2006-10-04 14:16:29

Tin là tìm sống kinh nghiệm gặp gỡ đối thoại thân tình với Chúa Giêsu



Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 4-10-2006 tai quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã suy tư về gương mặt của thánh Bartolomeo Tông Đồ. Ngài nói: trong các danh sách cũ của các Tông Đồ, thánh Bartolomeo luôn đứng trước thánh Mátthêu, trong khi vị đi trước có thể là Philiphê (x. Mt 10,3; Mc 3,18; Lc 6,14) hay Tomaso (X. Cv 1,13). Tên thánh nhân tham chiếu một cách rõ ràng tên của thân phụ và là tiếng Aramay: vì Bar Talmay có nghĩa là ”Con của Talmay”.

Chúng ta không có nhiều tin tức quan trọng liên quan tới thánh Bartolomeo, vì tên của người chỉ tìm thấy trong danh sách các Tông Đồ và không bao giờ là trung tâm của một trình thuật nào. Tuy nhiên theo truyền thống, thánh nhân được đồng hóa với Nathanael và tên gọi này có nghĩa là ”Thiên Chúa cho”. Nathanael xuất thân từ Cana (x. Ga 21,2) và vì thế có thể đã chứng kiến ”dấu chỉ” lớn lao hóa nước thành rượu do Chúa Giêsu làm tại đây (x. Ga 2,1-11). Và Đức Thánh Cha giải thích sự đồng hóa giữa hai nhân vật Bartolomeo và Nathanael như sau: ”Việc đồng hóa hai nhân vật có lẽ phát xuất từ sự kiện trong trình thuật ơn gọi theo Phúc Âm thánh Gioan, Nathanael được đặt cạnh Philiphê, nghĩa là chỗ mà Bartolomeo vẫn có trong danh sách các Tông Đồ như kể trong các Phúc Âm khác. Philiphê đã cho Nathanael biết là mình đã tìm thấy ”Đấng mà Môshê đã viết trong Luật Lệ và và các ngôn sứ đã nói tới: đó là Đức Giêsu, con ông Giuse, từ thành Nagiarét” Ga 1,45).

Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng: ”Như chúng ta biết Nathanael đã trả lời bằng một thành kiến nặng nề: ”Từ Nagiarét có thể có được điều gì tốt lành bao giờ đâu?” (Ga 1,46). Kiểu phản đối này có tầm quan trọng đối với chúng ta. Nó cho thấy, theo các chờ mong của người do thái, Đấng Cứu Thế không thể xuất thân từ một làng tối tăm như Nagiaret (x. Ga 7,42). Nhưng đồng thời, nó cũng nhấn mạnh trên sự tự do của Thiên Chúa là Đấng gây kinh ngạc cho các chờ đợi của chúng ta, bằng cách làm cho chúng ta thấy mình ở những nơi đâu chúng ta không ngờ tới. Mặt khác chúng ta biết rằng Chúa Giêsu không giáng sinh tại Nagiarét, mà Người đã sinh ra tại Bếlêhem (x. Mt 2,1; Lc 2,4). Vì thế phản bác của Nathanael vô giá trị, vì dựa trên một thông tin không đầy đủ, như thường xảy ra.

Câu chuyện của Nathanael gợi lên cho chúng ta một suy tư khác nữa: đó là trong tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu chúng ta không được bằng lòng với các lời nói. Trong câu trả lời cho Nathanael Philiphê đưa ra một lời mời gọi ý nghĩa: ”Hãy đến mà xem” (Ga 1,46b). Nhất là sự hiểu biết Chúa Giêsu của chúng ta cần đến một kinh nghiệm sống động: chứng tá của người khác chắc chắn là quan trọng, vì toàn cuộc sống kitô bắt đầu với lời loan báo của một người hay nhiều nhân chứng. Nhưng rồi chính chúng ta phải liên lụy một cách cá nhân trong một tương quan thân tình sâu đậm với Chúa Giêsu. Cũng thế, sau khi nghe chứng tá của người phụ nữ mà Chúa Giêsu đã gặp bên bờ giếng Giacóp, các người dân thành Samaria nuốn trực tiếp nói chuyện với Chúa và sau cuộc đối thoại ấy, họ nói với chị ta: ”Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Qủa thật chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4,42).

