2006-09-27 18:29:25

HUẤN DỤ CỦA ĐỨC THÁNH CHA VỀ THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ


VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 40 ngàn tín hữu hành hương sáng 27-9-2006, ĐTC Biển Đức 16 đã nêu cao tấm gương của thánh Tôma Tông Đồ đối với đời sống của các tín hữu.

ĐTC Biển Đức 16 đã đáp trực thăng từ Castel Gandolfo về Vatican. Đây là lần cuối cùng trong năm nay, ngài phải di chuyển từ Castel Gandolfo về đây để chủ tọa buổi tiếp kiến. Hiện diện tại buổi tiếp kiến sáng hôm qua, còn có đông đảo các GM, ngồi sau lưng của ĐTC trên thềm đền thờ thánh Phêrô.
130
Quảng diễn đoạn Phúc Âm theo thánh Gioan thuật lại sự tích thánh Tông Đồ không tin, và được Chúa Phục Sinh hiện ra bảo ông xỏ tay vào các dấu đanh của ngài, ĐTC nói:

”Tiếp tục cuộc gặp gỡ của chúng ta với 12 Tông Đồ được Chúa Giêsu trực tiếp chọn, hôm nay, chúng ta dành sự chú ý tới Tôma. Thánh nhân luôn hiện diện trong 4 danh sách được trình bày trong Tân Ước: trong 3 Phúc Âm đầu, Tôma được đặt cạnh Mathêu (cf Mt 10,3), còn trong sách Tông Đồ Công Vụ, Tôma ở cạnh Philiphê (cf At 1,13). Tên của thánh nhân xuất phát từ gốc Do thái, Ta'am, có nghĩa là ”song sinh” hay là 'sinh đôi”. Thực vậy, Tin Mừng theo thánh Gioan nhiều lần gọi Tôma bằng biệt danh ”Didimo” (cf Gv 11,16; 20,24), trong tiếng Hy lạp, từ này có nghĩa là ”sinh đôi”. Ngừơi ta không rõ tại sao có danh hiệu ấy.

Đặc biệt Phúc Âm thứ tư trình bày cho chúng ta một số chi tiết phác họa vài nét về nhân cách của Tôma. Chi tiết thứ nhất là lời thánh nhân khuyên các Tông Đồ khác, khi Chúa Giêsu, trong một lúc gay cấn trong đời ngài, đã quyết định đi Betania để hồi sinh Lazzaro, và như thế, ngài tiến lại gần Jerusalem một cách nguy hiểm (cf Mc 10,32). Trong dịp ấy, Tôma nói với các môn đệ khác: ”Cả chúng ta cũng đi và chết với Thầy” (Gv 11,16). Sự quyết chí này của Tôma trong việc theo Thầy thực là gương mẫu và mang lại cho chúng ta một giáo huấn quí giá: sự kiện ấy bộc lộ sự sẵn sàng hoàn toàn của thánh nhân gắn bó với Chúa Giêsu, cho đến độ đồng hóa số phận của mình với số phận của Ngài, và muốn chia sẻ với Ngài thử thách tột cùng là cái chết. Thực vậy, điều quan trọng nhất là không bao giờ rời bỏ Chúa Giêsu. Đàng khác, khi các Phúc Âm dùng động từ ”bước theo” là để chỉ rằng nơi mà Chúa đi tới, các môn đệ cũng đi đến đó. Qua đó, đời sống Kitô được định nghĩa như một cuộc sống với Chúa Giêsu Kitô, một cuộc sống cùng trải qua với Chúa. Thánh Phaolô đã viết một điều tương tự, khi thánh nhân trấn an các tín hữu Kitô tại Corinto: ”Anh chị em ở trong con tim chúng tôi, để cùng chết và cùng sống” (2 Cor 7,4). Điều xảy ra nơi Thánh Tông Đồ và các tín hữu của ngài, hiển nhiên là cũng được áp dụng trước tiên đối với quan hệ giữa các tín hữu Kitô với chính Chúa Giêsu”.

Sự can thiệp thứ hai của Tôma được ghi lại trong Bữa Tiệc Ly. Trong dịp đó, CHúa Giêsu, khi loan báo sự sắp sửa ra đi của ngài, cho biết ngài ra đi để chuẩn bị chỗ cho các môn đệ, để họ cũng được ở với ngài tại nơi ngài ở; và ngài nói rõ với họ: ”Nơi Thầy đến, các con đã biết đường tới rồi” (Gv 14,4). Lúc ấy, Tôma lên tiếng nói: ”Lạy Chúa, chúng con không biết Chúa đi đâu, thì làm sao chúng con biết đường được?” (Gv 14,5). Trong thực tế, qua câu đó, thánh nhân đặt mình ở mức độ hiểu biết còn khá thấp; nhưng những lời ấy tạo cơ hội cho Chúa Giêsu đưa ra định nghĩa thời danh này: ”Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Gv 14,6). Và mạc khải ấy được tỏ lộ trước tiên cho Tôma, nhưng cũng có giá trị cho tất cả mọi người. Mỗi lần chúng ta nghe hoặc đọc những lời ấy, chúng ta có thể đặt mình trong tư tưởng cạnh thánh Tôma và tưởng nghĩ rằng Chúa cũng nói với chúng ta như ngài nói với thánh nhân. Đồng thời, có thể nói, câu hỏi của Tôma cũng mang lại cho chúng ta quyền được xin Chúa Giêsu giải thích. Qua đó, chúng ta biểu lộ khả năng hiểu biết yếu kém của mình, đồng thời chúng ta đặt mình trong thái độ tin tưởng và tín thác của người đang chờ đợi ánh sáng và sức mạnh của Đấng có thể ban cho chúng ta.

