan hòa và đối thoại mà Công Đồng Chung Vaticăng II đã bắt đầu, phải được tiếp tục với sự kiên trì. Nhưng nó không được khiến cho chúng ta quên đi bổn phận suy tư trở lại và luôn mạnh mẽ nêu rõ các đường nét chính yếu và không thể khước từ được trong căn tính kitô của chúng ta. Đàng khác, cần phải luôn nhớ rằng căn tính của chúng ta không ở trên bình diện đơn thuần văn hóa hay bề ngoài, mà nó đòi hỏi sự mạnh mẽ, rõ ràng và lòng can đảm đến khiêu khích là những đặc thái của lòng tin. Vì thế thư thánh Giuđa tiếp tục như sau: ”Nhưng hỡi anh em thân mến, hãy xây dựng căn nhà tinh thần trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em, hãy cầu nguyện nhờ Thánh Thần, hãy cố gắng sống mãi trong tình yêu của Thiên Chúa, chờ đợi lòng xót thương của Chúa Giêsu Chúa chúng ta, để được sống đời đời: hãy thuyết phục những người đang chao đảo... ”(cc. 20-22). Và bức thư kết thúc với các lời rất hay đẹp này: ”Xin kính dâng Đấng có quyền phép gìn giữ anh em khỏi sa ngã và cho anh em đứng vững, tinh tuyền, trước vinh quang của Người, trong niềm hoan lạc, xin kính dâng Thiên Chúa duy nhất, Đấng Cứu Độ chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, kính dâng Người vinh quang, oai phong, sức mạnh và quyền năng, trước mọi thời, bây giờ và cho đến muôn đời. Amen” (cc.24-25).

Chúng ta thấy rõ là tác giả các dòng này sống tràn đầy lòng tin của mình, bao gồm các thực tại như sự vẹn toàn luân lý và niềm vui, sự tin tưởng và sau cùng là lời chúc tụng, tất cả chỉ được động viên bởi lòng lành của Thiên Chúa duy nhất và bởi lòng từ bi của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Vì vậy Simon ”cananeo” cũng như Giuda Tadeo giúp chúng ta luôn tái khám phá ra sự mới mẻ, và không mỏi mệt sống vẻ đẹp của lòng tin kitô và làm chứng cho lòng tin đó một cách mạnh mẽ và an bình thanh thản.

Đa số trong 40.000 tín hữu đến từ Đức và Italia. Từ Đông Âu có các đoàn hành hương Ba Lan và Croat. Từ Á châu có nhóm hành hương Đài Nam thuộc Đài Loan. Từ châu Mỹ Latinh có các nhóm Mêhicô, El Salvador, Guatemala, và Argentina. Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trước khi cất Kinh Lậy Cha và ban Phép lành tòa thánh cho mọi

LTK







All the contents on this site are copyrighted ©.