Trở lại cảnh ơn gọi, thánh sử Gioan kể rằng, khi Chúa Giêsu thấy Nathanael tới gần thì Người nói: ”Đây thật là một người Do thái lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1,47). Đây là một lời khen ngợi trích từ thánh vịnh 32: ”Hạnh phúc thay người lòng trí chẳng chút gian tà” (Tv 32,2), nhưng khiến cho Nathanael ngạc nhiên trả lời: ”Làm sao Ngài lại biết tôi?” (Ga 1,48). Không thể hiểu được tức khắc câu trả lời của Chúa Giêsu. Người nói: ”Trước khi Philiphê gọi anh, Ta đã thấy anh dưới cây vả” (Ga 1,48b). Kể cả cho tới nay nữa cũng khó mà hiểu được các lời cuối cùng này của Chúa Giêsu. Theo các nhà chuyên môn, có thể là vì các tiến sĩ Luật hay ngồi đọc Kinh Thánh hay dậy Kinh Thánh đưới cây vả, nên Nathanael cũng đang làm như thế khi được kêu gọi chăng. Dầu sao đi nữa, điều quan trọng nhất trong trình thuật của thánh Gioan đó là lời tuyện xưng lòng tin tinh tuyền của ông: ”Rabbi, Thầy là Con Thiên Chúa. Thầy là Vua Israel” (Ga 1,49). Tuy không được sâu đậm như lời tuyên xưng của tông đồ Toma, kết thúc Phúc Âm thánh Gioan: ”Lậy Chúa của con và Thiên Chúa của con” (Ga 20,28), nhưng lời tuyên xưng của Nathanael có nhiệm vụ dẫn mở toàn Phúc Âm thứ tư. Nó chứa đựng bước quan trọng đầu tiên trong lộ trình tin nhận Chúa Giêsu. Các lời của Nathanael đưa ra ánh sáng một khía cạnh hai mặt, bổ túc cho căn cước của Chúa Giêsu: Người được nhận biết trong tương quan đặc biệt của Người với Thiên Chúa Cha, mà Người là Con một, và trong tương quan của Người với dân Israel, mà Người được tuyên bố là Vua, là định tính của Đấng Cứu Thế Israel trông đợi”. Và ĐTC cảnh giác tầm quan trọng của hai chiều kích này như sau: ”Chúng ta không bao giờ được đánh mất đi một trong hai nhân tố này, bởi vì nếu chúng ta chỉ công bố chiều kích thiên quốc, thì có nguy cơ khiến cho Người trở thành một nhân vật xa vắng mờ nhạt, và trái lại, nếu chúng ta chỉ thừa nhận chiều kích cụ thể của Người trong lịch sử, thì rốt cuộc chúng ta sẽ bỏ quên chiều kích thiên linh định tính cho Người”.

Kết luận bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: ”Chúng ta không có các tin tức chính xác liên quan tới sinh hoạt sau đó của tông đồ Bartolomeo Nathanael. Theo tin tức, do sử gia Eusebio sống vào thế kỷ thứ IV thuật lại, một ông Panteno nào đó đã tìm thấy các dấu tích sự hiện diện của tông đồ Bartolomeo bên Ấn Độ (x. Hist. eccl. V,10,3). Trong truyền thống sau này, bắt đầu từ thời Trung Cổ, người ta kể lại rằng thánh nhân bị lột da và truyền thuyết cuộc tử đạo này đã rất được dân chúng biết đến. Chúng ta nghĩ đến cảnh Phán xét cuối cùng trong nhà nguyện Sistina, trong đó nhà danh họa Michelangelo vẽ hình thánh Bartolomeo tay trái cầm da của chính mình, trên đó Michelangelo để lại chân dung của ông. Các thánh tích của thánh Bartolomeo được tôn kính trong nhà thờ dâng kính Người trên đảo giữa sông Tevere. Di hài của thánh nhân đã do hoàng đế Ottone III đem tới đây năm 983. Kết luận chúng ta có thể nói rằng gương mặt của thánh Bartolomeo, tuy ít có tin tức, nhưng vẫn hiện diện trước mặt chúng ta để nói với chúng ta rằng việc tin nhận Chúa Giêsu có thể được sống và làm chứng, mà không có các công trình ngoạn mục nào cả. Việc ngoại thường: đó là chính Chúa Giêsu mà mỗi người trong chúng ta được mời gọi tin nhận và thánh hiến sự sống và cái chết của mình cho Người.

Tuy trời Roma nhiều mây và mưa lác đác, sáng thứ tư hôm qua cũng đã có gần 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung của ĐTC Biển Đức tại quảng trường thánh Phêrô. Đa số các đoàn hành hương tham dự buổi tiếp kiến đến từ nhiều giáo phận Italia và Đức. Từ Đông Âu có các đoàn hành hương Ba Lan, Croat, Hungari và Ucraine. Từ Á châu có các đoàn hành hương Ấn Độ và Nhật Bản. Từ Mỹ châu Latinh có các đoàn hành hương Mehico và Brasl. Đến xa nhất là nhóm hành hương Australia.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm hiện diện trong đó có các LM sinh viên hai trường thánh Phêrô và thánh Phaolô và các giáo lý viên trường Đức Maria Mẹ Giáo Hội, thuộc Bộ Truyền Giáo.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh.

LTK







All the contents on this site are copyrighted ©.