2006-09-14 19:20:58

ĐỨC THÁNH CHA KẾT THÚC CHUYẾN VIẾNG THĂM 6 NGÀY TẠI ĐỨC


ROMA. Chiều 14-9-2006, ĐTC Biển Đức 16 đã về đến Roma bằng an, kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm 6 ngày tại quê hương ở miền Bavière bên Đức.

Hoạt động cuối cùng của ngài là cuộc gặp gỡ hàng ngàn linh mục và phó tế vĩnh viễn lúc 11 giờ tại nhà thờ chính tòa Freising. Thành phố này hiện có 45 ngàn dân cư và chính tại thánh đường này, ngày 29-6-1951, thầy Joseph Ratzinger đã được thụ phong LM cùng với anh ruột Georg Ratzinger và 42 đại chủng sinh cùng lớp. Sau đó, tân LM đã làm việc mục vụ và dạy học tại đây.
Trong bài giảng sau đoạn sách thánh, ĐTC đã bỏ bài huấn dụ dọn sẵn nói về ý nghĩa ơn gọi LM cũng như phó tế, và nhu cầu của các thừa tác viên thánh chức phải tăng đường đời sống nội tâm, cầu nguyện và kết hiệp với Chúa. Ngài ứng khẩu nhắc đến bao nhiêu kỷ niệm tại Nhà thờ chính tòa Freising và nói: ”Tôi đã dọn sẵn bài giảng cho bài hôm nay, nhưng tôi không đọc. Anh em đã in sẵn bài đó rồi, anh em có thể đọc.

”Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh hai yếu tố trong bài Phúc Âm chúng ta đã đọc (Mt 9,35-38). Mùa gặt thật là rộng lớn, không những lúc Chúa Giêsu ở Palestine. Nhưng cả ngày nay, trong tâm hồn của con người, mùa gặt cũng đang gia tăng. Dân chúng mong đợi một lời, không phải chỉ là một lời nói, nhưng là Lời Tình Yêu Thương của Thiên Chúa, đi xa hơn cuộc sống tầm thường.
”Đúng vậy, có mùa gặt, và Thiên Chúa muốn con người chấp nhận cộng tác vào mùa gặt của Ngài, để hun nóng nhân loại mới bằng niềm vui tươi, và yêu thương.”

Nhắc đến tình trạng mùa gặt thì nhiều mà thợ gặt thì ít, ĐTC nói: ”Chúng ta thấy con số linh mục giảm sút.. tuy rằng chúng ta tụ tập nơi đây thật là đông đảo. Dĩ nhiên, gánh nặng các LM phải vác càng nặng thêm, chúng ta có thể cảm thấy mệt mỏi hơn và có thể cảm thấy nản chí. Rất nhiều người hỏi tôi: vậy phải làm thế nào bây giờ? Phải chăng sứ vụ linh mục có nguy cơ trở thành một cái nghề làm cho chúng ta suy tàn, không còn mang lại cho chúng ta niềm vui nữa? Tôi không có công thức ở đây, và cũng không thể đề ra những qui luật có giá trị cho tất cả mọi người. Thánh Phaolô đã viết: chúng ta phải thông truyền tư tưởng, tinh thần của Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã đến để liên kết với những đau khổ của nhân loại. Thái độ của Chúa phát sinh từ sự thúc đẩy phải mang ánh sáng Thiên Chúa, sống Nước Thiên Chúa trong nội tâm cũng như qua những cử chỉ bên ngoài. Chúa Giêsu ăn rễ sâu trong liên hệ với Chúa Cha, như các sách Phúc Âm đã nói; hoạt động của Ngài đến từ mối liên hệ sâu xa với Chúa Cha. Chúng ta phải làm sao để điều ấy cũng hiện diện trong tâm hồn chúng ta. Thái độ của Chúa Kitô được biểu lộ qua câu: Xin cho Nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện. Chính điều này làm cho chúng ta cũng đi đến với con người. Chúng ta càn phải thắt chặt mối liên hệ giữa lòng nhiệt thành và sự khiêm tốn, tôn trọng những giới hạn của mình. Lòng nhiệt thành thúc đẩy chúng ta hướng về nhân loại, người trẻ, người già, nghĩa là trở thành tông đồ của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng để cho lòng nhiệt thành ấy không hủy hoại chúng ta, thì cần phải có sự nhìn nhận những giới hạn của mình.”