”Và điều rất nổi tiếng, như trở thành như một tục ngữ, đó là cảnh tượng Tôma người cứng lòng tin, xảy ra 8 ngày sau khi Chúa sống lại. Thoạt đầu, Tôma không tin Chúa Giêsu hiện ra trong lúc ông vắng mặt, và nói: ”Nếu tôi không thấy dấu đanh nơi bàn tay Ngài và không xỏ ngón tay vào các lỗ đinh, và không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin” (Gv 20,25). Xét cho cùng, từ những lời ấy nảy sinh xác tín rằng Chúa Giêsu từ nay chỉ có thể được nhận diện, không phải từ sự thấy ngài, nhưng từ các vết thương. Tôma cho rằng các dấu hiệu hùng hồn nhất về căn cước của Chúa Giêsu từ nay chính là các vết thương, trong đó có biểu lộ Chúa yêu thương chúng ta đến độ nào. Về điểm này, thánh Tông Đồ không sai lầm. Như chúng ta biết, 8 ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra với các môn đệ, và lần này cả Tôma cũng có mặt. Và Chúa Giêsu gọi hỏi thánh nhân: ”Con hãy đặt ngón tay con vào đây, hãy nhìn đôi tay Thầy đây; hãy giơ tay và đặt vào cạnh sườn Thầy đây; và đừng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy tin” (Gv 20,27).

Tôma đã phản ứng với lời tuyên xưng đức tin một cách hùng hồn nhất trong toàn thể Tân Ước: lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! (Gv 20,28). Về điều này, thánh Augustino đã bình luận: Tôma đã thấy và động chạm đến Người, nhưng tuyên xưng niềm tin của mình nơi Thiên Chúa, là Đấng ông không thấy và cũng không động chạm đến. Nhưng điều ông thấy và động chạm đến đã đưa ông đến chỗ tin nơi điều mà cho đến bấy giờ ông nghi ngờ” (In Iohann. 121,5). Thánh sử Phúc âm tiếp tục với lời cuối cùng của Chúa Giêsu nói với Tôma: ”Vì con thấy Thầy, nên con tin; phúc cho những người không thấy mà tin” (Gv 20,29). Câu này cũng có thể đặt ở thì hiện tại: ”Phúc cho những người hiện không thấy mà vẫn tin”. Dầu sao thì, nơi đây, Chúa Giêsu nói lên một nguyên lý căn bản cho các tín hữu Kitô đến sau Tôma, nghĩa là cho tất cả chúng ta. Thật là điều thích thú khi nhận xét rằng một vị khác cũng tên là Tôma, là nhà đại thần học thời trung cổ ở Aquino, liên kết công thức phúc thật này với công thức có vẻ trái ngược được thánh Luca kể lại: ”Phúc cho những đôi mắt thấy những điều mà các con đang thấy” (Lc 10,23). Nhưng thánh Tômaso Tiến Sĩ bình luận: ”Người không thấy mà tin thì có công phúc hơn nhiều so với người thấy mà tin” (In Johann. XX Lectio VI, 2566). Thực vậy, Thư gửi tín hữu Do thái, khi nhắc đến một loạt các Tổ Phụ thời Kinh Thánh, đã tin Thiên Chúa mà không thấy những lời hứa của Chúa được thể hiện, định nghĩa đức tin như ”căn bản của những điều ta hy vọng và là bằng chứng của những điều ta không nhìn thấy” (11,1). Trường hợp Tông Đồ Tôma thật là quan trọng đối với chúng ta vì ít là 3 lý do: thứ I, vì củng cố chúng ta trong sự không xác tín; thứ hai vì trường hợp ấy tỏ cho chúng ta rằng mọi nghi ngờ có thể đưa tới một kết luận rạng ngời vượt lên trên mọi sự không chắc chắn; và sau cùng, vì những lời Chúa Giêsu nói nhắc nhớ chúng ta về ý nghĩa đích thực của đức tin trưởng thành và khích lệ chúng ta tiếp tục tiến bước trên con đường gắn bó với Chúa, dù có những khó khăn.

”Một nhận xét cuối cùng về Tôma được ghi lại trong Phúc Âm thứ tư, trình bày thánh nhân như chứng nhân của Đấng Phục Sinh trong lúc xảy ra mẻ cá lạ lùng trên Hồ Tiberiade (cf Gv 21,2). Trong dịp ấy, Tôma được nhắc đến ngay sau Simon Phêrô: đó là dấu chỉ hiển nhiên về tầm quan trọng của thánh nhân trong các cộng đồng Kitô tiên khởi. Thực vậy, nhân danh thánh nhân đã có những Công Vụ và Phúc Âm Tôma được viết ra: cả hai tác phẩm này, tuy lá ngụy thư, nhưng cũng quan trọng để nghiên cứu thời nguyên thủy của Kitô giáo. Sau cùng chúng ta nhớ rằng, theo một truyền thống cổ kính, Tôma rao giảng Tin Mừng trước tiên tại Siri và Ba Tư, như ông Origène đã nói, và được sử gia Eusebia thành Cesarea kể lại, (Hist. eccl. 3,1), và thánh nhân đi đến tận miền Tây Ấn độ (Công Vụ Tôma 1-2 và 17ss), tại đây Kitô giáo lan tới miền nam Ấn độ. Trong viễn tượng truyền giáo này, chúng ta kết thúc suy tư của chúng ta nơi đây, với mong ước rằng tấm gương của thánh Tôma ngày càng củng có niềm tin của chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô, là Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta”.

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.