2006-09-11 17:40:49

NGÀY THỨ 3 TRONG CHUYẾN VIẾNG THĂM CỦA ĐỨC THÁNH CHA TẠI ĐỨC


ATLOETTING. ĐTC Biển Đức 16 đã dành hôm 11-9-2006, ngày thứ 3 trong 6 ngày viếng thăm mục vụ tại Đức, cho Đền thánh Đức Mẹ tại Altoetting và vùng phụ cận.

Thị trấn Altoetting, thuộc giáo phận Passau, tuy chỉ có 13 ngàn dân cư, nhưng vẫn được coi là ”Con tim tôn giáo của miền Bavière”. Mỗi năm có hơn 1 triệu tín hữu từ các nơi ở Đức và các nước Trung Âu, đến hành hương trước tượng Đức Mẹ Đen cao 65 centimet, bồng Chúa Hài Đồng, được đặt trong Nhà Nguyện Ân Phúc của Đền Thánh này. Pho tượng bằng gỗ, bị ám khói nến qua dòng thời gian. Nhà nguyện này có từ khoảng năm 1300, nhưng trở nên nổi tiếng từ năm 1489, với hai cuộc hiện ra của Đức Mẹ. Trong nhà nguyện có rất nhiều bảng tạ ơn Đức Mẹ.
ĐTC đã đáp trực thăng từ Munich đến Altoetting lúc 9 giờ sáng, để cử hành thánh lễ trước sự hiện diện của 60 ngàn tín hữu tại Quảng trường trước Đền Thánh. Đồng tế với ĐTC, có lối 50 HY và GM, cùng với một số LM, đặc biệt là anh ruột của Ngài, Đức Ông Georg Ratzinger.

Cạnh bàn thờ, trên lễ đài là pho tượng Đức Mẹ Đen được đưa từ nhà nguyện bên trong Đền thờ tới đây.
Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã diễn giảng về ý nghĩa bài Phúc Âm theo thánh Gioan về tiệc cưới Cana, sự can thiệp của Mẹ Maria với Chúa Giêsu cho đôi tân hôn đang gặp tình cảnh khó khăn vì thiếu rượu. Ngài nhấn mạnh rằng:
Chúng ta thấy có 2 điều trong câu nói đơn sơ của Mẹ Chúa Giêsu ”Họ thiếu rượu rồi”: một đàng là sự quan tâm ân cần của Mẹ đối với loài người, sự quan tâm từ mẫu của Mẹ khiến Mẹ nhận thấy tình trạng khó khăn của người khác, chúng ta thấy lòng từ nhân nồng nhiệt và sự sẵn sàng của Mẹ trong việc giúp đỡ. Đó chính là người Mẹ mà dân chúng, từ bao thế hệ, vẫn lên đường đến hành hương tại Altoetting này. Chúng ta cũng hãy phó thác cho Mẹ những lo âu, bận tâm, những nhu cầu và tình trạng cơ cực của chúng ta. Lòng nhân từ sẵn sàng giúp đỡ của Mẹ, chúng ta thấy ở trong Kinh Thánh và đoạn Phúc Âm về tiệc cưới Cana nói đến lần đầu tiên.

Thêm vào khía cạnh quen thuộc ấy trong câu nói của Đức Mẹ, còn có một khía cạnh khác mà chúng ta thường không để ý: Mẹ Maria đặt tất cả mọi sự cho sự phán đoán của Chúa. Tại Nazareth, Mẹ đã giao nạp ý muốn của Mẹ và làm cho ý muốn ấy chìm đắm trong ý Thiên Chúa: ”Này tôi là nữ tỳ Chúa, xin hãy xảy đến cho tôi như lời sứ thần đã nói” (Lc 1,38). Qua đó, Mẹ dạy chúng ta cầu nguyện: đừng muốn khẳng định ý muốn và những mong ước của chúng ta trước mặt Chúa, nhưng để cho Chúa quyết định điều mà ngài muốn làm. Từ nơi Mẹ Maria, chúng ta hãy học lòng từ nhân sẵn sàng giúp, và học cả lòng khiêm tốn và quảng đại chấp nhận ý CHúa, tín thác nơi Chúa với xác tín rằng câu trả lời của Chúa chính là thiện ích đích thực cho chúng ta”.