ĐTC cũng nhắc nhở các LM hãy chấp nhận những giới hạn của mình, liên kết lòng nhiệt thành với sự khiêm tốn, nghĩa là giữa việc phục vụ với đời sống nội tâm. Ngài nói: ”Giáo hội cho chúng ta môi trường nổi tâm, đó là một hồng ân nội tâm đến từ phụng vụ, Thánh Lễ, đây là những điều không thể cử hành một cách vội vã. Nếu chúng ta cử hành phụng vụ với tất cả tâm hồn, nhưng một thành quà Chúa gửi đến tâm hồn chúng ta, thì đó sẽ là một món quà rất lớn, khiến chúng ta có thể trao ban điều vượt quá những điều chúng ta sở hữu, đó là sự hiện diện của Thiên Chúa.
”Một môi trường nội tâm mà Giáo Hội dành cho chúng ta, đó là phụng vụ các giờ kinh. Anh em hãy cố gắng thi hành phụng vụ này, tôn kính phụng vụ như một đối tượng rất sâu xa. Như thế, chúng ta sẽ liên kết trong kinh nguyện bao nhiêu người không thể cử hành các giờ kinh ấy. Đây không phải là rút lui vào lãnh vực riêng tư. Chúng ta là các vị mục tử linh hồn, có nhiệm vụ làm cho người khác cảm thấy sự hiện diện của Chúa Kitô.”

Sau khi ban phép lành kết thúc, ĐTC còn thân ái bắt tay 30 LM cùng chịu chức với ngài cách đây 55 năm. Tiếp đến ngài ra phi trường thành phố Munich cách đó 11 cây số. Tại đây, vào lúc 12 giờ, đã diễn ra nghi thức từ biệt, với sự hiện của thủ tướng bang Bavière, Ông Edmund Stoiber, cùng với các HY và GM của Đức. Ngoài ra có hàng trăm bạn trẻ thuộc các giáo xứ miền Bavière, vui mừng vẫy cờ và ca hát.

Chiếc máy bay Airbus 321 của hãng Lufthansa chở ĐTC, đoàn tùy tùng và 60 ký giả, đã cất cánh lúc gần 1 giờ trưa. Viên phi công lái máy bay này, ông Martin Ott, 50 tuổi, cũng là một cựu sinh viên của ĐTC khi ngài còn LM giáo sư ở Regensburg. Ông đã cho máy bay bay trên các thị trấn Tittmoning, Traustein và Aschau am Inn, là những nơi ĐTC đã cư ngụ với gia đình vài năm trong thời niên thiếu, nhưng vì thời giờ eo hẹp, ngài không đến thăm được lần này.
Có rất nhiều phản ứng tích cực của giáo quyền, dân chúng và dư luận ở Đức. Ông Ludwig Ring-Eifel, giám đốc hãng tin Công Giáo Đức KNA, ông nhận định rằng sau cuộc viếng thăm của ĐTC tại Đức, các cơ quan truyền thông tả phái tại nước này, vốn không có thiện cảm với Công Giáo, nay đã thay đổi lập trường và có một phán đoán quân bình và rõ ràng hơn. Thậm chí họ cũng đăng tải những lời của ĐGH nói về Đức Mẹ, một điều không thể tưởng tượng được đối với các cơ quan truyền thông này cách đây vài năm. Thậm chí họ đăng trọn vẹn các bài diễn văn của ĐTC, cả những bài có nội dung cao về thần học. Đó thực là một điều mới mở đối với chúng tôi. Các bài tường thuật của các cơ quan truyền thông ở Đức về cuộc viếng thăm của ĐGH phong phú hơn trước đây, các đài truyền hình công và tư đã tường thuật trọn vẹn các sinh hoạt trong cuộc viếng thăm.

Ông Ring Eifel nói: ”Tôi đã thấy những bạn đồng nghiệp vốn công khai xưng mình là vô thần bây giờ dành chỗ đứng nhiều hơn cho tôn giáo và nói về tôn giáo với niềm tôn trọng nhiều hơn”.
Tuy nhiên, nhiều cộng đoàn Hồi giáo ở các nơi lên tiếng phản đối ĐGH, có lẽ vì những người này chỉ đọc những tin tức báo chí cắt xét, hoặc giải thích sai về những lời ngài nói liên quan tới Hồi giáo. LM Frederico Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh hoàn toàn bác bỏ những giải thích sai lầm đó.

G. Trần Đức Anh OP







All the contents on this site are copyrighted ©.