Trong các ý nguyện được xướng lên trong phần lời nguyện phổ quát, người ta ghi nhận cũng có một ý nguyện cho các nạn nhân các vụ khủng bố. Hôm qua, 11-9, cũng là kỷ niệm 5 năm các vụ khủng bố xảy ra tại Hoa Kỳ, đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong lịch sử Hoa Kỳ và thế giới.

Cuối thánh lễ, lúc gần 12 giờ trưa, ĐTC đã chủ sự cuộc rước Mình Thánh Chúa đến một nhà nguyện mới được thiết lập cách Đền thánh 200 mét. Mình Thánh Chúa bắt đầu được chầu liên tục tại đây.

Ban chiều cùng ngày 11-9-2006, ĐTC đã chủ sự buổi hát kinh chiều tại Đền thờ thánh Anna, cũng tại Altoetting, trước sự hiện diện của 3 ngàn người gồm tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các giáo dân thành viên các hội Giáo HOàng về ơn gọi đã dành cho ngài một sự tiếp đón thật nồng nhiệt.
Trong bài giảng, ĐTC đặc biệt thích ý nghĩa ơn gọi LM và tu sĩ với hai đặc tính: ở với Chúa và được Chúa sai đi, để từ đó, kêu gọi các LM, tu sĩ hãy dấn thân đào sâu đời sống thân mật với Chúa để cho thể mang Chúa đến cho tha nhân. ĐTC nói:
”Chúng ta đi đâu, nếu chúng ta đáp lại tiếng gọi của Chúa? Định nghĩa chính xác nhất của thánh sử Marco về sứ mạng linh mục cũng có giá trị đối với các tu sĩ nam nữ. Trong trình thuật về việc Chúa gọi 12 tông đố, thánh nhân viết: ”Chúa thiết lập nhóm 12 để họ ở với Người và để sai họ đi” (Mc 3,14). Ở với Người, và với tư cách là những người được sai đi, họ hành trình tiến về con người - 2 điều này đi song đôi với nhau, và hợp thành yếu tính của ơn gọi thiêng liêng, của chức linh mục. Ở với Chúa và được sai đó, đó là hai điều không thể tách rời nhau. Chỉ những ai ở với Chúa thì mới học biết Người và có thể thực sự rao giảng về Người. Ai ở với Chúa, thì không giữ cho mình những gì đã tìm được, nhưng phải thông truyền cho tha nhân.”

”Nhưng làm sao thực hiện việc ở với Chúa? Điều quan trọng trước tiên và quan trọng nhất đối với các linh mục là thánh lễ hằng ngày, luôn được cử hành với sự tham dự sâu xa trong nội tâm. Nếu chúng ta thực c sự cử hành thánh lễ như những người cầu nguyện, nếu chúng ta liên kết lời nói và hành động của chúng ta với lời đi trước chúng ta và với nghi thức thánh lễ, nếu trong sự hiệp lễ, chúng ta thực sự để cho mình Chúa đón lấy và chúng ta đón nhận ngài, thì khi ấy chúng ta ở với Chúa”.

ĐTC cũng đề cao tầm quan trọng của phụng vụ các giờ kinh và việc chầu Mình Thánh Chúa. Ngài trưng dẫn lời thánh nữ Edith Stein, Đồng Bổn mạng Âu Châu: ”Chúa hiện diện trong nhà tạm với thiên tính và nhân tính của Chúa. Ngài ở đó, không phải cho mình, nhưng cho chúng ta: vì niềm vui của Chúa là ở với loài người. Và vì Chúa biết rằng chúng ta đang cần sự gần gũi bản thân của Ngài. Hậu quả đối với những người suy nghĩ bình thường là cảm thấy bị thu hút và thỉnh thoảng dừng lại trước Nhà Tạm bao lâu họ có thể” (Gesammelte Werke VII, 136f). Chúng ta hãy yêu thích được ở với Chúa! Tại đó chúng ta có thể nói với Chúa mọi sự. Chúng ta có thể trình bày cho ngài những lời cầu xin, những quan tâm lo âu của chúng ta. Những vui mừng, lòng biết ơn, những thất vọng, những hy vọng của chúng ta. Tại đó chúng ta cũng có thể lập lại với Chúa: ”Lạy Chúa, xin sai thợ đến mùa gặt của Chúa! Xin giúp con trở thành người thợ tốt trong vườn nho của Chúa!”.

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.